Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2024

Bất kể bạn gặp ai, đó đều là người bạn cần gặp

 

BẤT KỂ BẠN GẶP AI, ĐÓ ĐỀU LÀ NGƯỜI BẠN CẦN GẶP

Trong thiền ngữ Ấn Độ có bốn câu thế này:

“Bất kể bạn gặp ai, đó đều là người bạn cần gặp.
Bất kể xảy ra chuyện gì, đó đều là chuyện nhất định phải xảy ra.
Bất kể chuyện bắt đầu từ đâu, đó đều là thời điểm thích hợp.
Bất kể là chuyện gì, đã qua chính là đã qua.”

Vậy nên, đừng mãi sống trong quá khứ viển vông, đừng vì những điều đã từng làm mà đưa ra quá nhiều giả thiết, chuyện đã xảy ra thì đó chính là điều duy nhất có thể xảy ra, không cách nào quay đầu được, cứ nhìn lại, nghĩ lại sẽ chỉ là vô ích mà thôi.

 

Cho dù đôi lúc hiện thực thật tàn nhẫn, nhưng chúng ta sau cùng đều phải học cách sống một cách thâm tình trong thế giới bạc tình này.

Phải biết, bạn đối với cuộc sống thế nào, cuộc sống sẽ đối với bạn thế ấy, tâm thái của bạn, đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn.


Cho dù bạn từng gặp phải chuyện gì, là vui hay là buồn, là ở dưới tận cùng hay đỉnh cao xã hội, thì cũng xin nhớ tới câu này:

 

“Nếu như mọi thứ đi ngược lại với mong đợi của bạn, thì nhất định có sự an bài khác.”

Quá khứ không bao giờ trở lại, phần đời còn lại cũng không thể nào thấy lại.

 

Vậy nên, chặng đường dài phía trước, mong bạn trân trọng bước đi, tùy duyên tự tại, thứ muốn có đều có, mà thứ không có được thì đều có thể buông bỏ nó đi.

 

Lời khuyên của các “chuyên gia về giấc ngủ” hóa ra không tốt như bạn nghĩ

 

LỜI KHUYÊN CỦA CÁC “CHUYÊN GIA VỀ GIẤC NGỦ” HÓA RA KHÔNG TỐT NHƯ BẠN NGHĨ

 

Giấc ngủ là một phần thiết yếu trong quy trình sinh học của con người. Thiếu ngủ sẽ gây ra ảnh hưởng xấu tới cơ thể, khiến bạn đưa ra các quyết định sai lầm, thậm chí cả về mặt tương tác xã hội.

 

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, giấc ngủ đã trở thành một khía cạnh khiến nhiều người lo lắng. Bởi họ bị ám ảnh bởi cái gọi là "giấc ngủ đêm hoàn hảo".

Kết quả là, nhiều người trong chúng ta hiện đang bị ảnh hưởng bởi chứng lo âu khi ngủ, một tình trạng mà mọi người lo lắng về chính việc không ngủ được hoặc không ngủ đủ của mình.

 

Vào năm 2018, một nghiên cứu trên tạp chí Nature & Science of Sleep đã phát hiện ra rằng loại lo lắng này được thúc đẩy bởi một chu kỳ căng thẳng gia tăng, còn được gọi là Hyperarousal, một phản ứng sinh lý xảy ra trong khi cơ thể cảm nhận về một sự kiện đe dọa, tấn công, hay nguy hiểm đến sự sống còn.

Và trớ trêu thay, nó dẫn đến những giấc ngủ kém hơn.

Mỗi người nên ngủ theo cách riêng, tùy theo nhu cầu cơ thể.

Phần lớn sự lo lắng đó hóa ra lại đến từ các phương tiện truyền thông những người tự xưng là các “chuyên gia về giấc ngủ”, khi liên tục tung ra những lời khuyên về việc điều gì tạo nên một giấc ngủ ngon.

 

Chẳng hạn như bạn cần ngủ đủ 8 tiếng, thức dậy lúc 7 giờ sáng hàng ngày hoặc tránh thức dậy lúc nửa đêm. Xa hơn nữa là bạn cần mua gì, loại gối nào, chăn đệm và các công cụ hỗ trợ giấc ngủ nào.

 

Điều tồi tệ nhất là phần lớn lời khuyên đó thực sự sai. Bởi trong nhiều trường hợp, chúng đến từ việc giải thích sai các phát hiện khoa học, bằng phương pháp luận kém và đôi khi ẩn sau nó là nhu cầu cần có một câu chuyện hay để bán cho công chúng.

Tất cả đã khiến người ta lầm tưởng rằng chỉ có một cách chắc chắn để có được “giấc ngủ ngon”.

 

Ví dụ, hãy xem xét lời khuyên rằng chúng ta phải bằng mọi giá tránh ánh sáng từ màn hình trước khi ngủ.

Một trong những nghiên cứu chính ủng hộ điều này đã cho các cá nhân sử dụng máy đọc sách Kindle trong bốn giờ (ở chế độ ánh sáng mạnh nhất) trước khi đi ngủ trong năm đêm liên tiếp.

Kết quả là giấc ngủ của họ bắt đầu bị trì hoãn chỉ hai phút mỗi ngày. Mặc dù kết quả có ý nghĩa thống kê, nhưng tác động sinh học về cơ bản là vô nghĩa.

 

Nhiều nghiên cứu khác thì kết luận rằng thời gian ngủ tối ưu là từ bảy đến tám giờ. Một nghiên cứu gần đây đã củng cố phát hiện này, khuyến nghị rằng 7 giờ là con số lý tưởng cho những người từ 38 đến 73 tuổi.

 

Và việc ngủ quá nhiều hoặc quá ít có liên quan đến các dấu hiệu sức khỏe tồi tệ hơn. Nhưng đáng chú ý là nghiên cứu này - và nhiều nghiên cứu đưa ra kết luận tương tự - đã không tính đến tình trạng sức khỏe của những người tham gia.

 

Chúng ngang nhiên bỏ qua một thực tế rằng sức khỏe kém có thể là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến việc những người tham gia ngủ quá nhiều hoặc quá ít. Đừng lo lắng về việc ngủ đủ giấc chưa, vì chúng có thể khiến bạn mất ngủ.

 

Mặt khác, một loạt các nghiên cứu gần đây trong lĩnh vực khoa học thần kinh sinh học đã đưa ra một quan điểm khác.

Đó là thay vì có một kiểu ngủ phù hợp với tất cả mọi người, các kiểu ngủ lành mạnh nên dựa trên nhu cầu cá nhân của chính mỗi người.

 

Ví dụ, trong một nghiên cứu gần đây tại Đại học Oxford, tiến hành với một nhóm thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 14 đến 15.

Trong nhóm đó, mức độ mất ngủ trung bình ở mức bình thường, và các nhà nghiên cứu đã cho những người tham gia thử CBT-I, hay còn gọi là Liệu pháp nhận thức – hành vi cho mất ngủ.

Mục đích là để giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ của họ. Kết quả cho thấy, về trung bình, can thiệp này không có tác động.

 

Theo các nhà nghiên cứu, hiểu biết khoa học này sẽ thay thế giả định phổ biến rằng chỉ có một cách duy nhất để ngủ đúng cách.

Và thay vào đó, chúng ta nên tìm biện pháp cá nhân hóa giấc ngủ của mình theo cách tối ưu cho cơ thể và lối sống của chính chúng ta.

 

Các thế hệ trẻ được cho sẽ là những người đầu tiên đi tiên phong trong cách tiếp cận giấc ngủ mới này.

Thật vậy, trong một nghiên cứu gần đây của Michelle Freeman, nhà kinh tế cấp cao tại Cục Thống kê Lao động Mỹ, sử dụng dữ liệu từ Khảo sát về sử dụng thời gian của người Mỹ, cho thấy rằng thế hệ Y (sinh ra từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000) đã ngủ nhiều hơn Thế hệ X (người được sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1965 đến năm 1980).

Số liệu cho thấy mỗi người chỉ ngủ thêm khoảng 22 phút mỗi đêm, nhưng đó là một khởi đầu tốt.

 

Về cơ bản, chúng ta ngủ bao lâu, thời gian ngủ ưa thích và số lần chúng ta thức dậy trong đêm khác nhau giữa các cá nhân và điều này sẽ thay đổi khi chúng ta già đi. Vì vậy từ bây giờ, hãy bắt đầu đón nhận một giấc ngủ phù hợp với mỗi chúng ta.

 

Tham khảo Wired

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2024

'Học tập suốt đời' - cuốn sách cần có cho các 'Công dân học tập'

 

'HỌC TẬP SUỐT ĐỜI' - CUỐN SÁCH CẦN CÓ CHO CÁC 'CÔNG DÂN HỌC TẬP'

Peter Hollins lấy ý kiến của Judith Bardwich để làm phép ẩn dụ về một cuộc sống bằng lòng với vốn kiến thức đang ngày càng lão hóa và lỗi thời của mình nếu không học thêm.

Kiến thức lỗi thời ấy sẽ làm tư duy của chúng ta ngày càng thêm sức ì, rồi từ đó ta sẽ dần xa lạ với xã hội bên ngoài, bị xã hội bỏ lại phía sau.

Vì thế, hãy can đảm bước vào vùng sợ hãi, mạnh dạn đi ra xa, và ta sẽ thấy một vùng có hào quang bừng sáng - Đó là "vùng học tập" (Learning zone).

Những nhà khoa học, những doanh nhân và những nhà hoạt động xã hội hơn ai hết, đều tìm mọi cách đi tới vùng học tập.

Họ biết rằng, nếu muốn làm ra một sản phẩm mới, một công nghệ mới, một tư tưởng mới, họ không thể dựa vào những tri thức đã có, mà phải từ tri thức đã có để sáng tạo ra những tri thức mới, chưa từng có.

Tri thức chưa từng có chính là chìa khóa để kiến tạo ra sản phẩm mới.

Để sáng tạo ra thi thức mới, điều kiện quan trọng là từ bỏ lối học hỏi giáo điều, dựa dẫm vào ý kiến người khác, học thuộc lòng kiến thức sách vở... Cần xây dựng cho bản thân năng lực tư duy phản biện trước một vấn đề được đặt ra, phân tích và đánh giá nó theo cách nhìn khác để làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề.

Đi vào vùng học tập, con người phải tác động vào những vấn đề cần tiếp cận, cần khai thác. Peter Hollins nói đến "siêu học tập" - một thuật ngữ do Donald Maudsley trước đây đã đưa ra. Sau này, các nhà khoa học đã thay thuật ngữ "siêu học tập" bằng "Học cách tự học". Mỗi người đều phải biết và có thói quen tự học và tạo cho mình một phong cách riêng trong tự học.

Trong xã hội học tập, người học tập suốt đời chính là người thực hiện "hành trình tri thức" xuyên suốt các thời kỳ lứa tuổi trong cuộc đời của họ. Đây là mẫu người của một giai đoạn phát triển mới trong xã hội hiện đại, bắt đầu từ khi loài người đi vào xây dựng và phát triển nền kinh tế tri thức.

Người học tập suốt đời là người "không có tuổi tác" (Perennials) trong học tập, cơ thể của họ sẽ từng bước bị lão hóa, nhưng khối lượng tri thức trong họ ngày càng tăng lên.

Với phương thức tư duy tăng trưởng của mình, họ luôn là người thông thái, cống hiến mọi năng lực và tài trí của mình cho đất nước.

Theo Quyết định 677/QĐ-TTg (3/6/2022) của Thủ tướng Chính phủ, cả nước đang bắt tay xây dựng mô hình "Công dân học tập" (Learning citizen) giai đoạn 2021-2030. Công dân học tập chính là người học tập suốt đời theo những tiêu chí do Nhà nước ban hành.

Đọc "The Lifelong Learner", tôi rất thú vị vì tính hấp dẫn của nó, đồng thời nghĩ rằng, những bạn đọc đã và sẽ đăng ký đạt danh hiệu "Công dân học tập" có thể đưa cuốn sách nhỏ này vào cẩm nang của mình, mang nó theo hành trình tri thức của các bạn.

Hy vọng các bạn sẽ thấy ở cuốn sách những điều bổ ích cho mình.

ST