Thứ Hai, 28 tháng 11, 2022

Một việc thiện tiêu trừ bệnh tật


MỘT VIỆC THIỆN TIÊU TRỪ BỆNH TẬT

 

Vào triều nhà Thanh, trên cầu Khắc Bảo ở cửa Đông huyện Vô Tích có một lão ông sinh sống trên đó, vì bị bệnh nghẹn nhiều năm nên mọi người thường gọi là ông Nghẹn.

 

Một hôm ông Nghẹn trên đường đi đến trà quán, nhặt được một chiếc bị, mở ra bên trong thấy toàn là vàng bạc châu báu. Ông Nghẹn nghĩ: “Mình già sắp chết tới nơi rồi, còn dùng gì đến thứ này” nên không lấy mang về mà ngồi ở bên đường đợi chủ nhân quay lại tìm.

 

Một lúc sau thấy có một lão phu nhân vội vội vàng vàng đi tới, vừa đi vừa khóc, mắt đảo tứ phương như đang kiếm vật gì đó. Ông Nghẹn liền hỏi đầu đuôi rồi trả lại số châu báu đó cho lão phu nhân, lão phu nhân tìm được châu báu của mình liền cảm tạ ông Nghẹn rồi rời đi.

 

Trên đường về nhà, ông Nghẹn đột nhiên cảm thấy đau đớn vô cùng rồi nôn ra một cục đờm cứng như da bò. Cũng kể từ đó bệnh của ông liền biến mất không còn, không những vậy sau này còn sống rất thọ.

 

Nhân sinh nhất niệm, thiên địa tận giai tri“, một niệm của con người vừa xuất ra thì thiên địa đều tỏ. Ông nhờ tấm lòng thiện lương thấy của rơi không tham chiếm đoạt đã cảm động đến trời đất mà được ban phúc trừ tai. Đây cũng chính là điều Phật gia tuyên giảng: Thiện ác hữu báo.

 

Sự thông minh lắm lúc làm chúng ta mất dung khí

SỰ THÔNG MINH LẮM LÚC LÀM CHÚNG TA MẤT DUNG KHÍ

Phải chăng khi chúng ta ôm trong tâm quá nhiều quan niệm, trong đó quan niệm bảo vệ bản thân là lớn nhất, nên mới khó mở lòng tiếp thu nhận thức mới?

Con người cứ nghĩ mình vốn dĩ khôn ngoan, dày dặn kinh nghiệm, không muốn phạm sai lầm, nên hễ đi là nhìn ngang ngó dọc, cũng bởi vì thói quen an toàn thích chọn đi trên đường bằng phẳng vững chãi, hết sức né tránh đi đường gập ghềnh khúc khuỷu. Ai ai cũng chọn chỗ tốt, vậy chỗ không tốt kia sẽ thuộc về ai nhỉ?

Đây chính là sự khôn khéo mà chúng ta học được trong quá trình trưởng thành, làm việc gì cũng phải hoàn hảo, suy nghĩ vấn đề phải an toàn, không thiệt hại, chúng ta cho rằng đó là thông minh, nhưng không ngờ chính sự thông minh ấy lắm lúc khiến chúng ta mất đi dũng khí.

Bạn có từng nghĩ chưa, việc gì cũng quá cẩn trọng, chỉ chăm bẵm lo sợ bản thân bị tổn thất, làm không dám làm, ngay cả nghĩ cũng không dám nghĩ, vậy liệu có thể đột phá được mục tiêu không? Có thành công lớn không?

Mỗi người đều đối mặt với con đường đời, ai ai cũng có con đường riêng của mình. Vui, buồn, sướng, khổ cũng tùy thuộc vào mỗi bước đi. Cao hứng thì chạy thật nhanh, âu sầu thì một bước cũng không cất nổi, khổ quá thì dừng lại không muốn đi, thậm chí còn không muốn sống nữa… Làm người như vậy có mệt quá không? Có vui vẻ bình an không?

"Ổn định" chưa bao giờ là cách mà cuộc sống vận hành. Vạn vật luôn luôn thay đổi, nhờ sự biến hóa của bốn mùa mà cảnh sắc luôn rực rỡ thú vị, nhờ sự biến động của vũ trụ mà con người học được cách thích nghi và phát triển.

 

Cuộc đời sẽ không để cho bất cứ ai bám lì mãi trong cái tổ kén an toàn. Sẽ có những lúc, đời ném cho bạn một (hoặc vài) hòn đá để bạn phải ra khỏi đó và đi tìm một con đường mới phù hợp hơn. Nếu bạn không chủ động rời khỏi vòng an toàn, rồi sẽ có lúc đời buộc phải "đạp" cho bạn một cái thật đau, thật khó chịu để giúp bạn thức tỉnh.

 

Chuyện kể rằng trên cái cây nọ, có một con chim vốn tính lười biếng và ỷ lại, bám trụ lại trên cành cây rất lâu, nhất quyết không buông. Lâu đến mức nó dần quên đi cách tự vỗ cánh bay - bản năng của chính mình. Ở một cành cây khác gần đó, cũng có một chú chim khác thường neo đậu lại, nhưng khác với con chim lười, chú chim này thường xuyên đậu lại chỉ vì nó rất thích cảnh sắc và không khí trong lành nơi đây.

 

Một ngày cái cây bị nhóm người tiều phu đốn hạ, từng cành cây gãy rạp xuống mặt đất. Chú chim ỷ lại mất cân bằng đột ngột, đôi cánh lại yếu ớt do lười tập bay, ngay lập tức ngã xuống đống cây rất thảm thương. Còn chú chim ở cành cây gần đó, khi thấy cành cây mình đậu đang chao đảo, đã lập tức sải cánh bay lên tìm chân trời mới.  

 

Con chim ấy yên tâm đậu trên cành cây không phải bởi nó tin cành cây không bao giờ gãy, mà nó tin vào đôi cánh của mình. Còn bạn, bạn đang là chú chim tin vào cành cây hay tin vào đôi cánh?

Mỗi một người chỉ có mấy mươi năm để sống, ngần ấy năm đâu phải là chặng đường dài, ngay trên đỉnh cao đã thấy cuối dốc rồi.

 

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2022

4 bài học tình yêu


4 BÀI HỌC TÌNH YÊU

 

Melissa Joy Kong, cây viết nổi tiếng của tờ The Atlantic phỏng vấn 100 cặp đôi trên khắp nước Mỹ. Dưới đây là 4 bài học lớn cô rút ra từ câu chuyện tình yêu của họ.

1. Không phải lúc nào tình yêu cũng làm bạn vui vẻ

Vì con người vốn dĩ đâu phải lúc nào cũng vui vẻ, và tình yêu không phải là thần dược giữ bạn hạnh phúc suốt ngày. Mục đích của tình yêu chính là là giúp hai người trong một mối quan hệ phát triển cùng nhau.

Chúng ta học cách cảm thông cho người khác, biết cách cãi vã mà không “triệt hạ” lẫn nhau, biết trải lòng và lắng nghe, biết cho đi và mong mỏi nhận lại. Những thứ bạn học được trong một mối quan hệ sẽ giúp bạn trưởng thành và thấu đáo hơn.

Và vì vui vẻ không phải là mục đích của tình yêu. Nên việc bạn vui hay không vui đừng nên là lí do để chọn rời đi hay ở lại.

2. Yêu bản thân mình trước

Bạn lúc nào cũng phải yêu bản thân mình, thậm chí phải học cách yêu mình trước rồi hãy yêu người khác. “Tôi không tìm thấy hạnh phúc ở bản thân mình thì không được tìm nó ở người khác ư?” Nếu bạn không muốn yêu đương trở thành thảm họa, thì câu trả lời ở đây sẽ là: ừ, đúng vậy.

Vì nếu bạn không yêu bản thân mình nghĩa là bạn sẽ mong người khác trao cho bạn tình yêu đó. Bạn lúc nào cũng thấy mệt mỏi vì thiếu tự tin, thiếu hạnh phúc và thiếu hài lòng với bản thân. Và khi bước vào một mối quan hệ, bạn bước vào với một tâm thế muốn đối phương lấp đầy những lỗ hổng đó.

 

Tập trung nuôi dưỡng bản thân nghĩa là có một đời sống mãn nguyện và thú vị của riêng mình. Lúc này, bạn sẽ chọn yêu đương đơn giản vì bạn thích ở cạnh đối phương, chứ không phải vì mong ai đó sửa lỗ hổng trên người bạn. Đây chính là tiền đề cho một mối quan hệ lành mạnh sau này.

3. Học cách lắng nghe

Cãi vã không phải là dấu hiệu của một cuộc tình vô vọng. Nó chỉ đơn giản là nỗ lực hiểu nhau giữa hai người, hai cá thể, hai bộ óc, hai lối sống và xuất phát điểm khác nhau.

Thực ra cuộc tình đó có bền vững hay không nằm ở cách hành xử khi có tranh luận nổ ra. Bạn im bặt hay cãi tới cùng? Bạn tỏ ý coi thường hay tôn trọng quan điểm đối phương?

 

Bài học quan trọng nhất của tình yêu chính là học cách lắng nghe. Laura Doyle, một tác giả bestselling của New York Times với cuốn sách “The Surrendered Wife” đã nói rằng: 

“Không phải lúc nào tôi cũng đồng ý với chồng mình, nhưng tôi luôn tỏ ý tôn trọng anh ấy bằng cách lắng nghe. Tôi học cách nói ‘Em đang nghe đây’ khi có tranh luận nổ ra. Câu nói đó không có nghĩa tôi đồng tình hay phản đối. Nó chỉ có nghĩa là, tôi đang nghe, đang thấu hiểu, đang cùng thỏa hiệp”.

4. Tha thứ và 3 điều cần biết

Thứ nhất, nó là một lựa chọn. Nếu bạn không tha thứ, mối quan hệ này có thể phải dừng lại. Nếu bạn chọn điều ngược lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra cho cả hai người.

 

Thứ hai, tha thứ có lợi cho cả hai. Bạn luôn có cảm giác mình chịu thiệt thòi khi chọn tha thứ cho người khác. Nhưng thực ra đấy là bạn đang trao cơ hội cho đối phương được sửa sai và giải phóng chính bạn khỏi những giận dữ và buồn bã.

 

Thứ ba, tha thứ là một hành động. Vậy nên hãy nói lời tha thứ với đối phương kể cả khi cảm xúc của bạn chưa sẵn sàng cho việc đó lắm. Thời gian sẽ vỗ về cảm xúc của bạn.