ĐỪNG ĐỂ CON NGỘ ĐỘC BỞI SỰ NHẦM LẪN CỦA TÌNH YÊU THƯƠNG
Điều đáng sợ nhất trong tình yêu thương của các bậc cha mẹ là gì? Đó là nuôi dạy chúng bằng hạnh phúc của mình.
Makarenko, nhà giáo dục nổi tiếng từng so sánh: Nếu bạn muốn con mình chết vì ngộ độc, hãy cho nó uống một liều thuốc gọi là hạnh phúc.
Một đứa trẻ luôn được cha mẹ đáp ứng và thỏa mãn mọi yêu cầu, không chỉ đánh cắp tình yêu và giày vò cha mẹ; mà còn khó hòa nhập với xã hội, đồng thời sẽ mất đi tính bền bỉ và năng lực cạnh tranh.
Tuy chúng ta luôn có khả năng mang lại cho trẻ một cuộc sống đầy đủ, nhưng đầy đủ không phải bao giờ cũng đem lại kĩ năng, nhiệt huyết và sự trưởng thành cho trẻ.
Yêu con cũng cần phải chừng mực, khoa học và lý trí. Bạn có thể lau nước mắt cho con mình một ngày, nhưng không thể tiếp tục việc đó cả đời. Biết buông tay cũng là một cách yêu.
Đôi khi phụ huynh thường coi nhẹ quy luật phát triển và khả năng thích nghi của con rồi đặt quá nhiều kì vọng hoặc quá vội vàng, nôn nóng. Sự bao bọc quá mức của họ không những tăng thêm sự thất bại ở trẻ, mà còn khiến chúng mất đi động lực phấn đấu.
Trên đường đời vạn dặm, tình thương của cha mẹ luôn nồng đượm trải dài năm tháng, “nuôi chậm” giống như phụ huynh xây dựng từng trạm xăng trên đại lộ, vừa cổ vũ con dốc sức chạy về phía trước, vừa đảm bảo nó có thể tiến xa hơn.
“Nhẫn tâm” lùi ra khỏi cuộc sống của con, sẽ là cách giúp con trưởng thành hơn. Tuy nhiên, lùi một bước không bao giờ có nghĩa là bỏ mặc con hoàn toàn. Ranh giới giữa bỏ mặc và lùi một bước là rất nhỏ, nhưng lại tồn tại sự khác biệt vô cùng lớn. Lùi một bước, là sách lược nhìn xa trông rộng trong giáo dục gia đình.
Nhưng khi thực hiện giáo dục đẩy trẻ lên “tuyến đầu” đúng lúc, nếu trẻ cần được bảo vệ hoặc vấp phải khó khăn vượt quá tầm xử lý của chúng, phụ huynh phải có sự hỗ trợ trẻ thật kịp thời. Nói cách khác, cha mẹ cần đứng ở “cự ly an toàn”, để bảo vệ, để trẻ biết rằng khi nguy cấp, cha mẹ nhất định sẽ xuất hiện.
Mỗi bậc cha mẹ đều kì vọng con mình thành tài, đều tích cực yêu thương con, song lớn lên, mỗi đứa trẻ lại có một tương lai khác nhau. Có trẻ tài năng xuất chúng, có trẻ vô cùng tầm thường, tại sao lại có sự khác biệt lớn đến như vậy? Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt ấy chỉ đơn giản là cách yêu con có khoa học hay không.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét