Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2024

Quá tải giác quan

 

QUÁ TẢI GIÁC QUAN (Sensory Overload)

 

Quá tải giác quan xuất hiện khi ít nhất một trong năm giác quan bị kích thích quá mức. Ví dụ, thính giác của bạn có thể bị quá tải khi nhạc bật quá lớn, hoặc thị giác tổn hại khi ánh sáng quá mạnh. Trong một số trường hợp, có nhiều hơn một giác quan sẽ bị quá tải cùng một thời điểm.

 

Khi não bộ nhận thông tin qua các giác quan nhiều hơn mức có thể xử lý, thì tình trạng quá tải giác quan sẽ xuất hiện. Các yếu tố châm ngòi phổ biến cho tình trạng này bao gồm:

 

Thính giác

Thính giác của bạn có thể bị quá tải khi bạn ở một nơi có tiếng ồn (ví dụ như một buổi hòa nhạc hoặc một trận thể thao) hoặc khi bạn nghe nhiều âm thanh cùng lúc.

 

Xúc giác

Những thứ thường nhật như sờ vào quần áo hay ai đó chạm vào bạn có thể khiến bạn ngợp. Họa tiết của một số chất liệu có thể khiến bạn khó chịu (ví dụ, một số người không thích một số loại vải nhất định).

 

Thị giác.

Một số người rất nhạy cảm với ánh sáng, đặc biệt là khi quá sáng hoặc có đèn nháy. Quá tải thị giác có thể xuất hiện nếu bạn ở trong một môi trường nhộn nhịp, như trên đường phố đông đúc,

 

Khứu giác

Một người có khứu giác phản ứng quá mức hoặc nhạy cảm có thể thấy một số mùi như nước hoa khiến họ bị ngợp. Họ cảm thấy không khỏe khi ở trong môi trường quá nhiều mùi mạnh.

Người bị quá tải khứu giác không ăn một số đồ ăn do không chịu nổi mùi của chúng.

 

Vị giác

Nụ vị giác có thể bị quá tải bởi thức ăn có vị mạnh hoặc một số gia vị nhất định. Nhiệt độ của một số loại thức ăn cũng có thể châm ngòi làm quá tải giác quan, khi đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh làm quá tải vị giác của bạn.

 

Các triệu chứng quá tải giác quan

Triệu chứng khác nhau tùy mỗi người. Mặc dù một số người chỉ có triệu chứng nhẹ do cảm thấy hơi thiếu thoải mái, thì nhiều người khác lại ghi nhận các triệu chứng nặng khiến họ không thể vận hành bình thường cho đến khi các giác quan trở về trạng thái ổn định.

 

Trong một số trường hợp, bạn sẽ có nhiều hơn một giác quan bị quá tải. Tuy nhiên, có nhiều triệu chứng xuất hiện tương đồng ở tất cả mọi người bị quá tải giác quan. Bao gồm:

 

– Lo âu.

– Lẫn lộn.

– Cáu.

– Thiếu tập trung.

– Suy nghĩ loạn.

– Căng thẳng.

 

Quá tải giác quan ở trẻ em.

 

Nghiên cứu cho rằng cứ 6 trẻ thì có 1 trẻ có vấn đề trong xử lý giác quan. Ngoài ra, mặc dù trẻ có thể phản ứng quá mức hoặc không phản ứng với kích thích giác quan, nhưng thường thì đa phần trẻ em đều phản ứng quá mức.

 

Một số triệu chứng cần để ý:

– Khóc và la hét.

– Che mặt hoặc bịt hai lỗ tai.

– Nhắm mắt và nhất quyết không chịu mở.

– Không có bất cứ phản kháng hay tương tác gì.

 

Nếu trẻ có những hành vi này, bạn cần loại bỏ các yếu tố châm ngòi trước khi tình trạng quá tải xuất hiện.

 

Các bệnh lý làm gia tăng quá tải giác quan.

 

Rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Một triệu chứng thường gặp trong PTSD là tăng nhạy cảm giác quan. Người mắc PTSD thường hồi tưởng về những sự kiện gây sang chấn trong quá khứ. Đôi lúc những hồi tưởng này bị châm ngòi bởi tình trạng quá tải trong các giác quan.

 

Ví dụ, người mắc PTSD sau khi bị bắn có thể bị kích thích bởi tiếng nổ lớn. Phản hồi quá mức trong giác quan khiến họ luôn trong trạng thái cảnh giác cao, ngay cả trong những tình huống vốn không cần phải như vậy.

 

Rối loạn xử lý giác quan. Người mắc rối loạn này tiếp nhận và phản hồi với thông tin giác quan một cách bất thường. Và vì thế, họ có thể phản hồi dưới mức hoặc quá mức cần thiết.

Phản hồi quá mức với các dữ liệu giác quan có thể xuất hiện theo nhiều cách. Ví dụ, một người gặp vấn đề trong xử lý thị giác hay thính giác có thể gặp tình trạng đau nửa đầu.

 

Rối loạn tăng động – giảm chú ý. Người mắc ADHD – dù là thiếu chú ý, tăng động hay kết hợp  cả hai – đều có thể bị quá tải giác quan. Họ cũng sẽ dễ xuất hiện lo âu khi các giác quan liên tục bị quá tải.

 

Rối loạn phổ tự kỷ. Quá tải giác quan khá phổ biến trong nhóm người mắc rối loạn phổ tự kỷ vì họ thường có các hệ thống giác quan khá nhạy cảm.

Một số dạng quá tải giác quan phổ biến nhất cho nhóm này là thị giác và thính giác. Có nghĩa là họ có thể bị kích thích bởi tiếng ồn lớn và ánh sáng mạnh.

 

Bất cứ ai cũng có thể bị quá tải giác quan, nhưng sẽ thường gặp hơn ở những người mắc các bệnh lý tâm thần như Rối loạn căng thẳng sau sang chấn, Rối loạn tăng động giảm chú ý, Rối loạn xử lý giác quan và Rối loạn phổ tự kỷ.

 

Trong nhiều trường hợp, cẩn trọng xem xét các triệu chứng thường gặp nhất của quá tải giác quan chính là cách tốt nhất để xác định tình trạng này.

 

Một chế độ ăn dành cho giác quan là một lịch trình các hoạt động giác quan được xây dựng riêng theo nhu cầu của trẻ. Nó được thiết kế nhằm giúp trẻ kiểm soát những thứ giác quan tiếp nhận và ứng phó với các yếu tố gây quá tải các giác quan này.

 

Mặc dù một người trưởng thành chỉ cần đơn giản là rời khỏi tình huống gây quá tải cho giác quan, nhưng con trẻ sẽ không thể làm như vậy hoặc có thể khó mà giao tiếp hết những gì chúng đang trải qua.

 

Với những người bị quá tải giác quan vì một bệnh lý nào đó, thuốc điều trị có thể giúp can thiệp cho bệnh lý đó, từ đó làm giảm bớt tần suất hoặc mức độ nghiêm trọng của quá tải giác quan.

 

Để có một cuộc sống lành mạnh khi ứng phó với tình trạng quá tải giác quan, hãy nỗ lực tối ưu các cơ chế ứng phó. Một số cơ chế bao gồm:

 

– Tuân thủ lịch trình để tạo ra sự ổn định. Nếu quá tải giác quan xuất hiện do những yếu tố có thể tránh được trong đời sống thường nhật, thì việc tuân thủ theo một lịch trình có thể giúp bạn lên kế hoạch để ứng phó với tình trạng quá tải sắp đến. Mặc dù vẫn không thể ngăn chặn nó, nhưng bạn có thể kiểm soát mức độ nghiêm trọng của nó.

– Xác định các yếu tố châm ngòi để hiểu được cách né tránh hoặc chuẩn bị cho chúng. Bạn cũng có thể viết nhật ký và ghi lại mỗi lần nó xuất hiện.

– Tập thiền để thư giãn tâm trí khi cảm thấy ngợp.

– Tối ưu không gian sống để loại bỏ những thứ châm ngòi làm quá tải giác quan, như ánh sáng quá gắt hay quá mạnh và loa âm lượng lớn.

 

Tham khảo. Strömberg M, Liman L, Bang P, Igelström K. Experiences of sensory overload and communication barriers by autistic adults in health care settings. Autism Adult.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét