Thứ Sáu, 10 tháng 11, 2023

Bài tập ngủ ngon

 

BÀI TẬP NGỦ NGON

 

Rà quét cơ thể. (Body Scan) Kỹ thuật rà quét cơ thể là một bài tập thở khác có thể giúp bạn thư giãn và ngủ. Kỹ thuật này bào gồm rà quét toàn bộ cơ thể để tìm ra những dấu hiệu căng thẳng để bạn có thể xử lý và ngủ được.

Làm theo các bước dưới đây để thực tập kỹ thuật này.

 


 

– Nằm xuống giường và tập trung thư giãn khi thở ra.

– Cảm nhận mặt giường bên dưới bạn và xem xem nó có nâng đỡ hỗ trợ cơ thể khi bạn thở ra và thư giãn không.

– Mường tượng ra từng bộ phận của cơ thể, bắt đầu từ đầu, di chuyển ra khắp cơ thể để tìm ra những điểm bạn cảm thấy căng thẳng. Khi di chuyển khắp cơ thể, thở ra và tập trung vào thư giãn các cơ đang bị căng cứng.

 

Sau khi hoàn thành tìm ra điểm căng cứng trên cơ thể, tập trung vào hơi thở ra. Khi thở ra, hãy niệm thần chú để giúp kích thích cơn buồn ngủ, đơn giản như từ “ngủ” hoặc một từ nào đó khác giúp bạn bắt đầu mơ màng dần.

 

Thực hiện kỹ thuật này và bạn sẽ thấy cả tâm trí và cơ thể đều bắt đầu thư giãn. Trước khi bạn kịp nhận ra thì bạn đã rơi vào giấc ngủ rồi!

Nghiên cứu cho thấy thường xuyên tập rà quét cơ thể có thể giúp bạn chống lại các vấn đề về giấc ngủ.

 

Nguồn: Jerath R, Beveridge C, Barnes VA. Self-regulation of breathing as an adjunctive treatment of insomnia. Front Psychiatry. 2019;9:780. doi:10.3389/fpsyt.2018.00780

 

Triết lý âm dương trong truyền thống văn hóa Việt

 

TRIẾT LÝ ÂM DƯƠNG TRONG TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA VIỆT

Âm dương là một phạm trù triết học. Hai mặt âm dương ở trong một sự vật thống nhất, tức là bất cứ một sự vật nào trên thế giới đều có thể phân chia hai mặt âm dương.

Ví dụ quyển sách, mặt trước là dương, mặt sau là âm; bên ngoài là dương, bên trong là âm. Nếu như mở quyển sách ra, thì trang bên trong tiếp nhận ánh sáng là dương, mặt trước mặt sau lại trở thành âm.

 

Cũng như thân thể con người, xuất phát từ phân biệt tính chất: nam là dương, nữ là âm;

Xuất phát từ phân biệt trên thân thể: nửa thân trên là dương, nửa thân dưới là âm; bên ngoài là dương, nội tạng là âm; lưng là dương, bụng là âm; xương thịt cố định là âm, khí huyết lưu động là dương.

Phần xương thịt đối ứng: xương là âm, thịt là dương.

Khí huyết đối ứng: huyết là âm, khí là dương, khí là thầy của huyết, thúc đẩy huyết lưu hành.

Da thịt đối ứng: da là dương, thịt là âm. Da lông đối ứng: da là âm, lông là dương. Da không tồn tại, thì lông cũng không mọc được.

 

Như vậy, là nói âm dương không phải cố định, nó có thể chuyển đổi theo điều kiện ngoại giới chuyển đổi.

Cho nên Lão Tử nói: Âm dương có thể chuyển đổi cho nhau, dựa vào nhau tồn tại. Không có âm, dương không thể tồn tại; không có dương thì âm cũng không thể tồn tại.

Cũng giống như không có trời thì không có đất và ngược lại. Đó là qui luật phát triển, biến đổi sự vật.

 

Âm dương hai mặt mâu thuẫn đối lập, thống nhất, cái này mất đi (tiêu) cái kia lớn lên (trưởng); cái này tiến, cái kia lui, cuối cùng ở trong trạng thái cân bằng mới có thể duy trì sự vật biến đổi phát triển bình thường.

 

Người Việt từ lâu đã nhận thức về triết lý âm dương ở nhiều lĩnh vực. Do sống trong hoàn cảnh của nghề trồng lúa nước, cho nên nhân dân ta tiếp xúc với những cặp âm dương đối lập, như:

Nắng -- mưa (Nắng không ưa, mưa không chịu)

Đất -- trời (Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời)

Sương -- gió (Dầm sương dãi gió,)...

 

Bản thân cây lúa cũng là: gốc ngâm trong bùn nước (âm), ngọn phơi trong nắng gió (dương). Đến độ nảy bông thì hoa lúa chỉ phơi màu vào giờ Ngọ (giữa trưa, lúc dương khí thịnh) và giờ Tí (nửa đêm, lúc âm khí thịnh) để tiếp thu đủ khí âm dương trời đất mà biến thành hạt lúa.

 

Người Việt đã nhận thức được số chẵn là âm, số lẻ là dương. Lê Quí Đôn phân biệt tre đực tre cái bằng cách xem cành thứ nhất ở gốc: Nếu có 2 cành là tre cái, còn nếu một cành là tre đực.

 

Ngay trong cách lựa chọn vật tổ của người Việt cũng biểu hiện đặc trưng quân bình âm dương. Từ thời tiền sử, các dân tộc trên thế giới đã chọn những con vật có liên quan mật thiết đến đời sống con người làm biểu tượng, chẳng hạn, Ai Cập chọn con Bò, Pháp chọn con Gà trống, Nga và Thụy Sĩ chọn con Gấu, Mỹ chọn con Ó, dân Bách Việt ta tự hào là con Rồng cháu Tiên và chọn Tiên - Rồng làm biểu tượng, thể hiện dấu vết tư duy âm dương của thời xa xưa.

 

Đặc trưng quân bình âm dương lại được người Việt Nam sử dụng trong ẩm thực: đồ ăn âm tính thường kèm theo gia vị dương tính - [ăn ốc luộc (âm) đi kèm với nước chấm gừng ớt (dương)].

 

Ở Việt Nam mọi thứ thường đi đôi theo nguyên tắc âm dương đối ứng, hài hòa: Ông đồng bà cốt, con Rồng cháu Tiên...

Khái niệm âm dương thể hiện ở mọi phương diện: xin âm dương (gieo hai đồng tiền sao cho một sấp một ngửa), chợ âm dương (chợ họp vào chập tối); ngói âm dương (ngói lợp nhà kiểu viên ngửa viên sấp) v.v.

 

Cả những khái niệm vay mượn đơn lẻ, khi vào Việt Nam chúng được nhân đôi thành cặp: ở Trung Hoa mai mối chỉ là một ông tơ hồng, vào Việt Nam được biến thành ông tơ - bà nguyệt. ở Ấn Độ chỉ có Phật ông, vào Việt Nam xuất hiện Phật ông - Phật bà (ở một số nơi, người Mường gọi là bụt đực - bụt cái.

 

Thậm chí cả trong ca dao, thành ngữ cũng phản ánh qui luật “trong âm có dương, trong dương có âm” khá rõ, như: trong khổ có sướng, trong họa có phúc, trong rủi có may...

 

Theo qui luật âm dương chuyển hóa (âm sinh dương, dương sinh âm), người Việt lại có các thành ngữ: Tre già măng mọc; Trèo cao ngã đau; bán bò tậu ễnh ương...

 

Thứ Năm, 9 tháng 11, 2023

Đời luôn có ngày mai

 

ĐỜI LUÔN CÓ NGÀY MAI

Đời chắc rất nhiều lúc chúng ta nhìn ai đó qua vai áo, muốn dợm thêm một bước chân nhưng rồi lòng lại nghĩ, thôi không cần…

 

Chẳng cứ phải là một tình yêu đơn phương với một ai đó mới rơi vào trường hợp ấy. Cũng không chỉ là tình yêu dành cho cha mẹ, muốn nói nhưng sợ mình lại sến súa, ủy mị…

Hoặc vì một lỗi lầm với một ai đó ở thế giới ngoài kia, nửa muốn hàn gắn nhưng nửa cũng muốn nghĩ chắc chúng ta không đủ may mắn để đi đường dài…

 

Con người, phần lớn, đều giữ trong lòng mình những yêu thương rón rén…

Lời giận dữ có khi bộc phát mạnh đến mức không biết có phải là mình nói ra không nữa. Để hả hê, để khỏa lấp sự yếu đuối của một kẻ vừa mới mất đi tâm thế điềm tĩnh khi tiếp nhận sự việc. Người nói vô ý, người nghe để lòng.

Nước trên bề mặt vẫn chảy nhưng đá cuội dưới đáy sâu đã xáo trộn vị trí từng ngỡ đã ngủ yên dù có bao thăng trầm.

 

Lời yêu thương thì giấu kín như cổ vật dưới đáy biển sâu. Có nói ra thì nói ra dè chừng. Nói ra như thể một lời vu vơ, nếu phải xác nhận thì thường đính kèm một nụ cười trừ…

 

Có nhiều người, vì không nói được lời yêu thương mà lỡ dở cả một đời. Chỉ tội tình mình khi bắt mình đứng đợi mà chuyến xe vừa chạy lướt qua không có kế hoạch quay đầu.

Yêu thương rón rén cực chẳng đã mới chấp nhận nó là hạnh phúc, như kiểu cố chấp đời luôn sai và mình luôn đúng. Nếu mình sai thì do đời không hiểu mình, không bao dung được với mình.

 

Đời luôn có ngày mai. Nhưng phải để mình biết rõ mình đừng như con cá mắc lưới. Lựa chọn dùng hết sức bình sinh để thoát đi khỏi những mắc dây hiểm trở hay nằm lại đó, để được đưa lên khỏi mặt nước rồi ngoảnh lại nhìn tiếc nuối thế giới của sông hồ. Mà khi đó, đường đã không còn lối về.