Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2024

Mối tình hi hữu của lê thánh tông với cô gánh nước ở thuận hóa

 

MỐI TÌNH HI HỮU CỦA LÊ THÁNH TÔNG VỚI CÔ GÁNH NƯỚC Ở THUẬN HÓA

Đầu năm 1470 Lê Thánh Tông chỉ huy đại quân phạt Chiêm, đến đất Thuận Hóa, ông truyền cho dừng lại đóng quân ở xã Hòa Thước để nghỉ ngơi, thao diễn quân sự trước khi bắt đầu cuộc chiến; một hôm đứng trên vọng lâu quân doanh, ông thấy có một cô gái gánh nước đi qua, tuy mặc bộ quần áo nâu lam lũ nhưng vẫn không dấu được khuôn mặt xinh đẹp, thân hình kiều diễm đầy vẻ hấp dẫn ở độ tuổi trăng tròn lộng lẫy.

Bỗng cảm thấy tâm hồn xao động, Lê Thánh Tông cho truyền gọi cô gái vào hỏi chuyện; trước hoàng đế uy nghi và các văn thần tướng võ đông đảo, cờ quạt rực rỡ, gươm giáo sáng lòa nhưng cô gái trẻ không hề e sợ mà vẫn giữ phong thái tự tin, ứng đáp linh hoạt thông minh; thậm chí cô còn ra một câu đối khiến tả hữu quanh vua, trong đó có người từng đỗ khoa bảng cao, không ai đối lại được:

“Gái Hòa Thước gồng nước pha trà, chanh từng chén”.

Nghe xong Lê Thánh Tông rất thích thú, ông không ngờ rằng cô gái trẻ ở chốn quê mùa đó lại có tài văn thơ giỏi đến vậy vì thế càng say mê hơn, vua quyết định đón nàng theo đoàn quân, rồi sau chiến thắng thì ca khúc khải hoàn đưa về Thăng Long làm phi tần, sinh ra được Triệu Vương”. dần dần cô gái ấy được phong đến bậc Qúy phi, một bậc phi tôn quý ở hàng cao cấp trong hậu cung, chỉ xếp sau Hoàng hậu mà thôi.

Dân gian đời sau có câu ca nói về chuyện này như sau:

“Hỡi cô gánh nước bên đàng,

Làm sao cô để mơ màng quân vương”.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét