Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2023

Con ngoan trò giỏi xưa và nay.

 

CON NGOAN TRÒ GIỎI XƯA VÀ NAY.

Ngày xưa “con ngoan” có nghĩa là phải răm rắp nghe lời bố mẹ, cấm không được cãi người lớn. Còn “trò giỏi” có nghĩa là phải cắm mặt học suốt ngày, hết học chính khóa ở trường lại đến các lớp học thêm, bét nhất cuối năm cũng phải được học sinh giỏi, xa hơn nữa thì phải đi thi thố hết quận, thành phố đến quốc gia.

Nay thì chiều hướng đó đang thay đổi, tiêu chuẩn vâng lời, giấy khen treo khắp nhà xem ra không còn là ưu tiên số 1 và duy nhất của người trẻ.

“Ngoan” bây giờ đôi khi lại bị coi là “đụt”, chỉ biết làm theo lời người lớn, không có chính kiến, không biết bảo vệ quan điểm của mình.

“Giỏi” bây giờ là phải năng động, tích cực tham gia hoạt động xã hội, có tinh thần cống hiến cho cộng đồng, cùng với đó là tư duy nhạy bén, biết nắm bắt cơ hội.

Thế hệ ông bà cha mẹ ta trước đây chỉ dám mơ về một công việc ổn định, một ngôi nhà của riêng mình và chăm chăm “phòng cơ tích cốc” cho tuổi già.

Người trẻ bây giờ thì hoàn toàn khác. Chúng coi trọng trải nghiệm hơn là sở hữu, sống hoàn toàn cho hiện tại thay vì lúc nào cũng nghĩ đến ngày mai xa xôi.

Nói cách khác, thời đại công dân toàn cầu sẽ rất khác so với thời con ngoan trò giỏi sau lũy tre làng. Vì thế dạy dỗ uốn nắn những đức tính, phẩm chất tốt cho con cái vẫn là việc các phụ huynh cần làm nhưng chúng ta cũng nên mở rộng tấm lòng.

 

Ai là người quan trọng nhất giữa cha mẹ, vợ chồng, con cái.

 

AI LÀ NGƯỜI QUAN TRỌNG NHẤT GIỮA CHA MẸ, VỢ CHỒNG, CON CÁI.

Cha mẹ, vợ chồng, con cái là những người thân thiết nhất của chúng ta, bảo chọn ra một người khó dứt bỏ nhất là chuyện không hề dễ dàng. Nhưng nếu tình thế bắt buộc bạn phải đưa ra lựa chọn ấy thì làm sao đây?

Ở một lớp học nghiên cứu sinh, lúc sắp tan giờ, giáo sư nói với các học trò của mình rằng: "Tôi cùng các em chơi một trò chơi, ai bằng lòng phối hợp một chút nào?".
Một cô gái bước lên trên bục giảng. Vị giáo sư nói: "Em hãy viết lên bảng tên của 10 người mà em khó dứt bỏ nhất". Cô gái làm theo lời thầy, trong 10 người đó có tên của người thân, bạn bè, đồng nghiệp và hàng xóm của cô.

Vị giáo sư nói: "Tốt rồi! Bây giờ em hãy gạch bỏ 1 người mà em cho là không quan trọng nhất". Cô đã gạch bỏ tên một người hàng xóm của mình. Giáo sư lại nói: "Xin em hãy gạch tiếp 1 người nữa". Cô gái lại gạch bỏ tên của một đồng nghiệp.
Vị giáo sư tiếp tục: "Xin em hãy gạch tiếp thêm 1 người nữa". Cô lại gạch bỏ thêm một người. Cuối cùng, trên bảng chỉ còn lại 4 người: Người chồng, bố mẹ và đứa con của cô.

Bầu không khí trong phòng lúc này đột nhiên tĩnh lặng hẳn. Cả lớp đều im lặng đưa mắt nhìn thầy giáo của mình, cảm thấy đây dường như đã không còn là một trò chơi nữa. Vị giáo sư bình tĩnh nói: "Xin hãy gạch tiếp 1 người nữa".

Cô gái rất lưỡng lự, thật khó khăn khi phải đưa ra lựa chọn. Cô đưa viên phấn lên, gạch bỏ tên của người chồng mình.

"Hãy gạch tên 1 người nữa", giọng nói của vị giáo sư lại vang lên. Cô gái ngẩn người ra, bàn tay run rẩy đưa viên phấn lên chầm chậm gạch bỏ tên của đứa con.
Sau đó, hai hàng nước mắt ứa ra, cô khóc nấc lên thành tiếng, vẻ mặt trông vô cùng đau khổ.

Giáo sư đợi cô bình tĩnh lại, hỏi rằng: "Người thân thiết đi cùng em cả đời hẳn phải là chồng và con cái mới đúng. Người chồng sẽ ở cùng em đến đầu bạc răng long. Còn đứa con là do em dứt ruột sinh ra. Vì sao em lại chọn bố mẹ mình? Chẳng phải ngày tháng của họ đã không còn nhiều nữa, khó có thể ở lại cùng em lâu dài sao?"

Chúng bạn học đều đưa mắt nhìn cô, chờ đợi câu trả lời. Cô bình tĩnh, gạt dòng lệ, từ tốn nói rằng: "Tuy hiện tại chồng em là người thân thiết nhất nhưng rất có thể một ngày nào đó anh ấy sẽ rời bỏ em. Vợ chồng là duyên phận, có đến rồi cũng có đi. Con cái lớn lên rồi cũng sẽ có cuộc sống riêng của mình, em không thể mãi theo bước chân chúng.

Người thật sự em cần trân quý lại chính là cha mẹ. Không có họ thì đã không có em. Họ đã hy sinh cả tuổi xuân để cho em một cuộc đời hạnh phúc nhất có thể. Họ chắc chắn không thể ở cùng em mãi mãi nhưng chính vì thế mà em càng cần phải trân quý hơn. Tháng ngày còn lại không nhiều. Em thực sự chỉ muốn cha mẹ được sống những ngày cuối đời thật vui vẻ, mãn nguyện mà thôi".

Cả lớp đứng dậy vỗ tay rào rào khi cô ngừng lời. Nhiều người đã khóc, nhiều người gật đầu tán thưởng. Vị giáo sư già chừng như cũng xúc động, khẽ đưa chiếc khăn mùi soa lên chấm lệ. Đó là buổi học tuyệt vời nhất ông từng được chứng kiến trong suốt đời đứng trên bục giảng của mình…

*****

Trên đời rất nhiều người sẽ lựa chọn mẹ cha. "Trăm cái thiện, hiếu đứng đầu", người không có hiếu thì thiên hạ không dung, đạo Trời cũng không thứ.

Thực ra hiếu đạo không phải là truyền thống văn hóa chỉ riêng người Á Đông mới có, mới trọng. Ngay cả người phương Tây, người ở các nền văn hóa khác cũng rất hiếu kính với cha mẹ.

Cha mẹ vất vả sinh thành, dưỡng dục chúng ta không phải để cầu chút báo hiếu mà là muốn nhìn thấy chúng ta trưởng thành, sống có đạo đức, trở thành một người thiện lương, có ích cho xã hội. Cha mẹ nào lại mong con mình trở thành kẻ xấu cơ chứ? Ân tình ấy, dẫu báo đáp suốt mấy kiếp người nào đã ai trả nổi?

Còn bạn thì sao? Nếu phải chọn lựa giữa ba người ấy (cha mẹ, con cái và vợ chồng) bạn sẽ chọn ai?

 

 

Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2023

3 điều người khôn ngoan không bao giờ nói để tránh rước họa

 

3 ĐIỀU NGƯỜI KHÔN NGOAN KHÔNG BAO GIỜ NÓI ĐỂ TRÁNH RƯỚC HỌA

Nhiều người tự cho rằng việc sử dụng mánh khóe trong giao tiếp và muốn trục lợi từ sự dối giá của bản thân là thông minh, thế nhưng đây là hành vi vô cùng dại dột.

 

Không nói chuyện phiếm

Cổ nhân dạy: “nhàn cư vi bất thiện”. Câu nói này có nghĩa, con người nếu quá rảnh rỗi thường làm ra những chuyện không hay, một trong số đó chính là tự mua vui bằng những câu chuyện phiếm của người khác.

Người hiểu biết, có trí tuyệt sẽ luôn trân quý thời gian của mình, không làm những chuyện vô bổ, lãng phí thời gian. Thay vì bàn tán chuyện về người khác, họ sẽ tập trung học hỏi, hoàn thiện bản thân để ngày càng tiến bộ.

Lời lộng ngôn, ngông cuồng

Sống không khiêm tốn dễ rước họa. Thành tựu đạt được dù lớn hay nhỏ, nhưng nếu khoe mẽ, tự phụ, ỷ mạnh mà lấn ép người khác, sẽ chẳng thể nhận lại kết cục tốt đẹp.

Một người khôn ngoan thực sự sẽ luôn thủ thế giữ mình, không bao giờ mạnh miệng phô trương, không bộc lộ bản thân, thậm chí là nhường nhịn người khác.

Họ khiêm tốn giấu tài nhưng luôn được nể trọng, ngợi khen, luôn nhận được sự đánh giá cao từ người khác.

 

Lời không thành thật

Nhiều người tự cho rằng việc sử dụng mánh khóe trong giao tiếp và muốn trục lợi từ sự dối giá của bản thân là thông minh, thế nhưng đây là hành vi vô cùng dại dột, tự triệt tiêu phúc báo của chính mình. 

Thế nhưng, núi này cao còn núi khác cao hơn. Những người thông minh họ sẽ tự nhận ra được những động thái và mánh khóe lừa dối của đối phương mà thôi.

Cuối cùng thì việc thiếu trung thực sẽ khiến chính bản thân bạn bị thiệt thòi.

 

Vậy nên, thay vì cứ gồng mình lên để nói chuyện sao cho bóng bẩy hay tỏ ra sắc sảo, hãy chỉ đơn giản và trung thực, dùng chân tâm để đổi lấy thiện tâm.