Thứ Năm, 14 tháng 1, 2021

Nói sao cho trẻ chịu học ở nhà và ở trường

Jane một đồng nghiệp đàn chị đưa tôi quyển sách How To Talk So Kids Will Listen and Listen So Kids Will Talk. Chị bảo, “Không biết quyển sách này có giúp gì được cho em không, nhưng những kỹ năng nêu trong này đã cứu chị khỏi phát điên, phát khùng với chính tụi nhóc ở nhà. Nó cũng giúp chị tạo nên sự thay đổi khác biệt cho lớp học của chị đấy!”

Tôi cảm ơn Jane, cất quyển sách vào cặp rồi quên khuấy nó luôn. Một tuần sau, trong khi đang nằm trên giường dưỡng bệnh vì cảm lạnh, tôi vớ đại quyển sách ấy và mở ra đọc. Những dòng chữ in nghiêng ở trang đầu tiên làm cho tôi phải nhổm người dậy:

Có mối liên hệ trực tiếp giữa cảm xúc và hành vi của trẻ.

Khi trẻ cảm thấy dễ chịu, chúng sẽ cư xử đúng mực.

Chúng ta phải làm sao để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu?

- Hãy chấp nhận cảm xúc của chúng!

Tôi nằm xuống gối, nhắm nghiền mắt lại. Mình đã thừa nhận cảm xúc của học sinh hay chưa? Tôi nhớ lại đôi ba lời đối đáp đã xảy ra giữa mình với học sinh trong tuần đó:

Học sinh: Thưa cô, em không viết được!

Tôi: Sao không được?

Học sinh: Thiệt mà! Em chẳng nghĩ ra cái gì để viết cả.

Tôi: Em phải cố mà nghĩ! Đừng có rên rỉ nữa! Viết đi!

Học sinh: Em ghét môn lịch sử! Ai thèm quan tâm đến những chuyện đã xảy ra cách đây cả trăm năm chứ!

Tôi: Em phải quan tâm! Ai cũng cần phải biết rõ về lịch sử nước mình.

Học sinh: Nhưng nó chán ngắt!

Tôi: Chán gì mà chán! Nếu chú ý thì em sẽ thấy nó rất hay.

Thật nực cười! Tôi vốn là người vẫn thường thuyết giáo cho học sinh về việc mỗi cá nhân đều có quyền có quan điểm và cảm xúc riêng. Thế nhưng, trong thực tế, hễ khi nào bọn trẻ bộc lộ cảm xúc là tôi lại dập tắt đi ngay. Tôi bắt bẻ, tranh luận với chúng. Như vậy, thông điệp ngầm mà tôi chuyển đến chúng là, “Em cảm thấy như thế là sai rồi. Hãy nghe theo lời cô đi.”

Tôi ngồi dậy và cố nhớ xem các thầy cô của mình ngày xưa có làm như thế với mình không. Có một lần ở trường trung học, khi tôi đang buồn vì lần đầu tiên bị điểm thấp môn toán, mà giáo viên dạy toán lại cứ cố nhồi vào đầu tôi một lời động viên, “Chẳng việc gì phải buồn bực cả, Liz. Không phải vì em thiếu khả năng về môn hình học, chỉ vì em chưa tập trung chú ý thôi. Em cần phải quyết tâm hơn nữa. Vấn đề nằm ở chỗ ý chí của em dở quá!”

Đương nhiên là thầy nói đúng, và tôi hiểu rất rõ ý thầy, nhưng những lời ấy lại khiến tôi cảm thấy mình ngu ngốc và kém cỏi quá chừng. Tới chỗ “em dở quá”, tôi không thèm lắng nghe nữa mà cứ nhìn bộ ria mép của thầy động đậy lên xuống, và ráng chờ cho thầy nói xong để chuồn cho lẹ. Phải chăng học sinh của tôi giờ đây cũng cảm thấy như thế về tôi?

Trong những tuần sau đó, tôi cố gắng phản ứng một cách nhạy cảm hơn với những cảm xúc của học trò mình, và cố đáp lại chúng một cách thỏa đáng:

“Muốn chọn một đề tài để viết thật chẳng dễ, đúng không em?”

“Cô hiểu em nghĩ gì về môn lịch sử. Em đang phân vân tại sao người ta lại quan tâm đến những việc đã xảy ra cách đây hàng trăm năm chứ gì.”

Cách này chính là lối thoát. Tôi có thể nhận thấy ngay rằng bọn trẻ đã có biến đổi. Chúng gật đầu, nhìn thẳng vào mắt tôi, và nói cho tôi nghe thêm về những gì chúng đang nghĩ.

Nhưng bỗng một ngày kia, Alex tuyên bố, “Em không muốn tới phòng thể dục nữa, không ai ép được em đâu!” Học trò gì mà ăn nói láo lếu như thế, làm sao mà chịu nổi cơ chứ! Không chần chừ một phút, bằng cái giọng khô khốc, tôi đáp, “Em phải đến phòng tập ngay, không thì em phải lên văn phòng!”

Tại sao việc thừa nhận những cảm xúc của trẻ lại khó đến thế? Vào bữa trưa, tôi đem câu hỏi đó ra hỏi Jane và các giáo viên ngồi cùng bàn ăn; tôi cũng kể với họ mình đã đọc được gì và đang nghĩ gì.

Chị Maria Estes, một phụ huynh tình nguyện, lập tức lên tiếng bênh vực giáo viên, “Mỗi thầy cô phải dạy hàng mấy chục học sinh, và phải dạy chúng bao nhiêu là thứ. Cô ép mình phải lưu ý đến từng lời nhỏ nhặt như thế làm gì!”

Jane thì tỏ ra trầm tư, “Có lẽ vậy, nhưng phải chi hồi trước cha mẹ và thầy cô của chúng ta chịu khó để ý một chút về lời nói của họ, thì ngày nay chúng ta đã không bị thiếu quá nhiều kiến thức chưa được học như vậy. Nói thẳng ra, chúng ta là sản phẩm của quá khứ chúng ta. Bây giờ, chúng ta nói chuyện với học sinh của mình theo cái cách hệt như ngày xưa cha mẹ và thầy cô đã nói với chúng ta. Tôi biết, ngay cả với tụi nhóc ở nhà, tôi cũng phải mất rất nhiều thời gian để thôi không lặp lại những câu rập khuôn hồi xưa nữa. Đó là một bước tiến rất lớn đối với tôi, nhờ biết chuyển câu ‘Đau gì chứ! Chỉ là một vết xước tí tẹo thôi mà!’ đổi thành ‘Ừ, trầy da là đau lắm đó!’”

Ken Watson, thầy giáo dạy môn khoa học, vặn lại, “Tôi không đồng ý. Tôi thấy nói như vậy thì có gì khác đâu.”

Tôi còn đang vắt óc tìm một ví dụ để Ken Watson tự mình nghiệm ra sự khác nhau giữa hai câu đó thì đã nghe Jane bảo, “Ken à, hãy tưởng tượng thế này nhé, anh là một cậu thiếu niên vừa được gọi vào đội bóng rổ, bóng đá, hay bóng gì gì đó của trường.”

Ken mỉm cười, “Bóng đá đi.”

“Ờ, bóng đá,” Jane gật đầu, “Vậy hãy tưởng tượng, anh đang hăm hở đến buổi tập đầu tiên thì gặp ông huấn luyện viên độp ngay một câu rằng, anh đã bị loại khỏi danh sách đội bóng.”

Ken rên lên.

“Một lát sau,” Jane nói tiếp, “anh gặp giáo viên chủ nhiệm ở hành lang và kể cho cô ấy nghe hết mọi chuyện vừa xảy ra. Giờ, giả sử tôi là cô giáo đó nhé, và tôi đã phản hồi theo rất nhiều cách, nhưng khổ nỗi, không một cách nào thích hợp với tâm trạng buồn bã mà thằng bé bên trong anh đang cảm nhận, hoặc nghĩ tới sau mỗi lời đáp của tôi.”

Ken cười toe, rút ra một cây viết và với lấy một tờ khăn giấy.

Sau đây là những giả thiết khác nhau về những lời mà Jane - trong vai cô giáo chủ nhiệm - đã đáp lại “học sinh” Ken:

1. Chối bỏ cảm xúc

“Lúc này em có đau khổ, giận hờn cũng chẳng giải quyết được gì. Trái đất có nổ tung vì em bị loại khỏi đội bóng đâu. Thôi, quên việc đó đi!”

2. Triết lý

“Cuộc đời vốn không công bằng mà, nhưng em phải học cách chịu đựng những cú đấm của nó thôi!”

3. Khuyên răn

“Em đừng mất tinh thần vì chuyện này. Hãy cố gắng rèn luyện để được vào một đội khác.”

4. Chất vấn

“Em có nghĩ ra lý do vì sao mình bị loại không? Chắc tại các bạn khác chơi giỏi hơn em chứ gì? Thế em bây giờ định làm gì?”

5. Bênh vực phía bên kia

“Em hãy thử đặt mình vào vị trí của huấn luyện viên xem. Thầy ấy muốn xây dựng một đội bóng chiến thắng. Chắc hẳn thầy ấy đã rất khó khăn khi phải quyết định ai ở lại, ai ra khỏi đội.”

6. Thương hại

“Ối, tội nghiệp em quá! Cô hiểu em thấy thế nào mà. Em đã cố gắng rất nhiều để được chọn vào đội tuyển, nhưng em chưa đủ giỏi. Tất cả các bạn khác đều biết thế.”

7. Nhà phân tích tâm lý nghiệp dư

“Em có nghĩ rằng lý do thật sự của việc bị gạt ra khỏi đội bóng chính là vì thái độ ‘thiếu lửa’ của em không? Cô nghĩ, trong tiềm thức, em vốn không muốn vào đội, vì vậy em mới cố ý làm rùm beng chuyện này lên.”

Ken giơ hai tay lên trời, “Thôi, thôi! Đủ rồi. Tôi hiểu rồi.”

Tôi nói Ken cho tôi xem anh vừa mới viết ra những gì. Anh đẩy cho tôi tấm khăn giấy. Tôi đọc to lên:

“Đừng dạy em phải cảm thấy như thế nào.”

“Đừng dạy em phải làm gì.”

“Cô chẳng bao giờ hiểu được đâu.”

“Cô có biết phải làm gì với những vấn đề của cô không? Cô đứng về phía tất cả mọi người, ngoại trừ em.”

“Em là kẻ thua cuộc.”

“Đây là lần cuối cùng em thổ lộ bất cứ điều gì với cô.”

“Chết thật,” Maria thốt lên. “Tôi thường hay nói với thằng Marco nhà tôi rất nhiều câu giống như Jane vừa nói với Ken. Nếu không muốn chúng đốp chát lại như thế thì ta phải nói sao đây?”

“Thừa nhận tâm trạng thất vọng của chúng,” tôi trả lời rất nhanh.

“Bằng cách nào?” Maria hỏi.

Tôi ngắc ngứ không tìm được câu trả lời. Tôi nhìn Jane cầu cứu. Chị quay qua Ken và nhìn thẳng vào mắt anh, “Ken à, bị gạt khỏi đội bóng khi đã tin chắc là mình có tên trong danh sách hẳn là một cú sốc rất nặng, một nỗi thất vọng ghê gớm lắm, đúng không?”

Ken gật đầu, “Dạ, đúng ạ! Một cú sốc tệ hại. Thất vọng vô cùng. Nhưng thành thật mà nói, em thực sự cảm thấy nhẹ nhõm khi có người chịu hiểu điều đơn giản ấy.”

Sau đó chúng tôi còn thảo luận với nhau nhiều nữa. Maria thú thật là từ khi chị lớn lên, chưa từng có ai chịu thừa nhận hay hiểu những cảm xúc của chị cả. Ken hỏi, “Vậy tại sao chúng ta lại dám nghĩ tới chuyện sẽ mang đến cho học trò những điều mà chính chúng ta cũng chưa từng có?”

Rõ ràng chúng ta cần luyện tập nhiều hơn nếu muốn áp dụng phương pháp phản hồi mới mẻ này với trẻ.

Trích từ cuốn: Nói sao cho trẻ chịu học ở nhà và trường (Adele Faber - Elaine Mazlish)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét