Joshua Becker, một chuyên gia tài chính cá nhân và tác giả cuốn sách The Minimalist Home (tạm dịch: Tổ ấm tối giản) phân tích tại sao chúng ta không thể ngừng mua sắm những thứ mình không cần.
Trong cuộc sống hiện đại, số lượng vật sở hữu của chúng ta không ngừng tăng lên. Trước tiên, hãy xem xét những con số sau tại Mỹ:
- Kích thước nhà ở của một căn hộ trung bình tại Mỹ đã tăng từ 300m2 lên 750m2.
- Các bản báo cáo chỉ ra rằng chúng ta đang mua sắm hàng hóa vật chất gấp đôi những gì chúng ta từng mua cách đây 50 năm.
- Trong khi đó, số tiền nợ trung bình trên thẻ ghi nợ của một người Mỹ là 15,950 đô-la, tương đương với khoảng 370 triệu đồng.
Những con số này có thể sẽ khiến chúng ta đặt ra rất nhiều câu hỏi. Ví dụ như: Tại sao chúng ta cứ tiếp tục mua những thứ mình không cần? Đó là một câu hỏi thú vị. Chính xác thì điều gì đã thúc đẩy chúng ta tiêu tiền vào những thứ mà chúng ta không thực sự cần? Một số người đổ lỗi cho các chuyên gia marketing, quảng cáo của các nhà sản xuất, các tập đoàn hay chủ nghĩa tư bản"…
Một vài lý do về tâm lý chúng ta mua nhiều hơn những gì mình cần:
1. Chúng ta tin rằng vật sở hữu cho mình sự an toàn
Logic của chúng ta là: nếu việc sở hữu tài sản vật chất mang lại sự an toàn, như mái nhà, quần áo, phương tiện đi lại tốt, thì sở hữu dư thừa những vật chất đó chắc chắn sẽ gia tăng sự an toàn đó.
Nhưng thực tế là sau khi đã thỏa mãn những nhu cầu căn bản, an toàn thực sự bạn nhận được từ những vật sở hữu này không còn bền vững như ta tưởng. Chúng đều sẽ bị huỷ hoại, hư hỏng hoặc phai nhạt đi. Chúng biến mất nhanh hơn ta tưởng.
Không ai chịu thừa nhận rằng họ tìm kiếm hạnh phúc qua việc sở hữu vật chất, không một ai.
2. Chúng ta nghĩ rằng vật sở hữu khiến ta hạnh phúc
Sự ham muốn mãnh liệt vật sở hữu là động lực khiến chúng ta bán sức lao động để tiết kiệm tiền mua những căn nhà lớn hơn, những chiếc xe chạy nhanh hơn, công nghệ làm lạnh hiện đại hơn và thời trang hợp xu hướng hơn. Tất cả là vì chúng ta hi vọng mình sẽ hạnh phúc hơn nhờ những vật sở hữu đó. Thật không may, hạnh phúc đạt được từ sở hữu vật chất lại chính là loại hạnh phúc tạm bợ nhất.
3. Chúng ta dễ mắc bẫy quảng cáo hơn mình tưởng
Đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng chúng ta đang phải tiếp xúc với 5.000 quảng cáo mỗi ngày.
Mỗi mẩu quảng cáo đều kể câu chuyện như nhau: Cuộc đời của bạn sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu bạn mua những gì chúng tôi đang bán. Chúng ta nghe thông điệp này quá nhiều lần, từ nhiều góc độ khác nhau, và chúng ta bắt đầu dần dần tin vào nó.
Đây là lời cảnh tỉnh để giúp bạn nhận ra rằng những thông điệp quảng cáo đang tác động đến bạn nhiều hơn những gì bạn nghĩ.
4. Chúng ta muốn gây ấn tượng với người khác
Trong một xã hội giàu có, cảm giác ghen tị đã trở thành động lực điều khiển các hoạt động kinh tế.
“Tiêu dùng phô trương” là một cụm từ vốn đã được phát minh nhiều năm về trước, nhưng chưa bao giờ nó trở nên thịnh hành như ngày nay.
Một khi mọi nhu cầu căn bản của chúng ta được đáp ứng, những thứ chúng ta tiêu dùng sau đó chắc chắn sẽ không còn là những gì chúng ta thực sự cần.
Thật không may, hành động mua sắm thường xuyên trở thành cơ hội phô trương sự giàu có, tầm quan trọng hay thành công về mặt tài chính của một người với thế giới.
5. Chúng ta ghen tị với những người sở hữu nhiều hơn
Luôn so sánh dường như là tính cách tự nhiên của loài người. Chúng ta liên tục để ý xem người khác đang mua gì, mặc gì và lái xe gì.
Xã hội của chúng ta thì liên tục khuyến khích những dạng so sánh này. Kết quả là chúng ta thường xuyên mua những thứ mình không cần, chỉ vì ta nhìn thấy ai đó trong vòng tròn bạn bè của mình mua nó.
Nhưng nếu bạn luôn cần đến những thứ đẹp đẽ để gây ấn tượng với bạn bè thì có lẽ, bạn đã chọn sai bạn.
6. Chúng ta cố gắng bù trừ cho những khuyết điểm của bản thân
Chúng ta tìm kiếm sự tự tin một cách sai lầm trong trang phục mình mặc hay chiếc xe mình đi.
Chúng ta tìm kiếm khả năng phục hồi sau mất mát, cô đơn hay tan vỡ bằng cách mua thật nhiều những thứ không cần thiết. Và chúng ta tìm cách xoa dịu bất mãn bằng vật chất. Nhưng những cuộc truy tìm kiểu này sẽ không bao giờ có thể hoàn toàn thỏa mãn cảm giác thiếu hụt hay trống rỗng.
Ngược lại, trong phần lớn trường hợp, chúng chỉ khiến chúng ta bị xao lãng khỏi những gì chúng ta thực sự cần làm, đối mặt với nỗi đau.
7. Chúng ta ích kỷ hơn mình tưởng
Thật khó để thừa nhận rằng tính cách con người luôn hướng tới sự ích kỷ và tham lam, nhưng lịch sử đã chứng minh nhận định đó không sai. Tổ tiên chúng ta đã luôn tìm cách mở rộng vương quốc của mình bằng cách không ngừng tích lũy của cải vật chất. Các vị vua chúa đã luôn tìm cách thỏa mãn tham vọng này bằng bạo lực, cưỡng ép, bất lương và chiến tranh.
Thật không may, tính ích kỷ vẫn luôn tồn tại trên thế gian và len lỏi trong cuộc sống của chúng ta cho đến tận ngày nay.
Sở hữu vật chất dư thừa không làm giàu cho cuộc sống của chúng ta. Thực tế, mua những gì chúng ta không cần chỉ cản trở ta trải nghiệm những lợi ích và giá trị đích thực mà nhiều khi là miễn phí trong cuộc sống.
***
Tuy nhiên cái nguyên nhân sâu xa là cái xã hội tiêu dùng nó dẫn đến tình trạng hoen gỉ tâm hồn của những cư dân đang biến mình thành tín đồ của chủ nghĩa đồ vật và cam phận làm nô lệ cho những lạc thú bản năng. Một hiện thực đáng ngại là nhiều người đang bị thống trị bởi chủ nghĩa hưởng thụ, đang là hiểm họa lớn nhất đe dọa cuộc sống con người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét