Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2020

Viêm mãn tính và hệ miễn dịch

 

Yoga - Thiền

Viêm mãn tính và hệ miễn dịch

Hệ miễn dịch là người bạn tự nhiên bảo vệ cơ thể người. Nhưng người bạn có thể trở thành kẻ thù, hễ miễn dịch có thể quay trở lại tấn công khổ chủ nếu bạn thiếu hiểu biết....

Viêm là dấu hiệu khi cơ thể đang trong trạng thái “cảnh giác” rất cao. Quá trình viêm bắt đầu khi hệ thống miễn dịch khởi tác dụng chống lại bất cứ tổn thương nào trên cơ thể, chẳng hạn như vết cắt hoặc nhiễm trùng. Cơ chế viêm là hệ thống miễn dịch đưa các tế bào bạch cầu và các hoá chất khác đến khu vực bị tổn thương để chống lại vi khuẩn hoặc các tác nhân bệnh khác, làm lành các mô, đồng thời thúc đẩy quá trình phục hồi thương tổn. Sau khi vết thương đã lành, sẽ có các loại tế bào khác di chuyển vào khu vực viêm nhiễm và loại bỏ các chất gây viêm ra ngoài.

Nói một cách khác, viêm là cơ chế phòng thủ tự nhiên của cơ thể con người khi có chấn thương cấp tính. Phản ứng viêm nếu chỉ ở mức độ thông thường, thì được cho là tốt, tuy nhiên, viêm có thể diễn biến xấu nếu không khỏi hoặc kéo dài thành viêm mãn tính.

Viêm mãn tính có thể gây ra các căn bệnh như: bệnh tự miễn, tiểu đường, bệnh tim mạch, viêm khớp dạng thấp và hàng trăm bệnh khác... Viêm mạn tính để lại nhiều hậu quả nặng nề đến sức khỏe, làm rối loạn chức năng các cơ quan nặng hơn như suy thận. các bệnh phổi mạn tính, viêm màng ngoài tim co thắt cản trở tim giãn trong thì tâm trương gây bất lợi cho chức năng bơm máu của tim . Viêm cơ tim mạn tính cùng với các sẹo xơ làm cản trở dẫn truyền các xung điện thần kinh tim và là nguyên nhân block tim . Mất nhu mô của tuyến tuỵ sẽ dẫn đến hàng loạt các rối loạn về tiêu hoá do thiếu các enzyme của tuỵ tạng....

Tại sao không hết Viêm?

Viêm không được điều trị dứt điểm. Nhiễm vi khuẩn hoặc virus liên tục kéo dài làm cho viêm không thuyên giảm. Viêm nhiễm do các loại virus như Herpes simplex, Viêm gan C, Epstein Barr (virus gây hội chứng suy nhược mãn tính), H Pylori và bệnh Lyme (bệnh lây truyền từ động vật sang người (do ve đốt), tác nhân gây bệnh là do xoắn khuẩn Borrelia burgdorferi. Bệnh gây thương tổn chủ yếu ở da, hệ thần kinh, tim và khớp.

Stress kéo dài, viêm nhiễm kéo dài. Khi bị căng thẳng, cơ thể con người trải qua một số thay đổi, ví như tăng tiết cortisol hay còn gọi là hormone stress. Cortisol thông báo hệ thống miễn dịch, hệ miễn dịch chuyển sang trạng thái “chủ chiến hay chủ chạy” (fight or flight) (Fight or flight: là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi gặp tình huống nguy hiểm, tuỳ theo đó mà cơ thể hành động theo một trong hai cách, hoặc là ở lại vượt qua nguy hiểm hoặc là bỏ chạy). Trong tình huống của chúng ta tất nhiên là hệ miễn dịch “chủ chiến” và quá trình viêm bắt đầu.

Trong một thế giới bình yên, stress chỉ “sống” trong một thời gian ngắn, tuy nhiên cuộc sống thường ngày đa phần không bình yên bình như vậy: Một đồng nghiệp luôn cau mày nhăn nhó, tủ lạnh không chạy, còn tài chính thì rắc rối,... tất cả đều là những nhân tố làm cho stress tăng “tuổi thọ”, dần dà viêm phát sinh, rồi quanh quẩn mãi mà chẳng chịu đi. Chính cảm xúc của con người là nguyên nhân chính gây ra hàng trăm căn bệnh, stress cũng vậy.

Chế độ ăn nào có thể “nuôi lớn" viêm nhiễm? Chế độ ăn uống sẽ đưa con người rẽ sang hai ngả đường là sức khoẻ và bệnh tật. Trải qua bao thay đổi từ xưa đến nay, dù thức ăn có khác nhau, chân lý này vẫn không thay đổi - tất nhiên, sử dụng thức ăn ô nhiễm hoặc sai cách cũng ắt sẽ gây bệnh. Để đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng một cách thuận tiện, trong khoảng 100 năm trở lại đây, cách thức chế biến thức ăn ngày càng trở nên đa dạng và phong phú. Thực phẩm chế biến, đường và thực phẩm đầy phụ gia độc hại đã trở nên quen thuộc trong các bữa ăn hàng ngày. Ăn đường và những thực phẩm đầy hóa chất này sẽ kích thích gây viêm và gây béo phì.

Bệnh đường ruột có thể dẫn đến viêm. Chất lượng tiêu hóa thức ăn là chìa khoá quyết định tình trạng sức khỏe một người. Trong tiêu hóa có một bệnh gọi là thủng ruột, đây chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm nhiễm. Thủng ruột là khi trên thành ruột xuất hiện vết nứt hoặc lỗ thủng. Thông qua đó, vi khuẩn và độc tố từ đường tiêu hóa dễ dàng xâm nhập thẳng vào mạch máu. Vào đến máu, những tác nhân này trở thành kẻ địch ngoại xâm kích thích phản ứng miễn dịch cơ thể từ đó khởi phát quá trình viêm nhiễm.

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến thủng ruột? Thủ phạm chính là đường, rượu, thuốc kháng viêm không steroid như aspirin hay ibuprofen, thức ăn ít chất xơ, stress, vi khuẩn có hại, và do sự phát triển quá mức của một loại nấm men gọi là candida. Những thủ phạm này còn tấn công các vi khuẩn tốt sống trong lòng ruột và gây tổn thương thành ruột.

Môi trường độc hại cũng là nguyên nhân gây viêm mãn tính. Đồ nhựa, dược phẩm, kim loại nặng, khí thải, khói bụi, và thậm chí ngay cả những quần áo, trang sức và đồ vật mang trên người... đều có thể gây độc khi sử dụng trong thời gian dài. Hút thuốc là độc hại nhất. Khi hút thuốc đến một lượng nhất định, hệ thống miễn dịch sẽ nhận diện các độc tố trong thuốc lá là những kẻ ngoại lai, nên nó chống lại bằng cách kích hoạt phản ứng viêm giống như đối với vi khuẩn hoặc virus. Qua thời gian tiếp xúc lâu dài với các chất độc này, hệ thống miễn dịch phản ứng ngày càng mạnh mẽ hơn, lâu dần gây viêm mãn tính.

Thật may là chúng ta vẫn có nhiều cách để phòng chống viêm mãn tính.

1. Điều trị dứt điểm các loại bệnh : Viêm gan C, Epstein Barr, H Pylori và bệnh Lyme (bệnh lây truyền từ động vật sang người (do ve đốt)…

2. Dành thời gian chăm sóc bản thân : Phòng chống Stress bằng châm cứu, thiền định, hình thành thói quen và lối sống tối giản… Căng thẳng tinh thần có ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng miễn dịch. Khi bị căng thẳng, cơ thể tiết ra cortisol và adrenaline,

3. Cải thiện Chế độ ăn uống : Tránh thức ăn ô nhiễm, thức ăn chế biến công nghiệp, Thực phẩm chế biến tấn công các vi khuẩn tốt trong ruột, nhường chỗ cho vi khuẩn có hại xâm nhập và làm suy yếu hệ miễn dịch đường ruột, nhiều chất phụ gia hóa học trong thực phẩm chế biến đã phá vỡ hệ vi sinh vật đường ruột.

4. Ngủ sâu đủ giấc : Nếu không ngủ đủ, cơ thể không thể sản xuất nhiều cytokine và sẽ khó chống lại bệnh do virus và vi khuẩn hơn.

5. không uống rượu : Rượu bia tàn phá hệ miễn dịch. Rượu làm mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong ruột.

Uống rượu loại bỏ các vi khuẩn có lợi, và hậu quả là nhiều vi khuẩn có hại đi vào máu, dẫn đến viêm gan và ngăn chặn việc sản xuất cả tế bào T và tế bào B, giúp tạo ra các kháng thể tiêu diệt virus và vi khuẩn, làm suy yếu các globulin miễn dịch - kháng thể bảo vệ chức năng miễn dịch trong ruột và trong nước bọt. Uống nhiều cũng làm suy yếu các tế bào biểu mô lót trong ruột, nơi có nhiều đặc tính hỗ trợ miễn dịch.

6. Không hút thuốc : Các hợp chất hóa học trong thuốc lá ảnh hưởng đến niêm mạc đường hô hấp, từ mũi đến phổi, Khi hút thuốc, cơ thể tiết ra chất nhầy quá mức, làm hẹp đường thở và khiến phổi khó thải độc tố hơn, do đó làm tăng khả năng bị nhiễm trùng.

Hút thuốc cũng làm giảm mức độ chất chống ô xy hóa bảo vệ trong máu, làm tăng nguy cơ viêm phổi đến viêm phế quản.

7. Thể dục thể thao : Thể dục thể thao thường xuyên tăng cường khả năng miễn dịch, làm tăng cả kháng thể và tế bào bạch cầu, cho phép cơ thể nhắm mục tiêu chống nhiễm trùng sớm hơn và hiệu quả hơn.

Nhiệt độ cơ thể tăng lên trong khi tập thể dục thể thao, có thể giúp ngăn ngừa vi khuẩn phát triển và tiêu diệt mầm bệnh.

Tập thể dục cũng là cách tuyệt vời để xua tan các hoóc môn gây căng thẳng có hại. Tập thể dục làm chậm sự giải phóng cortisol và adrenaline trong cơ thể bạn, bảo vệ cơ thể chống lại bệnh do vi khuẩn và virus.

8. Phòng tránh Môi trường độc hại : Đồ nhựa, dược phẩm, kim loại nặng, khí thải, khói bụi, khói thuốc lá …

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét