Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhân vật. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhân vật. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2024

Alexander Grothendieck và nền toán học Việt Nam

 

ALEXANDER GROTHENDIECK VÀ NỀN TOÁN HỌC VIỆT NAM

Tháng 11 năm 1967 nhà toán học Alexander Grothendieck sang miền Bắc Việt Nam, rồi ông mở lớp giảng bài cho Đại học Hà Nội đang sơ tán trong rừng. Ông thực hiện chuyến đi của mình đến Việt Nam trong thời kì ác liệt nhất của cuộc chiến tranh.

Ở khu sơ tán, có một hình ảnh về ông mà không bao giờ tôi quên. Đó là có một lần, tôi thấy ông cởi trần ngồi đọc sách, cái áo ướt màu “phòng không” vắt trên bụi sim.

Hỏi ra mới biết, ông giành toàn bộ va li của mình để mang theo sách vở sang tặng các nhà toán học Việt Nam, và chỉ có bộ quần áo duy nhất mặc trên người!

Vậy nên mỗi lần giặt, ông phải chờ quần áo khô để mặc lại chứ không có quần áo để thay! Trong thời gian ông ở Việt Nam, mỗi tuần ông đều nhịn ăn vào ngày thứ sáu. Khi các nhà toán học Pháp biết chuyện, họ đều rất ngạc nhiên vì không thấy ông có thói quen đó khi ở Pháp.

Và người ta cho rằng chỉ có thể có một cách giải thích: ông muốn tiết kiệm một phần lương thực cho Việt Nam! Đó là một con người với thiên tài kì lạ, cá tính kì lạ, và cũng có tấm lòng ưu ái kì lạ với Việt Nam.

Sau khi từ Việt Nam trở về, tháng 11 năm 1967, Grothendieck đã viết một bài về chuyến đi của mình, kết thúc bằng câu: "Tôi đã chứng minh một trong những định lí quan trọng nhất của mình, đó là: Tồn tại một nền toán học Việt Nam”.

Bài viết đó nhanh chóng trở thành nổi tiếng trong thế giới toán học, bởi vì bất cứ điều gì mà Grothendieck viết ra đều là điều mà mọi người làm toán quan tâm.

Phải nói rằng, không phải Grothendieck chỉ “chứng minh” sự tồn tại của nền toán học Việt Nam, mà chính ông đã góp phần vào “sự tồn tại” đó.

Tôi hiểu điều này một cách rõ ràng khi, rất nhiều năm sau chuyến đi của Grothendieck, nhiều đồng nghiệp nước ngoài nói với tôi rằng, họ biết đến nền toán học Việt Nam từ sau khi đọc bài viết của Grothendieck.

Và cũng nhiều lần, tôi phải kể lại tường tận những gì tôi đã được chứng kiến, những gì Grothendieck đã làm trong chuyến đi thăm Việt Nam.

Bản thân sự kiện Grothendieck đến Việt Nam đã là điều đáng ngạc nhiên. Ông, người được trao giải thưởng Fields (là giải thưởng cao nhất về toán, tương tự như giải Nobel đối với các ngành khoa học khác, được tặng 4 năm một lần cho 1-4 nhà toán học xuất sắc nhất thế giới), người mà bất kì một trường đại học lớn nào cũng lấy làm vinh dự khi ông đến thăm, lại đi đến Việt Nam đang dưới bom đạn ác liệt?

Nhưng, để có thể hình dung tại sao những điều Grothendieck viết ra lại có ảnh hưởng to lớn như vậy trong thế giới toán học.

Grothendieck đã làm một cuộc cách mạng thực sự trong toán học. Có thể nói, ông để lại dấu ấn của mình trong mọi lĩnh vực của toán học hiện đại.

Người ta có thể nhận ra ảnh hưỏng của Grothendieck ngay cả khi không thấy trích dẫn định lí cụ thể nào của ông.

Khi ông đến Việt Nam (năm 1967), tôi vừa học xong năm thứ tư Khoa toán trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Tuy đã tốt nghiệp nhưng chưa nhận công tác nên tôi được “tự do” rời khu sơ tán về Hà Nội và đi nghe các bài giảng của ông.


Vậy mà ông, người đến từ một đất nước đã từ lâu không có chiến tranh, không hề tỏ ra mảy may lo sợ. Nhưng rồi thì các bài giảng của ông cũng phải chuyển lên khu sơ tán, vì không thể nào giảng bài khi mà buổi học bị ngắt quãng hàng chục lần vì máy bay.

Theo lời ông nói, chuyến đi Việt Nam đã làm ông thật sự ngạc nhiên: ở một đất nước ngày đêm phải đối đầu với cuộc chiến tranh ác liệt bậc nhất trong lịch sử, người ta vẫn dạy toán, học toán, và biết đến những thành tựu hiện đại nhất của toán học! Từ sự ngạc nhiên đó, ông đã công bố định lí của mình: “Tồn tại một nền toán học Việt Nam”.

Chuyến đi của Grothendieck đã mở đầu cho một loạt chuyến đi thăm và giảng bài của nhiều nhà toán học lớn đến Việt Nam, trong đó nhiều nhất vẫn là các nhà toán học Pháp: L. Schwartz, A. Martineau, P. Cartier, Y. Amic,... Có thể nói chuyến đi của Grothendieck là một cột mốc quan trọng trong lịch sử hợp tác khoa học giữa các nhà toán học Việt Nam và các nhà toán học Pháp.

Theo GS Hà Huy Khoái (Tia Sáng)

* Alexander Grothendieck (19282014) người Pháp gốc Do Thái là một trong những nhà toán học có ảnh hưởng rất lớn trong thế kỷ 20. Ông được trao huy chương Fields năm 1966.

 

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2024

Mối tình hi hữu của lê thánh tông với cô gánh nước ở thuận hóa

 

MỐI TÌNH HI HỮU CỦA LÊ THÁNH TÔNG VỚI CÔ GÁNH NƯỚC Ở THUẬN HÓA

Đầu năm 1470 Lê Thánh Tông chỉ huy đại quân phạt Chiêm, đến đất Thuận Hóa, ông truyền cho dừng lại đóng quân ở xã Hòa Thước để nghỉ ngơi, thao diễn quân sự trước khi bắt đầu cuộc chiến; một hôm đứng trên vọng lâu quân doanh, ông thấy có một cô gái gánh nước đi qua, tuy mặc bộ quần áo nâu lam lũ nhưng vẫn không dấu được khuôn mặt xinh đẹp, thân hình kiều diễm đầy vẻ hấp dẫn ở độ tuổi trăng tròn lộng lẫy.

Bỗng cảm thấy tâm hồn xao động, Lê Thánh Tông cho truyền gọi cô gái vào hỏi chuyện; trước hoàng đế uy nghi và các văn thần tướng võ đông đảo, cờ quạt rực rỡ, gươm giáo sáng lòa nhưng cô gái trẻ không hề e sợ mà vẫn giữ phong thái tự tin, ứng đáp linh hoạt thông minh; thậm chí cô còn ra một câu đối khiến tả hữu quanh vua, trong đó có người từng đỗ khoa bảng cao, không ai đối lại được:

“Gái Hòa Thước gồng nước pha trà, chanh từng chén”.

Nghe xong Lê Thánh Tông rất thích thú, ông không ngờ rằng cô gái trẻ ở chốn quê mùa đó lại có tài văn thơ giỏi đến vậy vì thế càng say mê hơn, vua quyết định đón nàng theo đoàn quân, rồi sau chiến thắng thì ca khúc khải hoàn đưa về Thăng Long làm phi tần, sinh ra được Triệu Vương”. dần dần cô gái ấy được phong đến bậc Qúy phi, một bậc phi tôn quý ở hàng cao cấp trong hậu cung, chỉ xếp sau Hoàng hậu mà thôi.

Dân gian đời sau có câu ca nói về chuyện này như sau:

“Hỡi cô gánh nước bên đàng,

Làm sao cô để mơ màng quân vương”.

 

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2024

Đạo làm thầy và chống tham nhũng trong bài thi đỗ trạng lừng danh sử Việt

 

ĐẠO LÀM THẦY VÀ CHỐNG THAM NHŨNG TRONG BÀI THI ĐỖ TRẠNG LỪNG DANH SỬ VIỆT

 

Theo các tài liệu sử học còn lưu truyền đến ngày nay, trong bài thi Đình, trạng nguyên Vũ Kiệt đã có bài làm xuất sắc, chứng minh được trí tuệ uyên bác của mình trên nhiều lĩnh vực khác nhau như văn hóa, giáo dục, chống tham nhũng.

Nó được lưu lại đến ngày nay như một kiệt tác của khoa cử nước ta.

 

Trạng nguyên Vũ Kiệt sinh năm 1452, chưa rõ năm mất, quê ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Nổi tiếng thông minh, sáng dạ, học giỏi từ nhỏ.

Năm 20 tuổi, ông đỗ trạng nguyên vào thời kỳ giáo dục, thi cử phong kiến đang trong giai đoạn cực thịnh đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497).

 

Sau khi đỗ trạng, Vũ Kiệt ra làm quan, trải qua nhiều chức vụ quan trọng khác nhau, rất được vua tin dùng. Với những cống hiến to lớn cho đất nước, tên tuổi của Vũ Kiệt đã đi vào lịch sử khoa bảng nước nhà.

Sinh thời, ông được nhân dân trìu mến gọi là Trạng Vít, do ngôi làng ông sinh ra có tên nôm là làng Vít.

 

Theo sách Văn hiến Kinh Bắc, bài văn sách thi Đình của Vũ Kiệt được triều đình coi như kiệt tác về sách lược trị nước, an dân, được lưu truyền làm mẫu cho các sĩ tử sau này học tập.

Vũ Kiệt đã vượt qua đề thi “Đế vương trị thiên hạ” của vua với bài viết dài hơn chục nghìn chữ, vượt xa mức quy định tối thiểu ba nghìn chữ đương thời.

Vua Lê Thánh Tông tham khảo phép trị quốc này của Vũ Kiệt nhằm bổ sung cho bộ luật Hồng Đức, tăng thêm sức mạnh chống tham nhũng cho bộ luật này. Việc chống tham nhũng được tiến hành từ các quan to nhất đầu triều xuống đến địa phương.

Vua Lê Thánh Tông cũng ban các sắc chỉ, cụ thể như sau:

• Năm 1475, định lệnh cấm vơ vét xoay tiền trong các việc xây dựng sửa chữa, kẻ nào mượn cớ và vơ vét xoay tiền thì trị tội như luật xoay tiền.

• Năm 1478, trong sắc chỉ cho các địa phương xét quan lại trong địa hạt, người nào tham ô lười biếng thì tâu lên để định việc giáng chức.

• Năm 1487, xét quan lại thấy tham nhũng thì bãi chức sung quân ở Quảng Nam.

• Năm 1483, trong sắc chỉ ân xá của nhà vua những kẻ tham nhũng xếp cùng tội đại nghịch không được hưởng khoan hồng của nhà vua.

Như vậy, vua Lê Thánh Tông đã coi nạn quan tham ngang hàng với tội đại nghịch, những tội làm tổn hại đến nền móng nhà nước.

Lịch sử cho thấy thời kỳ vua Lê Thánh Tông là thời kỳ toàn thịnh của Đại Việt, đất nước phát triển rực rỡ về mọi phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và quân sự.

Những thành tựu trị quốc, chống tham nhũng kiệt xuất đã đưa Đại Việt trở thành quốc gia hùng mạnh bậc nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ.

Là hiền tài của đất Việt, tên tuổi của Vũ Kiệt còn được lưu lại trên Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội và Văn Miếu ở Bắc Ninh. Tài năng cùng phép trị quốc của ông được các hậu thế nhiều đời sau này truyền tụng.