Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2020

George Ohsawa: thiên tài kỳ lạ - cuộc đời khốn khó

 

George Ohsawa: thiên tài kỳ lạ - cuộc đời khốn khó

Ngày nay, khi vấn đề ăn uống đảm bảo sức khỏe luôn được đặt lên hàng đầu thì nhiều người lại nhớ đến câu chuyện kỳ lạ về người sáng lập ra phương pháp thực dưỡng Ohsawa.

Năm 1982, hàng loạt tờ báo uy tín trên thế giới như Paris Match ở Pháp, tờ Life ở Mỹ, tờ Atarashiki Sekaia ở Nhật… đã đồng loạt đăng tải về kỳ tích chữa bệnh của bác sỹ Anthony Sattilaro, giám đốc Bệnh viện Methodist, bang Philadelphia (Mỹ).

Vị bác sĩ này đã công bố trước khoa học thế giới về trường hợp bệnh nhân bị ung thư xương đã được ông chữa khỏi bằng phương pháp thực dưỡng Ohsawa. Từ sau công bố của bác sĩ Anthony Sattilaro, thêm một lần nữa cái tên George Ohsawa lại trở thành chủ đề tranh luận trong giới khoa học thế giới.

Tuổi thơ cơ cực

George Ohsawa có tên khai sinh là Yukikazu Sakurazawa, ông chào đời vào ngày 18 tháng 10 năm 1893 ở khu ngoại ô phía đông Kyoto, Nhật Bản.

Cuộc đời của George Ohsawa khốn khó lúc 6 tuổi vào năm 1899. là năm mà cha ông dứt áo ra đi theo người đàn bà khác bỏ mặc sau lưng người vợ đau khổ và 2 đứa con trai nhỏ dại.

Cuộc mưu sinh khắc nghiệt của người mẹ trẻ đeo mang 2 đứa con nhỏ đã khiến mẹ của George Ohsawa sớm mắc bệnh lao. Bệnh tình của mẹ ông mỗi ngày thêm trầm trọng đến mức bà không thể tự lo cho mình, George Ohsawa và em trai phải thay phiên nhau chăm sóc mẹ.

Năm 1909 George Ohsawa theo đuổi việc học tại Trường Trung học Thương mại. Nhưng vì nhà quá nghèo không có tiền mua sách, nên phải mượn sách của bạn bè trong thời gian nghỉ hè để chép lại toàn bộ để làm sách học cho năm mới. Tuy khổ cực thế nhưng George Ohsawa lại luôn là một trong những học sinh xuất sắc nhất lớp với khả năng tự học rất cao. Cũng trong thời gian này, George Ohsawa đã bắt đầu tự học tiếng Anh và chẳng mấy chốc ông đã đọc thông viết thạo.

Năm George Ohsawa 16 tuổi, mẹ ông qua đời. Hai năm sau đó đứa em trai Kenji của ông cũng qua đời vì bệnh lao phổi. Sau sự ra đi của mẹ và em trai, đến lượt tính mạng George Ohsawa bị đe dọa bởi vi trùng cốc gây lao phổi vào năm 18 tuổi. George Ohsawa bắt đầu ho ra máu và được chẩn đoán bị bệnh lao phổi và lao ruột nặng, cơ hội sống của ông lúc đó như chỉ mành treo chuông.

Khi đang đứng giữa làn ranh mong manh giữa cái chết và sự sống, ngày George Ohsawa tình cờ đọc được sách của Ishizuka - một bác sĩ quân Y người Nhật- có thể gọi là ngày của định mệnh. Cách của bác sĩ quân y Ishizuka cho rằng việc ăn uống đơn giản, chế độ ăn uống tự nhiên sẽ có tác động rất lớn đến sức khoẻ con người George Ohsawa bắt đầu nghiền ngẫm và áp dụng theo đúng lời khuyên trong sách: thực đơn hàng ngày của ông chỉ có gạo lứt, rau cải muối và dầu ăn.

Sau thời gian áp dụng chế độ ăn hà khắc, bệnh tình của George Ohsawa dần thuyên giảm và khỏi hẳn. Ngay sau khi thấy bệnh tình thuyên giảm, George Ohsawa đã lao vào nghiên cứu kỹ lưỡng chế độ ăn thần kỳ này.

Sau nhiều năm nghiên cứu và chọn lọc dựa trên các nền văn minh khác nhau trên thế giới, George Ohsawa đã thành lập lý thuyết triết học Âm Dương và bắt đầu sử dụng các nguyên tắc của phương pháp thực dưỡng đối với đời sống và sức khoẻ. George Ohsawa gọi phương pháp thực dưỡng là Macrobiotics và xem nó là phương pháp dưỡng sinh thông qua ăn uống.

Những chuyến đi dài của George Ohsawa

Năm 1929 trở thành cột mốc thời gian quan trọng trong cuộc đời của George Ohsawa. Năm đó, ở cái tuổi 36, ông khởi hành đi Paris để giới thiệu cho thế giới Phương Tây triết lí và phương pháp thực dưỡng Macrobiotics.

Trong thời gian ở Paris, phải chịu đựng những điều kiện sống nghèo nàn, ông vẫn mải miết nghiên cứu khoa học phương Tây tại Viện nghiên cứu Sorborne, và dịch ra tiếng Pháp một số sách tiếng Nhật và giới thiệu với người phương Tây những nét văn hoá phương Đông như thuật châm cứu và Judo…

Năm 1937, ông kết hôn lần thứ tư với bà Lima, tên thật là Sanae 38 tuổi. Bà đã cùng với ông đi khắp nơi diễn thuyết và dạy cách nấu ăn thực dưỡng. Từ đó, ông dành nhiều thời gian cho việc tư vấn thực dưỡng và viết sách.

Thời gian đó chiến tranh sắp xảy ra ở Nhật Bản khiến cho George Ohsawa phải quay về tổ quốc mình, ông đã đẩy mạnh việc quảng bá tư tưởng thực dưỡng.  

Chỉ vì tha thiết việc chấm dứt chiến tranh thế giới thứ II, ông đã xuất bản nhiều cuốn sách chống chiến tranh và viết báo và lập tức bị cảnh sát quân đội truy lùng, bị bỏ tù vì những hành động chống chiến tranh. Nhưng một tháng sau đó, bom nguyên tử dội xuống Hiroshima, ông được phóng thích - với thân hình gầy gò, què quặt và thị lực giảm 80%.

Vào những năm 1960, George Ohsawa và Lima lao vào một giai đoạn mới của cuộc sống mà ông gọi đó là “Chuyến đi khắp thế giới của Samurai không một xu dính túi” truyền bá về những nguyên tắc của Thực dưỡng trong chế độ ăn uống và cách sống.

Hành trình này đã tạo ra phong trào Thực dưỡng trên khắp thế giới. Nó giống như một cơn bão và George Ohsawa là con mắt của con bão đó. Ông đi tới đâu, phong trào thực dưỡng mọc lên tới đó. Hàng trăm hàng ngàn người được giúp đỡ và được truyền cảm hứng như một thành quả trực tiếp của sự làm việc không mệt mỏi của ông.

Bản lĩnh và định kiến

Tuy nhiên cuối năm 1965, phong trào thực dưỡng trải qua một cú sốc lớn. Beth Ann Simon, một phụ nữ trẻ nghiện heroin, ở New Jersey, Mỹ đã áp dụng cách ăn chỉ gạo lứt và các loại hạt khác. Bệnh có giảm bớt và bị sụt cân. Nhưng cô ấy lại tiếp tục dùng heroin và bất ngờ mất vào ngày 9 tháng11 năm 1965 ở Clifton, New Jersey. Cha của Simon là một luật sư có thế lực, che giấu việc sử dụng heroin của Simon và đổ tội cho phương pháp thực dưỡng ngoại lai làm chết người. George Ohsawa bị tòa án Mĩ xét xử vì hành nghề Y bất hợp pháp.

Cuối cùng ông được tha bổng nhưng ông và cách ăn thực dưỡng bị chống đối bởi nhiều người chống thực dưỡng. Cơ quan Quản Lý Thuốc Và Thực Phẩm của Mỹ (FDA) đóng cửa chi nhánh Học Viện Ohsawa ở New York và thanh tra cửa hàng bán thực dưỡng Chico.

Cái chết của Simon làm cho nhiều chuyên gia Y tế đánh giá thực dưỡng như là một hình thức ăn uống khác thường, cực đoan và nguy hiểm. Sách của George Ohsawa và sự truyền bá thực dưỡng bị cấm một thời gian.

Trong quyển 50 năm thực nghiệm về giáo dục ý chí của George Ohsawa và một tài liệu Thực dưỡng khác, ông có viết vụ việc bà Simon bị các bệnh thần kinh suy nhược,bệnh tim, bệnh lao và nghiện ma túy. Bà ăn theo phương pháp thực dưỡng trị lành bệnh, sụt khoảng 9kg nhưng sau đó ăn ra nhiều món và tiếp tục dùng heroin mới là nguyên nhân dẫn đến cái chết.

Ngày 23 tháng 4 năm 1966 trong khi phương pháp thực dưỡng của George Ohsawa bắt đầu được ủng hộ ở phương Tây thì ông đột tử ở Tokyo, thọ 73 tuổi vì trụy tim. Sau khi George Ohsawa qua đời, phương pháp thực dưỡng của ông đã được mọi người trên thế giới thống nhất gọi là phương pháp thực dưỡng Oshawa như lời tri ân gửi đến ông.

Phương pháp thực dưỡng OHSAWA tức là phương pháp ĂN GẠO LỨT MUỐI MÈ  có mặt tại Việt Nam từ năm 1963 do chi hội Thông Thiên học ở Huế thành lập và Nhóm Gạo Lứt Việt Nam đầu tiên được hình thành. Lúc bấy giờ , ngày 03/04/1963 , có ông Takahashi – Tsuneo người Nhật – một vị kĩ sư canh nông, đến Việt Nam trực tiếp truyền phương pháp này cho gia đình ông Ngô Thành Nhân. Sau đó ông bà Ohsawa đã đến thăm Nhóm Gạo Lứt Việt Nam vào năm 1965 và tiếp tục truyền bá cho đến bây giờ.

Thoạt đầu ở Huế, những người có bệnh không tin tưởng lắm nhưng đã uống thuốc khắp nơi không lành đành ăn thử chơi không ngờ lại hiệu nghiệm vô cùng nên tiếng lành đồn xa, dần dần, giới thượng lưu, trí thức đều tham gia rất đông. Sau 1968, Nhóm Gạo Lứt Huế dời vào Đà Nẵng và dần dần phát triển khắp cả nước Việt Nam.

Trong suốt thời gian phổ biến về phương pháp thực dưỡng, George Ohsawa đã đến thăm trên 30 nước trên thế giới trong đó có cả chuyến viếng thăm Việt Nam vào năm 1965. Phương pháp thực dưỡng Oshawa đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận là một phương pháp phòng và chữa bệnh hiệu quả. Ông đã có hơn 7.000 bài giảng và xuất bản trên 300 quyển sách.

Theo suckhoegiadinh.com

Xem tiếp một số kết quả thực tế ở Việt Nam 

 

 


 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét