Hiển thị các bài đăng có nhãn Kinh doanh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Kinh doanh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2024

Mấy bài học kinh doanh

 

MẤY BÀI HỌC KINH DOANH

Tư duy kinh doanh khác biệt để có cơ hội thành công hơn

Không phải mọi vấn đề đều chỉ có một cách giải quyết duy nhất, đặc biệt trong kinh doanh. Thị trường luôn thay đổi, do đó, bạn hãy học cách thay đổi tư duy để tìm ra các cơ hội mới.

 

Winston Churchill - cựu Thủ tướng Anh đã nhấn mạnh yếu tố sống còn này khi nói rằng: “Cải tiến là thay đổi; trở nên hoàn hảo là phải thay đổi thường xuyên.”

 

Tất nhiên, việc thay đổi đôi khi có thể dẫn tới thất bại. Tuy nhiên, thất bại là một phần của cuộc sống, bao gồm cả những thất bại trong kinh doanh.

 

Chúng ta nhìn vào thất bại để thấy cái chưa được để sửa đổi. Quan trọng là cách chúng ta đối phó với thất bại như thế nào sẽ quyết định công việc của bạn có thành công hay không.

 

Kinh doanh có đạo đức

Kinh doanh là để làm giàu, đây là một điều chính đáng và cần được ủng hộ.

Tuy nhiên, bên cạnh việc bán được nhiều hàng hóa, người làm kinh doanh nên trao giá trị thực chất cho khách hàng thông qua sản phẩm/dịch vụ của mình, để từ đó giúp cộng đồng và xã hội trở nên tốt hơn.

 

Một đơn vị kinh doanh có đạo đức, mang đến những giải pháp có giá trị đến cho khách hàng sẽ có được nhiều thiện cảm trong mắt người tiêu dùng và được họ quay lại mua hàng những lần sau. Điều này rất có lợi cho việc phát triển mô hình kinh doanh về lâu về dài.

 

Cung cấp sản phẩm phù hợp với khách hàng mục tiêu

Cung cấp sản phẩm thỏa mãn được vấn đề/nhu cầu khách hàng mục tiêu sẽ giúp bạn dễ dàng bán được hàng hơn, từ đó tăng trưởng doanh thu của mình. 

 

Ngoài ra, một sản phẩm giải quyết tốt vấn đề khách hàng sẽ giúp tăng cường sự ưa thích đối với sản phẩm, từ đó giúp gia tăng số lần quay lại mua hàng.

Thậm chí, khách hàng còn giới thiệu sản phẩm của bạn cho bạn bè - người quen có cùng nhu cầu, giúp bạn ngày càng "đắt khách" hơn.

 

Tránh ám ảnh về sự hoàn hảo

Thị trường luôn có sự thay đổi nhanh chóng, do đó việc chần chừ triển khai một ý tưởng kinh doanh mới chỉ vì chúng chưa hoàn hảo là một trong những nguy cơ dẫn đến sự thất bại.

 

Thay vào đó, người kinh doanh có thể thử nghiệm với quy mô nhỏ để có dữ liệu và tối ưu hóa chúng trong quá trình triển khai.

Điều này sẽ giúp bạn nắm bắt nhanh chóng cơ hội kinh doanh và trở nên thành công hơn.

Biết đề phòng rủi ro

Rủi ro là điều thường gặp trong kinh doanh, do đó, bạn cần chuẩn bị những phương án dự phòng để giảm thiểu chi phí, thiệt hại khi bắt đầu tham gia thị trường.

 

Cách nắm bắt kiến thức kinh doanh

- Học kinh doanh tại trường đại học cung cấp cho bạn kiến thức căn bản để bạn có thể tự tin xây dựng và vận hành một mô hình kinh doanh một cách chuyên nghiệp.

 

- Các khóa học kinh doanh

Nếu như học Đại học sẽ giúp bạn trang bị những kiến thức căn bản thì những Khóa học Kinh doanh sẽ mang đến cho bạn những kiến thức thực tế từ những người thành công trong lĩnh vực.

 

- Học từ sách kinh doanh

Đọc sách là một phương pháp rất tốt để học kinh doanh. Sách chứa đựng những kiến thức, trải nghiệm của những tác giả kiệt xuất trên thế giới. Ngay cả một số nhà lãnh đạo thành công và giàu có nhất trên thế giới như Bill Gates, Mark Zuckerberg và Warren Buffett dành rất nhiều thời gian để đọc sách để hoàn thiện vốn tri thức của mình.

Đọc nhiều sách sẽ giúp bạn tiếp thu những trải nghiệm, kiến thức của những người di trước giúp bạn kinh doanh thuận lợi, hạn chế được nhiều sai lầm hơn.

 

- Học từ thực tiễn

Học từ thực tiễn có nghĩa là trong quá trình kinh doanh, bạn có thể thu được những kinh nghiệm từ những trải nghiệm thực tế, thậm chí là những sai lầm, thất bại để thành công hơn trong công việc kinh doanh của mình. 

 

Chúc bạn có nhiều bước tiến thành công!

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2024

Tư duy đôi bên cùng có lợi gìn giữ mối quan hệ bền lâu

 

TƯ DUY ĐÔI BÊN CÙNG CÓ LỢI GÌN GIỮ MỐI QUAN HỆ BỀN LÂU

 

Khi còn trẻ Lin Zhengjia, một nhà đến từ Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc), là một người khá có đầu óc kinh doanh, tính cách cũng chững chạc hơn hẳn các bạn cùng lứa tuổi, là người có năng lực và kinh nghiệm trong công việc.

 

Tuy nhiên, sau nhiều năm chật vật, công việc kinh doanh vẫn không có gì khởi sắc.

Một ngày nọ, anh đang lang thang trên phố thì bất ngờ bị "thức tỉnh" bởi một bài viết trên báo. Sau đó, anh chỉ dùng 10.000 nhân dân tệ làm vốn khởi nghiệp, quay lại thương trường.

 

Lần này, công việc làm ăn của anh như nhận được phép màu, từ cửa hàng nguyên liệu đến nhà máy xi măng, từ chủ thầu đến xây dựng đều thuận buồm xuôi gió, đối tác đổ về như nước.

Chỉ trong vài năm, tài sản của anh đã tăng vọt lên 100 triệu nhân dân tệ, tạo nên một huyền thoại kinh doanh.

 

Nhiều phóng viên đã hỏi anh bí mật về sự trở lại của mình, và anh chỉ tiết lộ bốn từ: chỉ lấy sáu phần.

Vài năm sau, tài sản của anh tăng như lăn quả cầu tuyết, lên tới 10 tỷ nhân dân tệ.

 

Có lần, khi anh đến thuyết giảng ở một trường đại học, sinh viên liên tục đặt câu hỏi, hỏi anh bí quyết biến 10.000 nhân dân tệ thành 10 tỷ nhân dân tệ là gì.

Anh ấy đáp lại với một nụ cười, bởi vì tôi luôn kiên trì lấy ít đi hai phần.

 

Sau đó, anh giải thích rằng thứ mà anh nhìn thấy trên báo là một bài báo phỏng vấn con trai của tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành, Lý Trạch Khải.

Lý Trạch Khải cho biết: "Bố tôi chưa bao giờ nói với tôi cách kiếm tiền mà chỉ dạy tôi một số nguyên tắc làm người và làm việc.

Bố nói với tôi rằng hãy hợp tác với người khác, nếu lấy 7 phần là hợp lý, lấy 8 phần thực ra cũng được, vậy thì họ Lý chúng ta chỉ lấy 6 phần thôi là đủ rồi."

 

Lý Gia Thành có một nguyên tắc trong kinh doanh: "Có tiền mọi người cùng kiếm, lợi nhuận thì mọi người cùng chia sẻ. Có như vậy thì mọi người mới sẵn sàng hợp tác. Nếu lấy 10% là đúng, lấy 11% cũng ổn, vậy thì ta chỉ lấy 9% cổ phần thôi, có như vậy thì tiền tài mới không ngừng chảy vào túi."

 

Cảm ngộ: Cảnh giới cao nhất của con người là sự tử tế, nếu một người quá sắc sảo và luôn cố gắng hết sức để kiếm nhiều tiền hơn từ người kia, kết quả thường là người đó kiếm được nhiều tiền hơn ở hiện tại, nhưng lại đánh mất tương lai.

Chỉ khi đôi bên cùng có lợi, đó mới là phương thức giao tiếp khả thi duy nhất trong mối quan hệ hợp tác lâu dài với nhau.

 

Thứ Hai, 8 tháng 4, 2024

9 Bài học ý nghĩa từ triết lý kinh doanh quán cháo của người Hoa

 

9 BÀI HỌC Ý NGHĨA TỪ TRIẾT LÝ KINH DOANH QUÁN CHÁO CỦA NGƯỜI HOA

Câu chuyện của một phóng viên nọ đến phỏng vấn một ông chủ tiệm cháo người Hoa trong một cuộc khảo sát về mô hình kinh doanh.

Bài học ý nghĩa từ triết lý kinh doanh quán cháo của người Hoa

Bài học thứ 1:

Phóng viên: Thưa ông trước khi bán cháo ông làm gì?

Chủ tiệm: Ngộ bưng cháo cho cha ngộ bán.

 

Phóng viên: Vậy cửa hàng này có bao nhiêu năm?

Chủ tiệm: Không có năm, chỉ có đời. Mấy đời lận. Bà cố ngộ bán cháo. Ông nội ngộ bán cháo. Cha ngộ bán cháo. Ngộ bán cháo. Con trai ngộ…

 

Phóng viên: Trời ơi! Không có gì khác ư?

Chủ tiệm: Khác chớ, ngày trước có một cửa hàng ở Quảng Châu, bây giờ có hai cái ở Sài Gòn, ba cái ở Hoa Kỳ, bốn cái ở Úc.

 

Mô hình kinh doanh thành công không nhất thiết phải hoành tráng, chỉ cần đơn giản, hiệu quả, dễ sao chép và nhân rộng là được.

 

Bài học thứ 2

Phóng viên: Người ta thành công thì sẽ cho con cái làm Giám đốc, còn ông?

Chủ tiệm: Ngộ có thành thì vẫn cho con làm chủ cửa hàng.

 

Với người thành công thực sự, chức danh không quan trọng.

 

Bài học thứ 3

Phóng viên: Ông không muốn chúng đi học sao?

Chủ tiệm: Muốn nhiều, con ngộ một đứa có bằng Thạc sĩ kinh doanh cháo, đứa khác vừa bảo vệ luận án Tiến sĩ cơm

 

Phóng viên: Ở trong bếp à?

Chủ tiệm: Ở Đại học Havard, Mỹ.

 

Phóng viên: Học xong chúng nó về đâu? Thành ông gì?

Chủ tiệm: Về nhà này, thành người rửa bát cho “papa” chúng.

 

Bất kể bạn là ai, muốn thành công lớn bạn phải đi từng bước một, học từ những việc nhỏ nhất.

 

Bài học thứ 4

Phóng viên: Ông gọi khách hàng là vua hay thượng đế?

Chủ tiệm: Gọi không quan trọng. Quan trọng là đối xử thế nào?

 

Phóng viên: Truyền thuyết kể lại rằng nhiều tỷ phú người Hoa đi lên từ một thùng đậu phụng rang, đúng không?

Chủ tịệm: Không, những ngày đầu tiên làm sao có tới cả thùng, chỉ vài trăm hột thôi.

 

Không cần phải giàu có dư giả mới có thể bắt đầu kinh doanh và mới có khả năng thành công.

 

Bài học thứ 5

Phóng viên: Có tiền mà ông mặc bộ đồ vải thô thế này à?

Chủ tiệm: Dạ, người vô đây chủ yếu là người bình dân. Họ sẽ còn vô nếu thấy chủ tiệm cũng giống như họ.

 

Không phải bộ đồ lịch lãm bạn khoác trên người, mà chính sự thấu hiểu và đồng cảm mới là thứ giữ chân khách hàng.

 

Bài học thứ 6

Phóng viên: Lý do gì khiến người Hoa hay chọn kinh doanh ăn uống?

Chủ tiệm: Thưa, đơn giản vì kinh doanh đó phục vụ cái bụng con người. Nếu phục vụ cái đầu sẽ phát sinh nhiều rắc rối lắm.

 

Đừng mất thời gian “đấu trí” với khách hàng.

 

Bài học thứ 7

Phóng viên: Ông bán cháo tim gan mà sao sáng ra nhà ông ăn toàn cháo trắng với củ cải muối?

Chủ tiệm: Dạ, nếu ngộ cứ ăn cao hơn khả năng của ngộ thì thế nào cũng tới lúc ngộ phải nhảy vào nồi cháo.

 

Muốn thành công vững bền, phải biết sống giản dị và tiết kiệm.

 

Bài học thứ 8

Phóng viên: Chắc là ông ít vay vốn ngân hàng?

Chủ tiệm: Nhà băng có tiền, nhưng không bao giờ có cách nấu cháo để mượn cả.

 

Quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người.

 

Bài học thứ 9

Phóng viên: Bây giờ tôi muốn ăn một tô, nhưng tôi chưa có tiền mai thanh toán được không, thưa ông?

Chủ tiệm: Dạ không phải là ngày mai mà 20 năm sau cũng được.

Phóng viên : Nhưng lúc ấy lãi suất thế nào?

Chủ tiệm: Dạ, lãi là ông luôn nghĩ tới hàng cháo này, đấy mới là lãi to.

 

Phải biết bỏ cái lợi nhỏ trước mắt để lấy cái lợi lớn lâu dài.

 

(Nguồn: AlphaBooks)