Thứ Ba, 27 tháng 6, 2023

Những điều cần hiểu trong thế giới của người trưởng thành


NHỮNG ĐIỀU CẦN HIỂU TRONG THẾ GIỚI CỦA NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH

Trải nghiệm đủ nhiều rồi mới biết, thế giới của người trưởng thành thật quá phức tạp. Tuy nhiên, không phải cứ lớn tuổi thì tương đương với việc đã trưởng thành. Sự chín chắn thật sự phải là: Bạn sở hữu bao nhiêu bài học trước thử thách cuộc đời và cách ứng xử trong các mối quan hệ. Cũng như việc thấu hiểu những điều dưới đây:

* Nếu đã trải nghiệm được “dạo một mình, đi quán cafe một mình, không cuộc gọi cũng không tin nhắn, không có ai để nói chuyện, không tiệc tùng, cuộc sống có quy luật của nó, đi ngủ sớm dậy sớm, không phàn nàn cũng không bận tâm việc người khác nghĩ gì về mình, tất cả thuận theo tự nhiên”, vậy thì cuối cùng bạn đã đạt đến trình độ cao nhất của sự trưởng thành.

* Không phải bạn trở nên ưu tú hơn thì mới có thể đến nơi của những kẻ mạnh, mà là bạn hòa nhập vào môi trường của kẻ mạnh trước, sau đó mới có thể ưu tú hơn.

* Khi dứt khoát đối mặt với thế giới, bạn sẽ đột nhiên thấy rằng thế giới đã trở nên dịu dàng hơn rất nhiều. Khi biết thể hiện thái độ của mình, bạn sẽ thấy rằng mọi người đều hòa hoãn với mình hơn. Con người ta thường có xu hướng “sợ mạnh hiếp yếu”, và thế giới cũng vậy.

* Có thể bạn sẽ gặp phải trường hợp: “Khi ta giàu thì ai cũng nhún nhường, nhưng khi không có một đồng trong túi thì ai cũng tránh xa”. Nhưng thật ra điều này không đúng đắn hoàn toàn.

Ngay cả khi bạn không còn ai bên cạnh những lúc khó khăn, bạn vẫn còn “chính bạn”. Tự dựa vào mình, đứng lên và bắt đầu lại. Chỉ khi biết mạnh mẽ đối diện với những sự thật chạnh lòng trong cuộc sống, bạn mới đủ sức mạnh tìm kiếm cái đẹp trên thế giới này.

* Hầu hết mâu thuẫn phát sinh ngoài kia đều xuất phát từ vấn đề tiền bạc. Cố gắng kiếm tiền không bao giờ là dư thừa. Mặc dù nó không thể mua được hạnh phúc, nhưng nó giúp bạn đến gần với hạnh phúc hơn.

* Trên đời này người thật lòng giúp đỡ bạn rất ít, nhiều người chỉ sợ bạn sống tốt hơn họ. Do đó, hãy dung dị với những sự thật phũ phàng trên thế giới này. Bạn không còn thứ họ cần, tìm mãi không thấy đâu; khi đủ đầy thứ họ cần đến, không vẫy gọi cũng tự động tìm tới. Người vượt qua được thử thách này thật sự là kiểu bạn bè đáng được trân trọng.

* Hành vi ngốc nhất chính là trong lòng rất muốn nói chuyện lợi ích, nhưng miệng lại chỉ biết nói lời nhân nhượng, cả nể, cuối cùng chuốc họa vào thân, để mình bị thiệt thòi. Hãy nghĩ đơn giản một chút, thực tế hơn, trực tiếp hơn và thẳng thắn hơn, và bạn sẽ đột nhiên thấy rằng mình thoải mái hơn, hạnh phúc hơn và dễ thỏa mãn hơn rất nhiều.

* Nhiều người luôn bị người khác ảnh hưởng, không chịu được sự mắng mỏ sau lưng. Trên đời này, dù bạn có sống tốt đến mấy, vẫn có người ghen ghét bạn; dù bạn tài giỏi đến đâu, vẫn có người không công nhận bạn. Do đó, chỉ cần tập trung vào bản thân là đủ.

Theo PNVN

Đàn ông tiêu tiền ở đâu thì tâm họ đặt ở đó


ĐÀN ÔNG TIÊU TIỀN Ở ĐÂU THÌ TÂM HỌ ĐẶT Ở ĐÓ

 

Tài chính là vấn đề nhạy cảm trong tình yêu song cũng là tiêu chí quan trọng để chọn bạn đời bởi chẳng người đàn ông nào tiếc tiền cho gia đình.

Khi quyết định bước vào cuộc sống hôn nhân, vấn đề tài chính, tiền bạc nên được thẳng thắn từ đầu. Nhiều người ngại ngùng và sợ bị đánh giá là thực dụng, song khi hôn nhân ngụp lặn trong túng thiếu, vợ chồng chật vật với việc kiếm tiền, đó mới là địa ngục thực sự của tình yêu.

Trên mạng có câu chuyện được chia sẻ về tiêu tiền của người yêu, bạn đời. Theo đó, trước đây cô nàng nghĩ rằng yêu một người là không nỡ tiêu tiền của người ấy, luôn luôn lo lắng sự vất vả của họ. Tuy nhiên sau này mới phát hiện ra, đồng ý cho mình tiêu tiền mới là biểu hiện của yêu một người.

 

“Thật ra phụ nữ thì nên biết tiêu tiền của người đàn ông của mình. Vì đàn ông họ tiêu tiền ở đâu thì tâm họ đặt ở đó”.

Người ta bảo, đàn ông không quan trọng là kiếm được bao nhiêu, quan trọng là anh ấy chịu chi bao nhiêu trong số anh ấy có lên người bạn. Phụ nữ chọn đàn ông thường chú trọng vào số tiền anh ấy có mà không hiểu một điều rằng, đàn ông nhiều tiền chưa chắc đã vì bạn mà chi nhiều.

 

Tiền không nên xem là tất cả nhưng tiền lại là một “công cụ” quan trọng để có được cuộc sống hạnh phúc. Bởi tình yêu không thể nuôi sống bạn, không thể nuôi sống con bạn, không thể cho con bạn điều kiện đủ đầy như con của người khác.

Nếu người đàn ông ấy sẵn lòng đem ví tiền của họ trao cho bạn, nguyện vì bạn mà không tiếc tất cả những gì họ có, bằng lòng hi sinh bản thân, bằng lòng nhận lấy thiệt thòi để bạn có được cảm giác hạnh phúc thì đó chính xác là người đàn ông yêu bạn hơn cả bản thân.

 

Người ta bảo, đàn ông nên chọn người có 10 đồng tiêu hết cho bạn 9 đồng chứ đừng chọn người có 100 đồng lại chỉ dám tiêu cho bạn 1 đồng. Giàu nghèo quan trọng thật đấy, nhưng quan trọng hơn cả là cách họ đối xử, cách họ cho đi những gì họ có. Đàn ông chi tiền chân thành bao nhiêu thể hiện họ dành tâm cho bạn bấy nhiêu, họ đặt tâm ở đâu sẽ dốc tiền ở đấy.

Một đàn ông chi tiền cho vợ không chỉ là hành động đơn thuần về việc cung cấp tài chính mà còn là một biểu hiện tình yêu và sự quan tâm đối với gia đình. Điều này thể hiện sự chia sẻ và tôn trọng giữa hai người trong một mối quan hệ hôn nhân.

 

Tiền và tình vốn không nên đem lên bàn cân so sánh để đo đo đếm đếm xem bên nào nặng nhẹ hơn. Nhưng rõ ràng, muốn có một cuộc sống hạnh phúc, bớt đi những mâu thuẫn không đáng thì tài chính vững vàng là điều kiện không thể bỏ qua. Đàn ông càng có trách nhiệm càng xem trọng sự nghiệp, càng quý trọng tình yêu thì càng không tiếc tiền bỏ ra cho người họ xem là quan trọng.

Thứ Hai, 26 tháng 6, 2023

Thế hệ trẻ tài giỏi nhưng ngày càng bất an

THẾ HỆ TRẺ TÀI GIỎI NHƯNG NGÀY CÀNG BẤT AN

Trong buổi tọa đàm giới thiệu cuốn sách Tính chuyên chế của chế độ nhân tài diễn ra vào chiều ngày 15/6/2023 tại ĐH Fulbright Việt Nam, những người làm giáo dục đã có dịp thảo luận về câu chuyện “nhân tài” vốn được tác giả Michael Sandel phân tích dựa trên tình hình thực tế ở nước Mỹ, đồng thời liên hệ đến thực tại ở Việt Nam với không ít vấn đề cần quan tâm.

 

Nhân tài đến từ đâu

Bắt đầu từ câu chuyện của nước Mỹ hiện đại và “giấc mơ Mỹ” của bao người, Tính chuyên chế của chế độ nhân tài đã khai phá góc nhìn rất khác về một khía cạnh trần trụi của xã hội Mỹ khi bất bình đẳng giàu nghèo trở nên ngày càng sâu sắc, xã hội phân hóa chưa từng thấy và bất kỳ mâu thuẫn nhỏ nào cũng có thể bùng phát thành cơn thịnh nộ.

 

Theo GS Sandel, chế độ nhân tài không chỉ tạo ra một cuộc chạy đua khốc liệt để đạt thành tích cao, mà còn tạo ra sự phân cực trong trường học và xã hội, đặc biệt là tầng lớp tinh hoa.

Theo bà Bùi Việt Lâm, Đại diện Việt Nam của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, sự bất bình đẳng có thể được nhìn thấy ở Việt Nam qua khoảng cách giáo dục giữa trẻ em ở nông thôn và trẻ em thành thị.

 

Theo TS Nguyễn Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam (Trường Đại học Fulbright Việt Nam), giáo dục cùng với sự chăm chỉ, trách nhiệm có thể giúp con người đi lên bằng con đường học thức và đạt được thành công, tuy vậy vẫn có những hạn chế nhất định.

Ông cho rằng vẫn có sự phân biệt rất tế nhị giữa trường đại học danh giá và trường đại học nói chung ở trên thế giới giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ông chỉ ra trên thực tế, số lượng học sinh nghèo ở Harvard chỉ khoảng 1,8% trong khi ở Princeton là 1,3%.

 

“Chìa khóa dẫn đến thành công chỉ có giá trị tương đối. Chúng ta sẵn sàng công nhận ở trong xã hội vẫn có sự bất bình đẳng. Nhưng cần phải giáo dục cho các em biết rằng họ may mắn có được những điều này và họ có trách nhiệm đóng góp lại cho cộng đồng.

Đây là điều chúng ta đang thiếu khi tôn vinh chế độ nhân tài. Những nhân tài cần biết được rằng họ đang ở đâu và từ đâu họ có vị trí này, rằng một mình họ không thể trở nên tài giỏi nếu không có gia đình, cộng đồng và xã hội hỗ trợ.

Đây là câu chuyện về giáo dục đạo đức và xác lập lại niềm tin đạo đức”, ông Nam khẳng định.

 

Thế hệ trẻ với áp lực phải thành công

Mặt tốt của chế độ nhân tài đó là cơ hội và chất lượng học tập được chú trọng và ngày càng tốt hơn. Là một người thuộc thế hệ 8X được đào tạo từ mô hình trường chuyên, lớp chọn, bà Bùi Việt Lâm cảm thấy may mắn vì được học chung với những bạn học giỏi, có động lực rất tốt để phấn đấu.

Tuy vậy, sau này khi nhìn lại quá trình học ở trường chuyên ngày trước và bây giờ, bà lại có nhiều suy nghĩ.

 

“Trường chuyên được hình thành với mục đích rất tốt đẹp, nhưng khi người ta bắt đầu áp dụng những thước đo, nó lại biến thành áp lực cho các trường, các thầy cô và các em học sinh, làm biến tướng mục tiêu của giáo dục đi rất nhiều.

Tôi tin rằng trẻ con khi bước chân vào trường học đều có một niềm vui rất trong sáng, nhưng chính vì một cỗ máy sàng lọc, vì bệnh thành tích khiến cho chúng ta càng ngày càng quên mất đi niềm vui ban sơ khi bước chân vào giảng đường”, bà chia sẻ.

 

Sau này, khi tham gia làm công tác tuyển sinh, được nói chuyện với nhiều bạn trẻ, bà Lâm nhận ra chính các bạn trẻ cũng luôn trăn trở một điều: “Ước gì có những thước đo khác để đánh giá mình”.

 

Theo bà, việc đánh giá một người tài giỏi không nên chỉ nhìn qua điểm số, bởi nó giống cây thước kẻ chỉ đo được đường thẳng. Nếu không có những tiêu chuẩn khác để đánh giá năng lực, tiềm năng, vẻ đẹp của các em học sinh, các em sẽ không có cơ hội được sống là chính mình, không có cơ hội để được trở nên khác biệt.

 

Với câu chuyện nhân tài ở Mỹ và câu chuyện giáo dục ở Việt Nam, Tính chuyên chế của chế độ nhân tài được kỳ vọng sẽ khơi ra nhiều vấn đề để thảo luận và gợi mở giải pháp. Thay vì ngạo mạn với tài năng và công trạng của mình, hay quá bi quan vì áp lực đồng trang lứa, chúng ta có thể tìm thấy sự cân bằng giúp vượt lên những thiên kiến về thành công và hạnh phúc hơn.

 

Theo Zingnews

Ành: Người trẻ ngày càng trở nên hoang mang, lạc lối bởi áp lực đồng trang lứa.