Hiển thị các bài đăng có nhãn Thơ tình. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thơ tình. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2024

Xuất xứ của bài thơ "Yêu" của Xuân Diệu

 

XUẤT XỨ CỦA BÀI THƠ "YÊU" CỦA XUÂN DIỆU

Trong sự nghiệp thơ ca của Xuân Diệu, bài "Yêu" có một vị trí khá đặc biệt. Nó không phải là bài thơ "bề thế", song lại được phổ biến rộng rãi bởi đã nói được những khoảnh khắc tâm tình rất riêng của các bạn trẻ.

Về xuất xứ của bài thơ này, Xuân Diệu kể: Bấy giờ ông chỉ mới chừng 19, 20 tuổi. Một buổi trưa, nhân lúc ra trông hàng cho mẹ (vốn là một cô hàng nước mắm), phải cái thời khắc vắng vẻ, chợ búa ít người qua lại, Xuân Diệu mới tìm cách trêu ghẹo cô bán hàng bên cạnh.

Cô này thấy chàng làm thơ đã chớm nổi tiếng thì giả bộ mê mải đọc sách. Xuân Diệu vờ buông lơi một câu (mà ông lấy ý của thơ Pháp) để "thăm dò":

Yêu là chết ở trong lòng một ít

Không ngờ cô bán hàng bỏ sách xuống, nguýt chàng thi sĩ "ỡm ờ" này một cái rõ dài, rồi bĩu môi, cao giọng:

Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu

Như được "nối điêu", Xuân Diệu hứng khởi hẳn lên. Ông tiếp luôn:

Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu

Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết

Mặc dù mối liên quan giữa chàng thi sĩ với cô gái trẻ cũng chỉ dừng lại ở chuyện đối đáp thơ, song đó chính lại là xuất xứ của khổ đầu bài "Yêu" - một bài thơ tình nổi tiếng của Xuân Diệu.

ST

 ------------

YÊU

Yêu, là chết ở trong lòng một ít,
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?
Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu:
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết.

Phút gần gũi cũng như giờ chia biệt.
Tưởng trăng tàn, hoa tạ với hồn tiêu,
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu!
- Yêu, là chết ở trong lòng một ít.

Họ lạc lối giữa u sầu mù mịt,
Những người si theo dõi dấu chân yêu;
Và cảnh đời là sa mạc cô liêu.
Và tình ái là sợi dây vấn vít
Yêu, là chết ở trong lòng một ít.

Thứ Ba, 16 tháng 1, 2024

Buổi nói chuyện thơ cuối cùng của Xuân Diệu

BUỔI NÓI CHUYỆN THƠ CUỐI CÙNG CỦA XUÂN DIỆU

Tháng 9 năm 1985, kỷ niệm 40 năm ngày Quốc khánh 2 tháng 9, Câu lạc bộ Đoàn Kết (ở đường Tràng Tiền) tổ chức cuộc nói chuyện "Thơ Việt Nam 1945-1985". Diễn giả là nhà thơ Xuân Diệu.

Tôi còn nhớ như in buổi nói chuyện hôm đó. Gọi là "Thơ hiện đại Việt Nam sau Cách mạng tới nay", nhưng lướt qua một số tên tuổi tiêu biểu, già nửa thời gian còn lại, thi sĩ quay ra phân tích, giảng giải cái hay của... thơ mình. Tất nhiên chẳng ai lấy làm ngạc nhiên về điều này (vì ông đã làm như thế nhiều lần, cả trên trang sách).

Được nghe nhà thơ lớn nói chuyện đã là vui lắm, huống hồ được nghe "chui" một số bài thơ xưa của ông ít có dịp được tái bản, lại còn thơ trong sổ "mật" chưa hề xuất bản, vui nào bằng.

Xuân Diệu thông báo chuyện trong cuộc gặp gỡ quốc tế các nhà văn ở Xôphia trước đây, ông có đọc bài thơ "Chén nước", được đồng nghiệp tán dương. Nữ thi sĩ Bungari Đimitrôva còn cho rằng đó là bài thơ hay nhất đọc buổi hôm đó.

Tiện đây, Xuân Diệu bình luôn mấy câu thơ Đimitrôva viết về cái hôn, đại thể "Nụ hôn vùi trong tóc": "Tại sao phải vùi, chữ vùi hay như thế nào? Vì nụ hôn nóng bỏng như hòn than đỏ, phải vùi vào trong tóc, chớ không nó trơn trượt, nó rơi mất" - Nguyên văn câu bình luận của nhà thơ như thế.

Mọi người vỗ tay rào rào. Nhà thơ nghiêng người, ngả cổ nâng cốc nước cam, uống một hơi, vẻ mặt mãn nguyện.

Nhưng đến giờ giải lao, hình như theo thông báo từ trước "người đi nghe nói chuyện thơ được mua thêm họa báo", ở hành lang, mọi người chen chúc nhau, cố gắng mua lấy được đôi tờ họa báo về bọc sách cho con (nên nhớ những năm tháng ấy ở ta còn khan hiếm về giấy, có được đôi tờ họa báo bọc sách, bọc vở là quý lắm, đa phần chỉ dám bọc sách vở bằng giấy báo, giấy vỏ bao xi măng mà thôi).

Không khí lộn xộn kéo dài, khi nhà thơ Xuân Diệu đã trở về bục diễn giả và tiếp tục nói chuyện thơ rồi, mà ở hành lang, những cánh tay nhao nhao giơ lên vẫn còn dày đặc.

Xuân Diệu ngán ngẩm lắc đầu. Ông lẩm bẩm, nhưng vì miệng ông ghé gần micrô, nên trong phòng, mọi người đều nghe thấy: "Mọi người đến đây để mua họa báo chứ không phải nghe thơ à?".

Mặc nhà thơ ta thán, nhiều người vẫn bỏ ngoài tai, cố gắng đạt được mục đích của mình.

Lòng ta là một cơn mưa lũ

Đã gặp lòng em là lá khoai

Thái độ của nhà thơ đã chất nhiều bực dọc. Câu thơ đọc lên nghe nặng nề, như táp vào mặt người nghe. Đột nhiên, nhà thơ to giọng:

- Lá khoai, ở miền Nam người ta gọi là lá môn, nhưng chẳng lẽ với đồng bào miền Bắc, tôi lại gọi là lá môn, là: Lòng ta là một cơn mưa lũ/ Đã gặp lòng em là lá môn hay sao?

Cũng chẳng cần biết ẩn ý của nhà thơ thế nào khi nói ra câu ấy, mà nghe cách giải thích ngộ quá, mọi người rộ lên cười. Tiếng cười làm cho thi sĩ hơi dịu lại, rồi chắc cũng thấy cách giải thích của mình hơi sa đà, ông nói thêm:

- Vả chăng, dùng chữ lá môn không được. Như thế làm sao vần với hai câu dưới: Mưa biếc tha hồ tuôn giọt ngọc/ Lá xanh không ướt đến da ngoài...

Tiếng cười lại rộ lên râm ran khắp phòng...

Đó là buổi nói chuyện thơ cuối cùng trước công chúng của thi sĩ, vì chỉ ba tháng sau đó, ông đã "vẫy chào cõi thực để vào hư".

Nhà thơ Xuân Diệu ra đi đến nay đã hơn hai chục năm (ông mất ngày 21/12/1985). Lớp học sinh ngày ấy giờ đã lớn, những quyển sách đã sờn, nhưng vẫn còn đâu đây một niềm tiếc thương của những người đã từng một lần được nghe ông nói chuyện thơ...

ST

Thứ Năm, 4 tháng 1, 2024

Kỷ niệm của một sinh viên văn khoa với nhà thơ Xuân Diệu

 

KỶ NIỆM CỦA MỘT SINH VIÊN VĂN KHOA VỚI NHÀ THƠ XUÂN DIỆU

Cũng do cơ duyên có dịp nghe thơ Xuân Diệu từ hồi nhỏ, với ấn tượng sâu đậm ông để lại trong tôi, thế nên, vào học kỳ 2, năm thứ tư ở khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (khóa 1976- 1980), khi làm luận văn tốt nghiệp, trong số hàng trăm đề tài về văn học Việt Nam và thế giới mà thầy cô đưa ra, tôi quyết định chọn đề tài "Thơ tình Xuân Diệu”.

 

Bắt tay vào viết được già nửa luận án, một buổi chiều ở ký túc xá Mễ Trì (quận Thanh Xuân), thằng bạn Nguyễn Ngọc Hiếu học lớp ngôn ngữ K21, bỗng dưng gợi ý cho tôi: Mày làm luận văn về ông Xuân Diệu thì nên đến gặp nhà thơ mà hỏi han thêm. Nhà ông Xuân Diệu ở số nhà 24 đường Điện Biên Phủ, gần khu Ba Đình đấy.

 

Đắn đo và phân vân một vài ngày, cuối cùng tôi cũng "liều” mình đến tìm gặp nhà thơ xem sao. Đó là một buổi chiều giữa tháng 5/1980, tôi nhảy xe điện từ Thanh Xuân đến Cửa Nam, rồi tìm đến nhà ông. "Nhà tôi hai bốn Cột Cờ, ai yêu thì đến hững hờ thời qua”. Rất may, nhà thơ Xuân Diệu hôm đó có nhà.

Tôi không thể nào quên được hình ảnh ông đứng sau cánh cổng sắt, đôi mắt mơ màng nhìn dòng người tấp nập qua lại trên đường. Ông có vẻ buồn, nom cô đơn tội nghiệp làm sao.

 

Sau khi tự giới thiệu: "Cháu là sinh viên trường Tổng hợp đang làm luận văn tốt nghiệp về thơ tình của bác...”, đôi mắt nhà thơ như sáng lên, ông ân cần nắm tay tôi và dẫn vào một thư phòng ở tầng một (gia đình nhà thơ Huy Cận ở lầu hai). Ông nhã nhặn bảo u già giúp việc pha giúp ấm trà nhài tiếp khách.

Tôi choáng váng khi nghe ông nói: "Em đừng xưng hô với anh là bác nhé. Thi sỹ thì không có tuổi tác”. Tôi đáp "dạ” lí nhí nhưng ngượng đỏ chín khuôn mặt non tơ vì khi ấy tôi mới hai mươi tuổi tròn, còn ông đã ở tuổi sáu mươi tư...

 

Trong khi trò chuyện với ông đôi lúc tôi vẫn cứ thưa bác, cháu. Nhà thơ Xuân Diệu hỏi qua tình hình học tập của tôi, rồi ông bê một chồng sách dày ra khoe: Đây là sách có chữ ký của các nhà văn lớn trên thế giới tặng anh, cuốn thì của Aragông nhà thơ lớn của Pháp, rồi đến Na Zim Hít mét nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ, nhà thơ Đimitrôva của Bungari...

 

Tôi ngây người bái phục và rồi sung sướng nhất khi ông mang cuốn sổ tay ra bảo: "Anh còn một trăm bài thơ tình chưa in ở đâu, em chép lấy vài ba bài mà bổ sung vào luận văn”. Tôi vội vàng chép được dăm bài và nghe ông lý giải bài thơ "Hôn cái nhìn":

 

Không phải anh hôn nơi mắt

Anh hôn cái nhìn của em

Mắt anh một vầng yêu mến

Thắt anh trong lưới êm đềm.

 

Trước khi ra về, tôi được ông tặng cuốn tiểu luận, phê bình văn học của ông có tiêu đề Mài sắt nên kim, nhà thơ ký tặng với dòng chữ "Thân quý tặng Nhan Sinh, người bạn tri kỷ với thơ tình Xuân Diệu” khiến sinh viên nhãi nhép như tôi gần như nhảy cẫng lên vì xúc động.

Có thêm tư liệu nghiên cứu và được sự động viên khích lệ của thi nhân, tôi dồn sức trong nửa tháng viết xong luận văn dày 70 trang. Sau khi thuê đánh máy bốn bản, tôi lại rụt rè mang đến nhà Xuân Diệu biếu ông đứa con tinh thần của mình, ông hẹn một tuần sau tôi đến chơi để ông góp ý, nhận xét.

 

Lần gặp này, ông hỏi han tôi có người yêu chưa và căn dặn chân tình: “Em không nên lấy vợ sớm, sau này lập gia đình cũng nên đẻ một, hai con thôi, dân Việt mình đẻ nhiều như gà ri ấy, nhếch nhác và khổ lắm. Em phải chịu khó học ngoại ngữ vào nhé, sinh viên ta yếu ngoại ngữ lắm, muốn thành tài, bước ra thế giới phải tiếng Anh, tiếng Pháp”. Tuổi trẻ bồng bột và ham chơi, tôi vâng dạ cho qua chuyện chứ chưa ý thức được lời dạy chí tình của ông dành cho lớp trẻ.

 

Đúng lịch hẹn, cuối tháng 6/1980, tôi đạp xe đến nhà Xuân Diệu để nghe ông nhận xét, đánh giá về bản luận văn. Với tâm trạng hồi hộp, lo âu tôi nem nép ngồi ghế nhìn ông đi đi lại lại trong căn phòng với thái độ bực dọc.

Quả thực, tôi bị ông xạc một trận ra trò vì chương viết về thơ tình Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám, tôi phê phán nặng tay cái tôi ủy mỵ, tiểu tư sản của tác giả "Thơ Thơ” và "Gửi hương cho gió” theo đúng quan điểm của các học giả Mácxít thời ấy.

 

Ông chép miệng và lắc đầu bảo: Sinh viên các em cứ rập khuôn theo quan điểm của các thầy, các nhà nghiên cứu phê bình đánh giá thơ lãng mạn giai đoạn 1930- 1945 như thế là giáo điều. Tôi chỉ bớt hoảng hồn khi ông chuyển sang phần nhận xét tôi viết về thơ ông sau Cách mạng tháng Tám và khẳng định phong cách thơ tình Xuân Diệu.

 

Lúc đó, ông trở thành con người khác hẳn, khuôn mặt tươi tắn trở lại, tự tay ông pha cà phê và bóc kẹo ngon mời tôi ăn. Ở hai chương viết này, tôi ngợi ca ông hết lời, trích dẫn và bình luận những bài thơ, câu thơ hay nhất của ông viết về tình yêu.

Ông bảo: Chú em thẩm thơ tinh tường đấy, người anh gọi duy nhất "Ông Nhỏ” là Trần Đăng Khoa, nay phải gọi thêm Nhan Sinh là “Ông Nhỏ”. Chẳng biết ông hứng khởi khen tôi có thật lòng không, nhưng cánh mũi tôi thì nở phập phồng.

 

Cuối buổi, Xuân Diệu hỏi tôi có dự định công tác ở đâu sau khi ra trường, tôi đáp: Em đang băn khoăn chọn lựa vào dạy ở trường Đại học Tổng hợp Huế hoặc về Thông tấn xã Việt Nam. Nhà thơ liền gạt phắt, em tuyệt đối không nên đi làm báo, nghề báo giết mất văn chương.

Nếu em dạy đại học, chuyên sâu nghiên cứu thơ tình Xuân Diệu thì anh tặng em bản thảo cả bốn tập thơ Lan, Cúc, Trúc, Mai mà anh dự định xuất bản nay mai. Tôi lễ phép cám ơn và hứa nghe theo lời khuyên của ông.

 

Nhưng, hỡi ôi, tôi là đứa học trò thất lễ với nhà thơ Xuân Diệu. Do bản tính thích lang thang đây đó, sau khi bảo vệ luận văn được điểm 9 và tốt nghiệp đại học, tháng 7/1981 tôi xin vào Thông tấn xã Việt Nam công tác và hăng hái đi Sơn La làm phóng viên thường trú.

Ba năm sau đó tôi lấy vợ và có con trai đầu lòng khi mới hai mươi tư tuổi. Dù hàng năm đều nghỉ phép ở Hà Nội, nhưng tôi không dám vác mặt đến gặp nhà thơ lớn Xuân Diệu bởi ba điều dạy bảo của ông tôi đều làm ngược: Lấy vợ sớm, lười học ngoại ngữ và đi làm báo.

 

Ngày 18/12/1985, Xuân Diệu, "ông Hoàng thơ tình" Việt Nam về cõi vĩnh hằng tại Hà Nội ở cái tuổi 69. Từ Tây Bắc xa xôi, tôi thắp nén nhang thơm để tưởng nhớ đến ông và cũng tạ lỗi không gặp được ông lần cuối.

Nhan Sinh