Thứ Ba, 23 tháng 5, 2023

TS. Lê Bá Khánh Trình và sự nghiệp dẫn dắt học sinh đi thi đấu quốc tế.


HUYỀN THOẠI TOÁN HỌC VIỆT NAM – TS. LÊ BÁ KHÁNH TRÌNH VÀ SỰ NGHIỆP DẪN DẮT HỌC SINH ĐI THI ĐẤU QUỐC TẾ.

 

Cách đây 43 năm ở thủ đô nước Anh, Lê Bá Khánh Trình - khi đó vẫn là một cậu học trò 17 tuổi đại diện cho đội tuyển Việt Nam đã đoạt giải Nhất trong kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (IMO) với số điểm tuyệt đối 40/40. Trở về với loạt thành tích ấn tượng, Lê Bá Khánh Trình được truyền thông ưu ái gọi với biệt danh là "cậu bé vàng Toán học".

 

Suốt nhiều năm qua, thầy miệt mài dìu dắt những thế hệ học sinh tài năng của Việt Nam đi thi tại đấu trường quốc tế. Có lẽ với thầy Trình, nhìn thấy học trò tiến bộ hơn từng ngày đem lại ý nghĩa chẳng kém hơn việc tự mình phát hiện những công trình nghiên cứu phức tạp.

 

Nhiều người cho rằng cách lựa chọn đội tuyển thi đấu quốc tế của nước ta còn mang tính "luyện gà", cốt yếu chỉ để có thành tích cao. Thầy nhận định sao về quan niệm này?

Theo tôi, quan niệm này tồn tại cũng lâu rồi. Bây giờ không biết ai luyện nhiều hơn ai. Tôi đánh giá nước ta "luyện gà" ở loại trung bình, không cao, không thấp. Bởi các em học chủ yếu học ở trường. Học sinh nào say mê Toán thì trường mới tập hợp thành đội tuyển thi quốc gia. Thi quốc gia sau đó mới chọn đội tuyển thi quốc tế. Tập trung xong đội tuyển thì chỉ còn chưa đầy 2 tháng cho các em ôn luyện thêm.

 

Còn nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Mỹ… trong năm học sinh của họ đã được được tập trung ở một nơi. Ban đầu họ tập trung khoảng 30 em. Sau đó học sinh được học tập và thi thường xuyên, từ đó lựa chọn đội tuyển dần dần. Còn những nước châu Á khác thì truyền thống luyện học sinh giỏi của họ thì khỏi phải nói.

 

Riêng từ "luyện gà", tôi nghĩ nên dùng từ nhẹ nhàng hơn. Bây giờ có nhiều "gà" khác cao thủ hơn "gà" mình nhiều, họ luyện ghê hơn mình. Vì họ nghĩ đi thi phải làm cho học sinh ngẩng mặt lên một chút. Đi thi quốc tế thì phải cố rèn luyện ngang sức ngang tài người ta, để không bẽ mặt với các nước khác, chứ sao lại bảo không cần thành tích được?

Quan niệm "luyện gà" có thể tồn tại cách đây 20 - 30 năm, khi những nước đó chưa chú trọng lắm vào kỳ thi thì mình đã tập trung hơn họ rồi. Còn bây giờ thì ngược lại. Trong khi "gà" của nước người ta được chăm chút hơn thì mình chỉ làm ở mức độ vừa phải.

Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, cá nhân thầy nhận thấy giữa một học sinh học Toán ở bậc phổ thông và một học sinh học Toán để thi quốc tế có gì khác nhau?

Với học trò phổ thông, thầy cô chủ yếu giảng dạy bài toán chuẩn mực, kiến thức nhẹ nhàng. Mục đích chủ yếu là giúp em hiểu công thức, áp dụng được để thi Đại học và các bài thi phổ thông khác.

Còn những bạn thi học sinh giỏi quốc tế, phương pháp giáo dục họ lại khác hẳn. Kiến thức Toán học đi sâu hơn không chỉ đòi hỏi các em nắm được vấn đề, mà còn phải tư duy. Để giáo dục các bạn học sinh giỏi thì cần tạo cho họ một sự say mê. Điều này không khó vì bản thân những bài toán hay có thể tạo cho em nhiều hứng thú, cũng như rèn luyện tư duy tốt.

 

Về đời sống tinh thần, bên học sinh học phổ thông có thể thoải mái hơn rất nhiều. Các em học "vừa phải", do đó có điều kiện để tiếp thu những thứ khác chẳng hạn như âm nhạc, thời trang, kể cả trò chơi điện tử… Còn những em thi đấu quốc tế phải rèn luyện nhiều hơn, chấp nhận từ bỏ thời gian tận hưởng cuộc sống không nhiều bằng học sinh phổ thông.

 

Học sinh ngày nay có những sai lầm nào khi học Toán, thưa thầy?

Đầu tiên là vấn đề tâm lý. Có nhiều em thấy Toán là sợ, nhưng nếu cho các em làm dạng bài bình thường trong suốt thời gian dài, các em sẽ dần tự tin. Và khi vượt qua được trở ngại tâm lý thì kết quả học Toán cũng tốt lên.

 

Thứ hai là nhiều em chưa cẩn thận. Toán học là những con số, khi làm xong thì cần kiểm tra lại vì môn này rất dễ nhầm. Nhưng có những em lại chủ quan, không thèm kiểm tra lại đáp án. Chẳng hạn nếu bài toán được 10 điểm, các em có thể chỉ được 5 điểm vì mắc lỗi sai ngớ ngẩn.

 

Thầy có lời khuyên nào giúp các em hết sợ môn Toán không, thưa thầy?

Những bạn đã học giỏi Toán rồi thì tôi không nói ở đây. Tôi nghĩ tình yêu phải bắt đầu từ hiểu vấn đề. Hiểu ở đây là học sinh hiểu công thức, kết quả tương đối đạt 7-8 điểm là được rồi, chứ đừng vội bắt các em tìm hiểu quá sâu sắc về lý thuyết, nền tảng này nọ.

 

Khi đó, vai trò của giáo viên rất quan trọng. Thầy cô phải đưa những dạng bài vừa sức với các em, dạy thế nào phải kiểm tra đúng cái đó, các em đạt được điểm cao thì mới tự tin học Toán. Đã có tự tin thì các em sẽ dần học tốt thôi.

 

Giữa học sinh chăm chỉ và học sinh thông minh, có năng khiếu, thầy thích giảng dạy ai hơn?

Em nào cũng được. Miễn em đó tích cực tham gia thảo luận trên lớp cùng tôi.

Theo Thể thao văn hoá 

Cuộc sống hôn nhân hài hoà khi hội đủ 3 điều đàn ông cần và 3 điều phụ nữ muốn


CUỘC SỐNG HÔN NHÂN HÀI HOÀ KHI HỘI ĐỦ 3 ĐIỀU ĐÀN ÔNG CẦN VÀ 3 ĐIỀU PHỤ NỮ MUỐN

 

3 ĐIỀU ĐÀN ÔNG CẦN

Cần một mái nhà thoải mái để trở về

Đàn ông mong vợ sẽ trở thành người đồng hành, tuyệt đối không muốn vợ kiểm soát cuộc sống của mình. Họ mong ngôi nhà sẽ là mái ấm khiến họ muốn trở về mỗi tối sau một ngày mỏi mệt vật lộn với công việc.

Họ cần một ngôi nhà là nơi nghỉ ngơi, thư giãn thực sự chứ không phải là bị ám ảnh bởi những lời cằn nhằn, đay nghiến.

 

Cần được tôn trọng, dịu dàng và tin tưởng

Với đàn ông, họ cần được tin tưởng, ngưỡng mộ hơn là cần được yêu. Điều này nhiều bà vợ thường hay lãng quên hoặc xem nhẹ. Những đóng góp của chồng với gia đình dần trở thành hiển nhiên và vợ cũng dần quên mất câu “Em cảm ơn” “Anh giỏi quá”…

Đừng bao giờ ngừng động viên cũng như phủ nhận những nỗ lực của anh ấy đang bỏ ra hàng ngày vì gia đình. Đàn ông sẽ cảm thấy rất vui nếu như người phụ nữ bên cạnh mình nhìn thấy những cố gắng đó và dành cho chàng sự ngưỡng mộ, thừa nhận cũng như đánh giá cao. Đó chính là cách tốt nhất để thể hiện tình yêu với người mình yêu thương.

 

Cần sự mới mẻ, cần tự do

Đàn ông được ví giống như những con ngựa bất kham, vốn sẵn bản năng chinh phục và khám phá. Phụ nữ kết hôn rồi có mong muốn sở hữu cực kỳ cao, họ muốn chồng chỉ được quanh quẩn quanh mình, chỉ là của mình.

 

Nhưng đàn ông cần tự do và tuyệt đối không muốn trở thành 1 vật bị sở hữu. Nhà sẽ là nhà tù nếu như các bà vợ biến thành quản ngục khắt khe. Vì vậy, là vợ khôn, hãy cho anh ấy được tự do khám phá những gì anh ấy muốn, tất nhiên là trong khuôn khổ những gì cho phép và phù hợp với hoàn cảnh gia đình nhé.

 

3 ĐIỀU PHỤ NỮ MONG MUỐN

Lắng nghe

Phụ nữ đôi khi chẳng cần gì nhiều, chỉ cần chồng ở bên cạnh chân thành lắng nghe mọi nỗi ưu phiền của mình là đủ. Họ không cần chồng đứng ra giải vây, cũng không cần chồng đáp lời, họ chỉ cần chồng lắng nghe với thái độ tích cực nhất, đó đã là niềm an ủi lớn lao vô cùng rồi!

 

Cảm giác an toàn, được yêu thương, che chở

Phụ nữ lấy chồng không mong ăn bám, không mong chồng nuôi, chồng lo cho từ A đến Z. Phụ nữ lấy chồng là để có một chỗ dựa tinh thần, là để cùng nhau yêu thương, tận hưởng hạnh phúc. Bởi vậy họ có thể chịu nghèo, chịu khổ, chỉ không chịu được hôn nhân không có yêu thương, lãng mạn, quan tâm.

 

Mà đâu cần gì nhiều, chỉ là một tin nhắn ngọt ngào, cái nắm tay, cái ôm nhẹ, nụ hôn bất ngờ hay những món quà nhỏ xinh lãng mạn là đủ khiến vợ vui vẻ, lâng lâng cả ngày rồi. Đàn ông đừng nhỏ mọn tiếc cả những thứ ấy, đừng để mọi thứ nhạt phai, mất dần theo năm tháng rồi sau cùng còn lại chỉ là tiếc nuối, hối hận muộn màng.

 

Muốn được phụ giúp việc nhà

Phụ nữ sợ nhất chồng lười, chồng vô tâm, đây chính là thứ khiến đàn bà chết dần chết mòn, cạn kiệt yêu thương nhanh nhất.

Đàn bà, dù có bao dung, chăm chỉ mẫu mực cỡ nào cũng vẫn không thôi trông ngóng bàn tay sẻ chia của chồng, đỡ đần vợ trong công việc nhà.

Chẳng phải những công việc ấy người vợ không thể tự làm được, mà cái họ cần chính là sự bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình.

Thứ Hai, 22 tháng 5, 2023

Bạo lực gia đình, nơi nạn nhân luôn là phụ nữ và trẻ em

BẠO LỰC GIA ĐÌNH, NƠI NẠN NHÂN LUÔN LÀ PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM

Bạo lực gia đình là một dạng bạo lực xã hội, là hành vi gây tổn hại hoặc đe doạ gây tổn hại của thành viên trong gia đình tới các thành viẻn khác. Nói đơn giản hơn, đó là việc sử dụng sức mạnh chân tay để giải quyết các vấn đề, mâu thuẫn trong gia đình.

 

Bạo lực gia đình đã và đang là một vấn đề xã hội nhức nhối gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đầu tiên phải kể đến là vi phạm đến nhân quyền, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em. Bạo lực gia đình đi ngược lại các giá trị đạo đức, tác động xấu đến môi trường giáo dục thế hệ trẻ, ảnh hưởng đến sự an ninh và trật tự xã hội.

 

Bạo lực gia đình được chia ra làm bốn loại: bạo hành thể xác, bạo hành tình dục, bạo hành tinh thần và bạo hành xã hội.

 

Bạo hành thể xác là những hành vi vũ lực như đánh đập, đá, đấm, tát… , gây tác động trực tiếp tới nạn nhân, cũng là loại bạo hành phổ biến nhất. Nạn nhân của bạo hành đa phần là phụ nữ và trẻ em.

Tại Anh, 37% số phụ nữ bị chết là do bị bạn tình giết hại. Con số này với nữ giới ở các quốc gia đạt từ 40% đến 70%. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, con số này tính trung bình trên toàn thế giới là 38%.

Ở nhiều quốc gia Trung Đông, những người phụ nữ bị chết oan uổng bởi tục “thiêu sống danh dự”.

 

Bạo hành tình dục là khi một người ép quan hệ tình dục trái với ý muốn của bạn tình. Nhiều người chồng thường hoang tưởng, ghen tuông, nghi ngờ vợ nên bắt vợ quan hệ thường xuyên để thể hiện bản lĩnh. Còn một số người, để cảm thấy thỏa mãn, trong lúc quan hệ họ thường đánh đập, làm tổn thương, chửi mắng, la bới, nhục mạ vợ mới…cảm thấy vui.

Thế nhưng, tại Việt Nam, nhiều người vẫn không phân biệt được các hành vi bạo lực tình dục; thậm chí nhiều người vợ vẫn coi đó là chuyện bình thường, chịu đựng để chồng “hạnh phúc”, điều này vô tình khuyến khích các hành vi bạo lực.

 

Bạo lực tinh thần là khi các nạn nhân phải chịu các kiểu hành hạ như chửi mắng, hạ nhục với những lời lẽ thô thiển, nặng nề xâm phạm đến nhân phẩm và danh dự. Nó phổ biến nhưng khó phát hiện vì diễn ra lặng lẽ nên ít người để ý.

Con số chung cho tỷ lệ bị bạo lực tinh thần đối với phụ nữ do chồng gây ra tại Việt Nam là 53,6% trong cuộc đời, trong đó nông thôn cao hơn thành thị (56,2% so với 47,2%).

 

Bạo hành xã hội là khi nạn nhân bị ngăn không cho tiếp xúc với gia đình, bạn bè, bị cản trở kinh tế nhằm hạn chế các hoạt động mang tính cộng đồng.

Nhiều người phụ nữ Việt Nam khi lấy chồng mang theo tư tưởng “Xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” nên họ bị bắt ở nhà nuôi con, ít khi được tiếp xúc ngoài xã hội và bị phụ thuộc về kinh tế. Cũng chính vì lí do này nên nhiều phụ nữ không ly hôn vì không có năng lực tài chính, khó nhận được quyền nuôi con.

 

Khi xảy ra bạo lực gia đình, người phải hứng chịu, thiệt thòi nhất là người vợ và những đứa con. Họ không dám lên tiếng, không dám phản kháng bảo vệ bản thân mình và con mình vì những tư tưởng đã ăn sâu vào tâm trí: Vợ phải tôn trọng chồng, chồng nói vợ phải nghe.

Hơn nữa, người phụ nữ Việt Nam khi ly hôn sẽ phải chịu nhiều dèm pha từ láng giềng: gái hư thì mới bỏ chồng. Vì vậy, cứ thế hệ này qua thế hệ khác, người phụ nữ ngậm đắng nuốt cay để giữ “thể diện” cho gia đình, vì con mà đội lên hình ảnh gia đình hạnh phúc.

 

Để chung tay chấm dứt tệ nạn này, điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải thay đổi những suy nghĩ lạc hậu, đặc biệt của nam giới, thì mới có thể thay đổi được hành vi, cái nhìn với người phụ nữ.

Mỗi người phải biết tôn trọng phụ nữ, tôn trọng nhân quyền. Dù luật Việt Nam đã có những quy định để trừng phạt các hành vi bạo lực, mỗi chúng ta phải hành động và lên tiếng mỗi khi chứng kiến bạo lực gia đình bởi mỗi hành vi nhỏ sẽ tạo nên được sự thay đổi lớn.

 

Hãy giúp đỡ những người bạn là nạn nhân của bạo lực. Cùng chung tay chúng ta nhất định sẽ chấm dứt được tệ nạn này.