LÀM SAO ĐỂ KHÔNG BỊ TRỞ THÀNH NÔ LỆ CỦA TIỀN BẠC
Một buổi chiều mùa hè nọ, một nhóm sinh viên vừa tốt nghiệp tới thăm nhà vị giáo sư đáng kính đã từng dạy dỗ họ. Những sinh viên này vừa ra trường được khoảng một năm và bắt đầu bước chân vào “đời thực”, đối mặt với mọi thứ thất bại và thất vọng trên đời.
Suốt cả buổi, họ kể lể với vị giáo sư về cuộc sống khó khăn sau khi ra trường. Họ phàn nàn về những giờ làm việc dài dằng dặc, những vị sếp hách dịch, thị trường việc làm đầy cạnh tranh, và mọi người suốt ngày chỉ trò chuyện và quan tâm đến tiền, tiền, tiền.
Sau một lúc, người thầy giáo đứng lên cười nói: Tiền bạc là một vấn đề nhạy cảm. Bởi vì hầu hết mọi người ở một góc độ nào đó đều tự “ra giá” và định vị bản thân: chúng ta kiếm được bao nhiêu tiền. Theo nghĩa đen, nó chính là thứ để đem ra đánh giá năng lực và kĩ năng của một người. Vì lẽ ấy, chúng ta đứng ngồi không yên, cảm thấy bất an khi nói về chuyện tiền bạc.
Tuy nhiên có rất nhiều thứ mang lại giá trị trong đời ta. Thời gian là một loại giá trị. Tri thức là một loại giá trị. Hạnh phúc và các cảm xúc tích cực khác cũng thế. Tiền bạc chỉ là thứ phương tiện để truyền tải và chuyển đổi các dạng thức khác nhau của giá trị.
Tiền như một thứ chỉ có giá trị khi được đem ra lưu thông. Vì thế nó chính là sự phản chiếu giá trị của người sở hữu.
Mọi người thường nhầm lẫn giàu có với việc sở hữu nhiều thứ hay đạt được danh tiếng, thành quả gì đó.
Tôi có thể bỏ tiền trong thẻ tín dụng ra để mua túi Hermes, đi siêu xe của Lamborghini, chụp ảnh tự sướng với Sơn Tùng MTP nhưng điều đó không làm tôi giàu có hơn. Ngược lại, nó khiến tôi trông như một kẻ khốn khổ.
Có một câu nói trong phim Fight Club (Sàn đấu sinh tử) như thế này: “Những thứ mày sở hữu cuối cùng sẽ sở hữu lại mày.” Chủ nghĩa sùng bái vật chất nhìn chung là một cạm bẫy về tâm lí.
Không quan trọng bạn có bao nhiêu, mua bao nhiêu, kiếm được bao nhiêu, bệnh dịch tham lam sẽ không bao giờ kết thúc. Trong khi đó, bạn vẫn tiếp tục làm việc nhiều hơn, đương đầu với những nguy cơ lớn hơn, cứ thế mãi cho tới hết đời.
Ngay cả khi bạn mua các giá trị vật chất như trang sức hay siêu xe, bạn không chỉ mua hàng hóa, mà là cả trải nghiệm khi lái xe hay đeo trang sức đó: sức mạnh, tốc độ, địa vị xã hội. Bạn đang mua đồ trang trí cho danh tính của mình, cảm giác khi sở hữu và sử dụng nó, ngay cả khi nó không làm bạn hạnh phúc.
Theo Mark Manson
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét