Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2023

Những mẩu chuyện về Albert Einstein


NHỮNG MẨU CHUYỆN VỀ ALBERT EINSTEIN 

 

Vợ của Albert Einstein thường khuyên ông phải ăn vận cho chỉn chu hơn khi tới chỗ làm. Ông luôn phản bác lại rằng:

– “Tại sao nhỉ? Mọi người ở đó đều biết tôi mà”.

Khi Einstein tới dự một cuộc họp lớn, bà lại nài nỉ ông hãy mặc những bộ đồ đẹp đẽ hơn. Ông lại bảo:

– "Tại sao chứ? Ở đấy có ai biết tôi đâu!"


Người ta thường yêu cầu Albert Einstein giải thích thuyết tương đối. Ông phân trần:
– "Bạn giơ tay trên bếp lò, một phút dài như một giờ. Bạn ngồi với một cô nàng xinh đẹp, một giờ chỉ như một phút. Ấy chính là sự tương đối!”

 

Một hôm, hồi còn làm việc tại đại học Princeton, khi đang trên đường về, ông quên mất địa chỉ nhà mình. Tài xế taxi không nhận ra ông. Ông hỏi anh ta có biết nhà của Einstein không. Anh ta đáp rằng:

– "Ai mà không biết địa chỉ của Einstein chứ nhỉ? Ai ở Princeton này chả rõ. Ông muốn gặp ông ấy à?"

Và Einstein nói:

– “Tôi là Einstein đây. Tôi quên địa chỉ nhà mình rồi, anh chở tôi về đó được không?”

Tài xế chở ông về và còn chẳng lấy tiền cước xe.

 

Có lần, Einstein đi tàu hỏa từ Princeton và người soát vé đi xuống để bấm vé của các hành khách. Khi anh ta tới chỗ Einstein, ông tìm trong túi áo vest. Chẳng thể nào mò ra được tấm vé, ông chuyển sang túi quần. Không thấy, ông lại tìm trong cặp nhưng cũng không có luôn. Và rồi tiếp đến, ông tìm cả chiếc ghế bên cạnh mình. Vẫn chẳng thấy gì. Người soát vé nói:


– “Tiến sĩ Einstein, tôi biết ngài mà. Chúng tôi đều biết ngài. Tôi chắc rằng ngài đã mua vé rồi. Xin đừng lo lắng gì cả”.

Einstein gật đầu một cách lịch sự. Người soát vé tiếp tục đi tới những hàng ghế phía sau. Lúc sắp sang toa khác, anh ta quay lại và thấy nhà vật lý vĩ đại của chúng ta vẫn đang loay hoay quỳ xuống tìm tấm vé. Anh ta vội vã đi tới và bảo:


– “Thưa tiến sĩ Einstein, xin đừng lo mà, tôi biết ngài là ai mà. Không vấn đề gì đâu. Ngài không cần vé đâu. Tôi tin là ngài đã mua vé rồi”.

Einstein nhìn anh ta và nói:

– "Chàng trai à, tôi cũng biết tôi là ai mà. Nhưng tôi quên béng mất mình đang đi đâu rồi”.

 

Khi Einstein gặp Charlie Chaplin:

Einstein nói:

– "Tôi rất ngưỡng mộ nghệ thuật của ông, nhất là sự phổ quát trong ấy. Ông chẳng cần nói gì… Vậy mà cả thế giới vẫn hiểu được."

Charlie Chaplin đáp lời:

– “Đúng vậy. Nhưng danh tiếng của ông còn vĩ đại hơn mà. Cả thế giới ngưỡng mộ ông, dù chẳng ai hiểu được ông nói gì."

 

ST

Bát ngờ với ứng dụng của Lãi Kép


BÁT NGỜ VỚI ỨNG DỤNG CỦA LÃI KÉP

 

Hãy xem xét một ví dụ thú vị: nếu phải lựa chọn giữa số tiền mặt tại chỗ trị giá 1 triệu USD, hoặc một đồng xu ma thuật nhân đôi mỗi ngày trong 30 ngày, bạn sẽ chọn cái nào?

 

Nếu giống như hầu hết mọi người, bạn có thể chọn ngay 1 triệu USD kia.

Nhưng nếu thử tính toán về phép luỹ thừa trong 30 ngày của đồng xu đó, bạn sẽ ngạc nhiên. Vì tháng nào mà 30 ngày thì bạn nhận được 5,37 triệu USD, mà tháng nào 31 ngày thì bạn nhận được 10,7 triệu USD.

 

Đó là lãi kép, bạn thấy đó, khác biệt một ngày cũng làm nên một con số có giá trị khổng lồ

 

Từ lãi kép đến sự phát triển bản thân

Thường chúng ta tự thuyết phục bản thân rằng thay đổi chỉ có ý nghĩa nếu tạo ra được những kết quả rõ ràng, đáng kể.

Cho dù đó là giảm cân, xây dựng doanh nghiệp, du lịch khắp thế giới hay bất kỳ mục tiêu nào khác, ta thường tự tạo áp lực cho bản thân để thực hiện được những thay đổi đủ lớn để mọi người phải chú ý.

 

Trong khi đó, cải thiện chỉ 1% thường bị coi là không đáng kể (và đôi khi thậm chí còn không đáng chú ý). Nhưng thực tế, ví dụ về lãi kép đã cho ta thấy rằng, chỉ 1% cũng có thể mang lại những kết quả to lớn, đặc biệt là về lâu dài.

 

Vì vậy, hãy ghi nhớ rằng, nếu tiến bộ hơn 1% mỗi ngày trong một năm, thì ta sẽ kết thúc tốt gấp 37 lần vào thời điểm kết thúc.

Cụ thể hơn, giả sử ta thức 12 giờ một ngày, 1% của 12 giờ là 20 phút.

Chỉ dành ra 20 phút mỗi ngày thực hiện các mục tiêu, dễ thấy nhất là học tập cũng đã có khả năng tạo ra những thay đổi đáng kể!

 

Hãy tìm ra con đường của mình, nỗ lực gấp đôi để thực hiện những công đoạn dù là nhỏ nhất, hướng về phía trước và tạo ra lãi kép.

 

Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2023

Khả năng tự chữa lành


KHẢ NĂNG TỰ CHỮA LÀNH

 

Khoảng mười lăm năm trước tôi có gặp một chàng thanh niên tại thành phố Montréal, Canada. Anh ta đã cho tôi biết là anh đang bị bệnh ung thư rất nghiêm trọng và sẽ không sống được bao lâu nữa. Sau khi chẩn đoán bệnh tình, bác sĩ cho biết là anh chỉ có thể sống thêm được ba tuần lễ nữa thôi hoặc có thể ít hơn.

 

Hôm đó tôi ngồi ăn sáng bên cạnh anh ấy. Tôi đã ăn sáng thật chánh niệm và trong khi ăn, tôi không suy nghĩ gì về phương cách giúp anh ấy cả. Sau khi ăn xong, tôi quay sang và chia sẻ với anh ấy về nghệ thuật sống an lạc và hạnh phúc trong giây phút hiện tại theo giáo pháp Hiện pháp lạc trú.

 

Tôi đã nói với anh ấy rằng: “Cho dù anh chỉ còn có khoảng ba tuần nữa để sống, nhưng anh vẫn có thể sống sâu sắc trong từng giây từng phút của đời sống còn lại của mình”.

Tôi có nói với anh ấy rằng có những người sống tới sáu mươi năm, bảy mươi năm hoặc tám mươi năm, nhưng họ không biết sống đời sống của họ một cách sâu sắc trong giây phút hiện tại, họ không có cơ hội để làm điều đó.

 

Do đó bảy mươi năm hoặc tám mươi năm sống trong sự quên lãng, trong sự hưởng thụ, ăn chơi trác táng… thì chẳng có ý nghĩa gì cả.

Tôi có nói tiếp rằng: “Nếu anh biết sống sâu sắc mỗi giây phút của đời sống mình, thì ba tuần lễ là nhiều lắm”. Nghe tôi nói như thế, anh vô cùng vui sướng, xúc động.

 

Tôi đã chia sẻ cho anh ấy các phương pháp thực tập hơi thở chánh niệm và thiền đi. Sau khi tiếp nhận những lời hướng dẫn, anh ấy đã thực tập rất miên mật, đã sống rất sâu sắc những ngày còn lại của đời sống mình; và mầu nhiệm thay, anh đã sống thêm được mười một năm.

Anh đã tiếp nhận Ba Sự Quay Về (Tam Quy) và Năm Giới Quý Báu; tôi đã đặt pháp danh cho anh là Chân Sinh.

 

Theo lời Bụt dạy, nếu chúng ta có những đau nhức, những vết thương trong thân và tâm, mình có thể dùng hơi thở chánh niệm để ôm ấp và chăm sóc chúng. Có rất nhiều phương pháp tu tập có thể giúp mình thực tập chăm sóc những vết thương, những niềm đau trong thân tâm.

 

Chúng ta phải cho phép thân và tâm mình cơ hội để được chữa trị. Chúng ta biết rằng cơ thể và tâm thức mình có khả năng tự trị liệu rất mầu nhiệm, nhưng vì thiếu sự hiểu biết và kiên nhẫn nên mình không tạo cơ duyên thuận lợi cho khả năng tự trị liệu trong thân tâm mình.

 

Chúng ta luôn luôn lo lắng, sợ hãi, bối rối khi bị những niềm đau, nỗi khổ trấn ngự và chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào thuốc men, nhất là thuốc Tây. Khi ngón tay của mình bị thương, mình không cần phải làm gì nhiều; chỉ cần rửa cho sạch vết thương bằng thuốc sát trùng và để cho nó tự trị liệu lấy.

 

Chỉ cần hai ba ngày sau là vết thương được chữa lành. Nếu quá bối rối, lo sợ và làm đủ điều để băng bó vết thương thì vết thương sẽ rất khó lành. Nhất là khi lo lắng quá độ.

 

Trích trong sách “Hơi thở nuôi dưỡng và trị liệu” của Sư Ông Làng Mai