XEM TẬN MẮT, NGHE TẬN TAI QUÝ HƠN XEM BẰNG SÁCH CHĂNG?
Đọc sách mà thiếu lòng hâm mộ, nhiệt hứng, đọc một cách thụ động…đó là một tật làm biếng nên tránh xa.
Nhiều kẻ đọc sách để tự mình khỏi phải suy nghĩ: đọc sách mà tin cả sách, mà không dám phản ứng lại với sách, thì thà đừng đọc sách còn hơn. Đọc sách như thế tức là tự huỷ hoại tư tưởng cùng nhân cách của mình.
Đọc sách là để khải phát cõi lòng thâm sâu của mình, tìm thấy con người chân thật và sâu sắc của mình, để tăng cường đời sống tinh thần của mình thì mới nên đọc sách mà thôi. Nhược bằng đọc sách để mà nô lệ sách vở, đọc sách để mà bắt chước suy nghĩ theo kẻ khác thì đọc sách rất là có hại.
Những bực vĩ nhân trong tư tưởng giới, phần đông đều nhân đọc một quyển sách nào của người trước mà nghĩ ra nhiều ý tưởng hay lạ khác.
Một câu hoặc một quyển sách đọc xong, có khi đổi cả một đời tư tưởng của ta. Cái đó thường lắm.
Goethe lúc về già, nói với Eckermann: “Người ta đâu biết rằng phải tốn bao nhiêu thời giờ, bao nhiêu công khó mới học được cách đọc sách. Tôi đã bỏ công vì nó, trên 80 năm, thế mà bây giờ tôi chưa thể tự hào là đã đạt được mục đích ấy rồi vậy.”
Nghệ thuật gì mà khó khăn thế? Người đọc sách phải giữ thái độ gì để khỏi phải bị sách đầu độc, và trái lại nhờ sách mà làm giàu thêm kinh nghiệm?
Nhưng ở đây, chúng ta chỉ nên chú trọng đến cách đọc sách để tự học nghĩa là để đào tạo cho mình một cơ sở văn hoá tinh thần
Đọc sách để tìm một sức mạnh tinh thần, giúp tâm hồn mình thêm nhẫn nại, can đảm mà vượt qua những thống khổ của cuộc đời, đọc sách để tìm hứng thú cho tinh thần cũng đều thuộc về loại đọc sách để tự học cả.
Vì phàm cái chi hoạt khởi được tâm cảm mình, đổi mới được về khuynh hướng chân, thiện, mỹ đểu bổ ích cho tinh thần trí não của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét