GIỎI VÀ DỐT
Chuyện học hành, thi cử có lẽ chưa bao giờ lại có nhiều áp lực như ngày nay. không ít ông bố, bà mẹ tạo thêm những áp lực cho con cái mình về cả thể xác lẫn tinh thần. Đôi khi chỉ vì cách nhìn nhận vấn đề giỏi và dốt qua điểm số, học lực của con.
Đã là con người, có ai lại không muốn mình giỏi, con mình giỏi? Thậm chí là mong muốn con mình phải giỏi hơn con người khác để có sự hãnh diện, tự hào với người đời. Nhưng nếu con mình chưa giỏi, thậm chí là học kém thì các ông bố, bà mẹ lại có phần e ngại và xấu hổ là tâm lý có thật đang tồn tại trong xã hội lâu nay.
Đây cũng là tâm lý bình thường và không có gì phải bàn cãi nhiều nếu mọi mong muốn chính đáng không bị đẩy đến chỗ thái quá, nhất là sự kì vọng của cha mẹ lại quá lớn so với khả năng, học lực của con mình đã tạo áp lực về điểm số, học hành, thi cử trở thành gánh nặng trên vai các em.
Nhìn ra thế giới, những bài học từ quốc tế và các nước có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… cho thấy việc phân luồng học sinh ở các cấp học phổ thông đã mang lại hiệu quả thiết thực trong giáo dục nghề nghiệp cho người dân. Coi trọng năng lực hơn bằng cấp đã mang lại sự phát triển cân bằng trong xã hội.
Nền giáo dục không chạy theo thành tích - những thứ “hữu danh vô thực” và sự tôn trọng, không kì thị về bằng cấp trong xã hội đã phản ánh đúng chất lượng năng lực nguồn nhân lực của xã hội nên không có tình trạng thừa thày, thiếu thợ như ở nước ta. Vì thế mà các quốc gia này đã tạo ra các sản phẩm khoa học, kĩ thuật tuyệt vời cho thế giới.
Có câu chuyện ngày nhận bằng tốt nghiệp ở một trường đại học, sau khi trao bằng cho các sinh viên, người thầy giáo già đã nói:
“Điểm số và tấm bằng này các em nhận ở đây chỉ ghi nhận mấy năm ngồi trên ghế dưới mái trường này mà thôi, sự khác biệt thật sự sẽ đến ở những năm sau này chứ không hẳn là tấm bằng tốt nghiệp các em nhận được hôm nay là loại giỏi hay kém”.
Khát khao, mong muốn con mình được học hành đầy đủ, giỏi giang và xa hơn là tương lai nghề nghiệp, hạnh phúc của con cái là tâm lý chung của những người làm cha, làm mẹ. Nhất là ở Việt Nam, chuyện học hành của con cái luôn được các gia đình ưu tiên, người người, nhà nhà đều coi việc đầu tư cho giáo dục là vấn đề quan trọng hàng đầu.
Theo đó là các hoạt động khuyến học từ Trung ương đến địa phương được thực hiện khắp nơi trong cả nước. Nhiều mô hình khuyến học hiệu quả từ gia đình, dòng họ, làng xóm được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng cho thấy việc coi trọng học hành và truyền thống hiếu học của người Việt Nam thật đáng quý.
Nhà văn Di Linh đã từng công bố học bạ bảng điểm “học dốt” thời phổ thông của mình để minh chứng: “Điểm số trung bình không dẫn đến một cuộc đời bỏ đi”.
Thực tế, năng lực của một người hay nói cách khác là vấn đề “giỏi và dốt” không hoàn toàn phụ thuộc vào điểm số của một số môn học, khóa học. Không ít người có điểm số không cao, thậm chí là học lực bình thường nhưng lại rất giỏi và thành công trong nhiều lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau trong xã hội…
Thiết nghĩ, thay vì ép buộc, kì vọng con mình phải thế này, phải thế khác thì hãy quan tâm, chia sẻ và đồng hành với con là cách tốt nhất để phát hiện ra những điểm mạnh, điểm yếu cũng như năng khiếu thực sự của con là gì, qua đó động viên, khích lệ con phát triển đúng với khả năng của con. Có như vậy, không ai sẽ còn phải giữ tâm lý nặng nề trong chuyện “giỏi và dốt” của con mình.
Hy vọng câu chuyện “giỏi và dốt” ngày càng ít được nhắc tới. Đó chính là hạnh phúc của bao cuộc đời này.