Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2023

Đừng bao giờ e ngại sự thay đổi


ĐỪNG BAO GIỜ E NGẠI SỰ THAY ĐỔI

 

Thay đổi chính là bản chất của cuộc sống, là quy luật của vũ trụ. Một khi là quy luật của vũ trụ, không một ai có thể chống đối hoặc đứng ngoài tầm tác động của nó. 

Chúng ta sẽ không thể tưởng tượng ra và càng không thể sống trong một thế giới không hề thay đổi mỗi ngày. Vì nếu thế giới không thay đổi hẳn chúng ta cũng không hề tồn tại trên đời.

 

Nhiều người sợ thay đổi vì sợ mất đi cảm giác an toàn nhưng họ lại quên mất rằng, thay đổi mới chính là an toàn. 

Chính nhờ thay đổi mà loài người chuyển từ ăn sống sang ăn chín uống sôi, chuyển từ ở hang sâu sang lều trại rồi nhà cửa hay sao?

Khi bước ra khỏi vùng an toàn, ai mà không sợ. Nhưng phải ra khỏi vùng an toàn, bạn mới thật sự khám phá được cuộc sống này, bạn mới thật sự sống chứ không chỉ là tồn tại.

 

Hãy luôn tâm niệm, cuộc đời thật ra là một cuộc trải nghiệm khổng lồ, không có sự lựa chọn đúng hoàn toàn hay sai hoàn toàn. Bạn cho rằng mình đã chọn bạn đời sai, thế bạn có chắc chắn ngày xưa mình chọn một người khác liệu giờ bạn có đang rất hạnh phúc? Bạn cho rằng mình chọn công việc sai, thế nếu ngày xưa bạn chọn một công việc khác có liệu bạn đang hài lòng tuyệt đối?

Chúng ta không giỏi hơn nhau trong việc lựa chọn những hướng đi trong đời.

 

Nhưng nhiều người may mắn hơn người khác khi họ có đủ dũng cảm để thay đổi cái hiện thực họ không mong muốn trong khi đa phần người khác thì không.

Trẻ con được dạy phải sợ đủ thứ từ khi con nhỏ, học sinh sợ thầy cô, người ngu dốt sợ kiến thức, tất cả mọi người sợ cái xấu cái ác cái sai, ai cũng sợ lỗi lầm, sợ dư luận, sợ người khác đánh giá.

Thế nhưng không một ai được dạy nên sợ một cuộc đời tầm thường vô nghĩa, sợ cái sai lầm của tư duy và sợ sự ngu dốt.

 

Cái gì sợ thì người ta tránh xa, đó là điều hiển nhiên. Khi sợ bị đánh giá thì người ta làm mọi cách để làm vừa lòng người đánh giá. Khi sợ kiến thức thì người ta tránh xa kiến thức, sợ lỗi lầm người ta dùng mọi cách để che dấu lỗi lầm. 

Tương tự như thế, vì sợ hãi những điều mới mẻ nên người ta mới không dám thay đổi. Chính vì sợ nên đa phần người ta không bao giờ có được cảm giác hài lòng.

 

Người ta chỉ thực sự thay đổi khi họ buộc phải thay đổi. Khi đó họ trở thành nạn nhân của cuộc đời. Tại sao không chủ động tạo ra những thay đổi tích cực cho chính bản thân mình, khi đó, ta là người điều khiến và là chủ cuộc chơi. Ai mà không muốn làm chủ trò chơi cuộc đời?

“Thay đổi là một mối đe dọa nếu tôi là đối tượng thụ động của nó, nhưng sẽ là một cơ hội nếu tôi chủ động tạo ra nó.” – The Change Masters

 

Sống lâu trong cái khổ người ta quen với việc bị khổ. Sống lâu trong sự ngu dốt người ta sẽ quen với sự ngu dốt. Lâu trong bóng tối người ta sẽ không còn muốn ra ánh sáng, tư duy càng cũ thì càng mốc meo không thể bắt kịp thời đại.

Thời đại mới không chỉ gồm công nghệ mới mà còn cả những tư duy mới. Không quen với cái mới thì làm sao mà tiến bộ? Không thay đổi thì làm sao mà quen với cái mới?

 

Nếu có một bài học cần nhớ để làm cho cuộc đời bạn trở nên thú vị và ý nghĩa. Hãy nhớ bài học này: đừng bao giờ e ngại sự thay đổi, vì đó là quy luật của vũ trụ bạn buộc phải tuân theo. Và khi thay đổi, có thể bạn sẽ mất đi một vài thứ tốt đẹp nhưng nhất định bạn sẽ nhận lại được những thứ còn tuyệt hơn rất nhiều.

Hiệu ứng quá giới hạn - khi mọi thứ chỉ nên vừa đủ

HIỆU ỨNG QUÁ GIỚI HẠN - KHI MỌI THỨ CHỈ NÊN VỪA ĐỦ

Có bao giờ bạn thử tự lý giải cảm xúc của bản thân chưa? Hằng ngày chúng ta đang phải trải qua rất nhiều cảm xúc khác nhau, từ tích cực đến tiêu cực, và để có thể tồn tại thì con người sẽ tự phản ứng lại những cảm xúc đó theo những cách khác nhau. Từ đó hình thành các Hiệu ứng tâm lý, được các nhà khoa học lý giải và ghi chép lại.

 

Hiệu ứng quá giới hạn, hay tên gọi khác là hiệu ứng siêu hạn. Đây là hiện tượng tâm lý có phần tiêu cực của con người xảy ra khi bị kích thích quá nhiều, quá mạnh và thời gian tác dụng quá lâu sẽ dẫn đến tâm lý cực kỳ khó chịu và phản kháng.

Bất kì ai dưới sự tác động của kích thích lớn vậy đều sẽ bị tác động của hiệu ứng tâm lý này.

 

Hiệu ứng siêu hạn cũng thường xảy ra trong việc giáo dục, gia đình. Ví dụ như khi đứa con phạm lỗi, bố mẹ cứ nhắc đi nhắc lại chuyện đó cùng lời khiển trách sẽ khiến đứa con từ buồn bã bất an chuyển sang mất kiên nhẫn, thậm chí chán ghét.

Một khi bị “bức” quá thì sẽ xuất hiện tâm lý và hành vi phản kháng kiểu “lần sau mình sẽ làm vậy nữa”.

 

Tương tự việc con cái phản ứng với cha mẹ. Khi con cái làm việc gì sai, cha mẹ sẽ nhắc nhở. Nhưng trong trường hợp mắc lỗi quá nhiều và vượt quá giới hạn chịu đựng của cha mẹ, họ có thể sinh ra những phản ứng như bực bội, khó chịu, la mắng.

Đừng nên nhắc mãi đến lỗi lầm mà hãy thay đổi cách nói, góc độ nếu trẻ phạm lại lỗi và nên được nhắc nhở để rút kinh nghiệm. Như thế trẻ mới không cảm thấy mãi bị bắt lỗi mà sinh ra chán ghét, phản nghịch.

 

Trong vấn đề giáo dục học đường, để hạn chế hiệu ứng này, giáo viên được khuyên là không nên quá tạo áp lực cho học sinh, áp lực trong thời gian dài sẽ khiến học sinh sinh ra tâm lý phản kháng, chống đối. Giáo viên nên kết hợp giữa học tập và vui chơi, nhằm giảm bớt căng thẳng cho học sinh, từ đó nâng cao kết quả học tập và chất lượng giáo dục.

 

Nguồn: tamlyhoctoipham.com

Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2023

Hiệu ứng cánh bướm (Butterfly effect)

HIỆU ỨNG CÁNH BƯỚM (BUTTERFLY EFFECT)

Hiệu ứng cánh bướm là phép ẩn dụ mang rất nhiều ý nghĩa và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như tâm lý học, kinh tế, chính trị, hiệu ứng cánh bướm trong marketing,…

Hiệu ứng bướm mang ý nghĩa ẩn dụ triết lý cuộc sống: Một hành động nhỏ, sự kiện nhỏ có thể dẫn tới kết quả/hậu quả bất ngờ lớn sau đó. Thậm chí là thay đổi cả một cuộc đời ai đó, hoặc cả lịch sử.

 

Edward Lorenz giáo sư khí tượng ở MIT, trong khi thực hiện một số nghiên cứu liên quan đến thời tiết. Trong quá trình tính toán, những thay đổi của biến số những thay đổi nhỏ của nhiệt độ không khí, tốc độ gió đã ảnh hưởng đến kết quả dự báo thời tiết cuối cùng.

 

Từ đó mà ông đưa ra câu nói nổi tiếng: “Chỉ cần một con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra một cơn lốc xoáy ở Texas”

Từ đây có thể hiểu rằng, những tập hợp sự kiện nhỏ sẽ là sợi dây vô hình thay đổi cả kết quả lớn sau đó.

Trong tâm lý, hiệu ứng cánh bướm nhắc chúng ta rằng mỗi suy nghĩ nhỏ, hành động nhỏ sẽ dẫn đến chất lượng cuộc sống theo sau đó.

Chúng ta có thể thay đổi từ cái nhỏ nhất như từ suy nghĩ tích cực, hành động theo suy nghĩ, từ đó cũng thu hút lại kết quả tốt hơn, chất lượng cuộc sống tinh thần cũng được cải thiện.

Hiệu ứng này giúp chúng ta nhận biết cách thức vận hành của mọi sự vật, sự việc, tầm quan trọng của những điều nhỏ bé xung quanh và những quyết định nhỏ trong cuộc sống.

Trang bị cho trẻ tư duy nhạy bén khi tiếp cận internet


TRANG BỊ CHO TRẺ TƯ DUY NHẠY BÉN KHI TIẾP CẬN INTERNET

 

Theo các chuyên gia, không thể cho con dùng điện thoại nhiều hơn, cho con tiếp xúc với máy tính và Internet sớm hơn... mà những năm khi con còn nhỏ phải trang bị cho con tư duy đúng đắn về “số”.

 

Hình thành"Bản lĩnh" cho trẻ trên internet

Ở Việt Nam, Phần lớn chúng ta đang "choáng ngợp" trước những thành quả mà các cuộc cách mạng số mang lại nhưng chưa chuẩn bị kỹ lưỡng để thấu hiểu những mặt tích cực và hạn chế của chúng.

 

Điều này phần nào thể hiện trong các gia đình. Cha mẹ thường phó mặc cho trẻ muốn làm gì thì làm với chiếc điện thoại, iPad chỉ để chúng ăn mau hay đơn giản không quấy phá mình. 

Các thiết bị số hóa ra lại là một công cụ để "dỗ" trẻ con. Hay cũng có nhiều gia đình rất tự hào khi con họ còn nhỏ nhưng đã có thể "vuốt" màn hình rất giỏi. Họ xem đây như một biểu hiện của sự nhanh nhạy, thông minh.

 

Tuy nhiên, cha mẹ lại chưa chuẩn bị tâm thế cho con khi bước vào thời đại số. Trẻ cần được chỉ dạy với từng thông tin trên môi trường mạng mà chúng dung nạp và biết cách hưởng lợi từ những dữ liệu đó. 

Nói cách khác, đấy là một sự "bản lĩnh" trên Internet. Cha mẹ cần điều hướng cho con những phương pháp tiếp cận thông tin theo từng giai đoạn trưởng thành của con. Con cần biết cách cảnh giác, phân biệt trắng - đen, cách từ chối những tin xấu độc... 

 

Qua đó, trẻ khi lớn lên sẽ có thể tự tin và không hoảng sợ trước bất kỳ diễn biến nào trên không gian số.

Đây không phải là phẩm chất tự nhiên, thay vào đó cần sự đồng hành từ những ngày con nhỏ tuổi. 

 

Đặc biệt, phụ huynh nên để con trẻ biết cách tự giác khi dùng các thiết bị số. Sự tự giác này tuân thủ theo quỹ thời gian và những nội dung mà cha mẹ - con cái đã thỏa thuận với nhau. Bất kỳ cha mẹ nào cũng có thể dạy cho con điều này.

 

Hình thành tư duy phản biện

Cha mẹ ngay từ đầu khi cho con dùng thiết bị số nên hướng con đến những sản phẩm mang tính giáo dục, thay vì bỏ thời gian vào xem những clip vô bổ. 

Có gia đình hàng giờ liền cho con xem... quảng cáo, thay vì cho con xem những thứ liên quan đến học hành để mở mang kiến thức. Nếu được định hướng từ sớm, trẻ sẽ có tư duy tìm kiếm những sự hữu ích trên Internet.

Đến khi trẻ lớn dần, hãy cho trẻ biết về thêm những mặt hại của Internet. Trẻ cần được nghiêm khắc về thời lượng, nội dung cũng như những gì nên và không nên làm trên không gian số. 

 

Đặc biệt, hãy giúp con hình thành tư duy phản biện khi dùng Internet, dạy con cách đặt câu hỏi ngược lại trước bất kỳ thông tin nào khả nghi.

Ở Việt Nam, tư duy phản biện ở các bạn trẻ có vẻ chưa cao, dẫn đến việc không ít bạn thường xuyên chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng mà không hề hay biết. 

 

Các bạn cũng không có các màng lọc bảo vệ bản thân. Vì vậy, muốn xây dựng được "màng lọc" đó, ngay từ nhỏ các bạn cần được sự định hướng của cha mẹ ngay khi sử dụng những chiếc smartphone, laptop đầu tiên.

 

ST