Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

“Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội” – tìm đâu cho được bóng người yêu?

 

“HAI NGƯỜI ĐIÊN GIỮA KINH THÀNH HÀ NỘI” – TÌM ĐÂU CHO ĐƯỢC BÓNG NGƯỜI YÊU?

Tuấn và Điệp là thi sĩ kiêm văn sĩ, hai người sống trên căn gác nhỏ ở phố Hàng Đầu. Dù tính cách trái ngược, nhưng cả Tuấn và Điệp đều có một điểm chung: Khao khát tình yêu, nhưng lại e sợ đàn bà. Họ nhìn thấy ở những người phụ nữ các thói xấu như ham tiền ham của, lừa dối, dâm loàn,… và dù tìm mỏi mắt, Tuấn và Điệp cũng chẳng tìm được một thiếu nữ xứng đáng để yêu: người phụ nữ có tâm hồn đẹp.

 

Nhưng làm sao để biết một người phụ nữ có tâm hồn đẹp? Điệp không trả lời, Tuấn cũng không trả lời được, vì xung quanh họ, những người con gái họ biết đều chỉ thể hiện ra là những cô gái nông cạn, yêu thích vật chất. Thế là, trong một phút giây đầy bất ngờ, cả hai quyết định chung một cuộc tình với Hoàng Lan – một thiếu nữ chết trẻ có mộ ở phía Bạch Mai.

 

“Yêu một cái mả lạnh”, điều này tưởng lạ lùng, nhưng thật ra khi xét đến hoàn cảnh sáng tác của “Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội” vào năm 1940, thì việc yêu một cái mả lạnh lại chẳng lấy gì làm khác thường.

Giới văn nhân nghệ sĩ Việt Nam khi đó từng có Đinh Hùng viết thơ “Gửi người dưới mộ”, Chế Lan Viên mê đắm với hư ảnh “Chiêm nương”, và đến nay, ta biết thêm Nguyễn Bính, ngoài những mối tình bướm hoa, thì cũng có cả mối tình với một cái mả lạnh mang tên người con gái Hoàng Lan.

 

Tuy cùng tìm đến một đối tượng không còn sống để yêu thương và trút bầu tâm sự, song câu chuyện và nhân vật trong “Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội” của Nguyễn Bính lại không mang cảm giác ma quái, ghê rợn, khác biệt như thơ ca của Chế Lan Viên, Đinh Hùng.

 

Lý do cho việc cả hai quyết định “yêu một cái mả lạnh” khiến tôi liên tưởng đến câu chuyện về Pygmalion – một nhà điêu khắc đại tại trong thần thoại Hy Lạp. Anh cũng chán ghét phụ nữ, chán ghét yêu đương. Ấy vậy mà Pygmalion lại say mê tạc tượng một người phụ nữ đẹp đẽ nhất, hoàn hảo nhất, để rồi cuối cùng yêu luôn tạo tác ấy của mình.

Quay lại với cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Bính, Tuấn và Điệp không tạc tượng, nhưng cả hai cũng đã “tạc” một hình mẫu phụ nữ lý tưởng để yêu trong tâm trí mình. Để rồi sau đó, họ cần tìm một đối tượng để hiện thực hóa hình mẫu phụ nữ lý tưởng này. Nhưng biết tìm đâu bây giờ?

 

“Anh tưởng những người con gái sống chung quanh ta có thể yêu được đấy à? Họ còn sống là họ còn có thể phụ mình, họ còn coi cái giầu sang to hơn tấm chân tình. Thà yêu một người chết, một người đã chết. Người đã chết thì không bao giờ còn có thể sống lại mà phụ bạc được nữa.”

Thay vì tự tay tạc nên người phụ nữ mình yêu như chàng Pygmalion trong thần thoại, Tuấn và Điệp của Nguyễn Bính lại gửi gắm người phụ nữ lý tưởng ấy vào một nấm mộ mà cả hai chưa từng quen biết, để rồi những ngày tháng sau đó, hai người lâng lâng trong tình yêu, “một tình yêu cao khiết, một tình yêu hoàn toàn”.

 

“Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội” là cuốn tiểu thuyết mang màu sắc tự truyện đậm nét.

Nhân vật Điệp còn “thần tượng” mối tình kĩ nữ, nhân vật Tuấn cũng đâu xem trọng cái “xử nữ mô”, cái trinh tiết xác thịt mà bao thế kỷ qua Nho học vẫn luôn đề cao. Thậm chí, ước mong của Điệp chỉ đơn giản là:

“Mình chỉ cần có người để thương yêu, chứ không cần họ thương yêu lại mình. Mình chỉ cần có một người để săn sóc, giúp đỡ vuốt ve họ, chứ không cần họ săn sóc, vuốt ve mình. Vậy mà cũng không được…”

 

Cái ước mong này đâu phải chỉ riêng Điệp mới có, mà là ước mong của tất cả những con người muốn yêu, thèm yêu, tha thiết yêu. Thế nhưng yêu ai đây, khi mà chẳng có phụ nữ nào cảm hoá nổi, hoặc người ta chỉ yêu quý nhau vì “mốt”, yêu quý nhau cho hợp thời với “thứ tình yêu cẩu thả, thứ tình yêu hồi hộ, thứ tình yêu chốc lát, thứ tình yêu thấp hèn”. Bất lực như vậy, chẳng có gì khó hiểu khi Tuấn và Điệp quyết định cùng yêu một cái mả lạnh đâu!

 

Tuấn và Điệp đã “sống thật hiền lành chăm chỉ để mà yêu”, không đi hút thuốc phiện, không lê la hát cô đầu, cũng xa rời cái thú đi chơi giang hồ. Tình yêu có sức mạnh mãnh liệt thay đổi người ta như thế đấy.

Chỉ tiếc là hạnh phúc chẳng kéo dài được lâu. Người yêu dựng lên từ ảo ảnh cuối cùng lại là một người yêu không hoàn hảo. Vương Thị Hoàng Lan khi còn sống cũng từng có những mối tình không “trong sạch” như bao cô gái đang sống đương thời.

 

Biết tin, Điệp đau đớn, khóc suốt đêm. “Bức tượng” Hoàng Lan cả hai cùng tạc lên ngày nào nay tan vỡ thành từng mảnh,

Nguyễn Bính khép lại câu chuyện về hai người điên ở kinh thành Hà Nội bằng một đêm mưa rét ào ào. tất cả chỉ còn lại cơn mưa cảm xúc lạnh lẽo bất tận mà Điệp phải chịu đựng.

 

Dường như Nguyễn Bính viết câu chuyện này vốn không phải để tìm một kết thúc, đưa ra một thông điệp, mà đơn giản hơn, ông chỉ muốn kể lại với người đọc hành trình tìm kiếm người yêu của hai chàng trai trẻ, và trong hành trình ấy, hai chàng trai trẻ mang nhiều vết thương tình ái kia đã trải qua một đoạn tình duyên thất bại với một nấm mộ.

 

Người ta có thể yêu thương một cô hát cô đầu, một nàng thi sĩ, hay một cô gái chết trẻ mà trước đó chưa từng quen. Dù khó khăn, dù vô định, dù mò kim đáy bể, người ta vẫn đi tìm một người để yêu.

Suy cho cùng, “Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội” của Nguyễn Bính chính là câu chuyện kể về những kẻ điên như thế…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét