Thứ Tư, 29 tháng 11, 2023

Quan niệm của Phật giáo về nhân quả

 

QUAN NIỆM CỦA PHẬT GIÁO VỀ NHÂN QUẢ

Phật giáo là trường phái triết học – tôn giáo điển hình thuộc phái không chính thống và có ảnh hưởng rộng rãi, lâu dài trên phạm vi thế giới.

Sự có mặt của Phật giáo đã ảnh hưởng sâu rộng đến phong tục, tập quán và hoàn cảnh lịch sử – chính trị của dân tộc Việt Nam.

Một trong những ảnh hưởng tích cực có giá trị về nhận thức và thực tiễn là quan niệm về mối quan hệ giữa nhân với quả.

 

Theo quan niệm của nhà Phật, thuật ngữ “nhân quả” được hiểu: “Nhân là cái năng sinh, quả là cái sở sinh. Có nhân ắt có quả, có quả ắt có nhân. Theo Kinh Quán Vô Lượng Thọ: “Chuốc quả là nhân, Thu được là quả” Phật giáo chỉ ra rằng: “Nhân lành chẳng chạy hào ly, Muôn việc tóm lại đều quy ở người” Quan niệm về mối quan hệ nhân quả là một trong những giáo lý cơ bản của Phật giáo.

 

Nhà triết học nổi tiếng V.V. Nalimov cũng nhận xét: “Tham vọng làm chủ tự nhiên vô hạn độ đã đẻ ra một loạt hiện tượng tiêu cực ngày càng tăng:

Chỉ trong vài thế kỷ gần đây, sự phát triển công nghiệp đã làm mất đi gần 50% diện tích rừng nhiệt đới (từ 13, 6 triệu km2 xuống còn 7, 8 triệu km2). vô vàn những hậu quả tàn khốc không thể lường hết được.

 

Môi trường bị ô nhiễm, thổ nhưỡng bị phá hủy, khí quyển bị thay đổi, các bệnh tâm thần và mức độ sinh đẻ các trẻ khuyết tật gia tăng. Những vấn đề xã hội – kinh tế của quá khứ hàng thế kỷ nay tác động đến thế giới phương Tây, đã bắt đầu nhường chỗ cho những vấn đề sinh tồn…

Đó là sự từ bỏ khát vọng chiếm lĩnh tự nhiên. Là việc đi tìm những con đường mở ra khả năng tồn tại của con người trong sự hòa hợp với tự nhiên.

 

David Attenborough (sinh năm 1926) là một nhà tự nhiên học người Anh đã mô tả mức độ dân số của con người trên hành tinh là một bội số của tất cả các vấn đề môi trường khác.

Năm 2013, ông mô tả loài người là “một bệnh dịch trên trái đất” cần được kiểm soát bằng cách hạn chế sự gia tăng dân số.

 

Linkola (sinh năm 1932) là nhà sinh thái học sâu sắc và là nhà chính trị học đã coi dân số quá mức là mối đe dọa đối với toàn bộ sinh quyển.

Năm 2017, hơn 15.000 nhà khoa học trên thế giới đã đưa ra cảnh báo thứ hai cho nhân loại, khẳng định rằng sự gia tăng dân số nhanh chóng của con người là “động lực chính đằng sau nhiều mối đe dọa sinh thái và thậm chí xã hội”.

 

Quan niệm của một số nhà Thiền học Việt Nam về nhân quả

Tiếp thu và thực hành giáo lý “nhân quả” của nhà Phật, các thiền sư nước ta đã có những đóng góp tích cực làm phong phú tư tưởng triết học Phật giáo.

Một trong số đại biểu xuất sắc ấy là Tuệ Trung Thượng Sỹ (1230-1291). Tuệ Trung là học trò xuất sắc nhất của thiền sư Tiêu Dao – một nhân vật nổi tiếng cuối thời Lý.

 

Thơ văn Lý – Trần viết: “Tuệ Trung tu Phật mà không hề xuất gia, không giữ đúng các phép “tam Quy”, “ngũ Giới”, và có phần chắc vẫn có gia đình như mọi vương hầu khác.

Bằng trí xét đoán sắc sảo của mình, Tuệ Trung đã trở thành nhà Thiền học có bản lĩnh, có lý trí, không câu nệ ở giáo điều sách vở, biết đập vỡ thái độ khư khư bám víu vào khái niệm có sẵn, biết “hòa quang đồng trần”.

 

Tuệ Trung được Trần Thánh Tông (1240 – 1290) rất kính trọng, tôn làm sư huynh, và vua Trần Nhân Tông tôn làm thầy.

Tuệ Trung không những là bậc thầy trong đạo, mà còn là một minh sư xuất sắc, lỗi lạc.

Những lời dạy, những câu thiền của Tuệ Trung đã được Trần Nhân Tông cho khắc, in lại để truyền cho hậu thế. Không những thế, vua Trần Nhân Tông còn cho vẽ chân dung Tuệ Trung để thờ phụng.

 

Quan niệm về nhân quả của Tuệ Trung cũng giống với quan niệm của Trần Thái Tông (1218 – 1277) – người đặt nền móng cho phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Trần Thái Tông cho rằng, không thể có sự tập trung của tâm cao độ nếu thân tâm không trong sạch. Một khi đầu óc còn cháy bỏng bởi những khát vọng, ham muốn, ích kỷ, khi tâm tính mịt mờ bởi sắc đẹp, tình yêu và dục vọng, thì không thể có một quan niệm đúng đắn khách quan về sự vật hiện tượng.

 

Tuệ Trung đã có những đóng góp tích cực giúp vua Trần ổn định trật tự xã hội. Vì vậy, từ thế kỷ thứ X đến nửa đầu thế kỷ XIV, Phật giáo đã trở thành một yếu tố quan trọng trong kiến trúc thượng tầng ở Việt Nam. Và, giai cấp phong kiến Việt Nam đã sử dụng Phật giáo để củng cố địa vị của mình, để thu phục nhân dân và ổn định trật tự xã hội.

\Những quan niệm trên đã có tác dụng tích cực trong giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh nhân loại đang phải đối mặt với những thảm họa về môi trường mà ta đã nói ở trên.

 

Nguồn: PGS TS Triết học Nguyễn Đức Diện - Nghiên cứu Phật học 9/2021

 

 

Thứ Ba, 28 tháng 11, 2023

"Thích" hay "Yêu"

 

"THÍCH" HAY "YÊU"

 

Thích là một loại tâm trạng. Yêu là một loại tình cảm.

Thích là một loại trực giác. Yêu là một loại cảm giác.

Thích có thể ngừng. Yêu chẳng bao giờ hết.

 

Việc thích một người có thể xảy đến như một lực hấp dẫn ngay tức thì. Nhưng cảm xúc này có xu hướng thay đổi theo thời gian.

 

Yêu, lại sâu lắng hơn, ý nghĩa hơn và bền lâu hơn. Bạn không thể sống nếu như thiếu vắng người bạn yêu, và được trông thấy người ấy khiến bạn hạnh phúc.

 

"Thích" Và "Yêu" vừa giống và cũng vừa...khác nhau. Điểm giống là cả hai đều hàm chứa sự tương tác và gắn bó giữa hai người.

Tuy nhiên, khi bạn thích một người, bạn thường thích điều gì đó đặc biệt ở người ấy. Đó có thể là ngoại hình, địa vị, trí thông minh hay óc hài hước.

Trong khi đó, tình yêu không cần điều kiện và bạn yêu người đó vì những gì họ là, không phải vì những thứ họ có được.

 

Khi chúng ta nói về yêu thích thì sự yêu thích có thể bắt nguồn từ việc ngưỡng một ai đó, ví dụ như ngưỡng mộ nhân cách, vẻ đẹp, sự duyên dáng, địa vị hay một tố chất đặc biệt nào đó ở người ấy. Nó là một cảm xúc nhẹ nhàng và có thể phai dần theo năm tháng.

Tình yêu thì mãnh liệt hơn như thế. Bạn yêu tất cả mọi thứ thuộc về người ấy. Bạn có mong muốn mạnh mẽ để khiến họ hạnh phúc. Thực tế, mỗi người trải nghiệm tình yêu khác nhau nhưng mức độ và sự khái quát của nó không thể diễn tả bằng lời. Chính chiều sâu của tình yêu tạo nên sự tương phản rõ rệt với việc thích một ai.

 

Thường thì cảm giác thích một người sẽ đến khá nhanh chóng. Một tố chất đặc biệt của người đó bỗng dưng sẽ làm bạn choáng váng. Nó thường bị nhầm lẫn là yêu từ cái nhìn đầu tiên.

Nếu bạn thích ai đó chỉ vì những thứ “siêu nhiên” như thông qua gương mặt hay tài năng, vậy thì cảm xúc ấy chưa đủ sâu sắc và bền lâu bởi vì, tình cảm phát triển thành tình yêu là cả một quá trình chậm rãi.

 

Bạn sẽ dần nhận thấy điểm tốt và cả điểm xấu của người ấy. Thế nhưng bạn vẫn chọn để ở bên cạnh họ. Điều đó mới xứng đáng để bạn gọi là tình yêu. Và đây cũng là điểm mấu chốt để phân biệt giữa hai thứ cảm giác này.

Khi bạn thích một người, càng biết thêm về người đó, nét hấp dẫn của họ càng phai mờ đi. Bởi vì sự háo hức khi mới biết và thích họ dần giảm nhiệt, Những cảm xúc trong bạn sẽ dần phai mờ khi bạn ở xa người ấy trong vài khoảng thời gian.

Còn khi bạn yêu một người, cảm xúc sẽ dần lớn lên trong bạn. Càng gần nhau, các bạn càng có cảm tình dành cho nhau.

Sẽ đến lúc bạn không thể chịu đựng được sự xa cách. Khi người yêu không ở cạnh bên, bạn khao khát người ấy, bởi vì “sự trống vắng khiến con tim bồi hồi”. Và khi được ở bên nhau, bạn muốn dành thật nhiều thời gian xứng đáng cho người ấy.

 

Việc thích một ai đó sẽ khiến bạn tận hưởng hiện tại. Bạn thậm chí sẽ bắt đầu mơ mộng, thẩn thơ về họ. Thế nhưng, sự thích thú của việc ở bên người bạn thích sẽ chỉ kéo dài trong hiện tại hoặc một khoảng thời gian ngắn. Cảm giác mộng mơ này không có thật và không bền lâu.

 

Còn khi yêu một người, bạn sẽ nhìn về phía trước. Bạn dự định cho tương lai. Bạn lên kế hoạch và mong cầu một mối quan hệ sâu sắc, một ngôi nhà ấm cúng và dành phần đời còn lại với người bạn yêu. Bạn muốn trải qua mọi vui buồn trong cuộc sống cùng người ấy.

Bạn sẽ trở nên thực tế, thấu đáo hơn và làm việc cật lực để biến những giấc mơ thành sự thực.

 

Thích hay Yêu?

Không có gì sai với việc thích ai đó nhưng bạn cần biết được sự khác biệt giữa thích và yêu. Thích một người là khi bạn đơn giản ngưỡng mộ vài tố chất đặc biệt của họ, nhưng yêu là khi bạn đã sẵn sàng lao vào mọi thử thách cùng họ.

Bạn sẽ có lòng can đảm và sức mạnh để gỡ bỏ mọi chiếc mặt nạ và thật sự là chính bạn. Bạn thậm chí không sợ sự từ chối vì bạn biết rằng tình yêu không phải là sự sở hữu, nó là sự chấp nhận.

Tình yêu là thứ cảm xúc mạnh mẽ nhất thế gian.

 

Theo: Rabiya Ehtasahm

Hồi ký Trần Văn Khê: - Giới thiệu nhạc truyền thống

 


Năm1959 tại Unesco giáo sư Trần Văn Khê được bà Maryvonne Kendergi phỏng vấn. 


HỒI KÝ TRẦN VĂN KHÊ: - GIỚI THIỆU NHẠC TRUYỀN THỐNG

Hai ngày sau tôi qua Tokyo bằng máy bay của Hãng Pan American, tại phi trường đã có Ban tổ chức chờ đón. Tôi chuẩn bị đi theo họ thì một người Nhựt tự xưng là người của Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại đây tới đón tôi. Tôi không biết ông đại sứ này là ai, hỏi ra mới biết đó là ông Bùi Văn Thinh một người bạn cũ.

Vào năm 1945 khi ông làm việc ở một tỉnh miền Tây thì gặp tôi đi cùng đoàn sinh viên xuống lục tỉnh hát lấy tiền mua gạo giúp đồng bào miền Bắc đang bị đói, vợ chồng ông quí tôi từ dạo đó. Nghe tin tôi qua dự hội nghị tại Tokyo, ông cho người bí thơ của ông ra đón.

 

Viên bí thơ hỏi giấy thông hành của tôi để làm thủ tục nhập cảnh và khai hải quan. Khi thấy tôi sử dụng giấy thông hành “vô quốc tịch” (apatride) thì ông rất bối rối vì đã báo với Công an phi trường tôi là bạn thân của ông đại sứ Việt Nam.

Ông yêu cầu tôi chờ một chút, lát sau ông trở ra cho biết Công an nói rằng tôi vừa là đại biểu tham dự Hội nghị Quốc tế vừa là bạn của đại sứ Việt Nam nên họ vẫn để cho đi qua cửa thượng khách.

Mọi việc đều êm xuôi. Khi ra xe viên bí thơ cẩn thận xin phép tôi cho ông cất lá cờ Việt Nam Cộng hòa gắn phía trước xe ngoại giao đoàn rồi đưa tôi về khách sạn.

 

Tại hội nghị, trong số 1.400 đại biểu tham dự, chỉ có 50 người được mời vô nghe nhã nhạc trong hoàng cung trong đó có tôi. Đây là một vinh dự cho tôi vì khách được mời gồm toàn những giáo sư kỳ cựu hoạt động gần 20 năm trong lãnh vực nghiên cứu âm nhạc trong khi tôi chỉ mới có 3 năm trong ngành. 

 

Về sau, tôi mới biết sở dĩ mình được mời vì hai điểm: tôi là Ủy viên Ban chấp hành Hội đồng Quốc tế Âm nhạc của UNESCO đại diện cho châu Á và điểm thứ hai là vì Ban tổ chức biết việc tôi được học bổng của Rockefeller Foundation, nghĩa là một trong 3 nhà nghiên cứu được cơ quan này cho là xứng đáng được tài trợ.

 

Sang Nhựt mà gặp mùa hoa anh đào nở là dịp may hiếm có. Chỉ trong vòng mấy ngày, hoa nở rộ, sau đó tàn rất mau. Lần đầu tiên trong đời tôi được ngắm hoa anh đào nở đẹp rực rỡ khi cùng đi với người bạn mới quen là giáo sư Koizumi Fumio. Ông là người bạn tốt đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc nghiên cứu đờn koto. 

 

Đến năm 1995 tôi được giải thưởng quốc tế mang tên ông về nhạc học dân tộc của Nhựt, giải thưởng được đặt ra sau khi ông qua đời.

Tôi cũng thú vị khi được gặp giáo sư Kishibe, người bạn đồng chí hướng quen nhau từ 3 năm này. Dịp này ông Kishibe mời tôi về nhà ăn tối, thưởng thức đặc sản Nhựt Bổn như món cá sống sushi và uống rượu sa kê.

 

Tại hội nghị tôi cũng gặp lại ông Yuize Shinichi, nhạc sĩ đờn koto mà tôi được gặp lần đầu tiên ở hội nghị của UNESCO tại Paris năm 1958. Lần này ông và phu nhân, nhũ danh Nakashima, nhận dạy tôi đờn koto đồng thời giới thiệu tôi với những người trong trường phái Ikuta, còn bà Kishibe thì giới thiệu tôi với trường phái Yamada.

Đây là hai trường phái lớn của đờn koto, mỗi trường phái có một số nhạc sư nổi tiếng và không liên hệ giao hảo với nhau, một nhạc sinh nhập môn trường phái này không thể học với trường phái kia.

 

Khi vừa tới Tokyo, tôi viết thơ tự giới thiệu và xin phép đến chào cả hai phái. Tôi đến gặp ông Nakashima, trưởng phái Ikuta trước vì ông lớn tuổi hơn, rồi xin gặp giáo sư Nakanoshima Kinichi, trưởng phái của Yamada sau. Hai bên đều chấp nhận tiếp tôi và sẵn sàng trả lời tất cả những gì tôi muốn tìm hiểu. Đây cũng là một trường hợp hi hữu.

Cả hai phái đều ngỏ ý muốn nghe tôi nói chuyện về đờn tranh và âm nhạc Việt Nam. Tôi trình bày với đại diện hai phái rằng tôi có thể lần lượt tới hai nơi để nói chuyện, nhưng nếu tôi lỡ bỏ sót một vài vấn đề nào đó trong một buổi, có thể bị ngộ nhận là có sự thiên vị, trong khi tôi thật tình quí trọng cả hai bên.

Vì vậy tôi đề nghị chọn một địa điểm trung lập để tổ chức buổi nói chuyện. Một điều bất ngờ là cả hai phái đều chấp nhận.

 

Chưa khi nào tôi đờn mà trong lòng lo lắng bằng bữa đó. Tôi có cảm giác đây là một cuộc hội ngộ anh hùng trong giới nhạc trên đất Phù Tang. Tôi “đơn đao phó hội” trước các sư tổ, sư bá, sư phụ, sư huynh, sư đệ của hai trường phái đờn koto đến xem đường quyền, đường thương của một võ sĩ Việt Nam.

 

Tôi thưa cùng các trưởng phái:

- Tôi không phải là người xứng đáng đờn cho quí vị nghe. Trong nước tôi có nhiều nhạc sĩ đờn rất hay nhưng họ không có dịp qua đây, còn tôi biết đờn là do truyền thống gia đình, nhưng lại chuyên về nghiên cứu nên tiếng đờn của tôi chưa đạt được trình độ cao nhứt của đờn tranh. Do đó xin quí vị đừng đánh giá đờn tranh Việt Nam qua tiếng đàn chân phương mộc mạc của tôi.

Tôi đã quan sát thấy đờn koto của Nhựt Bổn sở trường về biểu diễn tay mặt nhưng sử dụng tay trái yếu hơn đờn tranh. Vì vậy trong khi trình bày các thủ pháp, tôi chú trọng đề cập đến điểm mạnh của đờn tranh:

 

- Theo truyền thống Việt Nam, bàn tay mặt sinh ra âm thanh, bàn tay trái nuôi dưỡng và làm đẹp âm thanh. Bàn tay mặt cho cái xác còn bàn tay trái cho cái hồn. Vì vậy, bàn tay trái đối với chúng tôi vô cùng quan trọng. Quí vị nhấn nửa bậc và một bậc còn chúng tôi có thể nhấn từ nửa bậc, một bậc cho đến hai bậc rưỡi.

Cách nhấn thì rất phong phú và tinh vi, có nhấn - vuốt, nhấn - rung, nhấn - mổ, nhấn mượn hơi. Mổ thì mổ đơn, mổ kép, mổ kiềm dây, phối hợp tất cả để âm thanh trở nên sinh động hơn.

 

Tôi nói đến đâu minh họa đến đó, những người nghe rất thú vị và hoan nghinh nồng nhiệt. Sau bữa đó, vào cuối tháng 5 năm 1961, Đài truyền hình Nhựt Bổn NHK mời tôi nói chuyện trong chương trình giới thiệu và so sánh đờn tranh với đờn koto. Tôi nói về đờn tranh được ông Koizumi thông dịch ra tiếng Nhựt, khi đối chiếu với đờn koto thì bà nhạc sư Hirai Sumiko minh họa. Băng ghi hình này được giữ tại Phòng lưu trữ băng từ của đài.

Bảy năm sau, năm 1968, Đài NHK của Nhựt Bổn chọn chương trình đó dự thi tại Vienne, kinh đô của nước Áo, trong chương trình “Áp dụng phương pháp thính thị trong giáo dục âm nhạc”.

Đài truyền hình Pháp cũng gởi dự thi một chương trình do nhạc sư Daniel Lesur và tôi thực hiện, trong đó tôi giới thiệu bốn nhạc khí dân tộc gồm đờn kìm, đờn cò, đờn tranh và trống.

Tuy Việt Nam không dự hội nghị này nhưng mọi người vẫn được nghe âm nhạc Việt Nam tới 2 lần qua các đoạn phim của Nhựt Bổn và Pháp. Đó là một niềm vui lớn của tôi trong sứ mạng giới thiệu âm nhạc Việt Nam trên thế giới.

 

Trích Hồi ký Trần Văn Khê (Phương Nam phát hành)

 

Năm1959 tại Unesco giáo sư Trần Văn Khê được bà Maryvonne Kendergi phỏng vấn.