Thứ Năm, 19 tháng 9, 2024

Bài thơ Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư

 

BÀI THƠ TIẾNG THU CỦA LƯU TRỌNG LƯ

Em không nghe mùa thu

Dưới trăng mờ thổn thức?

Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?

Em không nghe rừng thu

Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?

Xuyên suốt bài thơ là một từ “nghe” xuất hiện ba lần ở đầu mỗi khổ thơ. Người đọc nghe gì? Chúng ta nghe lời “thổn thức” dưới ánh trăng mờ của mùa thu được nhân cách hóa, nghe tiếng lòng “rạo rực” của người cô phụ có chồng đi đánh giặc xa, nghe tiếng lá thu rơi “xào xạc” trong rừng vắng.

 

Cả ba khổ thơ của bài Tiếng thu đều được viết bằng ba dấu hỏi ở cuối ba khổ thơ này. Tại sao tác giả phải hỏi liên tục như vậy? Tại vì nhà thơ không tin người em nào đó có thể nghe được cái tiếng thu quá xa vắng và mơ hồ. Không nghe ư? Em hãy lắng lòng sâu đậm để tiếp nhận tiếng thu dịu nhẹ và mơ màng ấy.

 

Hai dòng thơ cuối của Tiếng thu đã vẽ lên trước mắt người đọc hình ảnh:

 

"Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trênlá vàng khô"

 

Có phải ta nghe tiếng lá vàng khô vỡ vụn dưới những bước chân nai ngơ ngác? Ta không nghe tiếng thu ấy bằng tai mà nghe bằng trí tưởng tượng, nghe vang lên trong tâm hồn, mỗi khi thấy lá ngoài đường rụng nhiều và những đám mây bàng bạc trên không...

 

Để thưởng thức trọn vẹn giai điệu mùa thu của Lưu Trọng Lư, hãy đọc lại Tiếng Thu, đọc liền mạch và chỉ dừng lại một giây khi gặp dấu chấm hỏi. Hãy tưởng tượng có ai đó ném xuống mặt nước phẳng lặng của hồ thu một viên đá nhỏ. Nhiều vòng tròn sóng đồng tâm xuất hiện và lan tỏa mãi. Đó là hình ảnh làn sóng âm thanh của tiếng thu mà nhà thi sĩ Lưu Trọng Lư đã làm vang lên trong tâm hồn mỗi người.

 

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2024

“Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba”

 

“CHỚ ĐI NGÀY BẢY, CHỚ VỀ NGÀY BA”

Từ thời xa xưa, ông bà ta đã dạy rằng: “Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba”, hoặc “Mùng ba, mùng bảy tránh xa, Mười ba, mười tám cũng là không hay. Hăm hai, hăm bảy sáu ngày, Là Tam nương sát họa tai ương khôn lường”.

Theo như câu nói này, người xưa quan niệm các ngày âm lịch đầu tháng vào ngày mùng 3, mùng 7 âm lịch, giữa tháng ngày 13,18 và cuối tháng ngày 22, 27 được coi là ngày xấu, tránh việc xuất hành, khởi sự, nếu cố làm việc gì cũng sẽ vất vả, không được việc. Như vậy, mỗi tháng sẽ có 6 ngày phải kiêng làm việc lớn.

Được biết, quan niệm kiêng kỵ này theo quan niệm truyền thống, con số lẻ là những con số đơn độc, còn số chẵn mới là số có đôi có cặp.

Chính vì thế, người xưa khuyên rằng làm việc gì cũng nên tránh sự đơn độc, làm như thế mới có thể đạt được thành công cao hơn, đặc biệt với những việc lớn như xuất hành, cưới hỏi hoặc làm việc lớn…

Bên cạnh đó, người Việt Nam cũng có quan niệm rằng, vào những ngày đó Ngọc Hoàng đã sai 3 cô gái xinh đẹp (chính là Tam Nương) xuống hạ giới để làm mê muội và thử lòng con người. Nếu như ai gặp phải Tam Nương, các cô này sẽ khiến người ta làm cho bỏ bê công việc, đam mê tửu sắc, cờ bạc…

Đồng thời, câu nói này cũng như một lời nhắc nhở con cháu nên làm chủ trong mọi hoàn cảnh, nên chịu khó, cần cù làm việc cũng như học tập.

Bên cạnh đó, các ngày 5, 14, 23 lại được cho là ngày Nguyệt kỵ. Nếu như để ý kỹ một chút sẽ phát hiện, những ngày này cộng lại đều bằng 5. Chính vì thế, dân gian thường gọi những ngày này là “nửa đời, nửa đoạn”, vì thế dù làm việc gì vào những ngày này cũng chỉ giữa chừng, khó đạt được mục tiêu.

Liên quan đến quan niệm này, ông Hà Thanh (Viện Nghiên cứu Ứng dụng Tiềm năng con người), quan niệm kiêng kỵ “Chớ đi ngày 7 chớ về ngày 3” còn phụ thuộc vào từng vùng miền, tùy theo từng địa phương.

Ví dụ như, có những ngày tối kỵ về hôn nhân ở vùng này nhưng ở vùng khác đó lại là ngày đẹp, thích hợp để cưới gả.

Việc kiêng kỵ vào các ngày Tam Nương thực tế vẫn chưa có ai kiểm chứng liệu đó có đúng là ngày xui xẻo hay không. Điều này chỉ đơn thuần xuất phát từ tín ngưỡng dân gian, đúng hay không còn trừu tượng, nên có tin hay không cũng tùy vào từng người.

Cho đến ngày nay, quan niệm kiêng kỵ “chớ đi ngày 7 chớ về ngày 3” đã không còn phổ biến như xưa nữa. Đồng thời, cũng không còn nhiều người kiêng kỵ điều này như xưa nữa.

Nguyên nhân bởi, đã có rất nhiều người chọn làm việc, khởi sự cũng như xuất hành vào ngày mùng 3, mùng 7 và thậm chí là những ngày Tam Nương khác mà mọi sự vẫn hanh thông.

Nhiều người cho rằng, nếu như mọi người kiêng kỵ thì mình đi cho vắng vẻ, thoải mái.

Tuy nhiên, vẫn có những người tuân theo quan niệm này, và cho rằng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.

Tận hưởng niềm vui sống

 

TẬN HƯỞNG NIỀM VUI SỐNG

 

Trong cuộc đời của một người, rất nhiều chuyện không thể diễn ra toàn vẹn viên mãn, cũng không có sự tình hay con người nào thập toàn thập mỹ.

Có nhiều chuyện phải học cách nhìn rộng nghĩ thoáng, tự hiểu cuộc đời phải có lúc thăng lúc trầm, nhất định phải trải qua nhiều giông tố bể dâu, chúng ta chỉ có thể bình tĩnh đối mặt.

 

Cuộc đời ai chẳng có những nỗi niềm riêng, đằng sau ẩn chứa nỗi buồn không tên. Một cuộc sống hoàn hảo chỉ có thể tìm thấy trong truyện cổ tích, hầu hết các câu chuyện thực tế đều không hoàn hảo.

Đừng bị ảnh hưởng bởi những người và những thứ xung quanh, bạn cần biết những gì bản thân thực sự muốn và đừng nhìn thế giới bằng lăng kính của bất cứ ai.

 

Đã biết không có cách nào vượt qua tất cả, thôi thì thuận theo tự nhiên, hoàn thiện chính mình và tận hưởng niềm vui.