Sự giải trí dường như đang ngày càng quá mức
Chủ nghĩa tư bản phát triển đồng thời cũng mở ra thời kỳ công nghiệp giải trí cực thịnh, phần nào đó tiếp tục khai thác tiềm năng tiêu thụ của xã hội, phần khác đảm bảo rằng mọi người vẫn cảm thấy ổn thỏa trong hệ thống khắc nghiệt này. Tuy vậy, sự giải trí dường như đang ngày càng quá mức đến mức dần mất đi tác dụng (hay thậm chí phản tác dụng).
Chúng ta đang sống trong giai đoạn giải trí dễ dàng nhất trong suốt lịch sử thế giới từ trước đến nay. Sau một ngày đi làm mệt mỏi, không còn sức lực để làm bất kỳ điều gì có ý nghĩa cần đến sự nỗ lực, nhiều người được phục vụ tận mắt, tận tay hàng loạt những sản phẩm giải trí đa dạng. YouTube, Netflix, Tik Tok, pon húp, các thần tượng, sự xinh đẹp, sự đáng yêu, sự hài hước… tất cả những gì khiến chúng ta cảm thấy tích cực ngay lập tức đều có thể nhanh chóng truy cập chỉ thông qua việc lướt lướt màn hình ngay trước mặt.
Nhưng rồi mọi thứ, bắt đầu trở nên quen thuộc, và chúng ta đã bị lờn. Mạng xã hội và các văn hóa phẩm giải trí tràn lan bản thân nó đã được cho thấy có mối liên hệ mật thiết đến cảm giác buồn chán, cô đơn và trầm cảm thông qua nhiều nghiên cứu. Nhưng điều thực sự tệ ở đây, là chúng thậm chí còn đang khiến chúng ta ngày càng cảm thấy ít thỏa mãn hơn, và trải nghiệm cảm giác chán trong lượng thời gian lớn hơn.
Mặc dù bằng tư duy và quan sát thông thường, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy nhu cầu tăng tiến trong vấn đề tiêu thụ giải trí. Một bài nhạc, dù hay đến cách mấy, nghe quá nhiều lần cũng dẫn đến sự nhàm chán. Tương tự như vậy với các thần tượng, show giải trí, hài độc thoại hay thậm chí phim khiêu dâm. Chúng ta nhanh chóng nắm được những motif, và dần không còn hứng thú với lượng lớn văn hóa phẩm giải trí cùng loại ngay cả khi ta chưa từng xem (vì khi quy về motif, số lượng lớn tác phẩm thực ra cũng chỉ nằm gọn trong một vài nhóm cụ thể).
Theo một cách nào đó, nếu nhìn nhận việc giải trí vô độ và tiêu thụ đường như chất gây nghiện, thì chúng ta đã là những kẻ lạm dụng. Nhưng có lẽ không ai nghĩ rằng mình bị nghiện hay lệ thuộc bởi chúng, “vì ngày nào cũng dùng mà có thấy nghiện gì đâu”? Nhưng tôi nghĩ sự vật vã và cảm giác khó chịu sẽ xuất hiện khi bạn bị cách ly khỏi chúng trong một vài ngày. Thế thì có gọi là nghiện không?
Có lẽ đã đến lúc kết thúc việc nói về sự suy đồi xã hội dưới lăng kính khá tiêu cực của các nhà lý luận phê bình xã hội, và nên đề cập đến giải pháp. Ngoài việc chờ đợi công nghệ sẽ phát triển để máy móc có thể thay thế con người ở những công việc vô vị tẻ nhạt, chúng ta phải làm gì để giảm thiểu nỗi buồn chán, hoặc làm gì để đối mặt khi chúng xuất hiện?
Đầu tiên, hãy tạo ra sự đa dạng. Việc ăn một món ăn đơn lẻ có thể khiến ta nhanh dẫn đến cảm giác no hơn. Tuy vậy, phối hợp nhiều món trong một bữa lại giúp ta tiêu thụ nhiều hơn ở tất cả các món. Vì vậy, hãy giữ sự đa dạng trong cuộc sống để đảm bảo từng thú vui riêng lẻ bên trong đó đều trở nên thú vị hơn so với thực tế.
Tiếp theo, hãy tạo ra sự tạm ngưng và thay đổi ngẫu nhiên để chống lại sự lờn. Đây nhìn chung là một chiến thuật tốt để giúp giảm sự nhàm chán cho người khác. Cụ thể, việc một người nhắn tin chúc ngủ ngon liên tục vào mỗi tối có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu, nhưng nếu người đó tạm ngưng một buổi sẽ khiến bạn cảm thấy thắc mắc, và việc họ nhắn tin lại vào hôm sau sẽ giúp bạn cảm thấy hứng thú hơn hẳn. Đây chính là kỹ thuật dishabituation trong tâm lý học.
Cuối cùng, cách bền vững nhất để đỡ nhàm chán, là tuân theo đúng quy luật đã tạo ra sự nhàm chán: Hãy hướng thượng, hãy phát triển bản thân theo hướng có thể hiểu được những thứ hay ho hơn, từ đó bớt đi cảm giác nhàm chán về thực tế và về bản thân. Nếu bạn chán tiểu thuyết ba xu, hãy đọc kinh điển. Chán self help và những cuốn sách vô thưởng vô phạt, hãy thử triết học. Hãy tìm kiếm nơi khác, thứ khác thú vị hấp dẫn và sâu sắc hơn để cảm thấy đồng cảm và phát triển thêm.
Biết đâu một thoáng xa nhau lại là tiền đề tốt để mọi người không chán nhau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét