Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2021

Tư tưởng giáo dục của Khổng Tử

 

TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC CỦA KHỔNG TỬ


Khổng Tử đề cao vai trò và vị trí của con người trong xã hội. Ông xem con người là vấn đề quan trọng nhất dẫn đến sự thịnh, suy của một triều đại.

 

Từ đó Khổng Tử đề cao tư tưởng triết học về mục đích của giáo dục là làm cho con người sống đúng với chính danh định phận, đưa con người vô đạo trở về có đạo. Ông đã khái quát và phân chia các mối quan hệ xã hội ra thành những mối quan hệ như: vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bạn bè. Giữa các mối quan hệ đó, đều được quy định bởi những chuẩn mực, giá trị đạo đức nhất định, để đảm bảo cho người nào cũng có trách nhiệm, bổn phận chính đáng của người ấy.

Trong đó, vua phải huệ, tôi phải trung, cha phải từ, con phải hiếu, chồng tình nghĩa, vợ phải tòng, anh phải lương, em kính đễ, bạn bè phải tín nghĩa. Để xã hội ổn định theo Khổng Tử, ai mang danh nào thì phải sống và hành xử với đúng với cái danh đó.

 

Phương pháp hiệu quả nhất để ổn định trật tự xã hội là phải thực hiện giáo hóa đạo đức bằng lễ nghĩa cho mọi người chứ không phải bằng hình pháp. Vì. “Nếu nhà cầm quyền chuyên dùng pháp chế, cấm lệnh mà dẫn dắt dân chúng; chuyên dùng hình phạt mà trị dân, thì dân sợ mà chẳng phạm phép đó thôi, chớ họ chẳng biết hổ ngươi. Vậy muốn dẫn dắt dân chúng, nhà cầm quyền phải dùng đức hạnh; muốn trị dân, nhà cầm quyền phải dùng lễ tiết”.

 

Theo Khổng Tử, con người nếu không được giáo dục, thì dù tâm có tốt đẹp, ngay thẳng như thế nào đi nữa thì cũng bị cái ngu muội, phóng đãng, lầm lạc, phản loạn che lấp. Trong lúc xã hội loạn lạc không ra làm quan giúp dân cứu đời không phải là người trí, không phải là người nhân. Như vậy giáo dục được xem như phương tiện quan trọng để khẳng định vai trò và vị trí của con người trong thế giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét