SUY TƯ VỀ TUỔI TRẺ của ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA
22. Tuổi ấu thơ là lúc mà trí thông minh đang phát triển, tâm thức tràn ngập bởi đủ mọi thứ thắc mắc. Sự khát khao mãnh liệt muốn được hiểu biết đó chính là nền tảng của sự nẩy nở. Nếu càng quan tâm đến thế giới và càng muốn tìm hiểu tại sao và bằng cách nào mọi sự vật lại là như thế, thì tri thức theo đó sẽ càng trở nên sáng suốt hơn, và khả năng sáng tạo cũng sẽ càng phát triển hơn.
.
23. Trong các xã hội tân tiến ngày nay, người ta có xu hướng không mấy quan tâm đến những gì mà tôi gọi là các phẩm tính tự nhiên của con người: sự tốt bụng, lòng từ bi, tinh thần hợp tác, khả năng tha thứ. Tuổi trẻ đến gần với nhau thật dễ dàng, mỗi khi gặp nhau thì cười nói và kết bạn với nhau, không hề thắc mắc về nghề nghiệp hay chủng tộc của nhau. Điều hệ trọng là kẻ khác cũng là con người như mình, và như thế cũng đủ để kết thân với nhau.
.
24. Càng lớn tuổi thì người ta càng xem nhẹ tầm quan trọng của lòng thương mến, tình bạn hữu và sự tương trợ. Người ta quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố chủng tộc, tôn giáo, xứ sở gốc gác của kẻ khác trước khi đến đây. Người ta thường ngoảnh mặt trước những gì thiết yếu và chỉ nhìn vào những gì lố bịch.
.
25. Chính vì thế mà tôi kêu gọi những ai ở lứa tuổi mười lăm, mười sáu, không nên để mất đi tinh thần trong sáng đó của tuổi trẻ mà hãy trân quý nó. Hãy thường xuyên suy tư về các phẩm tính nội tâm của con người. Và từ sự suy tư đó hãy tạo ra cho mình một sự vững tin không lay chuyển về bản chất của chính mình, hầu tìm thấy một sự tự tin nơi chính mình. Thật hết sức quan trọng là phải kịp thời ý thức được rằng sự sống của con người không phải là chuyện dễ dàng (theo Phật giáo tái sinh dưới thể dạng con người đòi hỏi nhiều phẩm tính tốt lành). Nếu muốn cho sự sống đó được suông sẻ, không tuyệt vọng khi các khó khăn xảy đến thì cần nhất phải tạo được cho mình một sức mạnh nội tâm.
.
26. Ngày nay người ta tôn thờ quá đáng chủ nghĩa cá nhân và quyền hạn của mỗi người được tự do suy nghĩ theo ý mình mà không cần biết là sự suy nghĩ đó có phù hợp với các giá trị quy định bởi xã hội và truyền thống hay không. Thật ra thì điều đó cũng tốt. Tuy nhiên, mặt khác nhiều người cũng chỉ biết duy nhất nuôi dưỡng mình bằng các thứ thông tin từ bên ngoài, tức là qua trung gian của các phương tiện truyền thông mang tính cách đại chúng, nhất là truyền hình. Các nguồn thông tin đó trở thành các chuẩn mực cho sự hiểu biết của chúng ta, là nguồn cảm ứng duy nhất của chúng ta. Sự lệ thuộc quá đáng đó sẽ khiến chúng ta không còn tự mình đứng vững trên đôi chân của chính mình, không còn biết dựa vào các phẩm tính của riêng mình, và tình trạng đó sẽ khiến mình không còn tự tin nơi bản chất đích thật của chính mình nữa.
.
SUY TƯ VỀ TUỔI TRẺ (điều 22-26)
của ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét