Hiển thị các bài đăng có nhãn Yêu thương. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Yêu thương. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2025

Yêu thương là một hành trình từ bên trong

 

YÊU THƯƠNG LÀ MỘT HÀNH TRÌNH TỪ BÊN TRONG

Con người thường có xu hướng tìm kiếm tình yêu thương từ bên ngoài. Ta mong được người khác trân trọng, mong được quan tâm, mong được thấu hiểu. Nhưng có một điều thực tế là: ta chỉ có thể nhận được sự yêu thương xứng đáng khi chính ta biết yêu thương bản thân mình trước.

Một người luôn trách móc bản thân, luôn mang trong lòng sự tự ti, luôn cảm thấy mình không đủ tốt, thì dù có nhận được bao nhiêu lời yêu thương đi nữa, họ cũng khó có thể cảm thấy hạnh phúc. Bởi vì tận sâu bên trong, họ chưa bao giờ thực sự chấp nhận chính mình.

 

Vậy làm thế nào để yêu thương bản thân?

 

Không phải là nuông chiều cảm xúc, cũng không phải là đặt mình lên trên tất cả. Mà là học cách thấu hiểu chính mình, biết lắng nghe và trân trọng những gì mình có. Là khi ta dừng lại, nhìn vào trong lòng mình, và chấp nhận cả những điểm yếu, cả những vết thương, mà không phán xét hay chối bỏ.

Chỉ khi ta thực sự chấp nhận bản thân, ta mới có thể yêu thương người khác một cách chân thành, không giả tạo, không mong cầu.

 

Hạnh phúc đến từ sự cho đi, không phải từ sự đòi hỏi

Có một nghịch lý trong cuộc sống: những người luôn mong cầu yêu thương, lại thường là những người cảm thấy cô đơn nhất. Trong khi đó, những người luôn cho đi tình yêu thương, lại luôn nhận về nhiều hơn những gì họ tưởng.

Tại sao lại như vậy?

Bởi vì tình yêu thương không phải là một món hàng trao đổi. Khi ta yêu ai đó với mong muốn được đáp lại, ta vô tình đặt lên vai người ấy một áp lực. Và một khi ta không nhận lại được điều mình mong muốn, ta thất vọng, ta oán trách, ta đau khổ.

 

Nhưng khi ta yêu thương ai đó chỉ vì muốn thấy họ hạnh phúc, ta sẽ không còn bị phụ thuộc vào phản ứng của họ nữa. Ta vui khi thấy họ cười, ta nhẹ lòng khi biết họ bình an. Và chính lúc đó, ta sẽ cảm nhận được một niềm vui thuần khiết, một hạnh phúc không bị ràng buộc bởi bất cứ điều kiện nào.

Yêu thương chân thật là như thế. Không phải là sự chiếm hữu, không phải là sự kiểm soát, mà là sự sẻ chia. Khi ta biết cho đi mà không mong cầu, khi ta có thể nhìn người khác hạnh phúc mà lòng ta cũng vui theo, đó chính là lúc ta thực sự hiểu được ý nghĩa của tình yêu thương.

 

Khi ta ngừng tìm kiếm, yêu thương sẽ tự tìm đến

Có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao có những người luôn được yêu quý, luôn tỏa ra một sức hút ấm áp, dù họ chẳng cố gắng để làm hài lòng ai? Trong khi đó, có những người dù nỗ lực hết mình, nhưng vẫn cảm thấy cô đơn, lạc lõng giữa cuộc đời?

 

Rất nhiều người mãi mãi đi tìm kiếm tình yêu thương, mà không nhận ra rằng yêu thương chưa bao giờ rời xa họ. Có thể bạn không nhận ra, nhưng mỗi ngày trôi qua, bạn vẫn luôn được yêu thương theo cách này hay cách khác. Một tin nhắn hỏi thăm từ một người bạn cũ, một lời động viên từ đồng nghiệp, một ánh mắt trìu mến từ cha mẹ, và tất cả những điều đó đều là tình yêu thương. Chỉ là đôi khi, ta quá mải mê tìm kiếm một thứ tình yêu hoàn hảo mà quên đi những điều giản dị đang hiện diện ngay bên cạnh mình.

Vậy nên, nếu bạn đang cảm thấy cô đơn, đừng vội buồn. Hãy thử một lần buông bỏ những mong cầu, hãy thử một lần sống thật lòng mà không đòi hỏi. Hãy thử yêu thương ai đó mà không mong được đáp lại, hãy thử quan tâm mà không cần nhận về.

 

Và rồi, một ngày nào đó, khi ta không còn đặt câu hỏi “Làm sao để ta được yêu thương?”, ta sẽ nhận ra rằng yêu thương chưa bao giờ rời xa ta cả. Nó luôn ở đó, dịu dàng như ánh nắng sớm mai, chỉ chờ ta mở lòng để đón nhận mà thôi.

 

An Hậu 

 

 

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2024

Yêu thương có thể học

 

YÊU THƯƠNG CÓ THỂ HỌC

Theo một số nhà nghiên cứu, tình yêu thương bao gồm 3 yếu tố chính:

* Đầu tiên, con người ta phải thấy được vấn đề mà người khác đang gặp phải là nghiêm trọng.

* Sau đó, họ phải tin rằng những rắc rối này không phải do chủ thể tự làm tự chịu.

Khi con người ta tin rằng tình thế khó khăn của một người là lỗi của chính người đó thì họ sẽ ít có khả năng thấu cảm và chìa tay giúp đỡ đối phương hơn.

* Cuối cùng, con người ta phải có khả năng “hình dung” bản thân mình trong tình huống tương tự, đối mặt với vấn đề tương tự.

Nghe có vẻ như một đòi hỏi quá cao, nhưng nghiên cứu cho rằng tình yêu thương là một thứ chúng ta có thể học được.

Chúng ta không chỉ học được cách làm sao để trở nên trắc ẩn hơn mà ta còn có thể xây dựng năng lực cảm xúc giúp ta hành động và giúp đỡ mọi người.

Học cách làm tăng tình yêu thương trong ta thì con người mới có thể xây dựng được những kết nối sâu đậm hơn và có ý nghĩa hơn với người khác, từ đây lan tỏa những việc làm tốt, những hành động giúp đỡ và đơn giản là lòng tốt giữa người và người với nhau.

Tham khảo. Article Sources

 

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2024

Love là yêu hay thương

 

LOVE LÀ YÊU HAY THƯƠNG

Để dịch chữ “love”, trong tiếng Việt có hai chữ: yêu và thương. Chúng khác nhau thế nào? Theo tôi, khác chủ yếu ở chỗ: “Yêu” bao hàm ý niệm chiếm hữu và có tính chất độc quyền, còn “thương” thì không.

Mẹ thương con, càng nhiều người thương con, mẹ càng mừng. Nhưng vợ yêu chồng thì dứt khoát chỉ có một, không ai được quyền chia sẻ cả.

Yêu nước cũng vậy: người ta không chấp nhận sự chia sẻ với các nước khác. Có điều, đến lứa tuổi nào đó, giữa các cặp tình nhân hay vợ chồng già với nhau, người ta thường dùng chữ “thương” hơn là “yêu”: Với họ, lúc ấy, chữ “thương” sâu đậm và đằm thắm hơn, trong khi chữ “yêu” lại có vẻ hơi sáo. Phải vậy không?