Bức ảnh một đàn sói đang xếp thành hàng dài lầm lũi tiến về phía trước được chia sẻ rất nhiều.
Không phải vì nó đẹp, mà vì bức ảnh đó ẩn chứa một giá trị nhân văn sâu sắc.
Người ta viết: Đây là một đàn sói di chuyển theo hàng vô cùng trật tự. 3 con đi đầu là 3 con yếu và già nhất. Chúng đi phía trước để ổn định tốc độ.
5 con tiếp theo là những con mạnh nhất, giàu sức chiến đấu nhất. Chúng có nhiệm vụ đề phong bất trắc xảy ra. Con đi cuối là con đầu đàn.
Câu chuyện ám chỉ lãnh đạo phải là người đi cuối quan sát và định hướng. Người già nên được nhường nhịn, còn đám trẻ khỏe thì phải gánh vác, bao bọc cho cả đội.
Một bức ảnh đẹp, một thông điệp đẹp là quá đủ lý do để người ta chia sẻ nó, coi đó là một điểm tựa tinh thần để bấu víu.
Tuy nhiên, tìm hiểu sâu hơn về nguồn gốc của bức ảnh mới ngã ngửa, sự thật không phải như vậy.
Đây là bức ảnh có tên "wolf pack walking" được nhiếp ảnh gia David Attenborough chụp năm 2011.
Con đi đầu là một con sói cái và cũng chính là con đầu đàn, chứ không phải con sói già yếu gì cả. Điều này được khẳng định trong một bài viết trên trang Benvironment (…as the wolf pack is led by the alpha FEMALE…).
25 con sói xếp hàng hàng dài không phải để bao bọc, che chở cho nhau. Thật ra chúng đang đi săn bò rừng. Bò rừng to hơn chó sói gấp nhiều lần nên sói thường đi theo nhóm đông để săn cho dễ.
Vấn đề là dù sự thật về bức ảnh đã được công khai, người ta vẫn muốn tin vào ý nghĩa nhân văn trước đó. Họ từ chối sự thật để giữ lại cho bản thân một niềm tin.
Qua câu chuyện trên, thật ra xã hội có nhân văn hay không do cách nhìn của con người cả. Có những câu chuyện bản chất hoàn toàn bình thường, nhưng được khoác lên vỏ bọc nhân văn, ý nghĩa, truyền cảm hứng và con người lựa chọn để tin.
Có những câu chuyện thật sự thú vị, nhưng qua góc nhìn của người lệch lạc, bi quan, trở thành những điều xấu xí. Cũng là do chúng ta tự chọn để tin.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét