Thứ Tư, 10 tháng 11, 2021

Câu chuyện Trạng quỳnh làm sứ nhà Thanh nễ sợ

 

TRẠNG QUỲNH VÀ ĐOÀN THỊ ĐIỂM LÀM SỨ NHÀ THANH NỄ SỢ

Truyện Trạng Quỳnh xuất xứ từ thời Lê Trịnh có chút thô tục, tuy không có chính sử chép lại, nhưng cũng xin mạn phép đưa vào đây để hầu bạn đọc:

Năm ấy, được tin sứ nhà Thanh khét tiếng hống hách sắp sang nước ta, vua Lê, chúa Trịnh tỏ ý lo ngại. Tin vào tài ứng đối của Quỳnh, triều thần giao cho trạng giữ việc tiếp sứ. Vốn là bạn cùng học lại đã quá rõ tài nhau nên Quỳnh xin vua triệu bà Đoàn Thị Điểm cùng giúp mình. Trạng đóng vai người lái đò chở phái bộ sứ Tàu, còn bà Đoàn Thị Điểm đóng vai cô bán hàng ở một ngôi quán nhỏ bên bờ sông Cái.


Thời ấy, phụ nữ Việt đều mặc váy, điều này được lưu truyền qua bài ca dao:

Tháng Tám có chiếu vua ra, 
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng, 

Mấy tên trong sứ bộ Tàu vừa đến nước ta, ngang qua ngôi quán bà Điểm, nhác trông cô hàng nước xinh tươi óng ả, mặc váy lại ngồi ở bờ sông lộng gió nên váy có lúc “phất phơ”, sứ Tàu thấy thế liền thả lời bỡn cợt. Một tên líu lớ đọc bâng quơ:

– Nam bang nhất thốn thổ bất tri kỷ nhân canh.

Vế câu đối này hàm ý lố bịch, tục tĩu có thể ngầm hiểu là “An Nam bay chỉ có tấc đất, mà chẳng biết có bao nhiêu người “cày” lên đó”. Ý nói mỉa đàn bà nước này lẳng lơ.

Bà Điểm đang nhai trầu, nhổ toẹt một bãi nước cốt xuống đất, nói trống không:

– Bắc quốc chư đại phu, giai do thử đồ xuất. Ý là Bọn quan to, ông lớn ở nước phương Bắc đều từ chỗ ấy mà chui ra cả.

Câu đối lọt vào tai bọn sứ bộ, chúng giật mình, câm họng.

Lưu ý: Thị Điểm dùng chữ “ Bắc quốc chư đại phu” là rất đắt, có bản nói là “đại trượng phu”. Xưa quan võ giỏi khi điểm binh thường được gọi là “chư tướng”. Quan văn chức to khi hầu vua gọi là “chư đại phu”. Chắc vì ngoại giao phải giữ thể diện nên Thị Điểm không dùng chữ “Bắc quốc đại hoàng đế” mà chỉ nói đến “ Bắc quốc chư đại phu “ thôi. 

“Đòn”đủ tầm, vừa thật hay, vừa tỏ ý khinh miệt mà đanh đá đáo để!

Tiếp đến lúc xuống đò, Quỳnh đã mặc giả làm chú lái, cầm sào đợi sẵn… Đò ra giữa dòng sông, một tên trong đoàn sứ bộ hổng ruột, lỡ xổng ra một tiếng “bủm”. Hắn đã không biết sượng mặt, còn đọc một câu chữa thẹn lếu láo:

– Lôi động Nam bang. (Sấm động nước Nam).

Trạng Quỳnh đang cầm chèo, liền đứng thẳng, vạch quần đái vổng cần câu xuống nước mà nói:

– Vũ qua Bắc hải (Mưa qua bể Bắc).

Tên sứ Tàu giận điên tiết, xộc lại định đánh Quỳnh, Quỳnh trở cán chèo thủ thế rồi mắng:

-“Tiền phát lôi, hậu phát vũ, thiên địa chi lý nại hỉ ”
(Sấm động trước, ắt sau sẽ có mưa, luật trời đất là thế)

Cả bọn khách Tàu sửng sốt nhìn nhau, không thốt được một lời vì câu đối đáp bắt bí quá đúng của anh lái đò. Từ đó, cả bọn sứ Tàu bấm nhau ngồi im thin thít.

“Ý tại ngôn ngoại”, văn chương cao diệu thường không thể nói “toạc móng heo treo móng giò” ra được, mà người ta dùng ẩn ý sâu xa để thể hiện ý mình, thế mới gọi là cao thủ!

Qua những câu chuyện kể trên ta hoàn toàn có thể tự hào tài trí Việt Nam, Và đây cũng là bài học sáng giá cho các nhà ngoại giao Việt Nam thời hiện đại trong quan hệ với đại lân bang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét