Hiển thị các bài đăng có nhãn Triết lý Việt. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Triết lý Việt. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2023

Triết lý âm dương trong chửa bệnh của người Việt

 

TRIẾT LÝ ÂM DƯƠNG TRONG CHỬA BỆNH CỦA NGƯỜI VIỆT

 

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã vận dụng triết lý âm dương vào công việc chữa bệnh. Ông nói: “Nghề làm thuốc đâu có thể vượt ra ngoài nguyên lý âm dương ngũ hành mà cứu chữa được những bệnh nguy nan” (Tiểu dẫn Y gia quan miện );

 

“Lý của âm dương là lý của y” (Luận về y ý và y lý). Qui luật quân bình âm dương cũng được ông vận dụng vào việc chữa bệnh. Ông nói:

“Dương làm hại âm thì tinh huyết khô cháy, âm làm hại dương thì thần khí lặng tắt.

 

Phàm mọi bệnh sinh ra không một bệnh nào không phải vì âm dương hại nhau mà mất điều hòa (Y hải cầu nguyên); “Phàm trăm bệnh của người ta không gì là không do âm dương chênh lệch nhau, điều đó quan hệ đến sống chết” (Y hải cầu nguyên); “âm dương cốt thăng bằng, không nên thiên lệch về một bên.

Thủy hỏa trong thân thể của người ta cũng như là cán cân, nếu bên này nặng thì bên kia nhẹ, nếu bên này nhẹ thì bên kia nặng.

 

Phương pháp chữa bệnh là, nếu bên kia nặng thì bổ cho bên này, nếu bên này nặng thì bổ cho bên kia, quyết không để sai nhau một ly thì mới thăng bằng” (Y hải cầu nguyên).

 

Hay là Ông cho rằng khi chữa bệnh phải chú ý đến thời tiết, “không nên quá câu nệ vào thuyết vận khí vì bệnh phát sinh do cả nguyên nhân bên ngoài, cảm nhiễm tùy theo thời tiết” (Vận khí kí điển);

 “Nói đến thời khí thì phải tùy cơ ứng biến, tức là trước phải theo khí hậu từng năm, nếu năm ấy mưa nhiều thì bệnh phần nhiều do thấp, phải dùng loại thuốc cay, đắng, ấm...” (Vận khí ký điển).

 

Qua thực tế, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác biết rất rõ, cơ thể con người cần phải thích hợp với khí hậu bốn mùa biến đổi. Bốn mùa biến đổi tức là âm dương chuyển hóa. Bởi vì một năm có bốn mùa, bắt đầu là mùa xuân, rồi đến các mùa: hạ, thu, đông.

Mùa xuân, mùa thu khí hậu ôn ấm, khí đất bay nổi, dương sinh âm trưởng (lớn lên), muôn vật đều nảy sinh. Đến mùa thu, mùa đông, khí hậu rét lạnh, khí trời chìm lắng, dương sát âm tàng, muôn vật đều tiềm ẩn. Khí tiết hết thăng lại giáng, hết giáng rồi thăng như một vòng tròn không có đầu mối, chuyển hóa muôn vật.

 

Khí trời như vậy, con người cũng ứng với nó. Cái mới thay thế cái cũ, sinh sinh hóa hóa không ngừng.

Khí hậu bốn mùa thay đổi, mỗi mùa đều có đặc điểm khác nhau, do đó, ngoài bệnh tật nói chung, còn nảy sinh một số bệnh do thời tiết, như mùa xuân mọi người dễ mắc bệnh cảm mạo, tỷ lệ trẻ em viêm phổi cũng đột nhiên tăng lên cao. 

Viêm não phần nhiều nảy sinh ở mùa hè. Bệnh viêm phế quản mạn tính phần nhiều phát sinh ở mùa thu, mùa đông...

Thứ Sáu, 10 tháng 11, 2023

Triết lý âm dương trong truyền thống văn hóa Việt

 

TRIẾT LÝ ÂM DƯƠNG TRONG TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA VIỆT

Âm dương là một phạm trù triết học. Hai mặt âm dương ở trong một sự vật thống nhất, tức là bất cứ một sự vật nào trên thế giới đều có thể phân chia hai mặt âm dương.

Ví dụ quyển sách, mặt trước là dương, mặt sau là âm; bên ngoài là dương, bên trong là âm. Nếu như mở quyển sách ra, thì trang bên trong tiếp nhận ánh sáng là dương, mặt trước mặt sau lại trở thành âm.

 

Cũng như thân thể con người, xuất phát từ phân biệt tính chất: nam là dương, nữ là âm;

Xuất phát từ phân biệt trên thân thể: nửa thân trên là dương, nửa thân dưới là âm; bên ngoài là dương, nội tạng là âm; lưng là dương, bụng là âm; xương thịt cố định là âm, khí huyết lưu động là dương.

Phần xương thịt đối ứng: xương là âm, thịt là dương.

Khí huyết đối ứng: huyết là âm, khí là dương, khí là thầy của huyết, thúc đẩy huyết lưu hành.

Da thịt đối ứng: da là dương, thịt là âm. Da lông đối ứng: da là âm, lông là dương. Da không tồn tại, thì lông cũng không mọc được.

 

Như vậy, là nói âm dương không phải cố định, nó có thể chuyển đổi theo điều kiện ngoại giới chuyển đổi.

Cho nên Lão Tử nói: Âm dương có thể chuyển đổi cho nhau, dựa vào nhau tồn tại. Không có âm, dương không thể tồn tại; không có dương thì âm cũng không thể tồn tại.

Cũng giống như không có trời thì không có đất và ngược lại. Đó là qui luật phát triển, biến đổi sự vật.

 

Âm dương hai mặt mâu thuẫn đối lập, thống nhất, cái này mất đi (tiêu) cái kia lớn lên (trưởng); cái này tiến, cái kia lui, cuối cùng ở trong trạng thái cân bằng mới có thể duy trì sự vật biến đổi phát triển bình thường.

 

Người Việt từ lâu đã nhận thức về triết lý âm dương ở nhiều lĩnh vực. Do sống trong hoàn cảnh của nghề trồng lúa nước, cho nên nhân dân ta tiếp xúc với những cặp âm dương đối lập, như:

Nắng -- mưa (Nắng không ưa, mưa không chịu)

Đất -- trời (Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời)

Sương -- gió (Dầm sương dãi gió,)...

 

Bản thân cây lúa cũng là: gốc ngâm trong bùn nước (âm), ngọn phơi trong nắng gió (dương). Đến độ nảy bông thì hoa lúa chỉ phơi màu vào giờ Ngọ (giữa trưa, lúc dương khí thịnh) và giờ Tí (nửa đêm, lúc âm khí thịnh) để tiếp thu đủ khí âm dương trời đất mà biến thành hạt lúa.

 

Người Việt đã nhận thức được số chẵn là âm, số lẻ là dương. Lê Quí Đôn phân biệt tre đực tre cái bằng cách xem cành thứ nhất ở gốc: Nếu có 2 cành là tre cái, còn nếu một cành là tre đực.

 

Ngay trong cách lựa chọn vật tổ của người Việt cũng biểu hiện đặc trưng quân bình âm dương. Từ thời tiền sử, các dân tộc trên thế giới đã chọn những con vật có liên quan mật thiết đến đời sống con người làm biểu tượng, chẳng hạn, Ai Cập chọn con Bò, Pháp chọn con Gà trống, Nga và Thụy Sĩ chọn con Gấu, Mỹ chọn con Ó, dân Bách Việt ta tự hào là con Rồng cháu Tiên và chọn Tiên - Rồng làm biểu tượng, thể hiện dấu vết tư duy âm dương của thời xa xưa.

 

Đặc trưng quân bình âm dương lại được người Việt Nam sử dụng trong ẩm thực: đồ ăn âm tính thường kèm theo gia vị dương tính - [ăn ốc luộc (âm) đi kèm với nước chấm gừng ớt (dương)].

 

Ở Việt Nam mọi thứ thường đi đôi theo nguyên tắc âm dương đối ứng, hài hòa: Ông đồng bà cốt, con Rồng cháu Tiên...

Khái niệm âm dương thể hiện ở mọi phương diện: xin âm dương (gieo hai đồng tiền sao cho một sấp một ngửa), chợ âm dương (chợ họp vào chập tối); ngói âm dương (ngói lợp nhà kiểu viên ngửa viên sấp) v.v.

 

Cả những khái niệm vay mượn đơn lẻ, khi vào Việt Nam chúng được nhân đôi thành cặp: ở Trung Hoa mai mối chỉ là một ông tơ hồng, vào Việt Nam được biến thành ông tơ - bà nguyệt. ở Ấn Độ chỉ có Phật ông, vào Việt Nam xuất hiện Phật ông - Phật bà (ở một số nơi, người Mường gọi là bụt đực - bụt cái.

 

Thậm chí cả trong ca dao, thành ngữ cũng phản ánh qui luật “trong âm có dương, trong dương có âm” khá rõ, như: trong khổ có sướng, trong họa có phúc, trong rủi có may...

 

Theo qui luật âm dương chuyển hóa (âm sinh dương, dương sinh âm), người Việt lại có các thành ngữ: Tre già măng mọc; Trèo cao ngã đau; bán bò tậu ễnh ương...