Thứ Ba, 23 tháng 7, 2024

Mộ trạch làng tiến sĩ

 

MỘ TRẠCH LÀNG TIẾN SĨ

Mộ Trạch là một trong bốn làng của xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương nổi tiếng là đất khoa bảng, được mệnh danh là "Làng tiến sĩ".

Trong số 82 tấm bia tại Văn miếu Quốc Tử Giám còn lại đến ngày nay thì có tới 18 bia ghi tên 25 vị tiến sĩ làng Mộ Trạch. Còn tại Văn miếu Mao Ðiền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương thì có đủ tên của 36 tiến sĩ làng Mộ Trạch.

Làng Mộ Trạch đến năm 1945 dân số mới xấp xỉ một nghìn nhân khẩu. Khoa thi năm Thịnh Ðức thứ tư (1656) cả nước có gần 3.000 sĩ tử về kinh thành dự thi, nhưng chỉ có sáu người đỗ, trong đó có ba người họ Vũ cùng làng Mộ Trạch (Vũ Trác Lạc 20 tuổi, Vũ Ðăng Long 21 tuổi, Vũ Công Lượng 22 tuổi).

Ba năm sau vào khoa thi năm Kỷ Hợi (1659) làng Mộ Trạch lại đậu bốn tiến sĩ. Ðó là Vũ Công Ðạo 23 tuổi, Vũ Bật Hài 24 tuổi, Vũ Cầu Hối 25 tuổi, Lê Công Triều 26 tuổi. Thật là một chuyện hiếm có trong lịch sử.

Tiếng đồn làng Mộ Trạch chiếm hết khoa bảng của thiên hạ đã làm cho các quan trường không khỏi nghi vấn. Gia phả họ Vũ còn ghi một giai thoại: Lại bộ Tả thị lang Nguyễn Văn Phong ngờ rằng người làng Mộ Trạch có tiểu xảo, thần thế gì đó mới có nhiều người đỗ như vậy.

Ba năm sau đến kỳ thi hương, ông xin về Hải Dương làm đề điệu (chủ khảo). Ông cho đào mỗi thí sinh một hố ngồi trong đó làm bài, bên trên mỗi hố đậy một tấm liếp để cách biệt hoàn toàn giữa các thí sinh. Quan giám khảo thì ngự trên chiếc chòi cao để quan sát.

Ông chọn những câu văn hóc hiểm làm đề thi, lại truyền cho hai ban sơ khảo và phúc khảo chỉ được phê chọn những quyển nào chữ viết rõ ràng, không dập xóa, không sửa chữa. Quan trường chấm bài xong tuyển được 30 quyển hợp cách trình quan đề điệu chấm lại. Nguyễn Văn Phong chỉ lựa được sáu quyển, còn thì đánh trượt.

Sau khi xếp thứ bậc rồi khớp phách để yết bảng thì thật bất ngờ, ba người đỗ đầu đều là người làng Mộ Trạch, trong đó có Vũ Văn Hiên 18 tuổi, thi lần đầu đậu ngay giải nguyên; ba người còn lại ở ba xã khác nhau. Từ đó người ta mới tin học trò Mộ Trạch có thực tài, thi cử rất công minh.

Mộ Trạch đúng là lò tiến sĩ. (Theo cuốn "Tiến sĩ nho học Hải Dương").


Tình yêu đích thực không thể tìm kiếm được

 

TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC KHÔNG THỂ TÌM KIẾM ĐƯỢC

 

Khác hẳn so với những gì chúng ta từng kì vọng, cũng không giống gì với kiểu người yêu lí tưởng mà bao năm nay ta đang tìm kiếm.

 

Đó chính là mối quan hệ mà bạn sẽ không bao giờ thấy được rằng nó đang tới. Tình yêu này đến một cách đơn giản, nhẹ nhàng, ở một thời điểm mà bạn sẽ không ngờ tới.

Sự kết nối giữa bạn và người kia như thể là điều tự nhiên nhất trên đời. Không lên kế hoạch, không gượng ép, không kì vọng, nhưng mọi thứ lại rất thoải mái và khó quên.

 

Bằng một phép màu không sao lí giải được, bạn và người đó sẽ gặp gỡ rồi cùng gắn bó như những mảnh ghép cạnh nhau trong một bộ xếp hình: vừa khít, hài hòa như sinh ra để dành riêng cho đối phương.

 

Bạn không kì vọng rằng người đó phải thế này thế nọ, phải làm điều này điều kia. Và người đó cũng đối xử tương tự như vậy với bạn.

Cả hai nhẹ nhàng chấp nhận và yêu thương con người thật cũng như bản ngã của đối phương. Lần đầu tiên trong cuộc đời, bạn cảm nhận trọn vẹn cảm giác được thoải mái làm chính mình khi bên cạnh một người nào đó.

 

Và bạn nhận ra rằng, "tình yêu đích thực" chẳng cần giống như những gì mà bạn từng tưởng tượng. Bởi vì sự hạnh phúc không nhất thiết phải đến từ một khuôn mẫu, nó chỉ đơn giản là cảm giác bình yên, trọn vẹn khi ở cạnh người mà bạn yêu. Kiểu tình yêu này là thứ không thể tìm kiếm được. Vì đơn giản vào một ngày đẹp trời nào đó, nó sẽ tự đến và nhẹ nhàng gõ cửa nhà bạn.

 

 

 

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2024

Alexander Grothendieck và nền toán học Việt Nam

 

ALEXANDER GROTHENDIECK VÀ NỀN TOÁN HỌC VIỆT NAM

Tháng 11 năm 1967 nhà toán học Alexander Grothendieck sang miền Bắc Việt Nam, rồi ông mở lớp giảng bài cho Đại học Hà Nội đang sơ tán trong rừng. Ông thực hiện chuyến đi của mình đến Việt Nam trong thời kì ác liệt nhất của cuộc chiến tranh.

Ở khu sơ tán, có một hình ảnh về ông mà không bao giờ tôi quên. Đó là có một lần, tôi thấy ông cởi trần ngồi đọc sách, cái áo ướt màu “phòng không” vắt trên bụi sim.

Hỏi ra mới biết, ông giành toàn bộ va li của mình để mang theo sách vở sang tặng các nhà toán học Việt Nam, và chỉ có bộ quần áo duy nhất mặc trên người!

Vậy nên mỗi lần giặt, ông phải chờ quần áo khô để mặc lại chứ không có quần áo để thay! Trong thời gian ông ở Việt Nam, mỗi tuần ông đều nhịn ăn vào ngày thứ sáu. Khi các nhà toán học Pháp biết chuyện, họ đều rất ngạc nhiên vì không thấy ông có thói quen đó khi ở Pháp.

Và người ta cho rằng chỉ có thể có một cách giải thích: ông muốn tiết kiệm một phần lương thực cho Việt Nam! Đó là một con người với thiên tài kì lạ, cá tính kì lạ, và cũng có tấm lòng ưu ái kì lạ với Việt Nam.

Sau khi từ Việt Nam trở về, tháng 11 năm 1967, Grothendieck đã viết một bài về chuyến đi của mình, kết thúc bằng câu: "Tôi đã chứng minh một trong những định lí quan trọng nhất của mình, đó là: Tồn tại một nền toán học Việt Nam”.

Bài viết đó nhanh chóng trở thành nổi tiếng trong thế giới toán học, bởi vì bất cứ điều gì mà Grothendieck viết ra đều là điều mà mọi người làm toán quan tâm.

Phải nói rằng, không phải Grothendieck chỉ “chứng minh” sự tồn tại của nền toán học Việt Nam, mà chính ông đã góp phần vào “sự tồn tại” đó.

Tôi hiểu điều này một cách rõ ràng khi, rất nhiều năm sau chuyến đi của Grothendieck, nhiều đồng nghiệp nước ngoài nói với tôi rằng, họ biết đến nền toán học Việt Nam từ sau khi đọc bài viết của Grothendieck.

Và cũng nhiều lần, tôi phải kể lại tường tận những gì tôi đã được chứng kiến, những gì Grothendieck đã làm trong chuyến đi thăm Việt Nam.

Bản thân sự kiện Grothendieck đến Việt Nam đã là điều đáng ngạc nhiên. Ông, người được trao giải thưởng Fields (là giải thưởng cao nhất về toán, tương tự như giải Nobel đối với các ngành khoa học khác, được tặng 4 năm một lần cho 1-4 nhà toán học xuất sắc nhất thế giới), người mà bất kì một trường đại học lớn nào cũng lấy làm vinh dự khi ông đến thăm, lại đi đến Việt Nam đang dưới bom đạn ác liệt?

Nhưng, để có thể hình dung tại sao những điều Grothendieck viết ra lại có ảnh hưởng to lớn như vậy trong thế giới toán học.

Grothendieck đã làm một cuộc cách mạng thực sự trong toán học. Có thể nói, ông để lại dấu ấn của mình trong mọi lĩnh vực của toán học hiện đại.

Người ta có thể nhận ra ảnh hưỏng của Grothendieck ngay cả khi không thấy trích dẫn định lí cụ thể nào của ông.

Khi ông đến Việt Nam (năm 1967), tôi vừa học xong năm thứ tư Khoa toán trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Tuy đã tốt nghiệp nhưng chưa nhận công tác nên tôi được “tự do” rời khu sơ tán về Hà Nội và đi nghe các bài giảng của ông.


Vậy mà ông, người đến từ một đất nước đã từ lâu không có chiến tranh, không hề tỏ ra mảy may lo sợ. Nhưng rồi thì các bài giảng của ông cũng phải chuyển lên khu sơ tán, vì không thể nào giảng bài khi mà buổi học bị ngắt quãng hàng chục lần vì máy bay.

Theo lời ông nói, chuyến đi Việt Nam đã làm ông thật sự ngạc nhiên: ở một đất nước ngày đêm phải đối đầu với cuộc chiến tranh ác liệt bậc nhất trong lịch sử, người ta vẫn dạy toán, học toán, và biết đến những thành tựu hiện đại nhất của toán học! Từ sự ngạc nhiên đó, ông đã công bố định lí của mình: “Tồn tại một nền toán học Việt Nam”.

Chuyến đi của Grothendieck đã mở đầu cho một loạt chuyến đi thăm và giảng bài của nhiều nhà toán học lớn đến Việt Nam, trong đó nhiều nhất vẫn là các nhà toán học Pháp: L. Schwartz, A. Martineau, P. Cartier, Y. Amic,... Có thể nói chuyến đi của Grothendieck là một cột mốc quan trọng trong lịch sử hợp tác khoa học giữa các nhà toán học Việt Nam và các nhà toán học Pháp.

Theo GS Hà Huy Khoái (Tia Sáng)

* Alexander Grothendieck (19282014) người Pháp gốc Do Thái là một trong những nhà toán học có ảnh hưởng rất lớn trong thế kỷ 20. Ông được trao huy chương Fields năm 1966.