"CHÚNG TA THƯỜNG ĐÁNH GIÁ NGƯỜI KHÁC THEO TIÊU CHUẨN CỦA MÌNH NHƯNG SAU ĐÓ LẠI GIÀNH CẢ ĐỜI CỦA MÌNH ĐỂ SỐNG THEO TIÊU CHUẨN CỦA NGƯỜI KHÁC"
“Mỗi người sinh ra là một nguyên bản” mang một cá tính riêng biệt, một dân tộc, một tôn giáo, một hoàn cảnh, một điều kiện khác nhau. Mỗi cá nhân là một màu sắc và hơn hết là họ có quyền được tôn trọng màu sắc cá nhân đấy. Vì vậy trước hết chúng ta cần học cách tôn trọng màu sắc cá nhân đấy trước khi dùng lăng kính chủ quan của cá nhân. Nhưng dù có làm được vậy đi chăng nữa thì việc nhìn nhận và đánh giá người khác cũng chưa bao giờ là khó khăn và cũng chưa bao giờ là dễ dàng đến thế.
Nam Cao từng đã phải thốt lên rằng “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi...toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương...Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất.” Chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể biết được một ai nếu chính chúng ta không bao giờ thực sự “cố tìm và hiểu họ”.
Muốn hiểu và nhìn nhận người khác, trước tiên chúng ta nên hiểu chính bản thân mình trước, hãy là chính bản thân mình mà không phải là ai khác khi nhìn nhận người khác. Bởi lẽ khi bạn là chính mình, bạn hiểu được mình, bạn sẽ có hệ quy chiếu riêng của chính mình, bạn sẽ có một nội tại cố định để có thể nhìn thấu và bao quát và vươn xa hơn những gì bạn thấy. Thay vì luôn bị dao động theo ý kiến đám đông để dần dần ta cũng sẽ mất đi bản sắc cá nhân mình và tệ hơn là sống cuộc đời mình theo người khác và sống cuộc sống người khác thay vì cuộc sống của chính mình và nỗ lực không mệt mỏi cả đời sống theo cuộc sống của bọn họ.
Đánh giá luôn là phương thức để xã hội thay đổi phát triển. Yêu ghét ai là chuyện của cá nhân chúng ta, chúng ta có quyền quyết định tự cho bản thân mình yêu hay ghét một người trong phạm vi giới hạn của chính bản thân chúng ta nhưng không có nghĩa là chúng ta có quyền bắt tất cả mọi người phải giống như ta. Những con người vô tội đấy không đáng bị phê phán hay chê trách bởi hiểu biết hạn hẹp của ta. Chúng ta có quyền phê phán cái xấu, ngợi ca cái đẹp. Cái đẹp có thể đích thực là cái đẹp không cần phải hoài nghi, nhưng cái xấu chưa hẳn đã là cái xấu hoàn toàn mà không cần phải nghi ngờ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét