Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

Bài thơ “Anh đi anh nhớ quê nhà”

 

BÀI THƠ “ANH ĐI ANH NHỚ QUÊ NHÀ”

Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh
 rau muống, nhớ cà dầm tương.
Nhớ ai dãi nắng dầm sương,
Nhớ ai tát nước bên đường hôm mai.”

Đây là bài thơ rất đỗi quen thuộc của Á Nam Trần Tuấn Khải, một nhà nho, một nhà thơ đầu thế kỉ XX, nhưng sau này được lưu truyền trong dân gian như ca dao.

Bài thơ "Anh đi anh nhớ quê nhà" là một tác phẩm tiêu biểu, chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc về tình cảm quê hương và tình yêu.

Qua bốn câu thơ, nhân vật chính thể hiện nỗi nhớ quê hương, nhớ những hương vị giản dị như canh rau muống và cà dầm tương.

Đây là những món ăn mộc mạc nhưng lại gắn liền với ký ức và tình thương, phản ánh cuộc sống bình dị của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ.

Nỗi nhớ quê hương không chỉ là nhớ về cảnh vật mà còn là nhớ về con người, cụ thể là những người gắn bó đêm ngày dãi nắng dầm sương để tạo ra cuộc sống.

Ngoài ra, bài thơ cũng cho thấy nỗi nhớ về tình yêu. Hai câu thơ cuối đã chuyển hướng từ nỗi nhớ quê nhà sang nỗi nhớ một người yêu, gợi lên hình ảnh người con gái tần tảo, chăm chỉ, đã cùng hưởng những gian khó.

Điều này cho thấy sự hòa quyện giữa tình yêu quê hương và tình yêu đôi lứa, bộc lộ rõ nét nỗi nhớ thiêng liêng của người xa nhà

-----------

Về nhà thơ Trần Tuấn Khải

Trần Tuấn Khải (4/11/1895 – 7/3/1983) bút danh Á Nam (thường dùng), Ông người làng Quan Xán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, xuất thân là nhà nho nghèo, có truyền thống yêu nước.

Năm 1921, ông xuất bản tập thơ thứ nhất Duyên nợ phù sinh, được giới văn học đương thời lưu tâm. Năm sau, ông được mời vào Ban biên tập nhật báo Khai hoá tại Hà Nội và nhận lời viết giúp cho nhiều báo khác. Đến khi ông cho xuất bàn Bút quan hoài, gồm nhiều bài bi tráng và được nhiều người hoan nghênh; Pháp ra lệnh cấm lưu hành và tàng trữ tập thơ đó. (Thi nhân tiền chiến, quyển hạ, NXB Sống Mới, Sài Gòn, 1969, tr.10)

Năm 1954 ông vào Nam, làm việc tại Thư viện quốc gia, Viện khảo cổ, chuyên viên Hán học tại Nha văn hoá và các báo Đuốc nhà Nam, Văn hoá nguyệt san, Tin văn… Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông giữ chức cố vấn Hội Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh từ 1975 cho đến khi mất ở 88 tuổi (1983).

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét