Ảnh: Lễ hội đền Huyền Trân công chúa được tổ chức hàng năm vào ngày mồng 9 tháng 1 Âm lịch, tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, phường An Tây, thành phố Huế.
CÔNG CHÚA HUYỀN TRÂN
Công chúa Huyền Trân là con gái yêu của Thượng hoàng Trần Nhân Tông và là em gái vua Trần Anh Tông. Huyền Trân chào đời trong khung cảnh đất nước mới trải qua cơn binh biến tàn khốc do nạn ngoại xâm. Giặc Nguyên thất bại thảm hại khi 3 lần rắp tâm thôn tính Đại Việt không thành, nhưng vẫn tìm cách báo thù. Nhiều lần nhà Nguyên cho sứ sang hoạnh họe, bắt bẻ, dọa nạt.
Do vậy, triều đình ngày đêm lo lắng đối phó với kẻ thù. Phía Tây và phía Nam nhiều lần bị giặc quấy phá khiến nhân dân điêu đứng, lầm than. Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã tới nhiều nơi để hoằng pháp giáo lý. Ngài từng đến cả Chiêm Thành tỏ tình hòa hảo, được vua Chiêm Chế Mân và các vị tu hành ở đây vô cùng cảm phục.
Qua bảy, tám tháng sống ở đất Chiêm, Thượng hoàng ngày càng yêu mến mảnh đất này, vốn là nơi có nền văn hóa cổ sơ, người dân lại có tài xây dựng đền đài chùa tháp. Đồng thời, người muốn xóa đi mối hận thù, mặc cảm Chiêm – Việt từ bao đời nên hứa gả con gái yêu Huyền Trân cho Chế Mân. Thượng hoàng hẹn sau 4 năm khi công chúa đủ 18 tuổi thì sẽ cho Chế Mân mang sính lễ sang cầu hôn.
Trở về nước, vua Trần Nhân Tông kể về chuyến du hành phương Nam và ông vua trẻ Chế Mân văn võ song toàn cho con gái Huyền Trân. Người bảo Huyền Trân giơ bàn tay lên và nói: “Con có thấy trên bàn tay con có hình bóng của Phụ hoàng và Thái hậu không? Trên bàn tay con không những có ta, có mẹ con mà còn có cả giống nòi đất nước”. Câu nói đầy ý nghĩa ấy khiến Công chúa Huyền Trân hiểu được trọng trách mà Phụ hoàng giao phó trên đôi vai bé nhỏ của mình.
Tháng 6/1306, đoàn thuyền Chiêm Thành trang hoàng lộng lẫy ra
Thăng Long làm lễ rước dâu. Huyền Trân gạt nước mắt xuống thuyền xuôi nam để
trở thành hoàng hậu Chiêm Thành khi mới 19 tuổi. Và cũng từ đó, 2 châu Ô – Lý
trở thành đất Thuận Hóa của Đại Việt.
Sính lễ hai châu ngàn thuở
hưởng
Giai nhân muôn dặm một đời
đau. (Thơ Ngô Thì Nhậm)
Có thể nói đây là một cuộc hôn nhân mang đậm màu sắc chính trị đã mang đến cho
Đại Việt đất đai của hai châu Ô và châu Lý (năm 1307 được vua Trần Anh Tông đổi
thành Thuận Châu và Hóa Châu). Các huyện Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị ngày
nay) và huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà (thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế ngày
nay) thuộc Thuận Châu xưa. Các huyện Phú Lộc, Phú Vang (Thừa Thiên Huế) và Hòa
Vang (Đà Nẵng), Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên (Quảng Nam) thuộc Hóa Châu xưa.
Về Chiêm Thành, Huyền Trân được phong làm hoàng hậu Paramecvari. Xinh đẹp lại
hiểu biết, Huyền Trân được vua Chế Mân vô cùng yêu quý. Chưa đầy một năm bà
sinh được con trai, đặt tên là Đa Da, lập tức được sách phong làm Thế tử. Tháng
5/1307, vua Chế Mân qua đời. Theo tục lệ Chiêm Thành, vua chết hoàng hậu phải
lên giàn lửa chết theo. Tháng 9 sứ giả Chiêm Thành sang Đại Việt báo tin, vua
Trần Anh Tông lo sợ cho tính mạng của em gái, lập tức sai Thượng thư Trần Khắc
Chung và An phủ sứ Đặng Văn đem thuyền sang lấy cớ viếng tang tìm cách đón bà
cùng con trai về nước.
Khi sang nước Chiêm, Trần Khắc Chung đã nói với người Chiêm rằng
“nếu công chúa hỏa táng thì không ai chủ trương làm việc chay, chi bằng hãy ra
bờ biển làm lễ chiêu hồn, đón linh hồn về, rồi công chúa sẽ lên giàn thiêu”. Khi
ra đến biển, Trần Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp công chúa đưa về Đại Việt.
Mới 20 tuổi, hôn nhân đang dang dở, phải lìa xa đứa con trai vừa lọt lòng,
Thượng hoàng Trần Nhân Tông qua đời năm 1308 đã làm Huyền Trân kiệt sức. Chỉ
trong vòng 2 năm, những khổ đau dồn dập khiến bà hoang mang chán nản không còn
thiết tha với cõi đời. Mùa xuân năm 1309, sau hơn một năm về lại Thăng Long,
Huyền Trân công chúa bỏ hết lầu son gác tía theo cha quy y cửa Phật, làm bạn
với câu kinh tiếng kệ tại núi Trâu Sơn (nay thuộc Bắc Ninh) dưới sự chứng minh
của Quốc sư Bảo Pháp và được ban pháp danh là Hương Tràng.
Năm 1311 bà về lập am riêng dưới chân núi Hổ thuộc làng Hổ Sơn, huyện Thiên Bản (nay là xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) để tu hành. Am này về sau được dựng thành chùa, tức chùa Nộn Sơn (Quảng Nghiêm tự ngày nay).
Trong thời
gian tu hành, bà đã giúp dân các vùng lân cận dựng làng lập ấp. Tương truyền bà
đã lập ra 36 ngôi làng ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Vì vậy cho đến nay,
bà vẫn là một trong ba vị Thành hoàng được thờ tại xã An Ninh (làng Dành – nay
thuộc huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), bởi làng Dành chính là một trong những
ngôi làng được bà góp sức dựng nên. Trải các triều đại bà được bao phong là
Trung đẳng thần.
Năm 1340, bà ngọa bệnh rồi qua đời tại chùa Nộn Sơn, dân làng thương tiếc lập đền
thờ bà bên cạnh chùa, bà được tôn gọi là Thần Mẫu. Hình tượng công chúa Huyền Trân đã trở thành một tấm gương sáng trong lịch sử
đấu tranh dựng nước và giữ nước của vương triều Trần.
Đến thời Nguyễn, bà được sắc phong là Trai tĩnh Trung đẳng thần vì có nhiều linh ứng và có công trong việc giữ nước giúp dân, đền thờ bà được lập trên núi Ngũ Phong ở Huế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét