THIÊN KIẾN TIÊU CỰC (THE
NEGATIVITY BIAS)
Thiên kiến tiêu cực là khuynh hướng không chỉ ghi nhận kích thích tiêu cực dễ dàng hơn mà còn chìm đắm trong những sự kiện tiêu cực.
Còn được gọi là phi đối xứng tích cực-tiêu cực, thiên kiến tiêu cực còn xuất hiện khi ta cảm nhận được sự “châm chích” từ lời quở trách mạnh mẽ hơn khi cảm nhận niềm vui có được từ lời khen.
Hiện tượng tâm lý này lý giải tại sao ấn tượng xấu ban đầu lại rất khó để vượt qua và tại sao những sang chấn trong quá khứ lại để lại tác động kéo dài dai dẳng đến vậy.
Thiên kiến tiêu cực đến từ đâu.
Khuynh hướng chú ý hơn đến những điều không hay và bỏ qua những điều tốt đẹp khả năng cao là kết quả của tiến hóa.
Từ thời điểm đầu tiên trong lịch sử nhân loại, chú ý đến những mối đe dọa nguy hiểm, những thứ xấu, tiêu cực trong thế giới thực sự là một vấn đề sống còn.
Những người chú ý nhiều hơn đến mối nguy hiểm và để ý hơn đến những thứ tệ hại quanh họ sẽ có khả năng sinh tồn cao hơn.
Điều này có nghĩa là ta cũng sẽ truyền gene chú ý đến mối nguy hiểm này cho các thế hệ sau.
Thiên kiến tiêu cực có thể có tác động cực lớn lên các mối quan hệ của bạn. Thiên kiến này có thể khiến con người ta cứ chăm chăm vào những điều tệ hại nhất của người khác, đặc biệt là trong các mối quan hệ thân thiết nơi mà con người ta đã biết nhau qua một thời gian dài.
Quá trình ra quyết định.
Thiên kiến tiêu cực có thể gây ảnh hưởng lên quá trình ra quyết định. Trong công trình nổi tiếng của mình, nhóm các nhà nghiên cứu đạt giải Nobel bao gồm Kahneman và Tversky đã phát hiện ra rằng khi ra quyết định, con người ta liên tục đặt nặng khía cạnh tiêu cực của một sự kiện hơn là những mặt tích cực.
Khi hình thành ấn tượng về người khác, ta thường chú ý vào những thông tin tiêu cực hơn.
Ví dụ, nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi được cung cấp các tính từ “tốt” và “xấu” để mô tả tính cách của một người khác, các tham dự viên đã đặt nặng mô tả cái xấu nhiều hơn khi hình thành ấn tượng đầu tiên về người đó.
Làm sao để vượt qua thiên kiến tiêu cực.
Thiên kiến tiêu cực có thể gây tổn hại lên sức khỏe tinh thần của bạn, May mắn là có một số bước bạn có thể thực hiện để thay đổi suy nghĩ và chống lại khuynh hướng rơi vào lối suy nghĩ tiêu cực, bao gồm:
Ngưng độc thoại nội tâm tiêu cực.
Hãy bắt đầu để ý đến dạng suy nghĩ xuất hiện trong đầu. Sau khi một sự kiện diễn ra, bạn có thấy mình hay suy nghĩ kiểu “Mình không nên làm như vậy.” Dạng độc thoại nội tâm tiêu cực này hình thành quá trình suy nghĩ của bạn về bản thân và mọi người.
Bạn nên ngừng những suy nghĩ kiểu này bất cứ khi nào chúng bắt đầu. Thay vì cắm chốt vào những lỗi lầm trong quá khứ vốn chẳng thể thay đổi, hãy cân nhắc những gì bạn đã học được và cách bạn sẽ áp dụng nó trong tương lai.
Chỉnh lại nhận thức về tình huống.
Cách bạn nói chuyện với chính mình về những sự kiện, trải nghiệm và mọi người đóng một vai trò lớn trong việc định hình cách bạn phiên giải sự kiện.
Khi bạn thấy mình phiên giải một thứ gì đó theo hướng tiêu cực, hoặc chỉ tập trung vào mặt xấu của tình huống, hãy tìm cách để tái chỉnh khung các sự kiện theo hướng tích cực hơn.
Điều này không có nghĩa là ngó lơ các nguy hiểm tiềm tàng hoặc nhìn đời bằng lăng kính màu hồng – bạn đơn giản chỉ tập trung trở lại để cân nhắc một cách công bằng cái được và cái chưa được của tình huống.
Kết luận.
Thiên kiến tiêu cực có thể tác động mạnh mẽ lên hành vi của bạn, nhưng việc nhận thức rõ nó cũng cho thấy bạn từng bước tiếp nhận một góc nhìn tích cực hơn về cuộc sống.
Việc chú tâm hơn ở đây bao gồm nhận thức rõ khuynh hướng tìm đến sự tiêu cực của bản thân và chủ động gia tăng những suy nghĩ hạnh phúc hơn, đưa chúng lên trên bề mặt của ý thức – đây là một trong những cách tốt nhất để đương đầu với thiên kiến tiêu cực.
Việc chìm đắm trong sự tiêu cực có thể gây tổn hại nghiêm trọng, vậy nên việc từng bước chống lại thiên kiến này đóng một vai trò lớn trong thúc đẩy sức khỏe tinh thần của bạn.
Tham khảo.
Cacioppo JT, Cacioppo S, Gollan JK. The negativity bias: Conceptualization, quantification, and individual differences. Behavioral and Brain Sciences. 2014;37(3):309-310. doi:10.1017/s0140525x13002537
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét