Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2023

Trẻ em không nên có quá 5 bộ quần áo?

 

TRẺ EM KHÔNG NÊN CÓ QUÁ 5 BỘ QUẦN ÁO? LỜI GIẢI THÍCH CỦA NHÀ TÂM LÝ HỌC

 

Trước đây, các bậc cha mẹ đã từng lớn lên trong thời đại khan hiếm vật chất, vậy nên tâm lý luôn lo lắng con cái mình bị thiếu thốn. Họ thà làm việc chăm chỉ và chấp nhận vất vả hơn gấp bội để cung cấp những điều kiện vật chất tốt nhất cho con. Tuy nhiên điều này có thực sự mang lại hạnh phúc cho con cái?

 

Càng nhiều sự lựa chọn, hạnh phúc càng ít

Nhà tâm lý học người Mỹ Barry Schwartz cho rằng sự thoải mái quá mức dẫn đến sự suy giảm mức độ hài lòng trong cuộc sống của mọi người và gia tăng tình trạng trầm cảm lâm sàng.

Vì vậy, bạn sẽ thấy rằng mặc dù điều kiện sống bây giờ rất tốt nhưng rất nhiều trẻ em không biết cách trân trọng.

Đồ chơi sẽ bị vứt đi sau một thời gian, những món ăn đã từng được yêu thích, chỉ sau vài ngày sẽ không còn được nhòm ngó đến...

 

Một người mẹ đã từng kể về sự nhầm lẫn của mình

Một lần, tôi đưa con trai đến nhà cô bạn chơi và nghĩ rằng cậu bé sẽ có một khoảng thời gian vui vẻ, nhưng thực tế thì không...

Lúc đầu, con trai tôi rất hào hứng khi chơi xe tải. Sau đó, sự quan tâm của cu cậu được chuyển đến xe cứu hỏa, chơi xe cứu hỏa xong lại chạy đến xe cảnh sát, và cuối cùng là tranh giành chiếc xe cứu thương với cậu bạn.

Tôi nói với con trai: "Con nhìn xem, có bao nhiêu ô tô để chơi, sao con còn tranh giành với bạn?". Con trai tôi ấm ức khóc.

 

Thực lòng mà nói, tôi cho rằng đó không phải là lòng tham của trẻ em, nhưng khi có nhiều sự lựa chọn hơn, trẻ khó có được 100% hạnh phúc từ những đồ chơi này, bởi hạnh phúc sẽ bị giảm đi.

 

Một người bạn của tôi, xuất thân từ một gia đình nhỏ ở vùng nông thôn nghèo

Khi cô ấy còn là một đứa trẻ, chỉ có hai món đồ chơi, một con búp bê Barbie, được mua khi cha cô đi làm xa, một con búp bê bằng gỗ, là quà tặng sinh nhật của người bạn thân nhất của cô ở trường tiểu học.

Cho đến bây giờ, cô vẫn trân trọng hai món đồ chơi này. Mỗi lần kể lại, cảm giác hạnh phúc và cảm động khi nhận được quà vào thời điểm đó dường như vẫn còn mới nguyên trong cô.

 

Lựa chọn quá mức có thể gây mất tập trung

Khi trẻ phải đối mặt với nhiều sự lựa chọn, trái tim của chúng thường bị vướng mắc và do dự. Chúng không biết những gì chúng thực sự muốn, và chúng không biết cách trân trọng chúng.

Một khi trẻ phát triển thói quen mất tập trung, rất khó phát triển chất lượng tập trung và dễ bỏ cuộc hơn khi gặp khó khăn. Những điều này không có lợi cho sự phát triển trong tương lai của trẻ.

Vậy làm thế nào để chúng ta cho con cái lựa chọn, điều gì là tốt nhất cho chúng?

 

1. Về khía cạnh vật chất - làm cho sự lựa chọn của trẻ ít hơn và tốt hơn

Không nên có quá nhiều đồ chơi, 5 cái là tốt nhất.

Các học giả thuộc Đại học Virginia, Mỹ cho rằng trẻ em nên được cung cấp khoảng 5 đồ chơi. Trong phạm vi lựa chọn này, đứa trẻ tập trung vào những đồ chơi mà nó thích, và liên tục tìm tòi, suy nghĩ, và có thể tạo ra nhiều cách chơi mới, khi đó giá trị của đồ chơi có thể được tối đa hóa.

 

Tối đa 3 đôi giày và tối đa 5 bộ quần áo trong mỗi mùa

Các nhà tâm lý học Nhật Bản đã gợi ý rằng trẻ em trên 4 tuổi cần không quá 5 bộ quần áo mỗi mùa. Đồng thời, chúng không cần nhiều hơn 3 đôi giày (bao gồm cả dép đi trong nhà) và chỉ cần có 1 chiếc mũ.

Quần áo và giày dép nhiều quá mức có thể khiến trẻ gặp "khó khăn trong việc lựa chọn" và dễ bị phân tâm.

Ngoài ra, một căn phòng gọn gàng cho phép trẻ em tập trung hơn vào việc chơi và khám phá. Khi sống trong một không gian bừa bộn, sẽ dễ cảm thấy buồn chán và thiếu kiên nhẫn.

 

2. Về khía cạnh học tập: đừng tham lam đăng ký nhiều lớp học cho con

Nhiều bậc cha mẹ chỉ chăm chăm lo cho con tham gia các lớp học khác nhau để con cái của họ có thể giỏi nhất ngay từ vạch xuất phát, chẳng hạn như taekwondo, piano, khiêu vũ, hội họa ...

Tuy nhiên, mặc dù trẻ em đang đổ xô đến các lớp học năng khiếu khác nhau, cuối cùng... mọi thứ đều không ổn. Điều này là do năng lượng của trẻ bị hạn chế, quá nhiều môn học, dẫn đến việc học không thể tập trung.

Bạn nên chọn một hoặc hai theo năng khiếu của con bạn. Đừng quá tham lam, nếu không con bạn sẽ mất nhiều hơn được.

 

Giảm lựa chọn vật chất, tăng sự đồng hành chất lượng cao

Trẻ em rất háo hức được đồng hành cùng cha mẹ. Tầm quan trọng của việc này đối với sự phát triển của trẻ thực sự tốt hơn nhiều so với những gì mà vật chất có thể mang lại.

Nhà giáo dục người Ý Montessori tin rằng đứa trẻ là một "phôi thai tâm linh". Từ khi sinh ra, đứa trẻ đã phát triển nhờ kinh nghiệm, nhận thức và tương tác với thế giới xung quanh. Nó giống như một miếng bọt biển không ngừng hấp thụ mọi thứ mà môi trường mang lại.

Cha mẹ là người đầu tiên kết nối với trẻ em và thế giới, cách thức và chất lượng sự đồng hành của cha mẹ quyết định cách trẻ em sống với thế giới và cách cư xử của bản thân.

Vượt xa những giá trị vật chất, những khoảnh khắc ngọt ngào giữa cha mẹ và con cái luôn có thể trở thành dấu ấn trong trái tim đứa trẻ và trở thành những ký ức đẹp nhất trong cuộc đời của chúng.

 

Theo: aboluowang.com

 

Vợ chồng bị ngăn cách nhau bởi "cánh cửa vô hình"

 

VỢ CHỒNG BỊ NGĂN CÁCH NHAU BỞI "CÁNH CỬA VÔ HÌNH"

Tôi biết gió đang thổi nhưng không thể cảm nhận được sự vuốt ve nhẹ nhàng của gió. Tôi thấy những bông hoa nở rộ nhưng không ngửi thấy hương thơm ngát của hoa, tôi biết cô ấy đang nói nhưng không hiểu được tâm ý, nỗi lòng…

Trong cuộc sống, giữa vợ chồng, đôi khi chúng ta thường sống qua những ngày “nghe mà không hiểu”, hay “nói mà như không nói”. Đây là vấn đề “câu thông tâm hồn” giữa người với người. Thường thì sự khác biệt này, ngay cả những cặp vợ chồng sống cả đời với nhau cũng chưa chắc đã vượt qua được.

Tuy nhiên, họ vẫn viên dung nhau bằng ân nghĩa phu thê, tôn trọng lẫn nhau sống đến đầu bạc răng long.

Cách nhìn, quan niệm về cuộc sống mỗi người là khác nhau, nó có sự ảnh hưởng và chi phối cuộc sống của mỗi người. Do nền tảng gia đình, môi trường sống khác nhau mà có lăng kính nhìn cuộc đời khác nhau.

Tình cảm vợ chồng khác với tình yêu cha mẹ, con cái vì chỉ có là vợ chồng - hai người duy nhất trên đời có thể biết những điều mà không phải ai cũng được biết, ngắm nhìn cơ thể nhau, sinh con đẻ cái.

Chúng ta có thể đã nghe, hoặc biết về những cặp đôi thề non hẹn biển, sống chết cùng nhau, vượt xa ý nghĩa cuộc sống. Điều đó không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ giữa vợ và chồng, mà cao hơn là sự giao lưu sinh mệnh.

Tuy nhiên, điều này chúng ta thường thấy ở người xưa, truyền thuyết, và trong phim nhiều hơn so với thời bây giờ. Vậy cuộc sống hiện đại ngày nay có thứ tình cảm tuyệt vời như vậy không? Có nhưng có lẽ không nhiều.

Bởi thời nay, người ta sống vì cảm xúc cá nhân, bỏ qua những tiêu chuẩn truyền thống, quy phạm đạo đức, chạy theo thỏa mãn dục vọng cá nhân. Yêu thì cưới, không thích, hết yêu thì chia tay, ly hôn… không cần nghĩ đến hậu quả, trách nhiệm của bản thân, không nghĩ cho người khác.

Có những người không vượt qua được chính mình, cảm thông, bao dung, để có thể đồng điệu về tâm hồn với người bạn đời, bước đi cùng mình trên con đường đời. Trong cuộc sống hàng ngày vẫn ăn cơm chung mâm, ngủ chung giường, đắp chung chăn… mà lỗi nhịp trong tâm hồn.

Thêm vào đó là quan niệm sống lệch lạc của một số người làm chồng - vợ, không tôn trọng lẫn nhau. Có một số người chồng coi vợ như người giúp việc, người “đẻ thuê”...;

Ngược lại, một số người vợ coi chồng là người làm công dài hạn, hai người đầy trách nhiệm và nghĩa vụ vì gia đình, họ có tình cảm nhưng không có tình yêu, nếu miễn cưỡng gọi là tình yêu thì là tình yêu "có điều kiện".

Vì vậy, vợ chồng tuy biết khá rõ tính cách của nhau nhưng lại thường khó chạm đến trái tim nhau, nên mới có chuyện “Tôi biết anh ấy sẽ làm gì nhưng không hiểu sao anh ấy lại làm vậy, nói cũng không nghe, thật sự không hiểu”.

Có một số người, mặc dù không làm những điều tổn thương vợ hoặc chồng mình, họ sống một cuộc sống bình thường. Họ sử dụng phương pháp ‘nuôi dưỡng sở thích, đam mê công việc’… tự tìm niềm vui cho mình, dùng âm nhạc, viết lách, hội họa,… tìm niềm vui cho tâm hồn, trốn tránh mối quan hệ thực tại.

Những người này thì ngay cả vợ, hoặc chồng cũng không biết là họ có vấn đề về tâm lý, tâm hồn.

Có những người lại sống 'cuộc sống của người khác', không thật với chính mình, bỏ qua những đam mê, công việc, sở thích của bản thân…nghe theo sự sắp xếp, mong muốn của chồng hoặc vợ. Nghĩ rằng như thế là vun vén cho gia đình, chồng hoặc vợ sẽ hài lòng, cửa nhà được êm ấm. Tuy nhiên, sự thật luôn khác xa với những điều bạn tưởng.

Thường thì ngay cả vợ và chồng cũng không biết rằng, đối phương có những mong muốn sâu thẳm trong tâm hồn cần người đồng hành cùng mình thấu hiểu.

Thật ra vấn đề này không phải người chồng hoặc vợ nào cũng có thể nhận ra và coi trọng. Bởi nghĩ, đã là của nhau, là vợ chồng rồi có gì mà phải giấu, thích gì nói luôn ra lại còn úp mở, phải lo cơm áo gạo tiền,…tâm trí nào nữa mà đi lo đến tâm hồn người khác.

Nhưng những người chồng hoặc vợ yêu thương thật sự, đủ tinh tế sẽ nhận ra, hiểu được người đồng hành cùng mình. Vợ chồng có cố gắng hiểu nhau hay không mà thôi!
Giữa vợ và chồng, chỉ có thể "khách quan biết được sự tồn tại", chứ không thể "chủ quan cảm nhận được sự tồn tại", có giao tiếp đời sống, nhưng không có giao tiếp tinh thần.

Tình cảm, tâm hồn giữa vợ chồng có 'tấm màn ngăn cách vô hình' là vì thế!
Đôi khi chúng ta không thể tự bước qua được 'tấm chắn vô hình' đó, chỉ khi tìm đến các chuyên gia, tự mình cho mình thời gian chiêm nghiệm, hướng vào bản thân và suy ngẫm, thì mới hiểu ra.

Điều chúng ta mong cũng như điều người khác muốn, ai cũng mong tìm được người hiểu mình, cùng vượt qua thăng trầm, cùng nhau sống hạnh phúc trong cuộc sống.

Theo: NTDVN

Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2023

Nếu đã là tình yêu thì không có đúng hay sai

 

NẾU ĐÃ LÀ TÌNH YÊU THÌ KHÔNG CÓ ĐÚNG HAY SAI

 

Có một câu nói thế này, trong tình yêu, vốn chẳng có sự phân biệt đúng hay sai, chỉ có yêu hoặc không yêu.

Người ta vẫn cứ cố chấp cho rằng, chỉ cần chân thành và kiên trì, một ngày nào đó sẽ cảm động được trái tim vốn dĩ không thuộc về.

Bạn chỉ xuất hiện vào đúng thời khắc người ấy cô đơn nhất, nhưng mãi mãi cho đến sau này, bạn chẳng phải bàn tay mà người muốn nắm lấy. Vậy thì, rốt cuộc bạn cố gắng nhiều như thế nào thì kết cục cũng đâu thể thay đổi.

 

Một dạo tôi khăng khăng cho rằng, khi yêu một người thật lòng thì phần yêu nhận về cũng tương đương.

Dạo ấy, tôi chưa biết tình yêu lại có nhiều ngã rẽ quanh co như vậy. Cho đến khi trải qua mối tình đầu không mấy nguyên vẹn, tôi bỗng có cảm giác, chẳng phải cứ đem hết tim trao cho người ta thì người ta sẽ ở bên cạnh mình suốt đời.

 

Hứa hẹn khi còn yêu, suy cho cùng cũng chỉ là lời nói để an ủi người bên cạnh. Còn đến khi quyết định rời xa, lời hứa trở thành vết thương sâu hoắm, như một lưỡi dao sắc lẹm, đâm thẳng vào tim. Thế nên, tôi không thích sự hứa hẹn, yêu nhau hôm nay, bình yên hôm nay thôi.

Nếu bạn đang trong một mối quan hệ yêu đương, thì hãy thật sự hạnh phúc, còn nếu không hạnh phúc, hãy rời đi.

Thanh xuân của chúng ta không chỉ có mỗi tình yêu. Tình yêu là thứ gia vị khiến cho cuộc sống trở nên rực rỡ hơn, nhưng nó không phải là tất cả.

 

Tất nhiên ai cũng có một thời tuổi trẻ, tôn thờ tình yêu. Khi đi qua những mảnh vỡ, tự khắc bạn sẽ biết cách yêu thương bản thân nhiều hơn. Bởi nếu đến chính mình còn không trân quý thì lấy tư cách gì đòi hỏi người khác phải nâng niu, vỗ về.

Yêu một người, không chỉ sống hết lòng vì nhau, mà đôi khi còn phải học cách bao dung và can đảm buông tay.

Bạn và người ấy, hoặc có thể vô tình gặp lại, hoặc có thể chẳng bao giờ nhìn thấy gương mặt ấy nữa. Dù hai người ở chung một thành phố, hít thở chung một bầu không khí, nhưng sẽ không còn những cuộc hẹn, không còn những lần đón đưa.

 

Hoặc cũng có những tình yêu, chưa chớm nở đã vội tàn, chưa bắt đầu đã ly biệt hai nơi. Vì yêu quá nhiều, nên chỉ đành im lặng, bởi sợ nói ra sẽ khiến mọi chuyện thêm tồi tệ.

Tôi thường gọi những mối tình như thế là tình yêu cam tâm. Vì cam tâm, nên đến cuối cùng, khi đã rời xa, người còn lại cũng chẳng biết được nỗi đau mà đối phương gánh chịu. Cứ như thế, đợi thời gian hàn gắn tất cả.

 

Khi bạn dành cho ai một thứ tình cảm trên cả tình yêu, tôi tạm gọi là thương, bạn sẽ luôn mong người ấy hạnh phúc, dẫu người không chọn đồng hành cùng bạn. Thế nên, sẽ chẳng ai biết được, liệu mình yêu người ấy có đáng hay không, có đúng hay sai.

Tôi vẫn có thói quen xem lại những bức ảnh cũ, đôi khi chỉ là một tấm ảnh đen trắng, loang lổ màu thời gian. Lúc chụp thấy nó rất đỗi bình thường nhưng lật lại thì cả một quãng đời, ẩn chứa nhiều câu chuyện. Tình yêu cũng vậy, có gặp gỡ ắt có chia xa...