VĂN HOÁ MỸ: "HÃY LÀ CHÍNH MÌNH"
Ở Mỹ, yếu tố cá nhân luôn được đề cao hơn cả trong văn hoá,
chính điều này đã làm nổi bật “cá tính Mỹ”. Người Mỹ luôn chống lại quan điểm
cho rằng "tất cả mọi người đều giống nhau”. Họ nêu khẩu hiệu: "Hãy là
chính mình". Và, không có lý do gì phải thay đổi cách ứng xử để hợp với số
đông”. "Nếu muốn một việc gì đó được thực hiện tốt, phải tự tay mình làm lấy"
hoặc "về lâu về dài, người duy nhất mà bạn có thể tin cậy, đó là chính
mình".
Tính cách Mỹ có những giá trị phổ quát đã được định hình. Tuy nhiên, nhìn từ
giác độ đơn sắc thì nó lại luôn vận động không ngừng, vì mỗi cá nhân Mỹ luôn là
một chủ thể bất định. Francis Lieber (1800 - 1872) từng nói: “ở Mỹ ông cảm thấy
mình bị buộc vào cánh quạt của cối xay gió,… sự vận động trở thành sứ mệnh lịch
sử”. Người ta cũng nói vui với nhau rằng, người Mỹ cử động cả trong khi ngủ.
J.P. Fichou đã ví von: “Hoa Kỳ là đất nước của những bánh xe lăn”.
Sự hình thành cá tính Mỹ theo dòng chảy của lịch sử nước Mỹ không thể thiếu vắng
triết học Mỹ. Như F. Nietzche (1844 - 1900) nói, triết học là yếu tố cơ bản
(bên cạnh tín ngưỡng và khoa học) làm nên văn hóa Mỹ. Tuy nhiên, triết học Mỹ
không như triết học châu Âu, vì ở châu Âu triết học là sản phẩm của nhà kính, của
tư duy bị cuốn hút bởi những khái niệm tinh tế, còn ở Mỹ, triết học là sản phẩm
của tự nhiên. Triết học Mỹ không xây dựng lâu đài bằng những khái niệm mà nó là
một nền triết học tự do, tung bay ngoài trời. Nó chủ trương lảng tránh những vấn
đề của triết học truyền thống, không thích bàn đến những vấn đề trừu tượng, chỉ
chú tâm vào những vấn đề cụ thể mang lại lợi ích thiết thân cho con người.
Trong sự đua nở của triết học Mỹ (triết học phân tích, triết học khoa học, trường phái lịch sử, chủ nghĩa Freud mới, chủ nghĩa hiện thực mới, chủ nghĩa nhân vị, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hiện sinh,…) thì chủ nghĩa thực dụng được xem là biểu trưng của văn hóa Mỹ, nó là đặc sản tinh thần của nước Mỹ, đã thấm sâu vào tính cách Mỹ.
“Nếu nói có loại triết học nào trên thế giới bắt nhịp chặt chẽ
nhất với mạch đập của thời đại, trước hết cần nêu lên triết học chủ nghĩa thực
dụng của nước Mỹ, được nảy sinh theo tiếng gọi của thời đại Mỹ, có chung số phận
với sự phát triển của xã hội Mỹ, trở thành triết học nhân sinh của người Mỹ”.
Quả thật, đối với người Mỹ, chủ nghĩa thực dụng được xem như một loại phương
pháp chỉ dẫn mỗi cá nhân hành động hướng đến hiệu quả. Mỗi khi nói đến nó, người
ta nghĩ ngay đến nước Mỹ; ngược lại, khi nói đến nước Mỹ, người ta cũng nghĩ
ngay đến chủ nghĩa thực dụng.
.
Tóm lại, nước Mỹ với những yếu tố tự nhiên cùng sự chuyển biến xã hội từ khi
hình thành cho đến khi nó đi vào quỹ đạo phát triển là quá trình hình thành nên
tính cách Mỹ. Nước Mỹ có điều kiện phát triển không giống bất kỳ một quốc gia
nào trên thế giới và tính cách của người Mỹ cũng khác biệt tương tự. Nhờ tính
cách này mà người Mỹ luôn xác định được phương hướng nhân sinh phù hợp để hành
động và có hiệu quả tốt.
.
Một quốc gia thịnh hay suy chủ yếu là do yếu tố con người của quốc gia đó.
Chính người Mỹ và tính cách của họ đã làm nên sự phồn vinh và thịnh vượng của đất
nước họ. Bằng nội lực con người cộng với “thiên thời, địa lợi” nước Mỹ đã trở
thành một siêu cường về nhiều lĩnh vực chỉ sau 4 thế kỷ. Cá tính Mỹ là sự hoà
quyện lẫn nhau bởi các giá trị văn hoá, văn minh của nhiều dân tộc trên thế giới.
Nó là một cá tính tồn tại trong đa dạng nhưng lại hết sức độc đáo. Sự độc đáo
này đã làm nên một phong cách riêng biệt – phong cách Mỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét