Thứ Tư, 8 tháng 6, 2022

Đây thôn Vĩ Dạ – một bài thơ tình của mọi thời đại

 

ĐÂY THÔN VĨ DẠ – MỘT BÀI THƠ TÌNH CỦA MỌI THỜI ĐẠI

Trong các nhà Thơ mới, Hàn Mặc Tử bất hạnh nhất, lạ nhất và phức tạp nhất. Vì thế cũng bí ẩn nhất, hiếm có bài thơ nào trong trẻo thế mà cũng bí ẩn đến thế.

Đây thôn Vĩ Dạ là lời tỏ tình với cuộc đời của một niềm tha thiết đến đau thương, một tình yêu mãnh liệt mà vô vọng. Một cách khác: là lời tỏ tình với cuộc đời của một tâm tình tuyệt vọng.

ĐÂY THÔN VĨ DẠ (HÀN MẶC TỬ)

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

 

Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…
Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?

 

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra…
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?

 

Trong địa hạt thơ tình có những thi phẩm tự cổ chí kim kích thích, khơi gợi sự tìm tòi, giải mã – thậm chí, dường như không có điểm dừng. Bài thơ tình nổi tiếng của thi sĩ Hàn Mặc Tử, có lẽ cũng nằm trong số những thi phẩm kiệt xuất ấy!?

 

Nếu như thơ Xuân Diệu ngợp tràn cảm giác, thì thơ Hàn Mặc Tử lại tràn đầy ảo giác (cảm giác tận miền thực – ảo của cõi tâm linh!)


Thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử luôn kiếm tìm trong khát vọng và day dứt khôn nguôi. Cũng bởi thế, thơ Hàn luôn thường trực ba (lại ba) hình ảnh: trăng, hồn và máu.

Và, Đây thôn Vĩ Dạ cũng thực sự ứa máu tâm tư của nhà thơ!

 

Đây thôn Vĩ Dạ- một hoài vọng đẹp và buồn vọng chứ không phải hoài niệm.

Bởi nhiều duyên cớ. Hoài vọng chính là hướng vọng về kỉ niệm đã qua, đã xa mà không thể tìm lại miền đất và con người Vĩ Dạ! Buồn biết bao và cũng nhớ thương tuyệt vọng quá đỗi!

Kỉ niệm về Vĩ Dạ cũng chính bởi thế lọc qua nhớ thương cùng day dứt khôn nguôi của thi nhân:

 

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ”?

Câu thơ thứ nhất của Hàn, thực sự quẫy lên cảm xúc – tâm tình đa chiều – về văn phạm hình thức là một câu hỏi – Mà, hỏi ai? Hướng tới một đối tượng nào đó hay tự chất vấn chính lòng mình!? Nếu xét về phương diện ngữ nghĩa và sắc thái, câu thơ này hàm chứa và giao thoa cả 3 trường nghĩa: câu hỏi, lời chào mời, vẫy gọi và cũng cả lời trách cứ thiết tha!

Trên cái nền tâm tư, tâm trạng của câu thơ đầu, hình ảnh và ấn tượng về vẻ đẹp – buồn của thôn Vĩ chợt oà ra sáng láng trong ba câu thơ tiếp của khổ một:

 

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”.

 

Vẻ đẹp thôn Vĩ trong con mắt – tâm tưởng của Hàn Mặc Tử gắn với sức gợi và quyến rũ đầy chất thanh tân của thiên nhiên – Ấy là buổi sớm lê minh (còn sớm hơn bình minh!) của một ngày mới. Sắc nắng tinh khôi của thiên nhiên, từ thiên nhiên không tách rời với điểm nhìn – hoài niệm của thi sĩ!

Nắng của đất trời hay nắng yêu thương của lòng người hướng tới tầm cao của những hàng cau thẳng đứng nơi thôn Vĩ. Câu thơ điệp lại hai tiếng nắng: Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên khiến cho sắc nắng trời như hiển hiện và rộng mở theo tầm cao rộng của không gian!

 

Câu thơ thứ ba của khổ thơ đầu, bất chợt hạ xuống tầm thấp của không gian vườn tược. Hạ thấp mà chớp lấy màu xanh mướt tươi sáng và sang trọng như ngọc của vườn ai. Có lẽ hai tiếng mướt quá vừa chứa đựng cái sắc màu mướt mát của sắc xanh tự nhiên, lại vừa mang chứa cái trầm trồ của trái tim đa cảm.

 

Nếu như ba câu thơ của khổ thơ đầu diễn tả tâm trạng đa chiều về một miền đất; từ đấy hình ảnh thôn Vĩ hiện lên trong nỗi tiếc nhớ với vẻ đẹp sáng tươi; thì đến câu thơ thứ tư của khổ thơ này (câu thơ từng gây nhiều tranh cãi!), hình ảnh về miền đất cùng con người thôn Vĩ đọng kết bởi ấn tượng:

“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”.

Câu thơ của Hàn hiện lên trong thế sóng đôi bởi hai vế: vế một là hình ảnh thanh thoát (lá trúc che ngang); vế hai gợi ấn tượng về vẻ đẹp đầy đặn, phúc hậu (mặt chữ điền). Hai vẻ đẹp trong câu thơ Hàn Mặc Tử, phải chăng là gương – mặt- Vĩ Dạ trong nỗi ám ảnh đầy yêu thương của nhà thơ! Yêu thương và tiếc nuối!

 

Đây thôn vĩ Dạ – một nỗi buồn đau và chia lìa (khổ 2)

“Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay”?

 

Có người bàn về lối kết cấu “nhảy cóc”, đứt đoạn mạch trong Đây thôn Vĩ Dạ. Thực ra, đấy chỉ là hiện tượng bề mặt, căn nguyên sâu xa chính là ở chỗ: thơ Hàn từ ý tưởng cho tới cấu tứ luôn mang vẻ đẹp riêng của nỗi – niềm- chìm- lắng! Luôn ngợp lặn trong nội tâm không bình yên.

Nếu xét trên bề mặt câu chữ, thì ở khổ thơ thứ hai này, hình ảnh và diện mạo ngoại giới còn dày hơn ở khổ thơ đầu. Diện mạo ấy phới mở ra theo không gian cao của gió, mây, trăng; diện mạo ấy trải dài theo dòng nước Hương Giang. Và diện mạo ấy động lay theo hoa bắp, bến bờ dòng Hương…

 

Thế nhưng, thật lạ – những hình ảnh từ ngoại giới, từ thiên nhiên chỉ là cái thực hiện hữu từ mắt nhìn. Cái cớ bên ngoài ấy thi nhân còn trao gửi một niềm đau khuất lấp – niềm đau của nỗi chia lìa thân phận.

Gió mây vốn quấn quyện, tương giao như gió cuốn mây trôi, thì trong con mắt – nội cảm của nhà thơ lại rã rời đôi ngả: Gió theo lối gió, mây đường mây. Dòng nước lượn lờ thơ mộng của xứ Huế đẹp và thơ cũng chất chứa nỗi buồn lặng thấm; đến chút lay động của hoa bắp lay như cũng chạm đến chấn động không thành lời của con người.

“Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”.

 

Buồn đau trong cõi thực đã đành. Thơ Hàn Mặc Tử như còn chấp chới trong cõi ảo. Ảo bởi bến sông trăng (chứ không phải bến sông); Ảo bởi con thuyền chở trăng, chở mộng cũng chẳng biết là thuyền ai.

Những lời thơ như gấp gáp. Như nỗi khát khao cùng niềm thảng thốt bởi định mệnh, bởi thời gian. Chữ “kịp” mà Tử dùng nghe thương, nghe đau thấm thía gan ruột.

 

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay”?

Đấy là tiếng lòng hay là tiếng kêu cứu từ một trái tim rớm máu đau thương!?

 

Nếu khổ thơ thứ hai, Hàn Mặc Tử đã bước chân – nghệ thuật vào cõi ảo. Thì, ở những dòng thơ cuối này, thi nhân đã thực sự đắm hồn mình vào cõi mơ, cõi ảo:

 

“Mơ khách đường xa khách, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra”.

Làm sao mà không thổn thức, không day dứt khi mà lạc vào cõi mơ, hình bóng yêu thương cứ lãng đãng, cứ xa dần. Sự điệp lại trong tiếc nuối của những tiếng khách đường xa phải chăng vừa diễn tả bước chân (giai nhân chăng!) rời đi. Mà, hình như còn đong chứa đôi mắt – tâm tư của thi nhân dõi theo một bóng hình!? Và, cái mất hút của bóng hình lại trỗi lên niềm đau buồn: Áo em trắng quá nhìn không ra. Sẽ là giản đơn nếu cho rằng: thi nhân thốt lên nỗi đau bất lực thi giác – trong mơ!

 

Chao ôi là hình ảnh trắng trong, vẹn nguyên, ngỡ tưởng như gần gũi, cận kề mà hoá ra không “đọc” ra được, không nhận biết ra được.

Vế một của câu thơ (Áo em trắng quá) là lời trầm trồ, ngưỡng vọng; còn vế hai (nhìn không ra) là tiếng thở dài, chắt đầy tiếc nuối.

 

Cả khắp cõi nhân sinh trong con mắt của Hàn Mặc Từ như ngợp đầy, như nhiễu loạn, như sương khói. Sương khói đâu xa. Sương khói ở đây:

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà”?

 

Tứ thơ của Đây thôn Vĩ Dạ vừa nhất quán, vừa đẩy lên tầm cao mới. Nỗi day dứt luôn đi liền với niềm khát khao cháy bỏng. Ai biết tình ai có đậm đà? Vẫn hình thức – câu hỏi; vẫn sử dụng lối phiếm chỉ, không xác định (ai), thi sĩ Hàn Mặc Tử thực sự kí thác khát vọng không chỉ trong tình yêu mà còn mở ra khao khát lớn về nhân tình thế thái, về tình đời, tình người.

 

Phải chăng, vì thế thi phẩm kiệt xuất của Hàn Mặc Tử sẽ tồn tại bất chấp thời gian. Đây thôn Vĩ Dạ là bài thơ tình của mọi thời đại. Và sự độc đáo mang tính “độc nhất vô nhị” trong cả nội dung và hình thức nghệ thuật của thi phẩm này sẽ còn hấp dẫn bởi vẻ riêng quen mà lạ của nó; sẽ còn thách thức sự kiếm tìm và thẩm định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét