Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2024

Nhạc sĩ Văn Cao và sự ra đời bài “Tiến quân ca”

 

NHẠC SĨ VĂN CAO VÀ SỰ RA ĐỜI BÀI “TIẾN QUÂN CA”

Những giai điệu hào hùng của bài Tiến quân ca, sau này được sử dụng làm quốc ca Việt Nam, đã được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác trong những ngày mùa đông năm 1944, khi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đang sục sôi khí thế.

 

Đó là mùa đông rét mướt năm 1944. Nạn đói bắt đầu hoành hành. Người ta gom xác nạn nhân chết đói rải rác trên các vỉa hè và ngoài cổng chợ.

Tôi không có chăn đắp và cả ngày chỉ có một cái bánh nếp nhỏ bỏ bụng.

 

Ở quê, cả nhà tôi phải chịu cảnh đói khát. Mẹ tôi phải đưa mấy đứa cháu về Hải Phòng cho các ông anh tôi khi đó đang thất nghiệp.

Trên đường, có một em bé 3 tuổi đi lạc. Hẳn là em đã nằm xuống giữa những nạn nhân chết đói.

Tôi nhớ mãi tiếng em ríu rít và đôi mắt to tròn, trong veo như mắt một chú mèo con. Tôi đã khóc nhiều đến mức không còn giọt lệ nào để rơi trước cái chết của em. Tôi cũng tê liệt khi biết rằng mẹ tôi phải đào củ chuối và rằng cả nhà phải tràn ra đồng mò cua bắt ốc kiếm ăn.  

 

Những nỗi đau ấy khiến nước mắt tôi khô cạn và cổ họng tôi nghẹn đắng. Nỗi căm thù đối với đế quốc Nhật và Pháp, những kẻ gây ra nạn đói 1944-1945, lớn dần trong tôi. Và rồi nó bùng nổ trong những nốt nhạc của bài Tiến quân ca.

 

Anh Vũ Quý là công nhân một nhà máy và cũng là người bạn lâu năm của tôi. Mạng lưới bí mật của anh ở Hải Phòng bị cảnh sát phát hiện nên anh ra Hà Nội để tiếp tục hoạt động cách mạng.

Cuối năm 1944, anh đến giao cho tôi nhiệm vụ đầu tiên và giúp tôi một khoản tiền nhỏ để xoay sở. Căn gác nhỏ của tôi trở thành lớp nhập môn chính trị và bản thân tôi cũng tham gia biên tập một tờ báo bí mật in ở một làng ngoại thành Hà Nội.

 

Một hôm, Vũ Quý bảo tôi rằng căn cứ du kích ở Việt Bắc đang củng cố. Trường cán bộ chính trị và quân sự chống Nhật sắp mở cửa. Vũ Quý đề nghị tôi sáng tác một bài cho các học viên tương lai của trường.

Tôi chưa nhận lời, nhưng các nốt nhạc đã lóe lên trong đầu. Tôi lang thang hết một buổi chiều trên những vỉa hè của Hà Nội, nhìn người qua lại và những ô cửa kính của các thư viện.

 

Khi đèn đường bắt đầu le lói, bài hát của tôi đã ra đời. Tôi viết bài hát lên một mẩu giấy, trên đường trở về căn gác nhỏ, nơi tôi nhìn qua cửa sổ và thấy bao cảnh tượng chết chóc và sự khốn khổ của kiếp người.

 

Bài Tiến quân ca được đăng trên báo “Độc Lập”.

Tôi đi công tác trước khi số báo này phát hành và một tuần sau mới về lại Hà Nội đã lắng nghe những âm thanh của bài Tiến quân ca lọt qua một ô cửa sổ không quen. Tôi thấy vài nốt không hài hòa lắm, nhưng sửa chữa thì muộn rồi vì bài hát đã được truyền tay hết người này sang người khác.

Dù quân Nhật cấm sao chép, bài hát vẫn tiếp tục lan truyền trong các nhóm quần chúng kích động vào đêm trước của cuộc nổi dậy lịch sử.

 

Ngày 17 tháng 8 năm 1945, “bài hát Tiến quân ca đã vang lên giữa bầu trời Hà Nội…hàng ngàn giọng hát cất lên.

Tôi cố gắng lê cái thân ốm đau đến dự buổi mít-tinh. Lá cờ đỏ sao vàng vươn cao trên đám đông. Bài Tiến quân ca nổ ra như một trái bom.

 

Nước mắt tôi trào ra. Xung quanh tôi, hàng ngàn giọng hát cất vang lên theo những đoạn sôi nổi. Trên tay áo, những băng cờ đỏ sao vàng đã thay những băng vàng của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim.

 

Hôm sau, tôi vẫn ốm và phải nằm nhà. Khoảng 20 đội viên Thiếu niên Tiền phong đến nhà xin tôi bản hướng dẫn biểu diễn. Tôi không có để đưa cho họ nhưng tôi giữ họ lại chốc lát để chỉ họ cách hợp xướng bài Tiến quân ca.

Liệu họ còn nhớ buổi sáng tháng 8 đầy nắng khi giọng ca của chúng tôi hòa vào nhau và cất lên thật cao để chào lá cờ Cách mạng lần đầu xuất hiện tại Hà Nội.


Ngày 19 tháng 8 năm 1945, lễ mít-tinh diễn ra tại Nhà hát lớn. Đội Thiếu niên Tiền phong hát vang bài Tiến quân ca. Hàng chục nghìn người hòa vào giọng hát. Họ lớn tiếng bày tỏ nỗi căm thù đối với thực dân đế quốc và niềm phấn khởi trước chiến thắng của Cách mạng.

 

Sau nhiều lần suýt ngã, cuối cùng tôi cũng đến được Nhà hát lớn. Tôi ngắm mình trong một tấm gương tại Phòng Gương. Mắt trũng sâu đến khó tin nhưng nụ cười rạng rỡ một lần nữa làm sáng bừng khuôn mặt hốc hác.

 

Bệnh của tôi cũng dần khỏi như có phép màu khi những khẩu hiệu cất lên từ biển người đổ về Nhà hát vào một ngày không thể nào quên khi dân tộc một lần nữa giành lại độc lập. 

 

Nguồn: https://archives.org.vn/gioi-thieu-tai-lieu-nghiep-vu/quoc-ca-viet-nam-qua-loi-ke-cua-nhac-si-van-cao.htm

Thứ Năm, 14 tháng 3, 2024

Giải mã tình yêu dưới góc nhìn khoa học

 

GIẢI MÃ TÌNH YÊU DƯỚI GÓC NHÌN KHOA HỌC

 

Ai cũng từng yêu ít nhất một lần trong đời. Nhưng liệu rằng, có phải tình yêu chỉ gói gọn trong những cảm xúc nồng ấm và ủy mị? Hay có chăng, chính những phản ứng hóa học của não bộ mà ta cho là khô khan lại chính là nhân tố tạo nên những cảm xúc đó?

 

Xuân Diệu, ông hoàng thơ tình đã từng trăn trở: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu”. Hay cũng có khi chính ông lại cảm thán: “Yêu là chết ở trong lòng một ít”.

Còn nữ sĩ Xuân Quỳnh lại đau đáu kiếm tìm nguồn gốc của tình yêu: “Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau”.

 

Tình yêu quả thật khó có thể tìm ra một định nghĩa chính xác, bởi mỗi người trong chúng ta lại có một cách lý giải riêng cho mình. Vậy còn khoa học thì nói gì?

Tiến sĩ Gabija Toleikyte – nhà thần kinh học hiện đang giảng dạy tại Đại học Sheffield Hallam, Anh – lý giải rằng tình yêu được sinh ra từ nơi sâu kín nhất trong tiềm thức của chúng ta. Bà cũng cho rằng:

 

“Tiềm thức là nơi chứa đựng thông tin nhiều gấp 10 lần so với phần não lý trí. Vì vậy, khi bắt đầu yêu, tưởng chừng như đây là một trải nghiệm nhất thời, nhưng bộ não phải làm việc cật lực để tính toán và tạo ra cảm xúc đó”.

 

Tiến sĩ, nhà nhân chủng học Helen Fisher cho rằng tình yêu đơn giản là “sự di truyền căn bản đã được tiến hóa từ hàng triệu năm nhằm cho phép chúng ta tập trung vào một đối tượng duy nhất để bắt đầu quá trình giao phối”.

Về mặt khoa học, mục đích cuối cùng của tình yêu là tìm một bạn đời lý tưởng, đảm bảo quá trình sinh sản và chăm lo cho con cái.

 

Dù rằng những văn nhân, thi sĩ đã đưa ra nhiều định nghĩa thi vị về tình yêu, nhưng với khoa học, tình yêu xuất phát từ những thay đổi hóa sinh diễn ra trong não bộ. Theo những nghiên cứu của tiến sĩ Helen Fisher đến từ đai học Rutgers, tình yêu bao gồm 3 phạm trù được vận hành bởi hormone và các chất hóa học của não. 3 phạm trù cơ bản bao gồm:

 

Sự ham muốn, sự thu hút, và sự gắn kết.

 

- Sự ham muốn chính là nguồn gốc của nhu cầu sinh sản, là dấu vết còn để lại từ quá trình tiến hóa. Nhờ vậy mà chúng ta có thể đảm bảo yếu tố di truyền về gene và duy trì nòi giống.

 

- Sự thu hút là thành phần quan trọng của tình yêu. Khi ta bị thu hút bởi một ai đó, thì những cảm xúc hồ hởi sẽ dâng trào bên trong cơ thể và tâm trí sẽ bị xâm chiếm bởi hình bóng của người mà ta thích, từ đó thôi thúc một sự kết nối về mặt tình cảm với đối tượng.

Có lẽ đây là lý do vì sao trong giai đoạn đầu của mối quan hệ, hay còn được biết đến là giai đoạn trăng mật, người ta thường cảm thấy say mê và diệu kì.

 

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, vùng tưởng thưởng (reward center) trong não hoạt động tốt nhất khi ta trông thấy một hình ảnh gợi cho chúng ta nhớ về người mà mình bị thu hút. Tuy nhiên, điều này sẽ làm giảm hàm lượng serotonine, một chất hóa học làm ảnh hưởng xấu đến tâm trạng và giảm cảm giác ăn uống.

 

- Sự gắn kết là yếu tố cuối trong ba phạm trù của khoa học tình yêu. Đây là yếu tố đảm bảo cho một mối quan hệ bền vững ở con người, thể hiện qua sự gắn kết về mặt cảm xúc, cảm giác an toàn và bình yên.

Ở loài chim và động vật có vú, sự gắn kết thể hiện qua việc bảo vệ lãnh thổ, nguồn thức ăn chung, làm giảm căng thẳng trong cộng đồng và phân chia công việc chăm sóc con non.

 

Khác với sự ham muốn và sự thu hút chủ yếu xuất hiện trong mối quan hệ tình cảm, sự gắn kết còn bao gồm mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, tình bạn, quan hệ xã hội và các mối quan hệ thân thiết khác.

Não bộ của chúng ta phân chia rõ ràng giữa sự ham muốn, sự thu hút và sự gắn kết, đó là lý do vì sao chúng ta không thể có cảm xúc lãng mạn với gia đình hoặc bạn bè.

 

Một nghiên cứu chỉ ra rằng, người ta có thể bị thu hút bởi một người hoàn toàn lạ mặt chỉ sau một cuộc trò chuyện sâu sắc kéo dài 30 phút. Thậm chí, một cặp đôi đã đi đến hôn nhân sau khi tham gia nghiên cứu này.

Cả ba quá trình trên tuy hoạt động đơn lẻ nhưng lại có sự liên kết, mang lại cho chúng ta trải nghiệm tuyệt vời của tình yêu.

 

Những phát hiện từ nghiên cứu của tiến sĩ Helen Fisher chỉ ra rằng:

“Sự ham muốn phát triển để dành cho mục đích giao phối với đối tượng phù hợp; sự thu hút phát triển để cho mỗi người có thể chọn được bạn tình mình yêu thích, từ đó tiết kiệm được thời gian và công sức trong quá trình giao phối; sự liên kết giữa nam và nữ tiến hóa để mỗi người hợp tác với một bạn tình sinh sản cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ làm cha làm mẹ của một giống loài”.

 

Tuy nhiên, để phát triển mối quan hệ tình cảm còn cần rất nhiều yếu tố, không phải chỉ hoàn toàn lệ thuộc vào yếu tố hóa sinh của não. Những yếu tố đó bao gồm tính cách, ngoại hình, mùi hương, kỹ năng giao tiếp, khí chất ở một người.

 

Cho dù có rất nhiều nghiên cứu được thực hiện, những gì chúng ta biết được về tình yêu quả thực còn rất ít.

Thế nhưng, mỗi người trong chúng ta sẽ tự có cho mình những định nghĩa riêng về tình yêu, dựa trên những cảm xúc và trải nghiệm của bản thân mà không cần đến những định nghĩa vĩ mô của khoa học.

 

Cuối cùng, dù rằng những chất hóa học trong não đóng vai trò quan trọng, tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể làm chủ mối quan hệ của mình và khiến nó ngày một tốt đẹp hơn.

 

Chúc các bạn luôn hạnh phúc và có những phút giây đầm ấm bên cạnh người mình yêu thương.

 

Tham khảo: The minds journal

 

Vua Nguyễn Ánh được vợ, thoát chết nhờ... 1 cái ôm

 

VUA NGUYỄN ÁNH ĐƯỢC VỢ, THOÁT CHẾT NHỜ... 1 CÁI ÔM

 

Ngôn tình có lẽ là thể loại truyện tình yêu mà lứa tuổi nào cũng thích, kể cả phụ nữ đã có gia đình. Người ta vẫn nghĩ những mối duyên kiểu định mệnh, kì lạ và như 1 sự sắp đặt từ trước chỉ có trong phim, trong truyện.

Nhưng khó ai tin được, lịch sử Việt Nam lại có những chuyện tình thú vị và khó tin đến vậy.

 

Chỉ vì cái ôm mà có luôn cô vợ, đưa cuộc đời rẽ hẳn sang trang mới

Chuyện tình ly kỳ và lãng mạn không kém đó chính là Nguyễn Ánh - vua Gia Long. Cũng theo sử sách ghi lại, thời còn bôn ba lánh nạn, Nguyễn Ánh đã có mối duyên rất tình cờ với cô gái xứ cù lao Ông Chưởng.

 

Cụ thể, sách Việt Nam phong tình cổ lục ghi: Trong những ngày đi lánh nạn, một lần chúa một mình trốn về cù lao Ông Chưởng (rạch Ông Chưởng - An Giang). Vì ở nơi khác tới, để tránh tai mắt của triều Tây Sơn nên Nguyễn Ánh phải náu mình trong một bụi rậm.

 

Bên bờ sông gần đó có một cô thôn nữ dịu dàng, xinh đẹp đang lội bắt cá, quần áo lấm lem bùn đất mà không biết có người nhìn theo mình. Sự cố xảy ra, cô thôn nữ hụt chân hét lớn. Nguyễn Ánh đã quên bản thân đang bị lùng bắt, bất chấp nguy hiểm, lao ra cứu người đẹp.

 

Sau khi được cứu sống, cô thôn nữ vì cảm kích, nắm chặt lấy tay Nguyễn Ánh kéo về nhà ngỏ ý muốn... sống chung. Vì theo tục lệ ở đó, khi người con gái nào đã bị đàn ông ôm rồi thì buộc phải lấy người đó làm chồng.

Thế là cuộc tình duyên bất đắc dĩ này lại là sự kết hợp hoàn hảo, mở ra một đường sống cho chúa Nguyễn.

 

Nguyễn Ánh "ở ẩn" luôn nhà cô thôn nữ, sống bình yên, tận hưởng. Thậm chí ông còn được cô "vợ nhặt" đi thăm dò, tìm kiếm giúp các cận thần đang lưu tán để tụ họp lại, bàn kế sách tiếp tục sự nghiệp "phục quốc".

 

Dân gian lưu truyền rằng, khi đã lên ngôi hoàng đế, Nguyễn Ánh - Gia Long đã mất hẳn ký ức về người vợ này. Tuy nhiên, lại có giai thoại truyền lại, cô gái cù lao Ông Chưởng đó chính là bà Tố Lan. Sau khi thu giang sơn về một mối, Gia Long đã cho rước bà Tố Lan về kinh đô, phong làm Chánh hậu.

 

Quả thật, những mối lương duyên luôn đến với chúng ta 1 cách đầy bất ngờ và khó lý giải như thế, kể cả vua chúa hay dân thường. Và ở thời nào thì bạn cũng hãy tin vào tình yêu, chỉ cần chân thành thì chuyện "sinh ta là để dành cho nhau" hoàn toàn có thật!

 

Ảnh: Tranh vẽ Nguyễn Ánh.