Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2021

Kỷ yếu đại học HUMBOLDT 200 năm (1810−2010)

 Trần Việt Phương (1928-2017). Ảnh Vietnamnet

KỶ YẾU ĐẠI HỌC HUMBOLDT 200 NĂM (1810−2010)

 

Việt Phương: “BÀNG HOÀNG KHI BƯỚC VÀO ĐẠI HỌC”

Đầu năm 1945, tôi đang học dở dang trung học phổ thông thì phải ngừng học, từ đó đến nay tôi chỉ tự học, chứ không được theo học ở một trường, một lớp nào cả. Cách đây 66 năm, mùa hè năm 1944, lần đầu tiên tôi được đến một trường đại học, là trường Đại học Hà Nội. Ít lâu sau thì tôi biết rằng đó là một trường đại học rất nhỏ bé và nghèo nàn, nhưng trong lần đầu gặp gỡ, tôi choáng ngợp trước vòm trần cao vút ở sảnh chính của trường và trước giảng đường có bậc, khác hẳn lớp học trường phổ thông.

.

Trường đại học bấy giờ đối với tôi chói ngời ánh sáng, uy nghiêm, cao cả, thiêng liêng, huyền bí, như thánh đường chứ không phải học đường. Ấn tượng sâu đậm thời non trẻ ấy theo tôi suốt cả cuộc đời.

Có thể sự miệt mài tự học là một trong những cơ duyên đã khiến cho từ hơn nửa thế kỷ nay, tôi có những dịp đến nhiều trường đại học, chưa bao giờ có được tư cách sinh viên, mà lại vội vàng quá sớm mang tư cách là thuyết trình viên một số vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội.

.

Trong tiến trình học hỏi về giáo dục và về đại học, tôi có một kỷ niệm thấm thía. Anh Tạ Quang Bửu, một nhà trí thức, một thầy giáo, một người tổ chức giáo dục, từng làm Bộ trưởng Bộ đại học nước ta, là người tôi quý mến và thân thiết. Cách đây chừng 40 năm, một lần anh Tạ Quang Bửu nói với tôi một nhận định mà tôi nhớ nguyên văn từng lời và luôn luôn ghi lòng tạc dạ:

.

“Con người biết đọc biết viết là người thoát nạn mù chữ. Con người nghiêm chỉnh học tập và nghiên cứu ở trường đại học, khi tốt nghiệp đại học là người bắt đầu thoát nạn mù nghĩa. Từ đó, con người phải được tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, học tập suốt đời, chủ yếu là tự học hành, tự nghiên cứu, qua các bậc trên đại học, vươn lên những đỉnh cao trí tuệ và sáng tạo khoa học mà loài người đạt đến trong từng chặng đường lịch sử.”

.

Là một người tự học, tôi có một mong muốn riêng, có lẽ là sai lầm, nhưng chân thực hình thành từ tâm trí và máu thịt của mình: Mong sao trường đại học tạo cho người học những cơ hội, những thử thách, những trải nghiệm, sự đánh giá, sàng lọc và lựa chọn giống như ở trường đời, cũng giàu thực tế và thực tiễn, cũng thấm đẫm sự phong phú, phức tạp, tinh diệu của trường đời, chỉ khác là có chương trình, có bài bản, có phương pháp của khoa học hiện đại.

.

Mấy chục năm nay, càng hiểu thêm về vai trò của khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo trong công cuộc phát triển của từng dân tộc, của mỗi quốc gia, của cả loài người, càng hiểu thêm về những đòi hỏi cơ bản đối với giáo dục và đại học, tôi càng dằn vặt, day dứt, cố hết sức đóng góp chút ít cùng biết bao anh chị em tìm kiếm giải pháp khắc phục những khuyết tật, yếu kém, sai lệch, hư hỏng trong nền giáo dục và nền đại học nước nhà.

.

Năm nay 82 tuổi, trong một góc thầm kín con người tôi vẫn còn nguyên vẹn cảm giác bàng hoàng của người thanh niên 16 tuổi 66 năm trước lần đầu tiên được bước vào thăm một trường đại học.

Nếu được nói ngắn gọn điều tôi ấp ủ về gíáo dục và đại học, thì tôi xin nói rằng: Tôi kính trọng, cảm phục, ngưỡng mộ, biết ơn những người đã tạo dựng thành công nền giáo dục và nền đại học hiện đại tiên tiến của loài người. Tôi tha thiết mong chờ và có niềm tin, dẫu là tin ngây thơ, vào bước tiến trong những năm sắp tới của nền giáo dục và nền đại học Việt Nam.

.

Hà Nội, ngày 5 tháng 10 năm 2010

------------

Việt Phương (1928 – 2017) hay Trần Việt Phương tên thật là Trần Quang Huy, sinh ngày 6 tháng 12 năm 1928, quê ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội là một nhà thơ hiện đại nổi tiếng của Việt Nam. Tập thơ "Cửa mở" của ông, xuất bản vào năm 1970, được đánh giá là một hiện tượng thơ, một sự kiện văn học, một sự kiện xã hội vào thời điểm đó. Sau 2 tuần phát hành, tập thơ đã được bán hơn 5.300 bản.

.

Trần Quang Huy tham gia Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu vào năm 1944. Ông từng đậu tú tài thời Pháp thuộc. Từ tháng 9 năm 1945 đến năm 1947, ông Huy là bộ đội Nam tiến tham gia kháng chiến chống Pháp. Kể từ năm 1947 đến năm 2000 là thư ký riêng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trong suốt 53 năm với vai trò thư ký của ông Phạm Văn Đồng, từ năm ông 19 tuổi, ông đã theo Phạm Văn Đồng từ vị trí Phó thủ tướng đến Thủ tướng và rồi sau này là cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng. Ông là Thư ký Thủ tướng Chính phủ có thâm niên nhất ở Việt Nam hiện nay.

Trong quá trình làm thư ký cho Thủ tướng Đồng, Việt Phương cũng tham gia vào nhóm các cán bộ giúp việc cho Tổng bí thư Lê Duẩn. Ông đồng thời là thành viên chủ lực của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.

...Khi chuẩn bị tư liệu cho cuốn Bên Thắng Cuộc, ông Trần Việt Phương đã giúp tôi thu xếp các cuộc phỏng vấn quan trọng nhất nhằm thu thập thông tin về các nhân vật như Tướng Giáp, Trần Xuân Bách, Lê Trọng Nghĩa... Biết ông là người gần như "ăn cùng mâm" với cả Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng từ 1949 cho đến khi họ lần lượt ra đi, tôi nhiều lần gặng hỏi về con người thật của họ và ông thường chỉ trả lời, "Tấm Huân chương nào cũng có hai mặt; công chúng nhìn thấy mặt trước, chúng tôi chứng kiến mặt sau. Thôi cứ để công chúng giữ hình ảnh như họ thấy"_nhà báo Trương Huy San.

Năm 1993, Việt Phương về nghỉ hưu theo chính sách khi ông 65 tuổi, tuy nhiên ông vẫn được Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định làm Ủy viên thường trực của Tổ chuyên gia tư vấn của Thủ tướng. Sau khi Tổ chuyên gia tư vấn này được mở rộng ra thành Ban Nghiên cứu đổi mới của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Việt Phương vẫn tiếp tục làm Ủy viên thường trực của Ban này cho đến khi Ban giải thể.

Ông qua đời lúc 8 giờ 50 ngày 6 tháng 5 năm 2017 tại Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội, thọ 89 tuổi. 

 

Trần Việt Phương (1928-2017). Ảnh Vietnamnet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét