Thứ Ba, 12 tháng 1, 2021

Nguyễn Cơ Thạch trò chuyện với tỉ phú Mỹ

 

Những cuộc trò chuyện của Nguyễn Cơ Thạch với tỉ phú Mỹ và nhà kinh tế đoạt giải Nobel

Trong quá trình đi tìm hiểu về nhiệm kỳ Bộ trưởng của Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, tôi*   cũng có may mắn trò chuyện với Học giả Vũ Quang Việt - một nhà kinh tế người Mỹ gốc Việt. Ông từng là Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê LHQ, cũng là người có nhiều công trình nghiên cứu và đóng góp cho tư duy kinh tế của Việt Nam. Dưới thời Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Vũ Quang Việt được mời làm cố vấn về kinh tế cho cả chính phủ Việt Nam lẫn cá nhân ông Thạch.

Nhà kinh tế Vũ Quang Việt chia sẻ, điều mà ông ấn tượng nhất ở Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch chính là tinh thần ham tìm hiểu: "Ông Thạch là lãnh đạo duy nhất mà mỗi lần đi họp Đại Hội đồng LHQ thì đều muốn gặp các chuyên gia và giáo sư người Mỹ để hiểu về các vấn đề từ năng lượng đến sản xuất thép cao cấp lò nhỏ, và nhất là các vấn đề phát triển kinh tế Mỹ và thế giới.

Nhiều người Mỹ, kể cả tôi đứng ra giúp ông tổ chức các cuộc gặp như thế. Tôi còn đưa cả GS đạt giải Nobel kinh tế Leontief đến gặp và nói chuyện với ông. Leontief là người được giải Nobel về kinh tế với công trình nhìn toàn bộ hoạt động sản xuất trong nền kinh tế như một bài toán đa ngành hỗ tương. Ông là người Nga và từng làm ở Uỷ ban Kế hoạch ở Liên Xô trước khi bỏ nước Nga đi sang Mỹ.

Leontief tin tưởng rằng chỉ có thị trường mới giải quyết được các vấn đề. Và câu chuyện về thị trường là câu chuyện được trao đổi nhiều nhất giữa ba chúng tôi. Tôi kể ra điều này thì nhiều người sẽ nghĩ ông Thạch bị chúng tôi ảnh hưởng. Nhưng thực ra chính vì ông Thạch là người đọc nhiều (cả sách Tiếng Anh, tiếng Pháp) và luôn sẵn sàng trao đổi với các chuyên gia nên giữa chúng tôi có sự đồng cảm.  Có nhiều vấn đề mà tôi không nắm kỹ, nhưng để trả lời những câu hỏi của ông Thạch, tôi buộc phải tìm hiểu.

Tỷ phú Mỹ Ross Perot (người từng tranh cử TT Mỹ năm 1992 và 1996) cũng là một trong số những người Mỹ dành cho ông Nguyễn Cơ Thạch rất nhiều tình cảm. Mỗi lần ông Nguyễn Cơ Thạch sang New York, ông đều trở thành thượng khách của Ross Perot. Họ thích ngồi cùng nhau, đàm đạo về những vấn đề kinh tế và chính trị. Và lần nào về, quà tặng của vị tỷ phú dành cho ông cũng là cơ man những sách kinh tế quý giá để ông mang về nước nghiên cứu.

Một trong những mối quan tâm đặc biệt của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch ngoài ngoại giao chính là nền kinh tế Việt Nam. Ông luôn được biết đến như một chính trị gia Việt Nam ủng hộ tư duy kinh tế thị trường, nên sau khi Việt Nam tiến hành đổi mới năm 1986, mỗi lần nói đến sự thay đổi của kinh tế Việt Nam với bạn bè quốc tế, khuôn mặt ông đều rất rạng rỡ.

Là người dí dỏm và hài hước, nên năm 1988, trong một lần làm việc ở Hội đồng Thương mại Việt – Mỹ, ông bỗng nói:

    -Tuy hết chiến tranh rồi, nhưng chúng tôi muốn nhập ít thuốc nổ.

Khi những người Mỹ có mặt ở đó chưa kịp hết ngạc nhiên trước câu nói của ông (vì ai cũng biết Mỹ vẫn chưa cho phép bán vũ khí cho Việt Nam thời điểm đó), thì Nguyễn Cơ Thạch tiếp lời:

    -Chúng tôi muốn đặt thuốc nổ phá hết nhà máy in tiền của Việt Nam.

Thế là tất cả đều ồ lên cười. Đó là thời điểm Việt Nam đang lạm phát rất cao. Và khi tìm hiểu kinh tế, Nguyễn Cơ Thạch biết rằng một trong các biện pháp kiểm soát lạm phát của người Mỹ là không được in tiền.

Trong bài phát biểu trước Hội đồng Thương mại Việt – Mỹ năm 1989, khi nói về sự thay đổi của Việt Nam mà thành tựu lớn nhất là giảm lạm phát từ gần 1000% xuống còn 40%, ông đã nói: "Nay chúng tôi có thể tự do trao đổi buôn bán.  Trước đó có lẽ chúng tôi chỉ sử dụng hình thức hàng đổi hàng như thời Trung Cổ".

Năm 1996, khi đã về hưu, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã viết cuốn sách "Thế giới trong 50 năm qua và Thế giới trong 25 năm tới".  Đó là kết quả của việc không ngừng nghiên cứu, học hỏi và những cuộc trò chuyện với các nhà kinh tế Mỹ. Cuốn sách đó, ông Nguyễn Cơ Thạch nhận định: "Động lực chính để phát triển văn minh nhân loại là các cuộc cách mạng về khoa học và công nghệ". Nhưng theo nhà kinh tế Vũ Quang Việt, thì ông hiểu rằng thông điệp của cuốn sách còn sâu xa hơn thế!

* Đại sứ Phạm Ngạc (Nguyên Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức Quốc tế và Đại sứ 5 nước Bắc Âu)

Theo Trí thức trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét