Thứ Tư, 18 tháng 11, 2020

Tôn sư trọng đạo

 

Tôn sư trọng đạo

.

Ngược dòng lịch sử, tìm về một xã hội Việt Nam xưa khi đạo học cao hơn cả đẳng cấp trong xã hội, dù là vua, quan cũng vẫn phải kính trọng thầy. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi lại câu chuyện cảm động về việc vua Lê Hiến Tông về thăm thầy cũ.

 


Thầy của vua Lê Hiến Tông là Đông các học sĩ Nguyễn Bảo, chịu trách nhiệm giảng dạy cho nhà vua trong giai đoạn còn là Thái tử. Trong thời gian cụ Nguyễn Bảo về Hải Dương, vua Lê Hiến Tông từng đến thăm hỏi.

.

Vua mời cụ ngồi lên sập giữa để mình đứng vấn an thầy. Cụ Nguyễn Bảo giật mình thốt lên: "Tâu bệ hạ, đâu lại có thể như thế được. Đạo thầy là nặng, song phép nước cao hơn, xin hoàng thượng cho lão phu này được đứng hầu. Người ngoài trông vào sao tiện ạ".

.

Nhà vua đáp: "Tôn sư cho phép đệ tử ngồi chung là đã quá lắm rồi".

Nói xong, nhà vua đỡ cụ xuống cùng ngồi đàm đạo. Vua hỏi thăm sức khoẻ và đời sống của thầy cùng gia đình, cùng bình thơ, luận phú.

.

Bữa cơm thầy trò diễn ra vô cùng thân mật, nhà vua đặc biệt thưởng thức món canh cua đồng, bất giác nói: "Thầy cho con ăn một bát canh này thật là niềm hạnh phúc. Hương vị cua đồng quê nhà ít có thức ăn nào sánh tày, quả là ngon".

.

Hình ảnh một vị vua không tùy tùng, không kèn, không trống, đi bộ vào bái kiến “tôn sư” đã trở thành giai thoại được lưu truyền trong hậu thế. Qua đó, giúp người đời sau hình dung được nền giáo dục của cha ông ta thời xưa mà tự vấn mình, nuôi dưỡng kế thừa và tiếp nối truyền thống tôn sư trọng đạo.

.

Dân tộc ta vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo. Cho dù thời thế xoay chuyển, bối cảnh lịch sử, nhân sinh quan, thế giới quan của con người thay đổi nhưng vai trò của người thầy, của đạo thầy trò vẫn còn nguyên giá trị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét