Thứ Hai, 8 tháng 1, 2024

Ngộ nhận về sự đủ đầy

 

NGỘ NHẬN VỀ SỰ ĐỦ ĐẦY

Có hai ngộ nhận lớn nhất của con người về sự đủ đầy:

1. Không có đủ: Chúng ta hay nhầm tưởng rằng sự thiếu thốn là không có đủ, và mặc định rằng tạo hóa không có đủ cho tất cả mọi người. Nào là ta không có đủ đất, không có đủ nước, không có đủ thức ăn, không có đủ thời gian, không có đủ tiền.

Chính vì sợ thiếu đủ thứ, người ta mới lao vào làm mọi thứ có thể (ngay cả những việc mình không thích hay không muốn làm, và ngay cả những việc bất chấp thủ đoạn hay luân thường đạo lý) để trở nên thành công vang dội, để có thật nhiều tiền, để không bị tụt lại phía sau người khác.

2. Càng nhiều càng tốt: Khi sợ rằng sẽ không có đủ, chúng ta sẽ cố gắng kiếm thêm càng nhiều càng tốt để có được nhiều hơn lượng mình hiện có, dù cho nó vượt quá nhu cầu. Và thế là, mọi người bắt đầu tăng tốc chạy đua với nhau, cạnh tranh khốc liệt để giành giật, tích trữ, thu thập những thứ đáng giá để thỏa mãn lòng tham của mình.

Hệ quả của (1) là chúng ta không bao giờ cảm nhận được sự viên mãn trong đời sống, vì tâm trí lúc nào cũng thấy mình là kẻ thiếu thốn, thiếu đủ thứ.

Hệ quả của (2) là chúng ta luôn không ngừng so sánh bản thân mình với người khác, tài sản của mình với người khác, và đời sống không bao giờ cảm nhận được sự bình yên vì lúc nào cũng phải xoay vần trong cuộc chác lợi mua danh.

Giống như khi ta ăn một món ăn, ăn trong chánh niệm là tập trung vào khoảnh khắc hiện tại, tận hưởng mùi vị của món ăn và tài nghệ của người đầu bếp (hay của chính mình).

Nhưng khi ta ăn quá nhanh và ăn quá nhiều, ta chẳng cảm nhận được gì cả, vì ta ăn cốt để no chứ không phải để thưởng thức món ăn.

Những người sống trong hai sự ngộ nhận kể trên, họ luôn liên tục tập trung vào những thứ tiếp theo trong đời sống của họ – chiếc túi hàng hiệu tiếp theo, chiếc xe tiếp theo, căn nhà tiếp theo, chuyến đi du lịch nước ngoài tiếp theo, công việc tốt hơn tiếp theo, v.v.

Cuộc chạy đua không bao giờ đi đến hồi kết, trừ khi một biến cố to lớn xảy ra trong cuộc đời để thực hiện vai trò của một cú tát giúp họ thức tỉnh.

Một người bạn của mình có quen một chị bạn rất giàu, nhà và xe của chị nhiều đến nỗi, khi bạn nói định ghé tới chơi nhà chị, thì chị phải hỏi lại đó là cái nhà nào mới được.

Tiền của chị cũng bận rộn như đời sống của chị, nó không bao giờ ở yên một chỗ, mà sở thích của chị là đi coi đất, coi nhà, nhắm chỗ nào được thì mua đứt, từ Sài Gòn, Hà Nội cho đến Lâm Đồng, Bình Thuận, chỗ nào có đất tốt chị đều đi coi để mua để dành.

Ấy vậy mà chị lại có một nỗi sợ, là sợ mất tiền, khi thì sợ làm ăn thua lỗ, khi thì sợ bị người khác lừa đảo, khi thì sợ mình không có đủ tiền khi về già. Thuyền to thì sóng lớn, người lèo lái thuyền lớn ra khơi thì luôn sợ bão giông và đủ thứ chuyện xảy ra trên đời.

Điểm tréo ngoe của cuộc đời là một số người tích trữ được số của của cải có thể giúp họ sống được 3 hay 5, 10 lần cuộc đời hiện tại, nhưng họ lại ngày đêm lo lắng về chuyện bị mất tiền và làm sao kiếm thêm được nhiều tiền hơn nữa.

Một số người khác, khi nhìn vào phần thừa của những người đã tích trữ quá nhiều, thì lại thấy rằng bản thân mình thiếu. Như gần đây trên báo chí có đưa một tin, một cô là phụ hồ tích cóp được một số tiền 6 triệu đồng nhưng chẳng may bị mất, và cô đã treo cổ tự tử

Trong khi đó, một buổi đi shopping thả giàn của một cô người mẫu nổi tiếng có thể tiêu tốn lên tới gần 5 tỷ bạc.

Khi chúng ta đem hai mảnh đời đó lên một bàn cân để so sánh về sự giàu – nghèo, ta cảm thấy chua chát về sự bất công trong cuộc đời, nhưng vốn dĩ cuộc đời đâu bất công với ai. Đâu ai ép người lao động kia phải tự tử, vì mất tiền đâu phải là đường cùng để kết thúc một cuộc đời.

Ở thế kỷ 21 này, trừ một số vùng còn lạc hậu trên thế giới mới còn tồn tại nạn đói, chứ chẳng ai phải chết vì đói như thời nạn đói 1945 ở Việt Nam.

Mới đây, một cô MC, diễn viên nổi tiếng có lên báo chia sẻ chuyện thường xuyên nhập viện, ngất xỉu, sụt đến 10kg vì làm việc quá sức, nói thì nói vậy nhưng thực tế cô này vẫn mở thêm một công ty, show thì vẫn nhận đều đều, rồi vừa mới mua thêm một căn nhà và tậu thêm một chiếc xe hơi.

Đâu ai bắt bạn làm việc tới kiệt sức, làm việc tới bán mạng để kiếm thêm tiền, để sắm thêm vàng. Tất cả đều là sự lựa chọn mang tính cá nhân của bạn.

Mọi tài nguyên trên Trái Đất này, từ đất, nước, không khí, khoáng sản cho tới tài sản vật chất không phải là vô hạn mà là hữu hạn, nhưng nó luôn có đủ cho tất cả mọi người – với điều kiện họ biết xài vừa đủ theo đúng nhu cầu của mình, không tham lam tích trữ một cách thừa mứa.

Ngay cả với những người lao động sống một cuộc đời bình thường, họ vẫn đủ ăn đủ mặc đủ tiền rủng rỉnh mua sắm cái này cái kia.

Nhưng khi họ khởi lên suy nghĩ không thấy đủ, muốn đổi chiếc xe, muốn mua cái nhà, muốn sắm đồ hiệu,… thì tự khắc họ sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn của sự đau khổ vì không biết đủ.

Không biết đủ có thể là động lực giúp con người ta phấn đấu đi lên cho một đời sống tốt đẹp hơn – từ đủ ăn, đủ mặc cho tới ăn ngon, mặc đẹp rồi tới ăn sang, mặc đồ hiệu, nhưng cũng có thể nhấn chìm người ta trong bể khổ của kiếp nhân sinh vì suốt ngày phải hùng hục như ngựa chạy đi kiếm tiền rồi tích trữ tài sản.

Khi chúng ta giảm bớt nhu cầu và ngừng cố gắng tìm kiếm những thứ mà chúng ta không thực sự cần, ta sẽ sống được một đời nhẹ nhàng, bình an mà không phải chạy theo bất cứ cuộc đua kim tiền nào. Lúc đó, ta sẽ có đủ năng lượng để dành sự quan tâm của mình cho việc trân trọng những tài sản ta đã có và bồi đắp thêm những phần ta đang khuyết thiếu ở mặt đời sống tinh thần.

“Biết đủ, là đủ, chờ cho đủ thì bao giờ mới đủ?

Biết nhàn, là nhàn, chờ cho nhàn thì bao giờ mới nhàn?”

(Nguyễn Công Trứ)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét