Hiển thị các bài đăng có nhãn lịch sử. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn lịch sử. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 12 tháng 1, 2024

Hiệu trưởng Harvard: Cuộc chiến đã qua đi, hồi ức và bài học lịch sử

 

HIỆU TRƯỞNG HARVARD: CUỘC CHIẾN ĐÃ QUA ĐI, HỒI ỨC VÀ BÀI HỌC LỊCH SỬ

Sáng 23/3/2017, nhân chuyến thăm VN, GS Drew Gilpin Faust là Hiệu trưởng thứ 28 của ĐH Harvard. Bà là giáo sư sử học danh hiệu Lincoln của Trường Khoa học và Nhân văn thuộc ĐH Harvard.

Bà đã có buổi thuyết trình với giảng viên và sinh viên của trường về chủ đề “Cuộc chiến đã qua đi: Hồi ức và bài học lịch sử”.

Những địa danh không ngừng vang vọng

Trước khi trở thành Hiệu trưởng Đại học Harvard, tôi là một học giả và giảng viên lịch sử trong suốt hơn ba mươi năm. Vì vậy, tôi đặc biệt vui mừng được có mặt tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, một trung tâm nghiên cứu lịch sử hàng đầu của Việt Nam.

 

Việc có mặt tại đây, ở đất nước các bạn, đối với tôi mang rất nhiều ý nghĩa, bởi vì nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng của hai quốc gia đã quyện chặt vào nhau và ảnh hưởng tới tất cả chúng ta.

Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước theo cách nói của các bạn - và “Chiến tranh Việt Nam” theo cách gọi của chúng tôi - đã mãi mãi định hình thế hệ chúng tôi, những người trưởng thành trong thập niên 1960-1970.

 

Dù rằng suốt những năm tháng đó, tôi chưa từng vượt 8000 dặm để đặt chân đến nơi này, nhưng những địa danh như Khe Sanh, Pleiku, Ấp Bắc, Điện Biên Phủ, Vịnh Bắc Bộ, Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn, Hà Nội luôn không ngừng vang vọng trong tâm trí tôi trong suốt mấy thập kỷ qua.

Tôi đã hằng mong ít nhất một vài địa danh trong số này không chỉ dừng ở con chữ. Các bạn có một khẩu hiệu nhắn gửi khách du lịch rằng “Việt Nam là một đất nước chứ không phải một cuộc chiến tranh”.

 

Giống như rất nhiều người Mỹ khác từng đến đây, tôi vẫn hằng mong đến một ngày nào đó, Việt Nam trong tâm trí tôi không phải tên gọi của một cuộc xung đột bất ngờ ập đến với thế hệ chúng tôi, mà là một quốc gia và xã hội với tất cả sự phức hợp, vẻ đẹp, lịch sử, sự sống động và triển vọng của nó.

 

Ám ảnh, cả lúc tỉnh lẫn mơ

Và không hiểu sao, dường như đối với tôi, tìm hiểu đất nước của các bạn trở thành điều cần thiết để hiểu chính đất nước của tôi.

Thanh niên trai tráng trong thế hệ chúng tôi đã phải đối diện với giấy gọi nghĩa vụ quân sự, khiến nhiều người phải đấu tranh nội tâm xem họ có nên tuân thủ pháp luật, phụng sự cuộc chiến mà họ cho rằng vừa không khôn ngoan vừa bất chính.

 

Đối với lớp phụ nữ trẻ như tôi thời bấy giờ, tình thế tiến thoái lưỡng nan đỡ mang tính trực diện cá nhân hơn, nhưng nó thôi thúc chúng tôi đặt câu hỏi nghi ngờ về quốc gia của mình, về nên dân chủ và về tính nhân văn của chúng tôi.

Michael Herr, một nhà báo Mỹ chuyên viết về cuộc chiến này, đã từng viết rằng Việt Nam là những gì tất cả chúng tôi đã có thay vì một tuổi thơ hạnh phúc.

 

Ở Harvard, hằng năm cứ đến tháng 5 là hàng trăm cựu sinh viên sẽ về lại trường để kỷ niệm 50 năm ngày ra trường của họ.

Đây là một nghi lễ quan trọng, và vào mùa xuân này, một sự kiện đặc biệt sẽ diễn ra trong khuôn khổ các buổi lễ.

Các thành viên của khóa 1967 - cả nam và nữ - sẽ dành một phần thời gian để cùng nhau tưởng nhớ lại cách thức cuộc chiến đã định hình những tháng năm đại học của họ, và thảo luận xem “Chiến tranh Việt Nam” đã ảnh hưởng đến họ hơn nửa thế kỷ ra sao.

 

Một thành viên khóa này từng là lính thủy đánh bộ đã viết “rất nhiều người thế hệ tôi… đã phải có những lựa chọn về Việt Nam khiến chúng tôi bị ám ảnh suốt quãng đời còn lại của mình, cả lúc tỉnh cũng như khi mơ”.

Tôi không phải là thành viên của khóa sinh viên Harvard sẽ hội ngộ vào mùa xuân này, nhưng tôi cùng trang lứa với họ, và cũng như họ, tôi đã bị định hình bởi chiến tranh Việt Nam theo những cách mà đến tận bây giờ tôi vẫn chưa hoàn toàn thấu hiểu.

 

Nhưng một ảnh hưởng mà tôi có thể xác định rõ ràng là về công việc của tôi với tư cách một sử gia.

Việc trưởng thành trong thập niên 1960 đã tạo ra trong tôi sự cuốn hút dai dẳng với chiến tranh, với cách mà những đòi hỏi khủng khiếp của nó có thể nhào nặn các cá nhân và xã hội, với sự khúc xạ không tránh khỏi của quan điểm và lý tưởng chiến tranh, với những áp lực tột cùng của nó.

Chiến tranh có thể ví như “lửa thử vàng” thuần chất, đối với mỗi cá nhân cũng như cho toàn xã hội.

 

Di sản cho hiện tại

Ngày nay, hàng năm Hoa kỳ chi hơn 100 triệu đô-la cho nỗ lực tìm kiếm và nhận dạng những người mất tích trong Chiến tranh thế giới thứ II, Chiến tranh Hàn Quốc và Chiến tranh Việt Nam.

Tôi tin rằng các bạn đều rất quen thuộc với hoạt động tích cực của MIA sau năm 1975. Nhưng sự thừa nhận rằng nước Mỹ có trách nhiệm phải giải trình và hồi hương - dù đã chết hay còn sống - mọi binh sĩ đang thực hiện nhiệm vụ chỉ mới bắt đầu gần đây.

 

Chỉ từ chiến tranh Hàn Quốc, Hoa Kỳ mới thiết lập chính sách nhận dạng và hồi hương mọi liệt sỹ. Phải đến Thế chiến thứ nhất binh sĩ mới bắt đầu đeo phù hiệu nhận dạng chính thức - cái mà ngày nay chúng ta gọi là thẻ bài quân nhân.

Hệ thống ghi sổ mồ mả trong quân đội bắt đầu xuất hiện vào cuối cuộc chiến, và khi chiến tranh kết thúc, chính phủ Hoa kỳ đã bắt đầu thiết lập hệ thống nghĩa trang quốc gia, một nghĩa vụ trọng đại của nhà nước để ghi nhận công lao của những người đã ngã xuống bảo vệ đất nước.

 

Hậu quả chiến tranh là tàn phá - con người bị thương và biến dạng; trẻ em trở thành mồ côi; tài sản và nguồn sinh kế bị phá hủy; kinh tế đảo lộn; dân chúng chia rẽ. Nhưng hậu quả không chỉ dừng lại ở cơ thể, mà còn nằm trong tâm hồn, thậm chí trong tâm hồn của những người sinh ra rất lâu sau khi tiếng súng đã tắt.

 

Đó là vì sao các thành viên Harvard niên khóa 1967, các ông bà nay đã ở độ tuổi 70, cảm thấy sự cấp thiết phải đối diện với những kinh nghiệm từ hơn năm thập kỷ trước, những ký ức của một thời khi “Việt Nam” đòi hỏi họ phải định nghĩa chính họ và quốc gia của họ.

Đó là vì sao tôi hết sức vui mừng cuối cùng cũng đã được đặt chân đến đất nước các bạn, bởi tôi cũng cùng thế hệ với họ.

 

“Tại sao lựa chọn chiến tranh? Tại sao anh phải viết về cuộc chiến?”, nhân vật Kiên trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh tự vấn. Ngay cả khi anh ta cố gắng hết sức để tìm một chủ đề khác, anh cũng “không thể thôi viết về chiến tranh”.

Cũng như anh, chúng ta viết, chúng ta trò chuyện và chúng ta ghi nhớ bởi chúng ta đều cố gắng để hiểu chiến tranh đã nhào nặn chúng ta ra sao.

 

Việt Nam và Hoa Kỳ đã đối đầu nhau trong một cuộc chiến kéo dài và tàn phá nặng nề. Giờ đây, riêng cũng như chung, chúng ta đang đối diện với hậu quả của nó.

Trong nỗ lực này, lịch sử là điều không thể thiếu. Lịch sử giúp chúng ta đối diện với những vong hồn và ma quỷ mà bi kịch quá khứ để lại như một di sản cho hiện tại. Nó soi rọi những sự mù quáng và tàn bạo đã làm nên chiến tranh. Nó giúp chúng ta hình dung và đấu tranh cho hòa bình.

 

Chúng ta đều sống với bóng ma, ký ức và di sản

Cuộc chiến ở ngoài nước Mỹ, 3 triệu tấn bom và 11 triệu gallon thuốc diệt cỏ đã không rơi trên đất nước chúng tôi; 58.220 lính Mỹ hy sinh, so với con số ước tính khoảng hơn 3 triệu quân và dân Việt Nam thiệt mạng trong “Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai”.

Nhưng cả hai xã hội của chúng ta đều sống với những bóng ma, với ký ức và với những di sản. Với hậu quả chiến tranh.

 

Tuổi Trẻ trích đăng một phần bài phát biểu của giáo sư Faust.

 


 

Thứ Ba, 5 tháng 12, 2023

Nỗi nhớ Yết Kiêu của công chúa Nhà Nguyên

 

NHỚ YẾT KIÊU, TỪ PHƯƠNG BẮC CÔNG CHÚA NHÀ NGUYÊN ĐÃ THỐT RA CÂU THƠ: BÂY GIỜ ĐÃ Ở PHƯƠNG NÀO, NGƯỜI ƠI?

Sau khi đánh thắng quân Nguyên, nhằm có được quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, tránh chiến tranh liên miên, vua Trần Nhân Tông cử Bảng nhãn Lê Đỗ cùng với Yết Kiêu đi sứ sang nhà Nguyên.

Quân Nguyên sang đánh Đại Việt đều biết danh tiếng của Yết Kiêu, nay thấy Yết Kiêu sang sứ thì vua cùng các tướng nhà Nguyên đều nghĩ cách để có được tướng tài. Một viên quan tâu rằng nên sử dụng mỹ nhân kế, bởi anh hùng khó qua ải mỹ nhân.

Vua Nguyên thấy chọn ai cũng khó xứng với Yết Kiêu, nên cuối cùng quyết định chọn người con gái út của mình là công chúa Ngọc Hoa.

Công chúa Ngọc Hoa thuộc dạng sắc nước nghiêng thành, lại đàn hay hát giỏi nên được vua cha cưng chiều. Khi nghe vua cha nói muốn gả cho một viên tướng ở nam triều và “phải giữ bằng được ông ấy ở lại đây” thì công chúa không bằng lòng.

Thế nhưng khi lần đầu nhìn Yết Kiêu, thấy đây quả là một dũng tướng, khi trò chuyện lại thấy đây là một người gần gũi, nên công chúa thay đổi, dành trọn vẹn tình cảm cho Yết Kiêu.

Hàng ngày công chúa đều tìm cớ để có cơ hội gặp Yết Kiêu, khi thì mang đặc sản phương Bắc để khoe, khi thì mời Yết Kiêu đi ngắm đất kinh kỳ. Thấy hai người thường xuyên trò chuyện với nhau thì vua Nguyên mừng lắm.

Khi thời gian đi sứ đã hết, vua Nguyên dùng đại tiệc để tiễn đoàn sứ của Đại Việt, khi buổi tiệc đến lúc vui vẻ nhất thì vua Nguyên nói ngỏ ý muốn gả công chúa cho Yết Kiêu.

Yết Kiêu không muốn kết hôn, nên sau giây lát suy nghĩ, Yết Kiêu đáp rằng:

Cảm ơn đức vua đã cho thần có được diễm phúc ấy. Nhưng nước có phép vua, thần lại là tôi tớ của vua Trần nên phải tuân theo lệnh vua. Thần xin phép về xin ý kiến của vua Trần, nếu được đồng ý thần sẽ qua làm lễ với công chúa.

Vua Nguyên nghe thấy hợp lý thì đồng ý cho ông về tâu với vua Trần, công chúa liền xin đi theo Yết Kiêu về Đại Việt. Yết Kiêu liền nói rằng:

Tục nước tôi không cho phép con gái theo về nhà chồng mà chưa có mối, chưa có lễ vật, nàng lại là công chúa cành vàng lá ngọc càng phải giữ thanh danh, thể diện. Nàng cứ ở lại chờ tôi một thời gian để tôi nói với cha mẹ mang lễ vật tới.

Khi về Triều đình, Yết Kiêu có báo lại kết quả chuyến đi sứ và ý vua Nguyên muốn gả công chúa cho mình. Nhà Trần không muốn mất tướng tài, cũng do Yết Kiêu không muốn, nên quyết định không nhắc gì chuyện này nữa.

Từ ngày Yết Kiêu đi chờ mãi không thấy tin tức gì, lòng công chúa Ngọc Hoa như có lửa đốt, nàng thường lên lầu cao ngóng về phương Nam. Mỗi lần có đoàn sứ thần từ Đại Việt đến công chúa đều hỏi han tin tức, rồi gửi lời nhắn đến Yết Kiêu, nhưng đều không thấy hồi âm.

Chờ đợi mỏi mòn, công chúa Ngọc Hoa vẽ hình Yết Kiêu, tự tay thêu đôi uyên ương để tặng khi Yết Kiêu quay lại, nhưng mãi vẫn không có tin tức gì.

Công chúa đã thêu những vần thơ vào khăn áo rồi nhờ sứ thần Đại Việt gửi lại cho Yết Kiêu, những vần thơ này còn lưu truyền đến ngày nay:

Tại Cao lão ở làng Lôi Động, phỏng dịch là:

Lên lầu dạ thấy bồi hồi

Trăng soi bóng nước, nước trời hòa nhau.

Cùng ta thưởng nguyệt đêm nao

Bây giờ đã ở phương nào, người ơi?!

Một bài thơ khác. dịch là:

Dứt áo phút ly biệt,

Thiếp hỏi chàng đi đâu.

Chẳng hận về sai hẹn,

Chỉ mong chớ phụ nhau.

Suốt 2 năm không có tin tức gì, không chờ thêm được nữa, công chúa xin được sang phương Nam. Nhà Vua ngăn cản nhưng công chúa cương quyết đi, nếu không được đi sẽ tự vẫn, vì thế vua Nguyên đồng ý và cử người đi theo bảo vệ.

Từ Đại Đô, đoàn người bắt đầu cuộc hành trình xa xôi đến phương Nam, sau 2 tháng thì đến biên giới (thuộc Móng Cái – Quảng Ninh hiện nay).

Tin tức bay về Triều đình, nhà Trần không muốn mất Yết Kiêu nên loan báo rằng Yết Kiêu đã qua đời.

Nhận được tin dữ, công chúa đau đớn mặc đồ tang lập đàn tế suốt 7 ngày 7 đêm liền; sai lính đẵn gỗ vàng tâm, triệu thợ điêu khắc giỏi tạc tượng mình và viết bức huyết tâm thư thổ lộ tình cảm của mình với Yết Kiêu. Rồi đặt bức tượng mình vào thân một khúc gỗ đã đục rỗng thả xuống sông cho trôi về Đại Việt.

Xong việc công chúa Ngọc Hoa khấn:

Thiếp và chàng sống trên trần thế chưa nên duyên chồng vợ, nay chàng không còn nữa, thiếp nguyện thác xuống âm phủ để gặp chàng và nên nghĩa vợ chồng.

Nói xong công chúa quay về hướng Bắc nhìn quê hương lần cuối, rồi cởi hài gieo mình xuống dòng sông chảy xiết. Thấy vậy 9 nàng hầu và 2 thái giám cũng nhảy xuống sông theo chủ.

Dù có nhiều người con gái dành tình cảm cho Yết Kiêu, nhưng ngày nay tại nơi thờ Yết Kiêu ở đền Quát, thôn Hạ Bì (xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) chỉ có bức tượng gỗ của Ngọc Hoa công chúa là được đặt cạnh Yết Kiêu. Bức tượng gỗ này tương truyền là được đẽo từ tấm gỗ nổi lên nơi công chúa Ngọc Hoa trẫm mình chết.

Nguồn: Đại Việt Sử ký Toàn thư, Việt sử giai thoại

Yết Kiêu (1241 – 1301) người làng Lôi Động, huyện Thanh Hà. Anh hùng chống giặc ngoại xâm vào đời nhà Trần, người có công chống giặc Nguyên Mông vào thế kỷ XIII

Ảnh: Đền Quát. Đền thờ Yết Kiêu, tại tả ngạn sông Đò Đáy (sông Quát) thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu, Gia Lộc, Hải Dương.