TÌNH YÊU LÀ MÓN QUÀ KỲ DIỆU CỦA CUỘC SỐNG
Trong cuộc sống, hiếm thấy có một thứ tình cảm nào giàu si mê và thăng hoa như tình yêu đôi lứa. Dù tình cảm giữa mẹ con, cha con cũng thực sự sâu sắc, nhưng cung bậc tình yêu của cha mẹ dành cho con cái và tình cảm của con cái với cha mẹ vẫn thực sự khác biệt. Cha mẹ có thể yêu thương con vô điều kiện, nhưng tình yêu của con dành cho cha mẹ lại thường tự do hơn.
Nhưng trong tình yêu, đôi bên đến với nhau vì sự hấp dẫn cả về thể xác lẫn tâm hồn. Tình yêu ấy trải rộng cả về chiều nông lẫn chiều sâu. Chính sự giao thoa năng lượng một cách mạnh mẽ, bí ẩn và lý thú này khiến đôi bên đam mê cuộc khám phá lẫn nhau, để thỏa mãn bản năng của chính mình.
Dù trong tình yêu hai người, càng say đắm, ta càng có cảm giác như thể ta yêu
người đó thật nhiều, thật sâu đậm, và ta có thể làm tất cả mọi thứ vì họ, nhưng
sự xúc chạm giữa hai con người vốn dĩ là nhân duyên, duyên sinh thì duyên diệt,
vì thế, tình yêu, về bản chất cũng vô cùng mong manh. Nó biến đổi trong từng
sát-na, chỉ có điều, vì yêu một cách mù quáng, vì hướng tâm về đối tượng ta yêu
quá nhiều, nên ta đã không thể nhìn ra được sự biến đổi sinh - diệt ấy.
Khi ta theo đuổi hạnh phúc trong tình yêu, nghĩa là ta cũng đang tìm đường đến đau khổ. Nhưng quả thực, đó mới chính là món quà kỳ diệu của yêu đương. Bởi chỉ khi ta thấy ra bản chất hai mặt trong tình yêu, khi ta trải qua đau khổ trong tình yêu, thì tình thương lẫn sự thấu hiểu trong ta mới thực sự được nới rộng.
Có một điều không thể từ chối, là bản năng tự do trong mỗi cá nhân lại rất mạnh mẽ, dần dà, họ sẽ nhìn ra được sự ràng buộc của một tình yêu. Họ sẽ có lúc cảm thấy rất mâu thuẫn trong chuyện tình cảm của mình, vì đơn thuần, nội tâm của họ mâu thuẫn.
Nội tâm phần hữu ngã của họ thì muốn có một tình yêu thăng hoa mang tính chiếm hữu, nhưng phần chân tâm thì luôn là sự tự do và độc lập. Bởi vậy, một trong những bài học quan trọng khác trong tình yêu ấy là độc lập trong mối quan hệ.
Bản chất của tình yêu hữu ngã như tình yêu là để người ta vừa thấy ra cả vị
ngọt và vị đắng. Chỉ khi thấy ra vị ngọt và vị đắng của yêu đương, thì tất cả
mới chịu ngồi lại chiêm nghiệm, mới chịu đi sâu hơn vào chính mình, để rồi thấu
hiểu cho nhân sinh.
Tình yêu là một cơ hội thật tốt lành để người ta sớm có vị ngọt và vị đắng
chát. Trong vị ngọt nhưng không bị chìm đắm, trong vị đắng chát nhưng không
ghét bỏ và buông xuôi. Nếu chỉ chọn vị ngọt, bỏ vị đắng thì kiểu gì, sự đắng
chát mà ta nhận được cũng sẽ lớn hơn nhiều bởi ta đã không chuẩn bị tâm lý đón
nhận hai mặt của đời sống.
Tình yêu không phải là trải nghiệm để người đang thăng hoa ca ngợi, tung hô,
hay kẻ đau khổ chán ghét trốn tránh. Yêu đương vốn dĩ là một sự xúc chạm quan
trọng để ta nhìn ra muôn mặt trong chính mình, từ đó thấu hiểu mình và thấu
hiểu cho đối tượng mà ta thương.
Và rốt cuộc, người đến với ta đơn thuần đóng vai trò duyên nợ, không một ai có thể mang đến vị ngọt và vị đắng cho ta, ngoài sự ảo tưởng của chính ta trong mối quan hệ ấy. Thế nên, yêu thương có chánh niệm là để ta nhìn ra được sự huyễn hoặc của bản thân trong sự xúc chạm đặc biệt này, để rồi điểu chỉnh hành vi và của mình nhận thức cho đúng tốt hơn mà thôi.
Tình yêu là món quà diệu kỳ cuộc sống. Dù nó chỉ đơn giản là một thứ tình cảm mang tính hữu hạn và hữu ngã, nhưng cũng trong tình yêu, người ta dường như thấy ra được bản chất hai mặt của đời sống, để rồi dần tỉnh ngộ, và chuyển hóa tình cảm hữu ngã ấy trở nên rộng lớn hơn và giàu tình bao dung hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét