Thứ Ba, 16 tháng 1, 2024

Buổi nói chuyện thơ cuối cùng của Xuân Diệu

BUỔI NÓI CHUYỆN THƠ CUỐI CÙNG CỦA XUÂN DIỆU

Tháng 9 năm 1985, kỷ niệm 40 năm ngày Quốc khánh 2 tháng 9, Câu lạc bộ Đoàn Kết (ở đường Tràng Tiền) tổ chức cuộc nói chuyện "Thơ Việt Nam 1945-1985". Diễn giả là nhà thơ Xuân Diệu.

Tôi còn nhớ như in buổi nói chuyện hôm đó. Gọi là "Thơ hiện đại Việt Nam sau Cách mạng tới nay", nhưng lướt qua một số tên tuổi tiêu biểu, già nửa thời gian còn lại, thi sĩ quay ra phân tích, giảng giải cái hay của... thơ mình. Tất nhiên chẳng ai lấy làm ngạc nhiên về điều này (vì ông đã làm như thế nhiều lần, cả trên trang sách).

Được nghe nhà thơ lớn nói chuyện đã là vui lắm, huống hồ được nghe "chui" một số bài thơ xưa của ông ít có dịp được tái bản, lại còn thơ trong sổ "mật" chưa hề xuất bản, vui nào bằng.

Xuân Diệu thông báo chuyện trong cuộc gặp gỡ quốc tế các nhà văn ở Xôphia trước đây, ông có đọc bài thơ "Chén nước", được đồng nghiệp tán dương. Nữ thi sĩ Bungari Đimitrôva còn cho rằng đó là bài thơ hay nhất đọc buổi hôm đó.

Tiện đây, Xuân Diệu bình luôn mấy câu thơ Đimitrôva viết về cái hôn, đại thể "Nụ hôn vùi trong tóc": "Tại sao phải vùi, chữ vùi hay như thế nào? Vì nụ hôn nóng bỏng như hòn than đỏ, phải vùi vào trong tóc, chớ không nó trơn trượt, nó rơi mất" - Nguyên văn câu bình luận của nhà thơ như thế.

Mọi người vỗ tay rào rào. Nhà thơ nghiêng người, ngả cổ nâng cốc nước cam, uống một hơi, vẻ mặt mãn nguyện.

Nhưng đến giờ giải lao, hình như theo thông báo từ trước "người đi nghe nói chuyện thơ được mua thêm họa báo", ở hành lang, mọi người chen chúc nhau, cố gắng mua lấy được đôi tờ họa báo về bọc sách cho con (nên nhớ những năm tháng ấy ở ta còn khan hiếm về giấy, có được đôi tờ họa báo bọc sách, bọc vở là quý lắm, đa phần chỉ dám bọc sách vở bằng giấy báo, giấy vỏ bao xi măng mà thôi).

Không khí lộn xộn kéo dài, khi nhà thơ Xuân Diệu đã trở về bục diễn giả và tiếp tục nói chuyện thơ rồi, mà ở hành lang, những cánh tay nhao nhao giơ lên vẫn còn dày đặc.

Xuân Diệu ngán ngẩm lắc đầu. Ông lẩm bẩm, nhưng vì miệng ông ghé gần micrô, nên trong phòng, mọi người đều nghe thấy: "Mọi người đến đây để mua họa báo chứ không phải nghe thơ à?".

Mặc nhà thơ ta thán, nhiều người vẫn bỏ ngoài tai, cố gắng đạt được mục đích của mình.

Lòng ta là một cơn mưa lũ

Đã gặp lòng em là lá khoai

Thái độ của nhà thơ đã chất nhiều bực dọc. Câu thơ đọc lên nghe nặng nề, như táp vào mặt người nghe. Đột nhiên, nhà thơ to giọng:

- Lá khoai, ở miền Nam người ta gọi là lá môn, nhưng chẳng lẽ với đồng bào miền Bắc, tôi lại gọi là lá môn, là: Lòng ta là một cơn mưa lũ/ Đã gặp lòng em là lá môn hay sao?

Cũng chẳng cần biết ẩn ý của nhà thơ thế nào khi nói ra câu ấy, mà nghe cách giải thích ngộ quá, mọi người rộ lên cười. Tiếng cười làm cho thi sĩ hơi dịu lại, rồi chắc cũng thấy cách giải thích của mình hơi sa đà, ông nói thêm:

- Vả chăng, dùng chữ lá môn không được. Như thế làm sao vần với hai câu dưới: Mưa biếc tha hồ tuôn giọt ngọc/ Lá xanh không ướt đến da ngoài...

Tiếng cười lại rộ lên râm ran khắp phòng...

Đó là buổi nói chuyện thơ cuối cùng trước công chúng của thi sĩ, vì chỉ ba tháng sau đó, ông đã "vẫy chào cõi thực để vào hư".

Nhà thơ Xuân Diệu ra đi đến nay đã hơn hai chục năm (ông mất ngày 21/12/1985). Lớp học sinh ngày ấy giờ đã lớn, những quyển sách đã sờn, nhưng vẫn còn đâu đây một niềm tiếc thương của những người đã từng một lần được nghe ông nói chuyện thơ...

ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét