Ảnh: 100 năm trước ngày 2. 4. 1921, Einstein lần đầu tiên đặt chân lên nước Mỹ. Ông được đưa đi diễu hành ở New York bằng đoàn xe như một người hùng (1921)
ALBERT EINSTEIN TẤM GƯƠNG LỚN CỦA TƯ DUY ĐỘC LẬP
“Mục đích (của giáo dục) phải là đào tạo những cá nhân biết tự hành động và tư duy độc lập, nhưng lại nhìn thấy nhiệm vụ cao cả nhất của cuộc đời trong sự phục vụ cộng đồng”. Albert Einstein
Sức mạnh lớn nhất của Einstein với tư cách nhà khoa học là tính không chạy theo lề thói. Ông từ chối chấp nhận quyền uy và quy ước. Điều đó đúng không những trong khoa học của ông. Nó cũng còn hiển nhiên trong cách nhìn chính trị và trong đời sống cá nhân của ông. Walter Isaacson
Giữa không khí học tập sôi động ngày càng gia tăng, mỗi người cố gắng vươn lên học hỏi nhiều hơn, tốt hơn, “tham vọng” hơn, có tính “ganh đua” hơn, thì có một tiếng nói khác thầm lặng và bình dị hơn: Albert Einstein. Quan niệm giáo dục của ông “hiền hòa”, khiêm tốn, tự nhiên hơn, nhưng không thiếu sự sâu sắc và tính chất bền vững. Ông học để hiểu, và hiểu biết là niềm vui, cũng như để có cơ hội phụng sự xã hội. Ông học vì óc tò mò nguyên sơ thánh thiện, và muốn hiểu những bí ẩn còn chứa đằng sau tấm màn tri thức của thời đại ông, ở thế giới vô cùng lớn và vô cùng nhỏ. Ông thường lập đi lập lại, ông không thông minh, mà chỉ tò mò, và kiên trì theo đuổi.
Dưới đây là một số nét của tư duy giáo dục Einstein. Ông cho thấy, còn có con đường, một thái độ triết lý khác để tiếp cận việc học hiệu quả, có chiều sâu, không rầm rộ, không ganh đua, không nhồi nhét, không áp lực, tự do và nhân văn hơn. Ông học mà không bị “tha hóa”, đúng hơn học để ông đích thực là mình hơn, để độc lập trong tư duy và nhận định, để mình không bị che mắt bởi những chân lý đã có sẵn, từ đó giúp ông nhìn thấy những ý tưởng hoàn toàn mới và có tính cách mạng.
Lối giáo dục của Einstein là nhằm gìn giữ và phát triển “bản gốc” của mình có thể bị mai một bởi nền giáo dục đại trà vô tình đánh mất, hay bởi ảnh hưởng của “những giá trị ảo” của cuộc sống bên ngoài. Tìm được “bản gốc” để sống thật với mình, để đam mê, yêu thích những gì mình làm, thao thức, sống hết mình và đi đến cùng tận của cuộc hành trình trí thức đúng theo tiếng gọi bên trong.
Mỗi con người là một “bản gốc” thiêng liêng của tạo hóa, không ai giống ai. Hãy phát triển nó với những giá trị nhân văn phù hợp với nó, và can đảm từ chối những giá trị đi ngược lại nó. Hãy có đủ tự do, nhận thức, và chọn lựa. Einstein là hình tượng nguyên mẫu của giáo dục giữ gìn “bản gốc”. Trên bình diện cao hơn, nếu công dân gìn giữ được “bản gốc” thì họ cũng thể hiện được tính “bản gốc” của dân tộc. Ngược lại, một quốc gia hay dân tộc có thể đánh mất “bản gốc” của mình nếu một số đông đáng kể (critical mass) công dân đánh mất “bản gốc” của họ.
Những ý tưởng giáo dục của Einstein có thể là những viên gạch nền cho một nền giáo dục sáng tạo trong thế kỳ 21. Chúng ta vui mừng có một tiếng nói hữu ích để lắng nghe.
Bài viết này được viết trong tháng 4, 2021, tháng kỷ niệm 66 năm mất của Einstein, và 100 năm Einstein lần đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét