Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2020

Tình yêu lãng mạn là thứ không có thực

 

Tình yêu lãng mạn là thứ không có thực

Thời kỳ Victoria, tình yêu lãng mạn bắt đầu trở thành ý tưởng chính cho hôn nhân và dường như kéo dài cho đến tận ngày nay. Trước đó, mặc dù vẫn có sự tồn tại của tán tỉnh và tình yêu trang lứa, nhưng các cuộc hôn nhân hoặc là nặng tính sắp đặt bởi bố mẹ để tạo ra các quan hệ kinh tế chính trị, hoặc là tồn tại các tập tục như bắt vợ. Hôn nhân có vẻ làm khá tốt việc đan cài các mạng lưới xã hội lại với nhau cho đến tận ngày nay ở xã hội Việt Nam (đây cũng là lý do phụ huynh ở đây vẫn có sức nặng trong việc tác động đến quyết định của con cái).

Vì với những ai đã trải qua, bạn sẽ biết rằng không phải sinh con, cột mốc đau đầu nhất chính là đám cưới, thời khắc kỳ diệu biến những người trước kia từng xa lạ trở nên thân thuộc và có trách nhiệm với nhau.


Do vậy, cùng với sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân và không còn được áp đặt bởi bố mẹ, các cá nhân giờ đây phải tự tìm kiếm cho mình một người phù hợp, một tình yêu “đúng nghĩa” để gắn kết cả đời. Không phải mọi thứ đi cùng việc được tự đưa ra quyết định đều tích cực.

Điều này khá áp lực, vì chẳng ai dạy cách yêu đúng đắn, ngoại trừ… các bộ cổ tích và tiểu thuyết. Không còn được sắp đặt bởi bố mẹ, quyết định của cả nam lẫn nữ chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những gì họ được nghe từ bé, có thể là câu chuyện về những nàng công chúa tìm được vị hiệp sĩ của đời mình, có thể là những mối tình oái oăm nghịch cảnh được viết bởi Shakespeare. Nhưng mọi người quên mất một điều rất quan trọng: chúng đều không thực tế.

Trong quá trình tìm kiếm một điều không có thực, sẽ chỉ có một vài thứ chúng ta có thể tìm được: sự thất vọng, sự căm ghét bản thân, sự hài lòng trong ngắn hạn và sau đó lại thất vọng, mất niềm tin và mất phương hướng… Mặt khác lại một mình gặm nhấm sự thật đau đớn rằng bản thân không hài lòng được như “tình yêu lý tưởng” được xã hội tô vẽ.

Nghịch lý về sự lãng mạn khởi phát khi các giá trị đạo đức và trật tự xã hội trở nên chặt chẽ, cứng cáp và áp đặt nặng nề hơn đến các cá nhân. Vì theo nền tảng sinh học, hôn nhân một vợ một chồng và sự chung thủy sẽ chỉ dẫn đến một tình yêu bền vững thay vì lãng mạn, còn để theo đuổi sự lãng mạn cao siêu vô thực, có thể phần nào đạt được bằng việc đổi bạn tình liên tục và đối mặt với hàng loạt rủi ro (thực chất đây cũng là cách nhiều người lựa chọn).

Tư bản chủ nghĩa dường như biết điều này, và làm mọi cách để có thể kiếm được tiền dựa trên việc khai thác khao khát tìm kiếm tình yêu lãng mạn của các cặp đôi (đồng thời vẫn giữ lấy sự chung thủy). Họ dùng truyền thông để thay thế cho những câu chuyện kể, tiếp tục sử dụng các motif lãng mạn, cùng một ý đồ rõ ràng hơn.

Họ bán những chuyến du lịch với lời hứa hẹn “hâm nóng tình cảm”, bán những món đồ nội thất, những căn nhà với cam kết rằng sẽ giúp gia đình trở nên ấm áp và hạnh phúc hơn. Thậm chí, hàng loạt quảng cáo mì gói còn mạnh dạn cài cắm thông điệp giúp đem lại hạnh phúc gia đình và Tết đoàn viên vui vẻ (?!). Nhưng sự mạnh dạn của họ là có lý do, vì suy cho cùng, cả mì gói hay đồ nội thất đều cùng bán đi một kỳ vọng không có thực và không có cơ sở như nhau.

Sự xuất hiện của các dịp lễ, nghi thức tặng quà, mua sắm và vui chơi trong các dịp lễ ấy cũng là một biểu hiện khác mà tư bản đã vẽ ra nhằm giúp các cặp đôi nghĩ rằng “làm như vậy sẽ giúp cải thiện mối quan hệ”, “đây là biểu hiện của một tình yêu lãng mạn”. Một mặt, điều này không có ích gì với những cặp đôi đang có mối quan hệ lành mạnh; mặt khác, nó đánh lạc hướng và làm mờ đi những dấu hiệu nguy hiểm thực sự trong một mối quan hệ.

Chủ nghĩa tư bản mạnh lên cùng với truyền thông, và hàng loạt nghiên cứu đã cho thấy truyền thông có tác động vô cùng mạnh mẽ đến cách cá nhân nào đó chọn bạn tình, kỳ vọng về tình yêu, thậm chí quan điểm về tình dục. Vì với đa số người hiện đại, đây có thể là người thầy duy nhất dạy cách họ phải yêu như thế nào, đồng thời cũng là một người thầy tệ hại.

Truyền thông đã, đang và sẽ tạo ra những kỳ vọng không có thực về tình yêu, về người bạn đời lý tưởng, về mối quan hệ lý tưởng, thậm chí cả tần suất quan hệ tình dục lý tưởng (thứ vốn phụ thuộc nhiều vào cá nhân), cùng lúc là ý tưởng “mua thứ gì đó” để nhanh chóng đạt được thứ tình yêu lý tưởng ấy. Như mua mỹ phẩm để xinh đẹp hơn và tìm được hoàng tử của đời mình, mua khóa học để trở nên “đàn ông” để có thể hấp dẫn hơn, mua quần áo để trở nên quyến rũ giúp hâm nóng hôn nhân… Mọi thứ diễn ra như thể nếu bạn không đạt được kiểu tình yêu đạt chuẩn sau tất cả mọi nỗ lực mua sắm, tức là lỗi do bạn.

Quá đắm chìm vào kỳ vọng không thực tế, mọi người có vẻ quên mất rằng thứ xuất hiện phổ biến và nhận được nhiều sự đồng cảm nhất lại là các trò đùa về hôn nhân lâu năm, những thời than thở đãi bôi về vợ/chồng của mình hay sự đánh giá cao quá mức những người chồng tâm lý biết nấu ăn (vì người ta có xu hướng chú ý đến những thứ bất thường hiếm gặp). Hay dễ thấy hơn là việc người ta luôn kỳ vọng được tham dự những buổi “đám cưới đạt chuẩn”, dù hầu như cặp đôi nào đã trải qua cũng biết đó không gì hơn sự tốn kém và mệt mỏi phiền phức.

Con người đang tự nguyện đặt mình vào những khuôn mẫu độc hại phi thực tế, ngay cả khi họ thất bại trong thước đo đó. Đây quả thực là một điều khó hiểu.

Monster Box

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét