“CHỚ ĐI NGÀY BẢY, CHỚ VỀ NGÀY BA”
Từ thời xa xưa, ông bà ta đã dạy rằng: “Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba”, hoặc “Mùng ba, mùng bảy tránh xa, Mười ba, mười tám cũng là không hay. Hăm hai, hăm bảy sáu ngày, Là Tam nương sát họa tai ương khôn lường”.
Theo như câu nói này, người xưa quan niệm các ngày âm lịch đầu tháng vào ngày mùng 3, mùng 7 âm lịch, giữa tháng ngày 13,18 và cuối tháng ngày 22, 27 được coi là ngày xấu, tránh việc xuất hành, khởi sự, nếu cố làm việc gì cũng sẽ vất vả, không được việc. Như vậy, mỗi tháng sẽ có 6 ngày phải kiêng làm việc lớn.
Được biết, quan niệm kiêng kỵ này theo quan niệm truyền thống, con số lẻ là những con số đơn độc, còn số chẵn mới là số có đôi có cặp.
Chính vì thế, người xưa khuyên rằng làm việc gì cũng nên tránh sự đơn độc, làm như thế mới có thể đạt được thành công cao hơn, đặc biệt với những việc lớn như xuất hành, cưới hỏi hoặc làm việc lớn…
Bên cạnh đó, người Việt Nam cũng có quan niệm rằng, vào những ngày đó Ngọc Hoàng đã sai 3 cô gái xinh đẹp (chính là Tam Nương) xuống hạ giới để làm mê muội và thử lòng con người. Nếu như ai gặp phải Tam Nương, các cô này sẽ khiến người ta làm cho bỏ bê công việc, đam mê tửu sắc, cờ bạc…
Đồng thời, câu nói này cũng như một lời nhắc nhở con cháu nên làm chủ trong mọi hoàn cảnh, nên chịu khó, cần cù làm việc cũng như học tập.
Bên cạnh đó, các ngày 5, 14, 23 lại được cho là ngày Nguyệt kỵ. Nếu như để ý kỹ một chút sẽ phát hiện, những ngày này cộng lại đều bằng 5. Chính vì thế, dân gian thường gọi những ngày này là “nửa đời, nửa đoạn”, vì thế dù làm việc gì vào những ngày này cũng chỉ giữa chừng, khó đạt được mục tiêu.
Liên quan đến quan niệm này, ông Hà Thanh (Viện Nghiên cứu Ứng dụng Tiềm năng con người), quan niệm kiêng kỵ “Chớ đi ngày 7 chớ về ngày 3” còn phụ thuộc vào từng vùng miền, tùy theo từng địa phương.
Ví dụ như, có những ngày tối kỵ về hôn nhân ở vùng này nhưng ở vùng khác đó lại là ngày đẹp, thích hợp để cưới gả.
Việc kiêng kỵ vào các ngày Tam Nương thực tế vẫn chưa có ai kiểm chứng liệu đó có đúng là ngày xui xẻo hay không. Điều này chỉ đơn thuần xuất phát từ tín ngưỡng dân gian, đúng hay không còn trừu tượng, nên có tin hay không cũng tùy vào từng người.
Cho đến ngày nay, quan niệm kiêng kỵ “chớ đi ngày 7 chớ về ngày 3” đã không còn phổ biến như xưa nữa. Đồng thời, cũng không còn nhiều người kiêng kỵ điều này như xưa nữa.
Nguyên nhân bởi, đã có rất nhiều người chọn làm việc, khởi sự cũng như xuất hành vào ngày mùng 3, mùng 7 và thậm chí là những ngày Tam Nương khác mà mọi sự vẫn hanh thông.
Nhiều người cho rằng, nếu như mọi người kiêng kỵ thì mình đi cho vắng vẻ, thoải mái.
Tuy nhiên, vẫn có những người tuân theo quan niệm này, và cho rằng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét